phỏng vấn

KIESLOWSKI VÀ ĐIỆN ẢNH CHẠM ĐẾN CON TIM

Người viết: Nguyễn Phan Thái Vũ!

img of KIESLOWSKI VÀ ĐIỆN ẢNH CHẠM ĐẾN CON TIM

“Tôi không nhớ bản thân đã xem hết phim nào mình làm chưa. Tôi từng tới một buổi công chiếu của mình ở liên hoan phim, Hà Lan thì phải.

Những khán giả tôi yêu quý nhất là những người bảo với tôi rằng phim tôi kể là những câu chuyện về cuộc đời họ, hoặc chúng có ý nghĩa gì đó với họ. Tôi từng gặp một người phụ nữ nọ ở Berlin, chị ấy nhận ra tôi sau “A Short Film About Love” do tôi làm đang được công chiếu ở Đức thời gian đó. Chị ấy nhận ra tôi sau đó thì bật khóc. Người phụ nữ đó khoảng chừng năm mươi tuổi. Chị cảm ơn tôi và kể rằng mối quan hệ giữa chị và người con gái (mười chín tuổi) không mấy tốt đẹp, họ đã không trò chuyện với nhau sau nhiều năm trời dù sống chung dưới một mái nhà. Tất cả những gì họ nói với nhau chỉ là vài lời xã giao như hỏi chìa khóa ai cầm, hay thông báo rằng nhà đã hết bơ,… Vậy mà hôm nọ, sau khi cùng nhau đi xem phim, người con gái đã hôn lên má mẹ mình lần đầu tiên sau năm, sáu năm trời. Tôi không mấy nghi ngờ rằng đến hôm sau họ sẽ lại có những vấn đề mới xuất hiện, và chắc sau hai ngày mọi thứ lại quay về chỗ cũ. Nhưng nếu nó có thể giúp họ cảm thấy tốt hơn trong năm phút - hay ít nhất là giúp cho người phụ nữ kia vui hơn - thì chỉ vậy là đủ. Công sức đổ vào để làm phim quả xứng đáng với năm phút quý giá đó. Người con gái hẳn đã có mâu thuẫn gì đó với mẹ, và mâu thuẫn đó lại vô tình ẩn nấp đâu đó trong “A Short Film About Love”. Để rồi khi hai mẹ con xem phim cùng nhau, một trong hai người họ hẳn đã nhận ra lí do thật sự dẫn đến mâu thuẫn, để rồi cô gái hôn má mẹ mình sau nhiều năm như một lời xin lỗi. Trầy da tróc vẩy để làm phim cũng thật đáng với nụ hôn đó, nụ hôn cho người mẹ kia.

Rất nhiều người từng hỏi tôi sau khi xem “A Short Film About Killing”, rằng: “Làm sao mà ông biết cảm giác của họ như thế nào để có thể làm được phim hay như vậy?”. Tương tự như thế, tôi cũng nhận được rất nhiều lá thư sau khi bộ phim “Camera Buff” ra mắt, họ hỏi tôi “Làm sao mà ông biết được cuộc đời của một thợ chụp ảnh vậy? Đó là bộ phim về tôi đấy, ông đã kể một câu chuyện về tôi!”. Hoặc “Ông khắc họa cuộc đời tôi thật chính xác. Ông lấy những thông tin đó ở đâu vậy?”. Tôi nhận được hàng tá những lá thư như vậy sau mỗi bộ phim. Với “A Short Film About Love” cũng vậy, tôi nhận được lá thư từ một cậu bé, nói rằng bộ phim như thể đang kể lại câu chuyện của chính cậu bé. Cảm giác thật tuyệt khi bạn làm một thứ gì đó mà không biết nó rồi sẽ đi đến đâu - vì bạn chẳng bao giờ có thể biết được cả - nhưng rồi vô tình nó đã đụng vào số phận của một con người không quen.

Hoặc ví dụ có cô gái này nhé. Đó là buổi hội thảo ở Paris, một cô bé mười lăm tuổi tiến về phía tôi và chia sẻ rằng cô đã xem “The Double Life Of Veronique”. Cô bé xem lần một, rồi lần hai, lần ba, và cô chỉ muốn nói một câu - rằng cô nhận ra trên thế gian này vẫn còn thứ gọi là linh hồn. Cô không hề biết về nó trước đây, nhưng giờ thì cô biết linh hồn là thứ có tồn tại, và trong nó tồn tại một vẻ đẹp đáng trân quý. Quả là xứng đáng với công sức làm nên “Veronique” cho cô gái đó. Xứng đáng cắm mặt vào công việc cả năm trời, hy sinh hết số tiền, thời gian ta có, tra tấn, hành hạ bản thân, phải đưa ra hàng ngàn quyết định,… nhưng để cô gái trẻ ở Paris đó có thể nhận ra được thế gian này còn có linh hồn. Thật xứng đáng. Họ chính là những khán giả tuyệt nhất. Không có nhiều những người như họ, mà có lẽ là hiếm lắm ấy.”

- Krzysztof Kieslowski -

Trích từ phim tài liệu: Krzysztof Kieslowski - A Masterclass for Young Director (Link mình xin để dưới phần bình luận)


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo