phỏng vấn

PHƯƠNG PIPOU NGUYỄN: "KÝ ỨC LÀ SỰ SỐNG MÀ THẦN CHẾT KHÔNG THỂ LẤY ĐI ĐƯỢC"

Người viết: Ette

img of PHƯƠNG PIPOU NGUYỄN: "KÝ ỨC LÀ SỰ SỐNG MÀ THẦN CHẾT KHÔNG THỂ LẤY ĐI ĐƯỢC"

Phỏng vấn với nghệ sĩ Phương Pipou Nguyễn về tác phẩm ”𝐓𝐇𝐄 𝐁𝐎𝐘 𝐖𝐇𝐎 𝐂𝐇𝐄𝐀𝐓𝐄𝐃 𝐃𝐄𝐀𝐓𝐇” (Cậu Bé Đánh Lừa Thần Chết)

Bài viết được thực hiện bởi All About Movies


“Trong thế giới mờ nhạt giữa hiện thực và trí tưởng tượng, Syd, cậu bé 8 tuổi phải đối mặt với cái chết sắp xảy ra của mẹ mình. Tuyệt vọng trốn tránh sự truy bắt của Thần chết, họ bắt tay vào một trò chơi trốn tìm tưởng tượng, biến thành các sinh vật trên Trái đất. Cái chết đóng vai kẻ săn mồi không ngừng nghỉ của họ.

Hy vọng tắt dần khi hình dạng tưởng tượng của họ yếu đi sau mỗi lần theo đuổi. Syd vật lộn với sự yếu đuối của Winnie. Họ luân chuyển cuộc sống của các loài chim, thú vật, sinh vật - nhưng Cái chết vẫn tồn tại. Cuối cùng, Cái chết trở thành kẻ săn mồi tối cao: Thời gian. Trong vòng tay của Thời gian, họ tìm thấy sự bình yên. Tình yêu thách thức cái chết, khắc sâu vào ký ức vĩnh cửu.”

Được thực hiện trên nền nhạc “The Great Gig in the Sky” cho cuộc thi làm phim hoạt hình kỷ niệm 50 năm ra mắt album “The Dark Side of The Moon” của Pink Floyd

“The Boy Who Cheated Death” của Phương Pipou Nguyễn dường mang một ý nghĩa biểu trưng rất lớn với cô khi trước đây vào thời thơ bé chính tác phẩm điện ảnh “The Wall (1982)” của ban nhạc này đã làm bừng cháy nên tình yêu nghệ thuật và thúc đẩy cô bước lên chặng đường làm phim dài dẳng của mình.

Tác phẩm của cô là một sự pha trộn đa dạng các kỹ thuật hoạt họa khác nhau - từ hoạt hình 2D truyền thống, stop-motion (thực hiện trong thực tế lẫn trong với mô hình 3D môi trường VR), thể nghiệm với vô vàn những chất liệu thật từ những tạo hình búp bê bằng giấy và len, vật liệu in ấn 3D trong suốt, điêu khắc với đất sét dưới môi trường nước, những hiệu ứng khói sương với kim tuyến lấp lành đến việc thiết kế và diễn hoạt những mô hình 3D trong môi trường VR.

Tất cả đều nhằm để thể hiện những cung bậc cảm xúc và sự thấu hiểu các tầng nghĩa phức tạp về sự sống và cái chết của nhân vật Syd trên hành trình đưa mẹ cậu chạy trốn khỏi vòng tay tử thần. Những nỗi sợ, niềm hy vọng, ký ức và tình yêu của cậu được làm sống dậy trong trí tưởng tượng phong phú đầy màu sắc.

All About Movies đã có dịp phỏng vấn nghệ sĩ Phương Pipou Nguyễn về tác phẩm để hiểu thêm về tiến trình sản xuất cũng như tầm nhìn nghệ thuật của cô.

𝐀𝐀𝐌: Cảm ơn chị Phương Pipou Nguyễn đã đồng ý trả lời phỏng vấn. Chúng mình xin được bắt đầu với câu hỏi về quá trình sản xuất Chị có thể nói thêm đôi chút về quá trình tập hợp các họa sĩ cùng thực hiện dự án với chị? Chị đã chia sẻ về tầm nhìn của mình thế nào để thuyết phục mọi người?

𝐏𝐇𝐔𝐎𝐍𝐆 𝐏𝐈𝐏𝐎𝐔 𝐍𝐆𝐔𝐘𝐄𝐍: Câu chuyện tại sao team từ 4 người trở thành 40 người, mỗi lần nghĩ lại mình lại cảm ơn ông trời đã cho mình một cuộc làm phim vô cùng thú vị.

Trong ngành, không thiếu các ý tưởng hay ho và những câu chuyện. Nhưng để đi đến cùng thì cần sự bền bỉ và định hướng rõ ràng. Trước khi mời bất ai hợp tác, mình đã chuẩn bị xong kịch bản, storyboard và moodboard. Bạn Olga là art director đã bắt đầu có các thiết kế nhân vật, và bạn Nhật là background painter đã bắt đầu thử nghiệm các texture màu nước. Từ sau giai đoạn này, với mình bộ phim bắt đầu tồn tại.

Bọn mình đi vào sản xuất với vài đồng nghiệp thân, mượn cơ sở vật chất của Brunch Studio và nhờ production management từ Eddy (là hai công ty mà mình làm việc từ 2020). Vì đã có sự chuẩn bị kĩ nên mình làm việc rất cụ thể. Mình tiếp tục tìm thêm đồng đội làm phim bằng cách pitch trực tiếp với từng người. Có nhiều người từ chối nhưng cũng nhiều người đồng ý. Mình muốn mọi người thoải mái nên nếu họ bảo có thể giúp 2 phần thì mình chỉ nhận của họ 1 phần, nếu 1 phần thì mình nhận nửa phần… vậy thôi cho họ đỡ mệt. Mình biết là làm hoạt hình, nghĩ thì dễ mà làm thì khó, mọi người thường bị chủ quan. Nhất là đến đợt gần Noel, năm mới… ai cũng bận. Trong thời gian này, êkip bọn mình đi làm vui vẻ, thoải mái. Các bạn họa sĩ trong studio thấy vậy thì cũng chủ động tìm mình để xung phong giúp. Sau khoảng 1 tháng, mình không nhờ thêm bạn bè nữa mà mọi người tự đến rồi rủ thêm bạn bè họ. Số lượng thành viên đông lên, mỗi người mỗi chân mỗi tay. Mình thấy thoải mái khi mọi người ít bị nể nhau quá, làm hay không làm thì nói luôn và vẫn vui vẻ.

Trong team, có một vài người là đồng nghiệp đã từng làm việc chung, còn lại chủ yếu là những đồng nghiệp mới. Có người thâm niên 20 năm trong ngành, có người mới ra trường… ai cũng tìm được vị trí trong êkip. Olga, Stéphane, Nhật là ba cộng sự đã cùng mình đi từ đầu tới cuối dự án. Họ cũng cho mình sự hỗ trợ về tinh thần rất nhiều. Mình đã rất may mắn với dự án không có kinh phí này, khi vừa nhận được sự giúp đỡ và lại được học hỏi thêm. Mình cũng nhận được hỗ trợ quý báu từ một êkip rất giỏi chuyên về stopmotion. Có những tuần ngày nào mình cũng đạp xe qua lại giữa team 2D ở Brunch Studio và team stopmotion ở Studio Manuel Cam, rất mệt nhưng rất vui. Shoutout to êkip The Boy.

𝐀𝐀𝐌: Việc thể nghiệm với nhiều loại hoạt họa quan trọng thế nào trong cách mô tả những tầng suy nghĩ và cảm xúc của nhân vật Syd?

𝐏𝐇𝐔𝐎𝐍𝐆 𝐏𝐈𝐏𝐎𝐔 𝐍𝐆𝐔𝐘𝐄𝐍: Mình xem nhiều chương trình tài liệu về thế giới động vật và mình rất thích cách các nhà làm phim khiến mình đồng cảm với đời sống của những sinh vật rất khác với con người. Với mình, Syd là một cậu bé ngây thơ và giàu trắc ẩn. Nhân vật Syd đối mặt với cái chết sắp xảy đến của mẹ cậu bằng cách mà bộ óc non nớt nhưng giàu trí tưởng tượng của mình có thể làm được: cậu đi tìm câu trả lời về cái chết trong sự sống của các sinh vật trên trái đất.

Mình muốn thể hiện rõ ràng sự thay đổi hoàn toàn về thế giới quan của Syd mỗi khi cậu và mẹ hoá thành các sinh vật khác. Như vậy thì các chất liệu về hình ảnh cũng phải thay đổi. Trí tưởng tượng của Syd được thể hiện qua những chất liệu có thể chạm vào được: giấy, sáp, đất sét, bông vải, nước…, khác với thế giới của loài người là hoạt hình 2D không thể chạm vào được, giống như là sự tưởng tượng còn “thật” hơn đời sống của Syd vậy. Phòng ngủ đầy ắp các tờ giấy vẽ của Syd bằng chất liệu stopmotion, là ám chỉ đầu tiên về trí tưởng tượng của cậu.

Chọn chất liệu ảnh hưởng đến cảm giác của từng phân cảnh. Ví dụ ở phân cảnh hai con chim giấy chạy trốn khỏi con cú đêm trên bầu trời, mình cần cảm giác bay bổng, bị gió tạt, cảm giác không khí đầy ắp.. nên sử dụng chất liệu giấy bay bay ở đây là hợp lý. Còn ở phân cảnh dưới đáy biển, thì mình cần những chất liệu hơi trong suốt, ánh sáng có thể xuyên qua được, để tạo ra cảm giác sự sống dưới đáy biển vừa lung linh xinh đẹp, vừa mong manh như thuỷ tinh. Quá trình tạo ra rặng san hô và hai con bướm biển bằng nhiều chất liệu khác nhau như sáp, silicone, in 3D… mình có để trong instagram story @pipou.png (tab “The Boy”)

Mỗi lần hoá thành một sinh vật khác, Syd lại hiểu ra rằng sự sống và cái chết song hành với nhau ở khắp mọi nơi. Khi Syd hiểu về cái chết của con người, nhìn thấy sức tàn phá của chiến tranh, thì nó giống như là cái chết đã chiến thắng trong cuộc đuổi bắt vậy. Sau đó, Syd và mẹ không còn trốn chạy nữa, mà họ dành khoảnh khắc quý báu để ôm ấp nhau như hai con cáo tuyết nhỏ, còn thần chết chỉ từ xa đứng nhìn.

Mình yêu hoạt hình nhưng bản thân mình không thực sự hợp với cách làm hoạt hình hoàn toàn truyền thống, mọi công đoạn phải chuẩn bị quá kĩ lưỡng và phân khúc tách biệt khiến sự sáng tạo, spontaneity bị cạn dần. Đó là lý do tại sao mình thích kết hợp các chất liệu hoạt hoạ với nhau để có quy trình làm việc mới. Mình muốn mọi người hiểu công việc của nhau để có thể phối hợp được tốt hơn. Khi có vấn đề, mình luôn muốn đơn giản hóa để giúp công việc của team thuận lợi hơn.

Hình thức mixed media cũng cho bọn mình tự do pivot (có cân nhắc) trong quá trình sản xuất. Mặc dù mình có sự chuẩn bị kĩ càng, tuy nhiên vẫn có những lỗ hổng. Ví dụ như phân cảnh trên sa mạc, ban đầu mình muốn làm hoạt hoạ hai con linh dương và con rắn bằng 2D. Nhưng linh tính của mình cảm thấy có gì đấy chưa đúng, nên chần chừ chưa bắt đầu phân cảnh này. Phải đến 5 tuần trước deadline, Maria là production manager nhắc mình với giọng rất lo lắng là bọn mình chưa làm shot nào trong sequence này cả. Olga bảo mình, vậy tuần này tớ sẽ ở nhà gấp con rối bằng giấy để cuối tuần test! Thế là mình set up ngay một stopmotion station tại nhà. Olga và Greg đến nhà mình với những con rối linh dương làm bằng giấy kraft thủ công rất duyên dáng, và bọn mình thực hiện luôn phân cảnh sa mạc bằng stopmotion! Chỉ còn mỗi shot con trăn chìm xuống đáy biển, thì khi Julien là motion designer tham gia mới cùng Olga gấp giấy từng bộ phận của con trăn rồi rig nó thành một con trăn chất liệu giấy nhưng diễn hoạt kiểu 2D rigging rất là cool. Thế là phân cảnh này thành ra lại được làm rất phù hợp với câu chuyện và định hướng nghệ thuật. Câu chuyện này mình cũng kể trên insta story.

𝐀𝐀𝐌: Điều gì đặc biệt thu hút chị đến việc làm nên một câu chuyện về cái chết

𝐏𝐇𝐔𝐎𝐍𝐆 𝐏𝐈𝐏𝐎𝐔 𝐍𝐆𝐔𝐘𝐄𝐍: Từ bé mình đã có nhiều câu hỏi về sự sống và cái chết, cũng như sự hữu hạn về thời gian trong đời sống con người. Mình lớn lên trong gia đình mình với bố mình là bác sĩ và mẹ mình mở cửa hiệu thuốc tại nhà, chứng kiến công việc hàng ngày của mọi người là để bảo vệ sức khoẻ của con người, chiến đấu chống lại bệnh tật, chống lại cái chết. Tuy nhiên, mình cũng nhìn thấy sự mâu thuẫn: bố mình giúp bệnh nhân khoẻ hơn nhưng bản thân ông lại hút thuốc, uống rượu và yếu đi nhiều khi vẫn còn khá trẻ. Người Việt mình tin vào kiếp luân hồi, tuy nhiên lại vô cảm trước cái đau của con vật. Khán giả có thể khóc cho một nhân vật trong phim nhưng lại hoàn toàn bàng quan trước người thật, việc thật. Mình quan sát những sự mâu thuẫn này trong đời sống xung quanh và muốn tìm lý giải cho nó.

Đại dịch covid xảy ra ngay khi mình đang làm một phim khác (Goodbye Robin!) khiến mình đặt câu hỏi, cuộc sống này hữu hạn vậy tại sao mình lại làm phim? Rồi sau đó, các cuộc chiến tranh trên thế giới xảy ra càng nhắc nhở danh tính của mình là người Việt Nam, một đất nước cũng từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc. Lịch sử của đất nước là một phần trong con người mình, đi cùng với trải nghiệm và tìm hiểu thông tin, cũng có một chút tâm linh nữa, giúp mình phần nào phá bỏ định kiến để thông cảm hơn với những con người ở các đất nước xa lạ. Mình không muốn bản thân bị trở nên vô cảm trước những số liệu về cái chết, và cũng tự hỏi về những gì mình có thể làm với vị trí là một nghệ sĩ. Cậu bé Syd hiểu rằng sự sống của mình bắt nguồn từ mẹ cậu, vậy khi mẹ cậu càng đến gần với cái chết, nó giống như cậu mất đi cội nguồn sự sống vậy. Đây là một trải nghiệm mà hầu như ai cũng sẽ có, và tới giờ mình vẫn còn may mắn chưa phải đối mặt. Nếu câu chuyện mà mình kể có thể chạm đến sự thấu cảm của khán giả và họ có thể giữ cảm xúc ấy trong đời sống của mình, thì hi vọng trái tim của họ sẽ mở ra hơn.

𝐀𝐀𝐌: Liệu chị đã có quan điểm hay chỉ dẫn đặc biệt thế nào về cách muốn miêu tả Thần Chết? Dường như nhân vật thần chết trong tác phẩm không có một hình dạng cụ thể và luôn xuất hiện một cách đột ngột không đoán trước trên phim.

𝐏𝐇𝐔𝐎𝐍𝐆 𝐏𝐈𝐏𝐎𝐔 𝐍𝐆𝐔𝐘𝐄𝐍: Định hướng của mình cho sự hiện diện về cái chết trong mỗi phân cảnh là những cảm giác mà nhân vật có thể cảm nhận về cái chết: nó đang sờ sờ ra đấy / nó đang đuổi theo rất sát / nó đang gài bẫy / nó xuất hiện đột ngột / nó đang tàn khốc / nó đang chờ đợi. Ở các phân cảnh phòng ngủ, cái chết là ánh trăng xanh bạc của mặt trăng to một cách bất thường, chiếu vào phòng ngủ làm cho không gian ấm cúng trở nên lạnh lẽo. Sau đó, thần chết cũng hoá thân vào các con vật săn mồi theo đuổi Syd và mẹ cậu, có lúc lại hiện thân thành thảm hoạ thiên nhiên, hoặc thảm hoạ nhân tạo: chiến tranh. Với mình, thần chết cũng rất giàu trí tưởng tượng và đang đấu trí với Syd. Nhưng cuối cùng, người đối mặt với thần chết thực ra không phải là Syd mà là mẹ cậu: mẹ của Syd nhìn thẳng vào mặt trăng và đón ánh sáng xanh lạnh lan khắp mặt mình.

𝐀𝐀𝐌: Những địa điểm trên tác phẩm dường mang một tính chất rất “phổ quát và vô tận” không cụ thể thuộc về một thời kỳ hay nơi chốn nào, liệu có lý do nào để chị chọn và sắp xếp những hình ảnh đó và theo trình tự ấy.

𝐏𝐇𝐔𝐎𝐍𝐆 𝐏𝐈𝐏𝐎𝐔 𝐍𝐆𝐔𝐘𝐄𝐍: Mình lấy nhiều cảm hứng từ BBC Earth, chọn ra những môi trường quen thuộc có thể nhìn thấy ở nhiều nơi trên trái đất. Ban đầu, mọi người có thể nghĩ là Syd chơi trò trốn tìm về nơi chốn (không gian), nhưng có những manh mối để cho thấy rằng cậu bé cũng đang chơi trốn tìm về thời gian, ví dụ như cảnh chiến tranh ở Việt Nam có mốc thời gian khác với thế giới của Syd hay đàn chim bay mỏi cánh hoá thành những ngôi sao. Syd vẫn tiếp tục chơi trốn tìm với thần chết đến cuối đời, khi thời gian là kẻ săn mồi tối cao tìm đến cậu và khi cậu trốn mình trong ký ức về mẹ. Ký ức là sự sống mà thần chết không thể lấy đi được. Phim cũng ngắn và mình không giải thích nhiều quá, mình chỉ sắp xếp các phân cảnh theo nhịp cảm xúc lên xuống của bài hát thôi.

𝐀𝐀𝐌: Ngoài là một thế lực diệt vong ra thì liệu cái chết còn có phải một điều gì đấy cần được thỏa hiệp với?

𝐏𝐇𝐔𝐎𝐍𝐆 𝐏𝐈𝐏𝐎𝐔 𝐍𝐆𝐔𝐘𝐄𝐍: Quan sát cách vận hành của một khu rừng chẳng hạn, tất cả các sinh vật trong đó đều có mối tương quan chặt chẽ với nhau. Cái chết của sinh vật này sẽ đem đến sự sống cho sinh vật khác và cứ thế tiếp diễn. Con người cũng là một sinh vật trên trái đất, cũng có thể tìm thấy ý nghĩa sự sống của mình trong mối tương quan này. Đôi khi, con người phải nhớ rằng cuộc sống này hữu hạn mới thấy nó đẹp, nhưng nó đẹp hay không liệu có phụ thuộc vào sự đánh giá của loài người?

Ở một ý khác, mình có thể tưởng tượng rằng đôi khi trong đời sống phải đối mặt giữa sự sống và cái chết, hoặc giữa tổn thương và tổn thương lớn hơn, tuỳ theo ngữ cảnh mà con người sẽ phải thoả hiệp để bảo tồn sự sống hoặc gây ra ít tổn thương nhất. Chủ đề về thoả hiệp với cái chết mang lại nhiều tranh luận về những lựa chọn trong cuộc sống, như bộ manga Monster của Naoki Urasawa mình rất thích.

Nếu mục tiêu cuối cùng của loài người là kéo dài sự sống của con người bằng nhiều cách khác nhau, và nếu cuối cùng cái chết không còn tồn tại nữa thì liệu trải nghiệm của con người sẽ khác đi thế nào? Mình tin là định nghĩa về loài người sẽ dần dần thay đổi và bản dạng cũng thế, như vậy trải nghiệm làm người cũng sẽ khác đi. Bản thân mình không mong cầu sự bất tử, nhưng nếu có thể được sống lâu, sống khoẻ cả về thể chất và tâm trí để được tận hưởng cuộc sống nhiều hơn thì mình cũng thích. Mình không chắc là mình muốn ý thức của mình sẽ tồn tại mãi dưới dạng giữ liệu, cũng không chắc mình muốn trở thành ma cà rồng hehe.

𝐀𝐀𝐌: Có yếu tố nào trong tác phẩm mang tính tự truyện (hay được vay mượn trực tiếp từ cuộc sống chị) không?

𝐏𝐇𝐔𝐎𝐍𝐆 𝐏𝐈𝐏𝐎𝐔 𝐍𝐆𝐔𝐘𝐄𝐍: Rất là ít. Mình cũng hay thức đêm vẽ tranh khi bằng tuổi Syd, nên mình sử dụng hình ảnh này. Mình cũng đưa vào chi tiết về chiến tranh ở Việt Nam để nhờ nó nói về nỗi đau và sự tàn phá của các cuộc chiến nói chung.

𝐀𝐀𝐌: Nhạc Pink Floyd có ảnh hưởng thế nào đến đời sống tinh thần và cảm hứng chị từ trước cuộc thi này không

𝐏𝐇𝐔𝐎𝐍𝐆 𝐏𝐈𝐏𝐎𝐔 𝐍𝐆𝐔𝐘𝐄𝐍: Hồi học cấp 2, mình tình cờ nghe đĩa The Wall do tìm được ở cửa hàng băng đĩa lậu. Lúc đấy mình mua đĩa The Wall chỉ vì mình muốn đùa ngớ ngẩn với bọn bạn là mình nghe nhạc Bức Tường… Nhưng từ đó trở đi thì giống như cuộc sống của mình có soundtrack ấy. Có một số album của Pink Floyd đã cho mình cảm thấy rất được thấu hiểu, mà mỗi khi nghe lại mình được nhớ lại cảm giác khi còn là một cô bé ở độ tuổi mới lớn, khao khát khám phá thế gian rộng lớn hơn mình rất nhiều và luôn mang trong mình những ý niệm về cái đẹp của sự sống. Không lâu sau đó mình được xem phim The Wall do hoạ sĩ hoạt hình Gerald Scarfe thực hiện. Bộ phim này lập tức trở thành nguồn cảm hứng rất lớn cho mình theo đuổi hoạt hình.

𝐀𝐀𝐌: Âm nhạc Pink Floyd cũng có phải là một yếu tố hàn gắn và kết nối mọi người trong ê kíp không.

𝐏𝐇𝐔𝐎𝐍𝐆 𝐏𝐈𝐏𝐎𝐔 𝐍𝐆𝐔𝐘𝐄𝐍: Trong êkip, cũng có nhiều người yêu âm nhạc Pink Floyd và mình có cơ hội kết nối cùng mọi người trong team bằng âm nhạc. Nhưng mình không sử dụng yếu tố ban nhạc để kêu gọi mọi người tham gia dự án, mà mình luôn nói về dự án là phim ngắn Cậu bé đánh lừa thần chết.

Đến giờ, mình vẫn chưa nghe hết tất cả các album của Pink Floyd hay những nghệ sĩ trong ban nhạc đâu. Mình nghe đi nghe lại nhiều lần những album mình thích theo từng giai đoạn. Trước khi bắt đầu dự án, mình nghe nhiều lần album The Dark Side of the Moon để tìm cảm hứng.

𝐀𝐀𝐌: Có những tác phẩm nghệ thuật hay văn học nào đã là nguồn cảm hứng cho chị khi viết nên câu chuyện này? Và có những tác phẩm thị giác cụ thể nào đã được dùng làm hình ảnh tham khảo cho dự án không

𝐏𝐇𝐔𝐎𝐍𝐆 𝐏𝐈𝐏𝐎𝐔 𝐍𝐆𝐔𝐘𝐄𝐍: Mình lấy cảm hứng trực tiếp từ bài hát The Great Gig in the Sky của Pink Floyd. Khi làm việc với music video, mình luôn bắt đầu từ bài hát trước. Mình đọc các wiki về bài hát và album này để có những ý tưởng đầu tiên về cái chết được nhắc đến.

Về cảm hứng hình ảnh, chủ yếu là BBC Earth, vì bọn mình cần tham khảo nhiều tài liệu về đề tài thế giới động vật. Mình cũng thích và sử dụng serie Over The Garden Wall cho định hướng nghệ thuật vì cách họ sử dụng màu sắc.

𝐀𝐀𝐌: Chị có album hay bài yêu thích nhất của Pink Floyd không?

𝐏𝐇𝐔𝐎𝐍𝐆 𝐏𝐈𝐏𝐎𝐔 𝐍𝐆𝐔𝐘𝐄𝐍: Có, mình thích nhất đĩa Live at Pompeii.

Cảm ơn chị đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này. Chúc chị nhiều sức khoẻ và thành công trên những dự định sắp đến.

-----

”𝐓𝐇𝐄 𝐁𝐎𝐘 𝐖𝐇𝐎 𝐂𝐇𝐄𝐀𝐓𝐄𝐃 𝐃𝐄𝐀𝐓𝐇” (CẬU BÉ ĐÁNH LỪA THẦN CHẾT) đã được chiếu trong khuôn khổ 𝐀𝐥𝐥 𝐀𝐛𝐨𝐮𝐭 𝐒𝐡𝐨𝐫𝐭𝐬 #𝟏 ngày 21.06.


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo