phân tích
L'AVVENTURA VÀ ĐIỆN ẢNH GIẢI PHÓNG
Người viết: Nguyễn Phan Thái Vũ!
Gần đây mình có dịp xem lại kinh điển L’Avventura của Michenlangelo Antonioni trong một buổi chiếu phim ấm cúng do @chi.nema tổ chức. Xem xong phim, mình và người bạn mình chỉ ra ngoài hút thuốc và không nói gì hết, không biết cảm nhận gì mà cũng không biết mình muốn nghĩ cái gì nữa, có lẽ chỉ còn có gì đó xa lánh kỳ lạ, thứ dư âm còn xót lại của bộ phim.
Quay về năm 1960, L’Avventura sau khi được trình chiếu lần đầu tiên ở LHP Cannes đã nhận về cơn mưa chỉ trích và giễu cợt, đến nỗi Monica Vitti (thủ vai Claudia) phải chạy ra ngoài trong nước mắt. Trớ trêu thay, phim lại được giới phê bình và các đạo diễn ưu ái, họ trao cho phim giải Ban Giám Khảo.
L’Avventura bắt đầu bộ phim với nữ chính Anna cùng một nhóm bạn tới thăm thú ở một hòn đảo phía Nam Italy. Nhưng chẳng lâu sau, Anna bỗng mất tích mà không có lý do rõ ràng. Sau khi cả đoàn nhờ tới cứu hộ mà vẫn không đạt được kết quả, hôn phu của Anna bỗng nảy sinh tình cảm với Claudia (bạn thân của Anna), Claudia lưỡng lự từ chối vì không muốn phản bội bạn mình. Hai người họ sau đó ngày càng gần gũi hơn khi cùng nhau điều tra tin tức về sự mất tích của Anna, nhưng khi những manh mối dần lộ ra, họ có vẻ lại chẳng mong gặp lại cô nữa, vì họ yêu nhau mất rồi.
Điều tương tự cũng đã xảy ra với một nữ chính trong phim đó là nhân vật Marion bị sát hại ngay đầu phim Psycho của Hitchcock, ra mắt cùng năm 1960. Điểm tương đồng này tuy được nhắc đến nhiều nhưng lại được nhắc đến như để ám chỉ sự cách tân trong cách khai thác tác phẩm của đạo diễn Antonioni. Bởi cho đến cùng, cái kết của Marion là cái chết và nằm dưới vũng bùn, còn L’Avventura vẫn không nói ra lí do biến mất và tung tích của nhân vật chính Claudia, những người bạn của cô sau đó cũng quên đi sự tồn tại của nhân vật này. Bản thân Antonioni, khi được hỏi về vấn đề này đã trả lời rằng chính ông cũng không biết chuyện gì đã xảy ra với cô gái mất tích trong phim ông, hay nói cách khác, Antonioni tiếp cận bộ phim của chính mình cũng với một cách xa lạ không kém gì khán giả cả, mọi thứ cần biết đều đã nằm trong 2 tiếng rưỡi thời lượng. Quan điểm thú vị. Antonioni vừa kể được một câu chuyện về sự xa lạ và mong manh về nhân sinh cho khán giả; mà lại vẫn giữ được phần nào đó sự bí ẩn dành riêng cho mình.
Khi được hỏi về sự bất bình thường trong phim đã khiến khán giả bối rối, Antonioni đã trích dẫn Lucretius: “Không có gì xuất hiện là bình thường trong một thế giới nơi mọi thứ đều không chắc chắn. Điều chắc chắn duy nhất là có một thế lực nào đó khiến cho mọi thứ trở nên như vậy.” Cái sự không chắc chắn mà Antonioni nhắc tới rõ ràng là hiện hữu trong từng giây mà L’Avventura được chiếu lên, nơi mọi hành động của các nhân vật đều không có động cơ rõ ràng, đối thoại như để giết thời gian, góc quay các cuộc đối thoại thì nhân vật còn chả thèm nhìn mặt nhau, còn Claudia của Monica Vitti thì bỗng dưng trở thành nhân vật chính sau khi Anna biến mất. Claudia như một vị khách xa lạ, liên tục bị trôi dạt hết từ khung hình này tới khung hình khác. Khán giả khao khát muốn tìm hiểu đầu đuôi ngọn ngành nhưng lại bị chặn lại bởi một cánh cửa vô hình, cánh cửa mà chính đạo diễn cũng cố tính vứt đi vì bản thân ông ta cũng không muốn biết.
L’Avventura vứt bỏ hoàn toàn lý thuyết kịch bản ba hồi mà Hollywood vỗ ngực tự hào. Khán giả cười chê L’Avventura vì họ không được ăn cái mà họ thèm khát, còn Antonioni thì có lẽ cũng chẳng quan tâm, bởi ông đã tạo ra cả một ngôn ngữ điện ảnh mới mà các thế hệ đạo diễn sau này luôn noi theo, như Martin Scorsese đã nói về Michenlangelo Antonioni là người đã thả tự do cho điện ảnh là vì vậy.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ