phỏng vấn
WIM WENDERS: "SAU NGÀY PARIS, TEXAS THẮNG CANNES, MỌI THỨ THẬT KHỦNG KHIẾP"
Người viết: Ryan Gilbey (chuyển ngữ bởi Giorgio)
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian, vị đạo diễn kỳ cựu người Đức chia sẻ về người bạn đồng nghiệp Rainer Fassbinder của mình, cũng như việc đối mặt với thành công, thất bại và cách Wenders - giống như các thiên thần trong phim Wings of Desire - hồi tưởng về tác phẩm điện ảnh của mình.
Mặc áo phông Fassbinder đến buổi phỏng vấn với Wim Wenders trông kỳ cục chăng? Rõ ràng là không. “À, Rainer đây!”, Wenders hân hoan vỗ tay cho lựa chọn trang phục ngày hôm đó của tôi. Sau đó, ông nghiến răng: “Tôi vẫn còn cay cậu ta vì đã ra đi sớm như vậy.”
Chúng tôi có mặt tại văn phòng của hãng phân phối phim Curzon ở London, nơi đang phát hành các phiên bản phục chế 8 bộ phim của Wenders, bao gồm kiệt tác đoạt giải Cành cọ vàng năm 1984 “Paris, Texas” và bộ phim giả tưởng Wings of Desire năm 1987, nói về các thiên thần canh giữ thủ đô Berlin bị chia cắt. Vị đạo diễn 76 tuổi xuất hiện với kiểu tóc Quiff màu bạc, đôi mắt tò mò lấp lánh sau cặp kính gọng xanh. Chiếc áo phông của ông, được khoác dưới áo sơ mi trắng và cài nút, in hình một cặp kính 3D anaglyph màu đỏ và xanh. Wenders kéo áo sơ mi của mình ra, tựa như Siêu nhân đang khoe chữ “S” trên ngực, nên tôi có thể nhìn thấy nó. Wenders là một người ủng hộ phim 3D, ông đã quay một số bộ phim của riêng mình ở định dạng này - đáng chú ý nhất là Pina, bộ phim tài liệu năm 2011, kể về biên đạo múa Pina Bausch, trong đó có cảnh các vũ công nhảy tràn ra khỏi sân khấu và xuất hiện trên khắp các con phố, công viên, trên cả các phương tiện giao thông công cộng.
Khi chúng tôi sửa sang phòng họp, Wenders hồi tưởng lại thời điểm tháng 6/1982, khi ông nghe tin Fassbinder, đồng nghiệp cùng thời với mình, đã qua đời ở tuổi 37. “Tôi rời nhà ga ở Munich vào sáng sớm sau khi bước xuống từ chuyến tàu đêm. Nhìn thấy các dòng tiêu đề, tôi ngồi trên bậc thềm nhà ga và khóc như một đứa trẻ suốt 10 phút.”, Wenders thở dài. “Rainer đã làm việc đến mức kiệt sức. Tôi rất giận Rainer khi nhận ra số lượng thuốc ngủ và thuốc giảm đau mà cậu ta đã uống. Phải chi có ai đó có thể nói với cậu ấy rằng không thể sống tiếp như vậy mãi.”
Mặc dù không tương đồng về phong cách làm phim, nhưng cả Wenders, Fassbinder hay Werner Herzog vẫn là những người đi đầu của cuộc cách mạng điện ảnh Đức vào cuối những năm 1960 và 1970. “Khi chúng tôi bắt đầu, điện ảnh Đức đã chết. Không có ngành công nghiệp nào có thể hỗ trợ chúng tôi. Chính sự tương trợ lẫn nhau đã giúp chúng tôi tiếp tục. Không ai trong chúng tôi được biết đến ngay tại quê nhà cho đến khi các bài đánh giá từ London, New York và Paris vang tới nước Đức. Trước tiên, bạn phải được ngợi ca ở một nơi nào đó khác đã.”
Là con trai của một bác sĩ phẫu thuật từ Düsseldorf, Wenders từng học y khoa, sau đó là triết, trước khi kết thúc việc học tại trường điện ảnh ở Munich. Bộ phim tốt nghiệp của ông mang tên “Summer in the City” (1971), có nhạc nền của ban nhạc The Kinks và phong cách phim được lấy cảm hứng từ đạo diễn John Cassavetes. “Khi ấy, Cassavetes là anh hùng lớn của tôi.”, Wenders nói. Tiếp đến là The Goalie’s Anxiety at the Penalty Kick, bộ phim được ông mô tả là “theo phong cách Hitchcock nhưng không có sự hồi hộp, nghẹt thở”. Bản chuyển thể của tiểu thuyết The Scarlet Letter thì không phải là một bộ phim thành công của Wenders. “Tôi không có năng khiếu về trang phục phim. Nó như là phiên bản học theo đạo diễn David Lean, nhưng không hoàn hảo. Tôi đã làm 3 bộ phim theo phong cách đó. Tôi bảo: ‘Tôi sẽ bỏ hết. Nếu đó là làm phim, thì tôi không muốn làm theo cách đó nữa.”
Từ cuộc khủng hoảng đó, đã xuất hiện “Alice in the Cities”, bộ phim năm 1974 của Wenders kể về một nhà văn được giao phụ trách trông nôm một cô bé tên Alice. Bộ phim bắt đầu với cảnh quay chằm chằm vào một chiếc máy bay trên trời và kết thúc bằng cảnh nhìn một đoàn tàu chạy qua vùng nông thôn từ trên cao. Từ đó, Wenders đã thiết lập nên một dạng mới của thể loại “road movie”, với sự đặc trưng từ con mắt của một nhiếp ảnh gia, và trái tim của một người yêu nhạc rock ’n ’roll. Ấn tượng, méo mó, bất mãn nhưng vẫn đầy vui tươi, sức ảnh hưởng của bộ phim vẫn tồn tại cho đến ngày nay. Ví dụ như bộ phim gần đây C’mon C’mon, với sự tham gia của Joaquin Phoenix, thực tế được xem là một phiên bản làm lại từ tác phẩm của của Wenders.
Wenders “lên đường” làm phim mà không có kịch bản, cứ vừa đi với các diễn viên của mình vừa quay từ New York đến Amsterdam, đến Wuppertal, rồi tới Munich. “Tôi quay nhiều cảnh theo thứ tự thời gian trong lúc chúng tôi đang đi du lịch, và nó tạo nên sự khác biệt. Cảm giác như ‘cá gặp nước’ vậy. Tôi luôn nghĩ Alice in the Cities là bộ phim đầu tiên của mình, vì đây là bộ phim đầu tiên mà tôi hoàn toàn là chính mình.” Trải nghiệm thỏa mãn đến mức Wenders và nhà quay phim, Robby Müller, đã lặp lại phong cách ấy ngay lập tức với 2 bộ phim tiếp theo: Wrong Move và Kings of the Road. “Tôi đã nghĩ: ‘Tại sao phải làm phim theo kiểu khác trong khi hướng này đang tiến triển tốt?’”
Wenders đặt tên cho công ty sản xuất phim của mình là Road Movies, và các yếu tố của “road movie” vẫn tồn tại trong “Paris, Texas”, dù bộ phim đó có một tí hơi hướng với phim miền viễn Tây (thể loại yêu thích nhất của Wenders), đặc biệt là The Searchers. Trong Paris, Texas, thay vì đội chiếc mũ Stetson của John Wayne, nhân vật của Harry Dean Stanton đội một chiếc mũ bóng chày màu đỏ cũ mèm, làm kẻ cô độc xuất hiện từ sa mạc, theo dấu chân người vợ “bị đánh cắp”, rồi sau đó lại lặng lẽ rời đi, giống như Wayne trong The Searchers.
Nam chính trong Alice in the Cities - do Rüdiger Vogler thủ vai - là một người đam mê chụp ảnh Polaroid, và câu thoại đầu tiên trong phim xuất phát từ một đứa trẻ hỏi anh ta: “Thưa chú, chú chụp mấy hình này để làm gì?” Tôi đặt câu hỏi tương tự cho Wenders: tại sao Wenders lại làm những bộ phim này? “Tôi cố gắng trở thành chứng nhân cho điều gì đó,” ông trả lời. “Tôi cố gắng gìn giữ những gì tôi chứng kiến. Có những cảm giác về sự bảo tồn mọi vật trong phim của tôi hiện lên ngay từ đầu: phong cảnh, nhà cửa, nhân vật. Việc ghi lại những thước phim ấy rất quý giá. Người chụp nó - chính là tôi, rồi một ngày nào đó sẽ ra đi, nhưng những tấm ảnh vẫn sẽ ở đó.”
Wenders cũng ví bộ phim Wings of Desire, được quay 3 năm trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, như một “một bản tài liệu tuyệt mật về một thành phố không tồn tại nữa”. “Việc làm phim của tôi ngay từ đầu đã mang một khía cạnh tài liệu rất lớn,” Wenders giải thích. “Bây giờ nhìn lại, tôi nghĩ rằng mình đã làm hầu hết các bộ phim viễn tưởng của mình - đặc biệt là Alice in the Cities và Kings of the Road, như thể chúng là phim tài liệu, và sau đó tôi làm phim tài liệu của mình như thể chúng là hư cấu.” Sao làm vậy được? “Với tôi, nhóm Buena Vista Social Club như là một câu chuyện cổ tích. Khi Ry Cooder gặp họ lần đầu ở Havana, những cụ ông nhạc sĩ này đang đi đánh giày. Họ chẳng có gì cả, họ nghèo lắm. Cho đến khi họ trình diễn ở Carnegie Hall và khán giả đang đứng lên vỗ tay, và nhìn họ như là The Beatles vậy. Nếu bạn muốn đạo diễn chúng như một bộ phim hư cấu, thì chúng sẽ trở thành như vậy.”
Dĩ nhiên, việc “sinh lão bệnh tử” chỉ là vấn đề thời gian. “Thật là đau đớn với các thành viên trong Buena Vista Social Club vì trong vòng vài năm, họ đã lần lượt ra đi,” Wenders lặng giọng. Đó là cảm giác mà ông phải làm quen, với việc từng người một trong số các diễn viên từng tham gia các bộ phim của mình qua đời. Gần đây nhất là William Hurt, nam diễn viên trong bộ phim “Until the End of the World”. Trước Hurt là Stanton và Dean Stockwell, hai anh em trên màn ảnh từ phim “Paris, Texas”, và Bruno Ganz, người đóng vai sát thủ bất đắc dĩ trong “The American Friend” và thiên thần trong Wings of Desire và phần 2 của phim, Faraway, So Close!. Solveig Dommartin, nữ diễn viên thủ vai nghệ sĩ xiếc trong “Wings of Desire”, cũng đã qua đời vào năm 2007.
Wenders mỉm cười thích thú khi nghĩ về diễn viên Peter Falk, ngôi sao yêu thích trong phim của Cassavetes. Falk đã tham gia Wings of Desire vào phút chót để đóng vai chính mình sau khi Wenders và trợ lý đạo diễn, Claire Denis (người sau này cũng trở thành một đạo diễn kỳ cựu), nhận ra rằng bộ phim cần một chút gì đó hài hước. “Đúng là một người đàn ông hoạt bát. Tôi đã làm phim với nhiều người không còn trên cõi đời này nữa, vì tôi khởi nghiệp sớm và làm việc với một vài cụ già lúc ấy. Khi xem phim, bạn có thể không biết họ là ai, nhưng bạn sẽ nhận ra giống như họ vẫn đang sống trên màn ảnh vậy. Đó là một trong những năng lực của điện ảnh: biến mọi thứ trở nên bất tử”.
Wings of Desire đã giúp Wenders giành được giải Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Cannes, nhưng không phải ký ức nào liên quan đến Cannes cũng đều vui vẻ. Trong nhiều năm, Spike Lee đã cay cú với Wenders, lúc đó ông là Chủ tịch hội đồng giám khảo của LHP vào năm 1989, khi đã trao giải Cành cọ vàng cho bộ phim “Sex, Lies, and Videotape” của Steven Soderbergh, khiến cho bộ phim “Do the Right Thing” của Lee thua cuộc. Sau này, mối hận thù đó cũng đã không còn - Spike Lee kể với CNN vào năm 2018, rằng nó đã “bị lãng quên từ lâu. Wenders là một nhà làm phim tuyệt vời. Trên tinh thần thiện chí.” Wenders cũng hiểu rõ việc tốn rất nhiều công sức cho một bộ phim và sau đó mọi thứ như “đổ sông đổ bể” khi không được đánh giá cao.
“Buena Vista Social Club”, “Pina” và “The Salt of the Earth” (phim tài liệu nói về nhiếp ảnh gia Sebastião Salgado) đều được đề cử giải Oscar, trong khi các bộ phim viễn tưởng gần đây của Wenders - như Palermo Shooting, Don’t Come, Land of Plenty, và bộ phim 3D Every Thing Will Be Fine - đều không được đánh giá cao.
Liệu Wenders đã trải qua bất kỳ cảm giác tức giận và thất vọng nào theo kiểu của Spike Lee chưa? “Tôi cũng từng trải nghiệm cảm giác này với bộ phim ‘Palermo Shooting’,” Wenders nói với vẻ cáu kỉnh. “Nó được chiếu vào ngày cuối cùng của LHP Cannes. Các nhà phê bình đều cảm thấy mệt mỏi và lãng phí. Phim nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều, và cuối cùng đánh mất cơ hội. ‘Don’t Come Knocking’ cũng bị ‘đối xử’ theo cách tương tự. Nhưng tôi cũng đã làm những bộ phim mà được họ nhiệt liệt chào đón với vòng tay rộng mở, vậy tại sao tôi lại phải phàn nàn?” Không phải thành công nào đến thì mọi thứ sau đó sẽ “thuận buồm xuôi gió”. Khi “Paris, Texas” giành chiến thắng tại Cannes, Wenders chia sẻ: “Mọi thứ sau đó thật khủng khiếp. Nó đã tạo ra một khoảng trống lớn trong cuộc sống của tôi suốt 3 năm liền, vì mọi người đều mong đợi tôi sẽ làm điều đó một lần nữa và đó là điều duy nhất tôi không muốn làm.”
Tại sao những bộ phim gần đây của Wenders không kết nối được với khán giả? “Một số phim đã đi trước thời đại,” ông nói. “Còn những phim khác thì bị bỏ lại phía sau. Đó là một điều khó khăn. Đôi khi chúng không bao giờ kết nối được.” Ở giai đoạn sau, Wenders làm bộ phim The Million Dollar Hotel, do Bono (giọng ca chính của U2) đồng biên kịch và có Mel Gibson đóng vai một đặc vụ FBI. Bộ phim không được đánh giá tốt như mong đợi, khi Gibson gọi nó là “chán khủng khiếp”.
“Ồ, Mel đã giết chết bộ phim,” Wenders đồng ý. “Anh ta diễn rất, rất tốt trong phim đó. Và anh ta đã nghĩ như vậy. Nhưng dự án tiếp theo của anh ta là ‘What Women Want’, và chính đồng nghiệp của anh ta cũng nói: “Nếu anh thực sự muốn phá hỏng What Women Want để thể hiện theo cách như trong Million Dollar Hotel, thì nó chả giúp ích được gì đâu.” Anh ấy quyết định chống đối bộ phim. Để rồi phim không ‘sống’ trước những lời nhận xét của giới phê bình.”
Ít nhất, Wenders có thể nhìn lại những bộ phim của mình, từ Alice in the Cities, dù chúng được yêu thích, bị ghét bỏ hay coi thường, thì Wenders cũng biết rằng đó thực sự là phim do chính mình làm ra. Với ‘Until the End of the World’, khi bản phát hành ban đầu vào năm 1991 có thời lượng chỉ 3 tiếng, theo như hợp đồng với bên phát hành (và ông mỉa mai gọi đó là “bản dựng theo kiểu Reader’s Digest”). Nhưng hiện tại, bộ phim đã có phiên bản kéo dài 5 tiếng. Các đường tàu một ray (monorail) ở Wuppertal, Đức đóng một vai trò không thể thiếu trong ‘Alice in the Cities’ và ‘Pina’, còn các vũ công của Bausch, biểu diễn trong những không gian mở, nhưng lại bị công chúng phớt lờ, giống như các thiên thần trong Wings of Desire hòa mình vào một đám đông bị lãng quên.
Khi khán giả so sánh những lời nói thương yêu và những quan sát của họ về nhân loại, những thiên thần trong Wings of Desire dường như đại diện cho chính vị đạo diễn: từ bi, tò mò và cảnh giác. Wenders cũng cảm nhận được điều này: “Tôi cảm nhận được nhiều mối quan hệ gần gũi đó. Tôi cảm nhận được cách họ nhìn chúng ta, nhìn thành phố và nhìn những người xung quanh, giống như cách tôi tiếp cận với việc làm phim vậy.” Wenders cười và nói tiếp: “Với một cái nhìn trìu mến.”
Lược dịch từ bài phỏng vấn của Ryan Gilbey trên tờ The Guardian
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ