phân tích
CU LI KHÔNG BAO GIỜ KHÓC - TỪ GÀ LÔI MÀO TRẮNG ĐẾN CU LI VÀ THIÊN THAI
Người viết: Phạm Ngọc Lân (All About Movies dịch)
Sau hành trình nửa năm xuyên suốt các liên hoan quốc tế và gặt hái được nhiều giải thưởng điện ảnh lớn, tác phẩm điện ảnh đầu tay của đạo diễn Phạm Ngọc Lân “Cu Li Không Bao Giờ Khóc” sẽ được CGV chính thức phát hành trong nước từ ngày 15/11/2024.
Nhằm hưởng ứng niềm hân hoan trước thông tin phim sẽ được ra rạp tại Việt Nam trong thời gian sắp đến, All About Movies xin được chuyển ngữ lại một số chia sẻ của đạo diễn Phạm Ngọc Lân về nguồn gốc, ý đồ, cũng như lịch sử tác phẩm trong press kit của bộ phim khi được trình chiếu lần đầu tại liên hoan phim Berlin vừa rồi.
-----------
Câu chuyện về một phụ nữ lớn tuổi giữ chặt mối dây liên hệ với quá khứ và hai người trẻ tuổi đứng trước quyết định hôn nhân. Đời sống hiện tại và những dư âm phức tạp của lịch sử Việt Nam từ đó đan xen lẫn nhau dưới góc nhìn trầm mặc, chiêm nghiệm và thơ ca.
Trong tiếng việt, “cu li” được dùng với 3 ý nghĩa:
-
Phiên âm của từ mượn “coolie” trong tiếng Pháp, ám chỉ một người lao động chân tay thu nhập thấp, thường dùng với ý khinh miệt.
-
Một loài linh trưởng thuộc phân bộ Linh trưởng mũi cong. Ở Việt Nam có hai loài cu li- loài to và loài nhỏ. Trong đó, loài nhỏ (hay còn được gọi là Nycticebus pygmaeus) là loài đặc hữu của bán đảo Đông Dương và Nam Trung Quốc. Ở một số địa phương gọi là con khỉ gió, cù lần, con xấu hổ.
-
Cu li còn là tên gọi cho loài cây dương xỉ cẩu tích - tên khoa học là Cibotium Barometz. Một loài dương xỉ đặc biệt mọc trong rừng nhiệt đới ở châu Á, có lá to, phân nhánh, thân và rễ màu nâu sẫm. Trong y học cổ truyền phương Đông, cẩu tích là một loại cây có khả năng chữa các loại bệnh đau lưng, gân và xương khớp.
Vào năm 2015, tôi có cơ hội được đi cùng một đoàn tổ chức bảo tồn động vật hoang dã dọc theo vùng Khe Nước Trong ở tỉnh Quảng Bình để thu thập hình ảnh về môi trường sống của loài Gà Lôi Lam Mào Trắng. Hành trình xuyên rừng dài dẳng và vất vả hơn tôi nghĩ, thế nhưng những câu chuyện tôi có được trên chuyến đi về loài Gà Lôi Mào Trắng này đã từ đó trở thành nguồn cảm hứng cho sự ra đời của Cu Li Không Bao Giờ Khóc.
Gà Lôi Mào Trắng là loài chim đặc hữu của rừng nhiệt đới Việt Nam, giống như loài cu li. Nhà điểu học Alphonse Milne-Edwards đã phát hiện ra và phân loại nó vào năm 1896 – khi Việt Nam vẫn còn là một thuộc địa của Pháp. Nhằm phục vụ mục đích nghiên cứu nên một vài cặp gà lôi này đã được mang sang Pháp. Hơn một trăm năm sau, khi quần thể của chúng ở Châu Âu đã đạt lên đến hơn 1000 con thì mọi người lại bắt đầu nhận ra rằng chúng đã gần như tuyệt chủng ở Việt Nam. Vì thế đã nổ một chiến dịch lớn gần đây nhằm đưa những loài con cháu của giống gà lôi này trở về trở lại vùng đất tổ tiên của mình.
Nhưng những nhà bảo tồn sinh vật đều nhận ra rằng không chỉ có loài chim trĩ này đã thay đổi trong thời gian xa đất tổ, mà những cánh rừng nhiệt đới nơi chúng từng trú ngụ giờ đây cũng không còn như trước. Thiên nhiên Việt Nam từ lâu đã được coi là chốn thiên đường hoang dã cho các loài chim chóc và linh trưởng, thế nhưng sau nhiều năm bị chiến tranh tàn phá và tái thiết, chúng giờ đây đã thay đổi rất nhiều. Do đó để đảm bảo sự thành công cho dự án tái định cư loài gà lôi này, một chiến dịch thứ cấp đã được tiến hành nhằm khôi phục lại những cánh rừng nhiệt đời trở lại thành môi trường sống thích hợp cho chúng.
Tuy rằng ta cũng có thể coi đó như một cuộc hồi hương của chúng về nơi từng được mệnh danh là chốn thiên đường. Thế nhưng với riêng tôi, có điều gì đấy về việc đưa một loại sinh vật vô tình bị di cư sang châu Âu trở về với vùng đất tổ tiên mình lại cảm giác phần nào vô nghĩa, cũng như gợi lên vô số những câu hỏi hiện sinh và mối liên hệ hài hước không chỉ với cuộc sống chúng ta mà còn trong cuộc sống tưởng tượng cá nhân những người thân và ký ức ấu thơ tôi.
Nó cũng làm tôi nhớ đến những phân mảnh lịch sử gia đình bên nội tôi, khi các cô chú anh chị của bố tôi cùng hàng chục nghìn người Việt Nam khác vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990 đã cố gắng vượt biên di cư sang Đông Đức và Liên Xô – nơi từng được mệnh danh là xứ thiên đường của xã hội chủ nghĩa.
Nó cũng gợi lên trong tâm trí tôi ca khúc Thiên Thai (*) mà bà tôi từng hát ru cho tôi khi còn bé. Câu chuyện trong bài hát được dựa trên một thần thoại Trung Hoa kể về hai người chàng trai lang thang đi tìm nơi chốn thần tiên mà theo lời tác giả (nhạc sĩ Văn Cao) là một phép ẩn dụ cho miền đất hứa, thế nhưng cũng theo ông “không ai tìm được (nó) trên cái cõi thế gian này, tìm mãi trong những hoài niệm của mình tuổi thanh niên, thì nhớ ra rằng có lần tìm ra được”
Tiêu đề Cu Li Không Bao Giờ Khóc của phim là một phép ẩn dụ cho sự kiên định của nhân vật chính trước những thay đổi của thời đại. Nhân vật bà Nguyện mang theo mình một quá khứ gắn liền với những gánh nặng của lịch sử và thời gian. Cũng giống như người cô- chị gái của bố tôi - bà Nguyện thuộc thành phần trong số những người lao động, sinh viên và chuyên gia được cho ra nước ngoài công tác trước năm 1990 - điều khiến cô cũng trở thành như một cu li trong giai đoạn ấy. Bà Nguyện lấy được một người chồng ngoại quốc và vì thế đã suýt nữa có được cuộc sống trong mơ ở nước ngoài trước khi phải trở về Việt Nam để chăm sóc người cháu gái bị bỏ rơi của mình.
Như giòng nước chảy trên sông cũng có thể được coi như giòng chảy của thời gian, hành trình của bà Nguyện lên thượng nguồn để rải hài cốt lần nữa tại nhà máy thủy điện cũ phần nào cũng giống như hành trình của bà về quá khứ, truy tìm lại cội nguồn ký ức điều đã ngăn can và làm rẽ hướng thanh xuân của bà.
Dưới góc nhìn của một người thuộc thế hệ sau như tôi, những câu chuyện cá nhân như của bà Nguyện, cô, chú, bố mẹ tôi đều là những câu chuyện bị che khuất trong màn sương của thời gian, hoàn cảnh lịch sử, và những thể chế chính trị. Đó là loại câu chuyện mà chúng ta có thể được đọc hay nghe kể nhưng không thể hiểu được một cách đầy đủ. Thế nên với tôi, Cu Li Không Bao Giờ Khóc như một câu hỏi với nhiều sự nghi hoặc về niềm hạnh phúc mà bà Nguyện, cũng như chúng ta, đang không ngừng tìm kiếm…
- Phạm Ngọc Lân -
(*) Thiên Thai là một ca khúc nổi tiếng ở Việt Nam, là một trong những bài hát hiếm hoi vận dụng cả ba loại âm ngũ khác nhau trong một bài hát: thang âm trong dòng nhạc cổ Trung Hoa, thang âm trong nhạc Việt Nam truyền thống và thang âm trong dòng nhạc của dân tộc thiểu số. Ca khúc được sáng tác bởi nhạc sĩ Văn Cao vào năm 1941, cũng là người sáng tác quốc ca Việt Nam.
Bài hát cũng là nhạc phim chính của Cu Li Không Bao Giờ Khóc.
-----------
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ