phân tích
Phim nghệ thuật và sự phi thị trường
Người viết: All About Movies
Rất buồn với cách phim “nghệ thuật” vẫn cứ bị truyền thông mấy nay rập khuôn, bởi đâu đó cứ mỗi 10 chữ được viết ra về đề tài này thì 5 chữ trong số đó lại là một sự quy chiếu của nó với “phim thị trường” hay cụ thể hơn là với những cái “không” của điện ảnh thị trường.
Tính giải trí trong thương mại trở thành không-giải-trí trong nghệ thuật, tính chất dễ tiếp cận trở thành không-dễ-tiếp-cận, việc hướng đến số đông thành không-dành-cho-số-đông. Phim “nghệ thuật” nói cách khác không phải là phim nghệ thuật mà là phim không-thị-trường
Trong khi điện ảnh “thị trường” vẫn thường được phép tồn tại như một khái niệm độc lập, không phụ thuộc vào bất cứ một mẫu mực nào khác bên ngoài nó, thì “phim nghệ thuật” trong truyền thông lại phải phụ thuộc một cách đối nghịch với những xu hướng thị trường, luôn là những sự khác thường với chính thống, mọi dấu ấn của sự độc đáo và tiếng nói riêng từ đó bị tối nghĩa để trở thành những gì “không thuộc đại chúng” trong khi định nghĩa của chúng ta với những gì gọi là “đại chúng” lại càng ngày càng thu nhỏ để rồi ta đối xử với tất cả những gì không ồn ào, màu mè, là khó xem, khó tiếp cận, thể hiện một quan điểm nghệ thuật tự viên tự mãn không dành cho công chúng.
Phim “nghệ thuật” như một cách nói rút gọn nhiều hình thức biểu đạt ngoài luồng trong điện ảnh khi ấy trở thành một thuật ngữ sáo rỗng, tách rời khỏi sự phát triển theo dòng lịch sử văn hóa và mỹ thuật của chúng để phục vụ cho một sự phân biệt tùy biến.
Ở một khía cạnh nào đó thì sự cô đọng nghĩa của thuật ngữ ấy ấy cho phép nó có thể được hữu dụng trong việc định danh cho việc nghiên cứu và trao đổi, nhưng không phải vì thế mà sự giản lược ấy từ đó định hình đặc tính của chúng như trong truyền thông. Ta trói buộc nghệ thuật trong những vách ngăn của truyền thông tiếp thị để rồi quên đi sự muôn hình đổi dạng của nó vốn chưa bao giờ là những khối nghĩa cứng ngắc bất biến theo thời gian.
Trong khuôn khổ điện ảnh “nghệ thuật’ như cách ta hay gọi luôn tồn tại vô vàn các biểu hiện khác nhau, với những sự “khác biệt” ấy cần đến những miêu tả của riêng của chúng chứ không phải chỉ được gói gọn trong một tư duy nhị nguyên về những gì chúng không phải. Chúng ta liên tục tìm kiếm những khuôn mẫu được khái quát hóa quanh mình để ẩn nấp trong sự quen thuộc tự tạo trong khi không nhận ra rằng chúng thường khác biệt nhiều hơn ta tưởng. Tương tự, sự khác biệt giữa Cu Li Không Bao Giờ Khóc với Bên Trong Vỏ Kén Vàng hay thậm chí với những phim nghệ thuật khác tại Việt Nam là lớn hơn nhiều so với sự tương đồng ta gắn cho chúng. Với những ai đến với điện ảnh đơn thuần là khán giả xem phim, ta vẫn còn đang tự hạn hẹp chính bản thân lại khi vẫn còn níu lấy những sự thân thuộc giản lược ấy. Những thảo luận chuyên môn về tính mỹ thuật cùng các biểu hiện của nó tương tự cũng chỉ có thể vươn đến một khi ta vượt qua những rào cản định kiến về nghệ thuật hay thị trường.
Để trích đạo diễn Phạm Ngọc Lân của Cu Li Không Bao Giờ Khóc “Thưởng thức nghệ thuật cũng là quá trình mỗi cá nhân cần phá vỡ rào cản bên trong để nhìn thế giới cởi mở, ít định kiến, trung thực và chân thành hơn.
Và vì thế, nghệ thuật khiến con người không nhỏ bé, bớt tự ti. Xem và biết cách chấp nhận những kiểu phim hay kiểu nghệ thuật khác nhau và khác với quan điểm của mình thì cũng làm cho mình lớn hơn.”
Bởi thế, vốn dĩ chưa bao giờ là có duy nhất một loại hình điện ảnh ‘nghệ thuật’ mà luôn luôn là nhiều những loại điện ảnh ‘nghệ thuật’ tồn tại song song như những dòng chảy luôn uốn nắn, phân nhánh, dung hòa, liên đới và nối kết lẫn nhau
—------------
Ảnh trích đoạn Cu Li Không Bao Giờ Khóc (2024), ảnh không liên quan gì đến bài
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ