phỏng vấn
ĐẠO DIỄN VIỆT LINH: "ĐI LÀM PHIM NHƯ ĐI RA CHIẾN TRẬN"
Người viết: Ette
Phỏng vấn với đạo diễn Việt Linh về tác phẩm Chung Cư (1999) tại LHP Singapore
-------------------
Bài phỏng vấn được thực hiện bởi Richard Phillips cho tờ World Socialist Web Site, chuyển ngữ bởi All About Movies
-------------------
Như nhiều nhà làm phim Việt Nam đương thời, đạo diễn Việt Linh bắt đầu sự nghiệp làm phim của mình từ việc học tập tại Hãng phim Giải Phóng. Từ công việc dựng phim bà dần chuyển sang viết kịch bản cho phim tài liệu sau khi kết thúc khóa học quay phim tại xưởng. Bà sau đó đã được cho ra nước ngoài để tiếp tục công việc học tập về điện ảnh tại Liên Xô.
Chung Cư, phát hành năm 1999, là bộ phim thứ 6 của bà sau một số tác phẩm tiêu biểu như Nơi bình yên chim hót (1986), Phiên tòa cần chánh án (1987), Gánh Xiếc Rong (1989) và Dấu ấn của quỷ dữ (1992).
“Chung Cư” đặt bối cảnh năm sau giải phóng Sài Gòn, mô tả cuộc sống sau những ngày giải phóng của những người cách mạng ngày trở về. Họ được chu cấp cho nơi ở trong miền Nam tại khách sạn Victory, bấy giờ giờ được trưng dụng làm nơi ở của cán bộ đảng và quân đội. Khách sạn thành một nơi chung cư, một thế giới thu nhỏ, nơi có những con người, số phận, mảnh đời khác biệt sinh sống cùng nhau, sớm tự hình thành nên như một xã hội có phân cấp thứ bậc. Cuộc sống từ đó lấy lại quy luật của nó, các mối quan hệ được thiết lập.
Được chuyển thể từ truyện ngắn của tác giả Nguyễn Hồ, đề tài hậu chiến trong phim không nói đến những di chứng bi kịch cũng như thương xót của chiến tranh mà lại khai thác một cách sâu lắng và cảm động qua những biến đổi của khách sạn Victory như một phản ánh về xã hội Việt Nam sau ngày Sài Gòn giải phóng cho đến khi đất nước chuyển sang kinh tế thị trường (Theo tiến sĩ Ngô Phương Lan)
“Chung Cư” được tham dự và dành nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế tại, cũng như là bộ phim đầu tiên của Việt Nam được phát hành thương mại ở nước ngoài. Trong một dịp tại Liên Hoan Phim Singapore vào năm 2000, nhà báo Richard Phillips của tờ World Socialist Web Site đã có cơ hội để trò chuyện cùng Việt Linh tại liên hoan phim Singapore về tác phẩm cũng như một số thực trạng làm phim tại Việt Nam trong thời điểm bấy giờ vào giai đoạn đất nước sau Đổi Mới.
--------------------------------------
𝐑𝐢𝐜𝐡𝐚𝐫𝐝 𝐏𝐡𝐢𝐥𝐥𝐢𝐩𝐬: Cô có thể giải thích thêm về nguốn gốc ý tưởng bộ phim được không?
𝐕𝐢𝐞𝐭 𝐋𝐢𝐧𝐡: “Chung Cư” được lấy ý tưởng từ xã hội Việt Nam đương thời, mà cụ thể hơn là từ truyện ngắn của tác giả Nguyễn Hồ. Nó cũng phần nào đó đến từ trái nghiệm cá nhân của chính tôi. Đây là cách tôi sống sau chiến tranh. Khi còn trẻ tôi đã tham gia kháng chiến và chiến đấu chống Mỹ. Sau giải phóng, tôi được đưa trở về thành phố trên một chiếc xe tải giống như trong phim và cũng sống trong một khu nhà tập thể tương tự.
𝐑𝐢𝐜𝐡𝐚𝐫𝐝 𝐏𝐡𝐢𝐥𝐥𝐢𝐩𝐬: Tác phẩm đề cập đến những sự thay đổi trong nước từ sau năm 1975 mở đầu với những mối bận tâm của nhân vật Thậm về giai đoạn này trong nước. Cô có thể nói thêm một chút về giai đoạn này tại Việt Nam không?
𝐕𝐢𝐞𝐭 𝐋𝐢𝐧𝐡: Tất nhiên trải nghiệm của tôi không giống với Thậm. Tôi là quân tham gia kháng chiến và thế nên cuộc đời tôi cũng phần nào khác với ông ấy. Tôi trở về thành phố từ trong rừng rậm, thế nhưng tôi cũng đã từng gặp rất nhiều người ngoài đời giống các nhân vật trên phim, như thể ông Thậm chẳng hạn. Nói một cách nào đó thì bộ phim cũng có thể được coi như một phản ánh về thực tại đời sống bấy giờ.
𝐑𝐢𝐜𝐡𝐚𝐫𝐝 𝐏𝐡𝐢𝐥𝐥𝐢𝐩𝐬: Cô cũng vào Sài gòn ngày mùng một tháng 5, 1975 sao?
𝐕𝐢𝐞𝐭 𝐋𝐢𝐧𝐡: Tôi vào đến Sài Gòn ngày 30 tháng 4. Tôi đến thẳng từ trong bụi rậm, như cách chúng tôi đã luôn sống đến thời điểm bấy giờ.
𝐑𝐢𝐜𝐡𝐚𝐫𝐝 𝐏𝐡𝐢𝐥𝐥𝐢𝐩𝐬: Thậm không ủng hộ chế độ cũ thế nhưng ông lại gặp nhiều khó khăn trong việc điều chỉnh với cuộc sống dưới chính quyền mới, cô có thể giải thích thêm một số những vấn đề mình đang muốn khai thác trong tác phẩm được không?
𝐕𝐢𝐞𝐭 𝐋𝐢𝐧𝐡: Ông Thậm là một nhân vật mang tính tượng trưng. Không có một ông Thậm thật ở ngoài đời, nhưng ông là một nhân vật tôi dùng để nhìn nhận toàn cảnh xã hội Việt Nam bấy giờ. Khu chung cư trong phim cũng tương tự vậy. Điểm mấu chốt ở đây là không chỉ có riêng ông Thậm gặp khó khăn trong việc điều chỉnh với cuộc sống mới này mà thậm chí nhiều các hộ nhà khác cũng vậy. Người người dân trên thành phố cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thích nghi như những người tham gia kháng chiến vậy.
𝐑𝐢𝐜𝐡𝐚𝐫𝐝 𝐏𝐡𝐢𝐥𝐥𝐢𝐩𝐬: Bộ phim kết thúc với việc Thậm không thể đối mặt được với việc khu nhà tập thể bị gỡ bỏ và dân cư di tản đi. Không biết kết thúc này có liên hệ thế nào với những thay đổi ở Việt Nam hiện nay không?
𝐕𝐢𝐞𝐭 𝐋𝐢𝐧𝐡: Thực ra thì tôi không phản đối kinh tế thị trường, ngược lại tôi nghĩ nó có thể tạo nhiều cơ hội để phát triển cũng như giải quyết một số vấn đề trong nước bây giờ. Hoặc ít ra tôi mong là vậy. Tôi cũng nghĩ điều quan trong là ta hiểu được kinh tế thị trường này là gì và nó nên làm được gì. Chúng ta phải nắm rõ được điều đó. Tất nhiên là nó cũng sẽ tạo ra một số khó khắn như thể được thấy trong phim mà bản thân tôi cho là một câu truyện có phần buồn vui lẫn lộn.
𝐑𝐢𝐜𝐡𝐚𝐫𝐝 𝐏𝐡𝐢𝐥𝐥𝐢𝐩𝐬: Liệu có mối quan ngại nào ở Việt Nam về việc tái thiết mối quan hệ hữu nghị với Hoa Kỳ không?
𝐕𝐢𝐞𝐭 𝐋𝐢𝐧𝐡: Tôi không nghĩ người Việt Nam có bất kỳ sự oán giận nào gì về việc đó cả. Người dân Việt Nam họ muốn quên đi những điều đó. Họ không muốn khơi lại những gì đã xảy ra trong quá khứ bởi vì nó thường không giúp ích hay thay đổi được bất cứ điều gì cả. Nói đúng hơn không phải là họ muốn quên đi quá khứ mà là họ thà nghĩ về tương lai hơn.
𝐑𝐢𝐜𝐡𝐚𝐫𝐝 𝐏𝐡𝐢𝐥𝐥𝐢𝐩𝐬: Thật tiếc là tôi vẫn còn chưa được xem quá nhiều phim Việt Nam. Cánh Đồng Hoang của Nguyễn Hồng Sến làm tôi nhớ đến những tác phẩm hiện thực xã hội của điện ảnh Xô Viết xưa, còn phim của cô làm tôi nhớ đến tác phẩm Để Sống của Trương Nghệ Mưu. Không biết có phong cách làm phim của tác phẩm hoặc đạo diễn nào cô đã noi theo trong lúc thực hiện Chung Cư không hay liệu đây là một cách tiếp cận mới hoàn toàn với cô?
𝐕𝐢𝐞𝐭 𝐋𝐢𝐧𝐡: Tôi không thích nói về phong cách làm phim cho lắm. Vì tôi cũng không thường hay nghĩ đến nó. Tôi đã làm 6 bộ phim và chúng đều rất khác nhau. Thực chất, “phong cách” làm phim với tôi- nếu đó thậm chí còn có phải là thuật ngữ đúng- đến từ cảm nhận và kết cấu của kịch bản cũng như chính quá trình làm phim nhiều hơn. Tôi không biết liệu có đạo diễn cụ thể nào đã làm ảnh hưởng đến lối làm phim của mình hay không nhưng bản thân tôi rất yêu mến phim của Fellini. Những tác phẩm của ông đã truyền cảm hứng cho tôi rất nhiều. Tất nhiên trình độ cũng như cảm quan của tôi không thể nào sánh được bằng ông nhưng ông là một trong những đạo diễn yêu thích nhất của tôi.
Để trả lời cho câu hỏi của anh thì tôi không nghĩ về phong cách khi thực hiện một dự án nào đấy mà tôi sẽ phát triến nó dựa trên những gì tôi cảm nhận được từ chất liệu của nó.
𝐑𝐢𝐜𝐡𝐚𝐫𝐝 𝐏𝐡𝐢𝐥𝐥𝐢𝐩𝐬: Đây là bộ phim sau hơn 7 năm kể từ tác phẩm trước của cô là Dấu ấn của quỷ dữ (1992) rồi. Điều gì khiến cô tạm ngưng việc làm phim lâu đến thế?
𝐕𝐢𝐞𝐭 𝐋𝐢𝐧𝐡: Lý do đầu tiên là tôi phải tìm được một kịch bản mình ưng ý trước đã. Lý do thứ hai là Cục không phê duyệt cho những kịch bản phim tôi muốn làm, thế nên biết đâu lại phải thêm chừng 7 năm nữa cho đến khi tôi tìm được một cái kịch bản thích hợp được Cục phê duyệt. Do các quỹ sản xuất đều thuộc của ban chính phủ nên họ chỉ chi tiền cho những phim nào họ thích. Tất nhiên là… [cười] nếu anh có tiền thì tôi cũng không ngại cho anh xem một số kịch bản tôi ưng ý.
𝐑𝐢𝐜𝐡𝐚𝐫𝐝 𝐏𝐡𝐢𝐥𝐥𝐢𝐩𝐬: Kinh phí sản xuất Chung Cư là bao nhiêu và liệu cô đã tìm được nhà phân phối quốc tế nào cho bộ phim chưa?
𝐕𝐢𝐞𝐭 𝐋𝐢𝐧𝐡: Bộ phim được thực hiện với kinh phí rất thấp. Thậm chí còn không đến $200,000. Anh chắc hẳn cũng biết đến phim Ba Mùa (được Hoa Kỳ đồng sản xuất), bộ phim đó có kinh phí lên đến 3 triệu đô. Kinh phí của Chung Cư còn không bằng một góc so với nó. Đây là vấn đề chung đối của cá nhà làm phim Việt Nam hiện nay. Tôi có một kịch bản phim tôi đã muốn thực hiện được gần 10 năm nay rồi nhưng tôi sẽ phải cần đến đâu đó tầm $600,000 để làm ra được nó. Một khoảng tiền chỉ biết cầu trời để kiếm ở Việt Nam.
Làm phim ở Việt Nam là điều vô cùng khó khăn và gian khổ, bởi các trang thiết bị trong nước hiện đã cũ đến mức có thể đem vào viện bảo tàng trưng bày. Máy quay thì còn tạm chấp nhận được nhưng những thiết bị hỗ trợ khác lại cực kì khan hiếm và nhiều đạo diễn thậm chí còn không có màn monitor để theo dõi được xem là mình đang quay cái gì. Khi thực hiện Chung Cư, chúng tôi chỉ được sử dụng duy nhất một căn phòng, nên chúng tôi cứ phải cố di chuyển đổ đạc và trang trí lại để nó trông khác đi.
Dĩ nhiên điện ảnh là một loại hình nghệ thuật đặc biệt, nó không như hội họa, nó yêu cầu một sự đầu tư về trang thiết bị cũng như nhân lực chất lượng và những điều này đều cần đến tiền. Nhưng bởi quỹ nhà nước rất eo hẹp, thế nên mặc dù có rất nhiều những đạo diễn giỏi tại Việt Nam, họ lại không có nhiều cơ hội làm việc để cải thiện kỹ năng của mình.
Chúng tôi vẫn hay đùa rằng đi làm phim ở Việt Nam cứ như thể đi ra chiến trận. Chúng tôi phải thật hết sức tinh vi. Nó quá chừng khó khăn để mà xoay sở được. Thế nhưng làm việc cùng nhau trong điều kiện như vậy cũng tạo ra một không gian gần gũi và thân mật cho những người trên đoàn.
Những người làm trong ngành phim ảnh này- những đạo diễn, biên kịch, dựng phim, hay diễn viên- họ đều làm vì đam mê. Chứ thực sự là không có cách nào để làm ra tiền hay có được một sự nghiệp tử tế lâu dài trong cái ngành này. Mọi người đều phải có những công việc khác để trang trải cuộc sống. Kinh phí của chúng tôi ít ỏi đến mức diễn viên Nguyễn Minh Trang phải tự trả tiền vé bay về Việt Nam để quay.
Để trả lời câu hỏi còn lại của anh, Chung Cư đã được NHK- một tổ chức phát sóng công cộng của chính phủ Nhật Bản- mua lại, và đã được chiếu tại hai rạp chiếu bóng ở Paris cũng như một vài rạp phim ở Việt Nam. Nó được giới tri thức và phê bình tại Việt Nam đón nhận cũng như được phần lớn những người từng trải trong giai đoạn này đánh giá cao. Thế nhưng ở Việt Nam lại không có mấy văn hóa điện ảnh, và cũng chỉ có thưa thớt một vài rạp chiếu phim tử tế. Nên không may là giới công chúng lại chẳng mấy quan tâm đến phim của tôi, họ thà xem những bộ phim chưởng hoặc các thước video giải trí hơn là đi xem phim tôi.
-------------------
Tác phẩm “Chung Cư” sẽ được chiếu lại với sự góp mặt của cô Việt Linh ê kíp làm phim vào ngày 4/10/2024 tại TP. HCM.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ