danh sách

NHỮNG MV CA NHẠC TIÊU BIỂU DO DAVID FINCHER ĐẠO DIỄN

Người viết: Gregory Lawrence (dịch bởi Giorgio, Meve)

img of NHỮNG MV CA NHẠC TIÊU BIỂU DO DAVID FINCHER ĐẠO DIỄN

Lược dịch từ trang Collider

Trước khi nổi tiếng với những tác phẩm điện ảnh thuộc thể loại giật gân được khán giả và phê bình yêu thích như Fight Club, Seven, Zodiac,… David Fincher đã bắt đầu sự nghiệp với việc đạo diễn các video âm nhạc của những nghệ sĩ như Madonna, Michael Jackson, George Michael, Billy Idol, Sting,… Bắt đầu với MV đầu tay “Dance This World Away” của ca sĩ Rick Springfield vào năm 1984, ra mắt chỉ 3 năm sau khi MTV được thành lập, dù có thể cảm nhận được vài thiếu sót, nhưng đó cũng là sự thử nghiệm ngày càng phát triển về kỹ thuật xuyên suốt trong những video của Fincher, cũng như có thể thấy được văn hóa đại chúng nói chung đã lan toả được năng lượng và niềm vui trong việc tạo nên hình ảnh với âm nhạc theo cách thuần túy như thế.

Có hai điểm đặc biệt trong những MV ca nhạc do Fincher đạo diễn. Đầu tiên: Sở trường về những hình ảnh biểu tượng tức thời của Fincher là vô đối. Một phần là do hình thức video ca nhạc thời ấy vẫn còn khá non trẻ, nên một số tác phẩm của một vài nghệ sĩ tình cờ trở thành những “biểu tượng đầu tiên”. Sự tự nhiên, bản năng mà Fincher tạo ra qua những hình ảnh trong MV có thể gắn bó và tồn tại trong ý thức của người xem.

Thứ hai: Những đường nét đầy mạnh mẽ được tạo nên từ xung lực của Fincher trong những MV ca nhạc có nhiều sự tương đồng với điện ảnh, không chỉ về mặt thẩm mỹ, mà còn về hình thức kể chuyện, tạo nên một chuẩn mực về việc “một video âm nhạc dường như được ảnh hưởng trực tiếp hoặc gây tiếng vang trong một bộ phim sau này”.

Dưới đây là một vài mô tả về MV của vài ca sĩ tiêu biểu giai đoạn thập niên 80-90 do David Fincher đạo diễn.

Vogue của Madonna (1990)

Được xem như là một trong những MV xuất sắc nhất trong lịch sử âm nhạc, “Vogue” đánh dấu giai đoạn đột phá trong sự nghiệp của Madonna, với cuộc cách mạng ở mảng video ca nhạc. “Vogue” chính là sự kết hợp giữa “Hollywood cổ điển cùng với sự mê hoặc từ văn hoá đương đại”. Bản thân Madonna đã mượn ý tưởng “mốt” từ văn hóa phòng nhảy của giới LGBTQ + ở thành phố New York, kết hợp nó vào lời bài hát và mô tả chúng qua những hình ảnh mang đậm phong cách Hollywood cổ điển, đặc biệt là lời bài hát có nhắc đến tên các diễn viên thời Old Hollywood. Bài hát thuộc thể loại nhạc house điện tử, phù hợp cho những sàn nhảy ở vũ trường. Fincher đã kết hợp nhiều kiểu văn hóa khác nhau, từ bình dân đến thượng lưu, cổ điển và hiện đại để tạo nên một video âm nhạc vô cùng ấn tượng.

Giống như hầu hết các tác phẩm video âm nhạc trước đây của Fincher, ta có thể nhận thấy được ngôn ngữ và kỹ thuật điện ảnh mà ông tạo nên. Ở MV này, những cảnh quay đen trắng có độ tương phản màu sắc cao, tạo nên những hình ảnh đầy ấn tượng. Ông đã tận dụng nhiều mảng tối và sáng, đồng thời tận dụng những khoảng không gian hẹp ở giữa. Madonna hoá thân thành nhân vật chính trong MV đang tuyệt vọng khi cố gắng hòa nhập vào một thế giới đầy áp bức mà cô ấy không hiểu nổi và phải đưa ra các quy tắc của riêng mình như một phản ứng. “Strike a pose, change the world” (Hãy tạo dáng và thay đổi thế giới), như trong lời bài hát “Vogue”.

Englishman in New York (1988) của Sting

Câu chuyện về người ngoại quốc luôn phá vỡ những quy tắc vốn có xung quanh họ đã hiển hiện ngay ở tên bài hát: “Englishman in New York”. Fincher rất yêu thích câu chuyện này, ông đã tạo thêm hiệu ứng “siêu âm thanh” để có những “điểm nhấn” đưa chúng có tầm vóc và vai trò ngang với kĩ thuật làm phim cổ điển. Fincher cũng tìm thấy niềm vui trong việc kết hợp giữa âm thanh và chuyển động một cách thuần khiết, ông điều chỉnh cường độ bảng màu tương phản trong MV để tạo nên những cảnh quay trắng đen dù hơi thừa sáng nhưng vẫn tạo nên sự hợp lí. Khung cảnh “sống động” trong MV khiến ta liên tưởng đến bộ phim “The Girl with the Dragon Tattoo” của chính Fincher, đặc biệt là khi ta có thể thấy hơi thở lạnh lẽo của nhân vật qua ánh đèn leo lắt. Và rồi sự yên bình ấy bị phá vỡ, giai điệu êm dịu có chủ ý của Sting cất lên.

Janie’s Got a Gun của Aerosmith (1989)

Trong MV “Janie’s Got a Gun”, Fincher đã biến hoá nó. Ông đã được ban tặng một bài hát có câu chuyện về nỗi ám ảnh tâm lý, sự tha hóa của tầng lớp thượng lưu và g.iết chóc; chúng cũng chính là những chủ đề được ông khai thác sau này trong các bộ phim Seven, Gone Girl, The Girl with the Dragon Tattoo và Mindhunter. Fincher không những đáp ứng đủ mà còn khai thác triệt để không chỉ ở mỗi nội dung, mà còn ở nhiều yếu tố khác để tạo nên MV này. Nhờ vậy, “Janie’s Got a Gun” chính là một trong những MV mang tính sáng tạo nhất của ông. Janie là nữ chính hoàn hảo dành cho Fincher, một cô gái trẻ bị những thứ ngột ngạt xung quanh áp bức, đánh đập tàn bạo đến nỗi dường như cô bị chết chìm trong đó. Cô phải chống trả, phải dùng đến tội ác để trả thù chúng. Tất cả đều được truyền đạt bằng các kỹ thuật vô cùng tuyệt hảo của Fincher. Những khung cảnh xám xịt, bóng tối với độ tương phản màu sắc cao làm cho cảnh quan thành phố trông thật hoang tàn và đáng sợ. Máy quay luôn lưu động và di chuyển khắp mọi góc của các cảnh quay mang không khí ngột ngạt bằng sự kiểm soát, kỹ thuật và động lực. Fincher cũng đã liên hệ sự “bạo lực hóa” này để tạo nên một trong những tác phẩm điện ảnh tiêu biểu nhất trong sự nghiệp của mình, đó chính là Fight Club.


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo