tâm lý nhân vật

TÂM LÝ NHÂN VẬT ANTONIUS BLOCK trong THE SEVENTH SEAL (INGMAR BERGMAN, 1958)

Người viết: Nguyễn Phan Thái Vũ!

img of TÂM LÝ NHÂN VẬT ANTONIUS BLOCK trong THE SEVENTH SEAL (INGMAR BERGMAN, 1958)

Dựa theo lời kể của chính chủ, hiệp sỹ Antonius trước đây là một nhà quý tộc lãng mạn, yêu thơ ca, có một người vợ, những người hậu cận, một lâu đài ấm cúng. Chàng sau này rũ bỏ tất cả để trở thành một hiệp sỹ, chiến đấu vì vinh quang của Chúa. Chàng từ bỏ tình yêu, từ bỏ con người cũ mình. Nhiều năm sau, trở về quê hương sau cuộc Thập tự chinh, Thần Chết ghé thăm Antonius vào buổi sáng hôm ấy. Dẫu biết rằng không ai có thể thoát được quy luật của tạo hóa, nhưng chàng vẫn đề nghị một trận cờ với Thần Chết để chiến đấu vì mạng sống của mình. Chàng muốn Chúa dang rộng đôi tay với mình, xuất hiện trước mặt chàng và trò chuyện với chàng. Antonius muốn xưng tội, “Hãy rủ lòng thương chúng con”, chàng ôm mặt nói trong những giờ phút cuối cùng, “Chúng con nhỏ bé, sợ hãi và thiếu hiểu biết.”, nhưng càng gọi tên Người thì chàng càng chỉ nhìn thấy cái gương soi chiếu chính bản thân mình, cái bản thân đầy dằn vặt tội lỗi và mong cầu sự tha thứ.

Vậy vì sao mà Antonius lại mong cầu sự hiểu biết khi cái Chết đã cận kể? Điều gì ngăn cản chàng chạm đến mong ước đó?

Mọi nhân vật phụ và diễn biến trong phim đều gián tiếp nói lên nỗi sợ hãi của Antonius: “Con giờ sống trong thế giới của ma quỷ, kẻ tội nhân trong chính những giấc mơ của mình” chàng nói. Cuộc Thập tự chinh diễn ra khốc liệt, liên miên, các binh sĩ Châu Âu đổ máu nhân danh vinh quang của Chúa. Ấy vậy mà Chúa lại trừng phạt con người bởi cơn đại dịch hạch bao trùm châu Âu, người chết như ngả rạ (dịch hạch cũng là lí do khiến Antonius và các nhân vật khác qua đời). Họ đổ lỗi cho nhau vì những con ác mộng diễn ra không hồi kết đó, cho rằng Chúa nổi giận vì những tội ác nguyên thủy của họ. Con người sống trong mặc cảm tội lỗi, họ luôn trong trạng thái cần gồng mình chứng minh cho Chúa rằng mình là người công chính, không bị sa vào những tệ nạn, không quản ngại gian nan mà Chúa đem xuống, luôn yêu thương và kính sợ Người hết mực. Họ muốn Chúa thấy được những nỗ lực của họ, giang rộng đôi tay và an ủi họ, cho họ một lời đảm bảo rằng sau khi chết, họ sẽ được lên Thiên Đàng và sống mãi mãi trong tình yêu thương vô hạn… Antonius là nhân vật biểu tượng cho mong ước đó, chàng chính là kẻ khao khát lời đảm bảo của Chúa nhất, chàng đã hết mình cống hiến cho Chúa nhưng vẫn chưa nhận được lời hồi âm.

Đức tin yếu ớt của Antonius đã kéo theo động lực từ bỏ tình yêu của đời mình, “Càng tin càng đau khổ.”, chàng nói. Chàng không tin rằng vợ mình vẫn còn chờ đợi mình sau từng ấy năm. “Niềm tin đó như thể yêu một người trong bóng tối, người mà sẽ không bao giờ trả lời.” Nỗi tuyệt vọng này còn to lớn hơn nỗi sợ chiến tranh, mọi thứ chàng làm đều như để mong chờ những đức tin ấy quay ra đón chàng, như cách người vợ chàng vẫn chờ đợi sau từng ấy năm. Antonius luôn trọng trạng thái chống trả, chống trả lại bản thân mình, chống trả lại quy luật tất yếu của tạo hóa, thà chiến đấu hết mình còn hơn đặt niềm tin vào một thứ bản thân mình không thể chạm đến.

“Khó làm sao để cảm nhận Chúa bằng tri giác người phàm… Làm sao chúng ta tin vào đức tin trong khi không tin chính bản thân mình? Điều gì sẽ đến với ta, những kẻ muốn tin nhưng không thể? Điều gì sẽ xảy với những kẻ không thể có niềm tin?” Antonius đau lòng xưng tội với vị linh mục do Thần Chết cải trang.

Nhân vật Thần Chết là biểu tượng cho nỗi tuyệt vọng, cơn trầm cảm trong lòng Antonius. Hắn bao trùm lên mọi suy nghĩ tích cực của chàng, bao trùm lên cả những vị linh mục đáng kính mà đáng lẽ Antonius có thể yếu đuối chia sẻ nỗi lòng. “Có lẽ chẳng có ai ở đó cả”, hắn tiêm nhiễm vào đầu Antonius nỗi sợ lớn nhất của của chàng. Rằng không có ai chờ đợi, không có ai yêu thương chàng cả. Hắn là một cơn tuyệt vọng to lớn, dai dằng. Ấy vậy mà cái tính anh hùng không đầu hàng của một người hiệp sĩ khiến Antonius nhất quyết không chịu khuất phục trước số phận. Chàng đề xuất Thần Chết một trận cờ.

- Ngươi đến để bắt ta?

- Ta đã theo sau ngươi một thời gian rồi.

- Ta biết.

- Ngươi sẵn sàng chưa?

- Xương thịt ta thì sợ. Còn ta thì không!

Thần Chết tiến tới, giang đôi tay đón Antonius.

- Chờ đã! Ngươi biết chơi cờ phải không? Ta đã thấy trong những bức họa.

- Quả thực, ta là một kỳ thủ giỏi.

- Nhưng không giỏi bằng ta! Antonius mỉm cười tự tin.

Antonius muốn chứng minh chàng giỏi hơn Thần Chết, khiến hắn ta phải chơi một trận cờ và cùng nhau tuân thủ những quy luật của bàn cờ. Phương châm của Antonius cũng giống như nhân vật Sisyphus mà Albert Camus đã nhắc đến, hết mình đẩy tảng đá khổng lồ lên đỉnh núi dẫu biết rồi nó sẽ lại lăn xuống. Họ đều chấp nhận kết cục của tình thế, buộc phải thừa nhận rằng không có cách nào để thoát khỏi nó. Antonius muốn chứng tỏ điều gì? Rằng chàng là một người tốt bụng? Dũng cảm? Chàng không xứng đáng để chết sớm như thế? Ấy vây nhưng nỗi tuyệt vọng - hay Thần Chết - chẳng thể biến mất dễ dàng. Có lẽ rằng Antonius (và cả Sisyphus nữa) đều níu giữ một hy vọng mong manh rằng những nỗ lực và hành động hướng về điều tốt, bất chấp nỗi tuyệt vọng trong mình sẽ là thứ khiến Chúa, hay các vị thần trong chuyện của Sisyphus giang tay đón nhận.

Đạo diễn Ingmar Bergman có sự liên hệ gì với Antonius Block?

Tính cách là một thứ được hình thành từ thuở ấu thơ. Và vì nhiều lí do, Ingmar Bergman đã trải qua nhiều năm vật lộn với nỗi thất vọng về cuộc sống và chuyện hôn nhân. Cậu bé Ingmar suýt mất khi mới sinh ra, người mẹ ốm yếu, không đủ sức khỏe để giành thời gian chăm sóc cho con, gia đình phải nhờ y tá chăm sóc cho ông. Bố Ingmar là một mục sư Lu-te bảo thủ và nghiêm khắc, thường nhốt ông trong hầm tối như một hình phạt cho những sai lầm. Không có gì lạ khi Bergman lớn lên với nỗi sợ cái chết dai dẳng, cùng những mặc cảm về một tình yêu không được đáp lại. Sau này ông cũng trải qua 5 cuộc hôn nhân khác nhau, tất cả đều củng cố thêm những niềm tin bi quan sâu sắc sinh ra từ quá khứ.

Sự im lặng của Chúa trong các phim của Bergman cũng có thể được so sánh với sự bất lực của đứa trẻ khi thiếu vắng hơi mẹ trong những lúc yếu đuối nhất. Bergman để dành những bộ phim của mình cho cuộc đương đầu với bóng tối ấy. “Bộ phim (The Seventh Seal) giúp tôi bớt ám ảnh về cái chết, tất nhiên tôi vẫn nghĩ về nó, nhưng bộ phim giúp tôi làm quen với việc sống với nó hơn. Có thể coi nó như một liều thuốc giải độc ấy.”, Bergman chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.

Có thể nói, Antonius Block là nhân vật đại diện rõ ràng nhất cho những gào thét bên trong của Bergman.

Cái chết là chủ đề chính của The Seventh Seal, bản thân Bergman cũng nhiều lần xác nhận điều này. Cái chết là thứ ám ảnh mọi nhân vật trong câu chuyện, mỗi nhân vật lại là một đại diện, một biểu tượng cho phần tính cách nào đó của tâm thần con người nói chung và của chính Bergman nói riêng (bi quan, dâm dục, lạc lối, hối hận, dằn vặt… và đâu đó vẫn có tích cực, hy vọng). Đêm trường trung cổ tối đen như mực rõ ràng là một môi trường tốt đề từ đó, Bergman khai thác những bóng tối trong mình, cho phép nó được hiển lộ, được xuất hiện và nói ra những bức bối.

Bergman sau này kết hôn với Ingrid von Rosen, kéo dài 24 năm trước khi bà Ingrid qua đời năm 1995. Bergman có lẽ đã học được cách sống chung với nỗi sợ và tìm được tình yêu của đời mình. Vậy còn Antonius thì sao, thuốc giải của chàng ở đâu?

Người kỵ sĩ ấy đã phải chịu chung số phận với những người bạn của mình. Nhưng khác với sự sợ hãi bao trùm Antonius từ đầu phim, giờ đây, chàng không còn phải đối diễn với cái chết một mình; còn người vợ chung thủy Karin, vợ chồng người thợ rèn, người cận vệ Jof và cô nàng câm; tất cả đều có những cách chấp nhận số phận khác nhau.

Gia đình gánh xiếc là một biểu tượng cho hy vọng của bộ phim, dẫu niềm tin của họ có ngờ nghệch, thì cũng phải nói họ đã tạo ra những kỷ niệm đẹp cho Antonius. Người vợ Karin thì là biểu tượng của tình yêu trong phim, hay có thể chính là biểu tượng cho niềm tin mà Antonius không dám tin vì sợ hãi, sự chờ đợi của Karin sau từng ấy năm đã chứng minh những nỗi sợ của Antonius là sai. “Giờ thì em đã thấy, ẩn sâu trong đôi mắt chỉ ẩn nấp nỗi sợ hãi kia, là một chàng trai đã ra đi từ rất lâu rồi.” Antonius nhận ra sự sợ hãi trong mình và học cách tin vào tình yêu một lần nữa. Giống như người vợ vọng phu Karin luôn chờ đợi chồng, như vợ chồng diễn viên hiếu khách và thân thiện.

Có lẽ thời gian đã hết, không còn một nước cờ nào có thể hy vọng cứu vãn được nữa. Nhưng Antonius giờ đây đã đối mặt với tận gốc của nỗi lo sợ, hy vọng dần xuất hiện lại, như luồng sáng xuất hiện ở phía hành lang lâu đài của chàng. “Hãy cảm nhận đi, giây phút cuối cùng, niềm vui được sống!”, Jof nói. Thuốc giải cho những sầu muộn của Antonius là ở đây chứ đâu. Tình yêu vẫn luôn tồn tại quanh chàng, chỉ là nỗi tuyệt vọng đã che mờ nó đi.

Thần Chết mời họ tham gia vào điệu nhảy cuối cùng. “Họ đi ra từ ánh bình minh, trong một điệu nhảy thật nghiêm trang. Xa xa hướng về vùng đất tối. Khi cơn mưa rửa sạch gò má họ. Khỏi muối mặn từ nước mắt đắng cay.”

Một số nhân vật có điểm tương đồng với Antonius Block:

- Guts trong Berserk (1997), dựa theo truyện của tác giả Kentaro Miura

- Linh mục Tomas Ericsson trong Winter Light (1963), đạo diễn Ingmar Bergman

- Linh mục Toller trong First Reformed (2017), đạo diễn Paul Schrader

- Họa sĩ Rublev trong Andrei Rublev (1966), đạo diễn Andrei Tarkovksy

- George Bailey trong It’s a Wonderful Life (1946), đạo diễn Frank Capra.

__________

Bài viết có tham khảo thông tin từ những nguồn sau:

  1. The Seventh Seal (Ingmar Bergman 1958) Turning away from love & what it takes to open a heart again.

  2. Bài phỏng vấn Ingmar Bergman của Melvyn Bragg (1978).


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo