phỏng vấn
"ANH CÓ MUỐN THẤY MARILYN MONROE KHÔNG?"
Người viết: Xuân Toàn
“…Một anh biên tập viên tạp chí trẻ tuổi, đầy tham vọng cùng với một chàng nhiếp ảnh gia hay u sầu; cả hai đã cùng nhau khám phá một 𝐌𝐚𝐫𝐢𝐥𝐲𝐧 𝐌𝐨𝐧𝐫𝐨𝐞 khác, một 𝐌𝐚𝐫𝐢𝐥𝐲𝐧 𝐌𝐨𝐧𝐫𝐨𝐞 mà chẳng ai biết…”
Một chiều nọ năm 1955, tôi đang đăm đăm nhìn vào ly rượu scotch tại Khách sạn Gladstone ở Manhattan. Tôi đã uống vài ly, nhưng men rượu chẳng đã chẳng xua đi nổi cơn bấn loạn trong người. Trong khi tôi đương cơn bế tắc, thì hy vọng duy nhất của tôi, ngồi đối diện bên chiếc bàn và mỉm cười bình thản – là anh bạn Sam Shaw đồng sự của tôi.
Với tư cách là một biên tập viên trẻ ở tạp chí Redbook, tôi đã được tán thưởng và thăng chức. Điều đó đã giúp tôi tiến rất xa, và giờ thì sự nghiệp của bản thân mình đang bị treo trên một sợi dây mỏng manh – mối liên hệ giữa Sam và Marilyn Monroe. Đúng là ngàn cân treo sợi tóc.
Sau khi rời Hollywood để đi học hỏi thêm tại Actors Studio, Marilyn đã rút lui khỏi ánh đèn của danh vọng. Lần đầu tiên trong cuộc đời vốn phủ kín những ánh chớp của bóng đèn máy ảnh, cô trốn tránh đám nhà báo và phóng viên.
Sau hàng tá bộ phim, một cuộc hôn nhân và rồi ly dị “đầy trên các trang nhất”, Marilyn đã đến New York để lánh đời, như nhân vật Grushenka trong tiểu thuyết Anh em nhà Karamazov (tiểu thuyết để đời của văn sĩ Nga Fyodor Dostoevsky). Báo chí cứ ra rả tối ngày về “diễn viên hài mà đòi đóng vai Hamlet”, và họ chèn những lời chế diễu sáo rỗng đó dưới bức hình một phân cảnh của Marilyn Monroe trong phim The Seven Year Itch. Đó là hình ảnh nàng đứng trên hàng rào xe điện ngầm, và một luồng gió hất chiếc váy lên ngang hông. Cô đoạn tuyệt, lảng tránh bao nhiêu, thì cô lại trở thành mục tiêu được săn đón, khao khát bấy nhiêu. Đầy những tin tức về một Marilyn “khó gần”.
Đời tôi lâm vào thế rắc rối khi tôi làm những điều khác thường. Tôi thấy một bức hình mờ nhạt của Marilyn trong lớp ở Actors Class, nàng khoác lên mình chiếc áo màu long lạc đà, và không hề trang điểm. Một dòng suy nghĩ lóe lên trong tâm trí: Đúng rồi! Một Marilyn Monroe mà ta chưa từng thấy. Chẳng chút do dự, tôi thuyết phục ông sếp in hình này trên nguyệt san tạp chí ra vào tháng Bảy, và sẽ được in 10 ngày trước khi số tạp chí trên được phát hành. Tôi ngỡ như mình là tay lính dù, đã nhảy khỏi chiến đấu cơ, mà không hề biết rằng dù có mở ra để mình tiếp đất an toàn hay không.
Khi bắt tay vào việc, tôi biết ai sẽ cộng tác với mình – bạn tôi, nhiếp ảnh gia Ed Feingresh, một con người rất điêu luyện. Có lẽ tôi bị ảnh hưởng bởi cái sự táo bạo trong tính cách anh ấy. Ngồi trong quán rượu Costello, “hai anh lính dù” chúng tôi đang bàn bạc chiến lược để tiến công vào “pháo đài Marilyn”.
Ba hôm sau, vẫn chẳng có gì. Tôi chợt nghĩ rằng Eddie có thể là một tay điêu luyện, liều lĩnh trong chuyên môn, nhưng anh ta lại chẳng có cái khiếu đi “rình mò”. Chiều thứ nhất, chúng tôi đợi hàng giờ đồng hồ trước đại sảnh nơi khách sạn Marilyn ở, dành một ít phút gọi điện. Lúc quay ra thì thấy có mấy đứa nhóc đang vẫy vẫy chiếc máy chụp hình Kodak Brownies – một chiếc máy chụp hình thuộc loại rẻ và đại trà lúc bấy giờ. Tụi nhỏ kêu lên: “Tụi con muốn chụp hình cô đào Marilyn”.
Vẫn chưa xoay sở được bức hình để in lên bìa nguyệt san tháng Bảy sắp tới, tôi liền gọi cho Sam, một nhiếp ảnh gia đang nuôi mộng trở thành nhà sản xuất phim. Tay này có mối thân giao rất chặt chẽ với các “thế hệ mới nổi” ở Hollywood như Elia Kazan, Marlon Brando, và cả Marilyn. Từng làm chung trong văn phòng với nhau, Sam đã nhận lời giúp tôi.
Ở Gladstone, Sam đã gọi điện thoại cho Marilyn trước. Cô ấy thường tới trễ. Khi chúng tôi đang pha đồ uống, một người đàn ông cao lớn, da rám nắng nhìn vô phòng, và tiến tới chiếc bàn.
“Sam, dạo này anh sao rồi”, Joey DiMaggio nói, rồi ngồi xuống. “Marilyn nói rằng anh ở đây”.
Mới một vài tháng trước, Joey DiMaggio còn đang rời khỏi tòa án xử lý vụ ly hôn, né tránh cánh báo chí trong nỗi sầu não và tức tối – lẽ dĩ nhiên. Giờ đây, anh ta lại vui vẻ ngồi ngay trong phòng của vợ cũ, tán dóc về cô ấy với nụ cười của một đứa trẻ trên khuôn mặt, nói với Sam rằng Marilyn đã hạnh phúc như thế nào khi được thoát khỏi “cái đám đông giới điện ảnh”. Thêm nữa, cũng vì sự ghen tuông đến khét tiếng của DiMaggio đã thôi thúc anh ta phải ghé qua chỗ Marilyn nhiều hơn. “Cô nàng muốn anh lấy lại con người cũ của cổ một lần nữa”, DiMaggio nói, đứng dậy và chuẩn bị ra về. Anh ta mỉm cười và gật nhẹ đầu với tôi.
Vài phút sau Sam chuyền máy cho tôi. Với giọng nói thỏ thẻ quen thuộc, Marilyn đồng ý tham gia buổi phóng sự ảnh, hẹn gặp chúng tôi đi uống nước vào chiều ngày mai.
Ngay sau khi chúng tôi đặt lưng xuống, Marilyn liền hỏi: “Tại sao họ lại viết những thứ không đúng về tôi?”
Dầu sao, nó cũng chẳng phải là kiểu câu hỏi trách móc hay phàn nàn gì. Chúng tôi ngồi trong quán, uống cocktail, và cô nàng nhìn tôi qua ly rượu Scotch Mist trên tay, khuôn mặt đầy những biểu cảm khó hiểu, và đợi câu trả lời từ tôi. Nhìn gần, sắc mặt cô ấy tái nhợt và mỏng manh, chẳng hề có chút ánh sáng từ công nghệ tạo màu nào như ở trên phim, và đôi mắt chẳng rực lên sự tự tin như trên màn ảnh.
Vài phút trôi qua, mới rõ là cô nàng không chỉ muốn nói chuyện vặt cho qua, hay có ý e dè gì. Sam từng bảo tôi rằng, nếu tôi hỏi “Cô thấy thế nào?”, cô ấy sẽ ngưng lại để nghĩ ngợi, thay vì đáp lại bâng quơ rằng cô ấy ổn, như người ta vẫn thường làm.
Nụ cười thoáng trên môi khi nàng nhìn tôi hiện lên nỗi đau thương, như muốn nói lên cái quá khứ bị lợi dụng của mình. Một hồi ức được gợi lại trong tâm trí tôi: Mike Cowles, tổng biên tập tạp chí Look, đã từng kể về một chuyến ghé thăm hãng phim 20th Century Fox vào cuối thập niên 1940, khi người đứng đầu hãng phim ở đây đã khoe rằng: “Chúng tôi có một cô gái mới, với nhiều thứ rất chi là khác thường. Thay vì choãi thẳng ra ngoài, ngực của cô ấy lại nhô lên”. Ông ta gọi Marilyn vào, tươi cười giở áo lên để chứng minh điều ông chủ xưởng phim mới nói. Cô vẫn không tắt nụ cười.
Chúng tôi nói về Sam một lúc, và rồi Marilyn nói: “Một lý do khác để tôi làm việc này, đó là, hãng tạp chí các anh chưa từng chế diễu tôi hay gán cho tôi những danh hiệu hoa mỹ”. Đôi mắt nàng sáng lên.
Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, cảm thấy được chấp nhận. Nhưng đồng thời, niềm tin tưởng nơi Marilyn dành cho tôi, tôi cũng cảm thấy tựa như một gánh nặng. Một người phụ nữ quyến rũ nhất thế giới nhưng nhạy cảm, mỏng manh như trẻ nít. Và cô ấy cũng sử dụng sự cởi mở của mình để có được thứ Marilyn muốn, dù chỉ trong vài ngày: sự tin cậy từ tôi. Cả cuộc đời pha trộn giữa sự ngây thơ và tội lỗi của Marilyn đã kéo theo vào đời cô cả những người hào hiệp lẫn quân đểu cáng, nhiều trong số đó cũng như nhau cả.
Chẳng lâu sau đó thì có việc xảy đến. Ngày hôm sau, tôi nhận được cú phôn từ Milton Greene, một tay nhiếp ảnh gia hạng xoàng và một tay “cò” thuộc hạng thượng thặng, đã thuyết phục Marilyn hợp tác với hắn, lấy tên Nhà sản xuất Marilyn Monroe. Hắn nói rằng, hắn có thể thực hiện một phóng sự, với điều kiện là phải sử dụng nhiếp ảnh gia dưới quyền của hắn. Tôi bảo hắn biến đi chỗ khác, và khi Eddie gặp Marilyn, tôi đã kể lại cho cô ấy cái mưu tính này. Cô nàng cau mày, nhưng rồi chúng tôi bắt đầu câu chuyện. (Phải mất một lúc thì cô ấy mới hình dung ra toàn bộ sự việc, nhưng về sau thì Marilyn cũng sa thải hắn ta vì sự quản lý yếu kém”.
Tôi bảo Marilyn rằng chúng tôi muốn chụp hình cô ấy với con người thật của mình: không tạo dáng, không “hôn môi gió” vô ống kính, không bố trí studio. Chỉ là một cái nhìn thẳng vào cuộc sống của Marilyn.
Vào thời hoàng kim của máy chụp hình 35mm và ánh sáng tự nhiên, Eddie tôn thờ nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson. Những bức ảnh của vị nhiếp ảnh gia này không chỉ xuất hiện trên tạp chí, mà còn cả ở trong bảo tàng. Thần tượng của Eddie không muốn tác phẩm của mình bị cắt xén, và anh ta cũng thế. “Khoảnh khắc quyết định” khi máy chụp hình được bấm, nó đã khắc vào trong ánh mắt của nhiếp ảnh gia. Và khi thay đổi, chỉnh sửa một bức ảnh, thì chẳng khác nào cắt tranh Renoir hay Van Gogh vậy. Vào cái thời mà phim Ý và Pháp trình chiếu những phim vớ vẩn của Hollywood, Eddie và hàng bao đồng nghiệp khác đang chuyển đổi từ những bức hình tạp chí cứng nhắc truyền thống sang những bức hình mang nét chuyển động đậm chất hiện thực chủ nghĩa (realism). Thật là một thế giới đảo điên.
Cùng với những lý do trên, Eddie muốn đi xa hơn việc chỉ chứng kiến sự việc qua ống kính máy ảnh. Anh ta muốn bước vào nó, và trưng ra cho người ta thấy bên trong nó như thế nào – liều lĩnh vì một khoảnh khắc mà chưa một ai trải nghiệm. Anh chụp hình khi đang bò lê lết cùng lính tráng ngoài chiến địa ở Đại Hàn, soi vào kính tiềm vọng của tiềm thủy đỉnh, cùng nhảy từ chiến đấu cơ xuống với lính dù. Trở về nhà, sát cánh trên đường đua Lucky Hell Drivers của Irish Horan, Eddie cúi người, khuỷu tay ôm trọn thân người, giữa các tấm ván nghiêng một góc 45 độ, trong khi những chiếc xe đang rồ máy tăng tốc, tới gần đến mức có thể thấy từng dấu vết trên mấy cái lốp xe.
Thấp, lùn, và trông không được đẹp trai cho lắm, nhưng Eddie có sức hút đối với những ai biết anh ấy. Anh nhiệt tình trong cả tình bằng hữu lẫn nghề nghiệp. Eddie đúng nghĩa nghệ sĩ trong cả hai lãnh vực trên.
Anh ta sống trong hiện tại, nhưng luôn để những khoảnh khắc dẫn bước anh đi, mọi nơi mà chúng muốn. Tửu quán Costello đối với anh ấy là nhà, hơn là nơi lui tới đơn thuần. Chắc hẳn anh phải có cái căn hộ hay căn phòng đâu đó quanh đây, nhưng trong những năm tháng bè bạn với nhau, tôi chưa từng thấy nó. Anh ta nhận thư và điện thoại ngay ở quán Costello, và dành mỗi tối nơi phố thị ở ngay quán này. Vì những người anh ta biết đều ra vào nơi này, đi một vài bước để tới chỗ bàn thức ăn. Hoặc sau đó, nếu nổi hứng lên, thì nhét xu vô máy điện thoại, phôn cho mấy em gái trẻ, gọi cả bạn bè mấy ẻm tới nữa, trong khi mấy ông trong đám chúng tôi đem vài ba chai tới. Ngây ngất đêm đó, quên cả sự đời. Năng lượng trong anh ta dường như không bao giờ cạn. Anh ta có thể dành hàng tiếng đồng hồ để nói năng hăng say, quơ tay chân, hay nguệch ngoạc vẽ con chó Thurber kiểu anh ấy trên chiếc khăn ăn, bắt chuyện với mọi người chung quanh. Cuộc sống với Eddie chưa bao giờ là đứng yên một chỗ.
Theo sát Marilyn, máy ảnh của Eddie nói cho chúng ta nhiều hơn những thứ ta biết thời bấy giờ. “Marilyn của công chúng” luôn luôn quay cuồng trong những lịch hẹn. Nào là vận lên mình bộ phục trang để cưỡi một con voi hồng tại buổi ra mắt gây quỹ từ thiện của một gánh xiếc, gặp gỡ các luật sư và viên chức (hãng 20th Century Fox đã đình chỉ cô đột ngột), khoác lên mình chiếc áo lông thú màu trắng và bước vào buổi chiếu ra mắt phim Cat on a Hot Tin Roof của nhà biên kịch Tennesse Williams. Trước khi đi ra ngoài, cô ấy đã xức lên mình lọ dầu thơm Channel No.5, vuốt ve làn da của mình trong niềm vui thú và gợi cảm.
Nhưng giữa những sự xuất hiện như vậy, là một Marilyn Monroe hoàn toàn khác, đột nhiên cạn kiệt năng lượng, như một trái khinh khí cầu bị rút cạn khí bên trong. Ngồi trong bóng tối, cô phòng nơi khách sạn, với ly rượu cầm trên tay, nàng bước đi ra ngoài sân hiên để ngắm nhìn đường chân trời Manhattan. Máy ảnh của Eddie bấm chụp liên hồi; cuộn phim 35mm của anh ta lấp đầy những hình ảnh của Marilyn mà bạn chưa thấy bao giờ: thu mình và cô quạnh. Eddie chẳng cần kêu cô tạo dáng. Cô còn chẳng ý thức được sự hiện diện của anh ta ở đó.
Marilyn chưa tới ga điện ngầm bao giờ. Cuộn mình trong cái áo khoác lông lạc đà, mái tóc nổi danh của nàng đã bớt phồng, và dịu xuống. Cô ấy đi bộ tới Grand Central và đi xuống dưới ga xe điện ngầm. Máy ảnh của Eddie liên tục nhấp nháy trong khi Marilyn đang đứng dưới tầng hầm. Không một cái đầu nào thèm ngoái lại.
Trở lại đường phố, Marilyn nhìn chung quanh với một nụ cười tỏ ý chọc ghẹo. “Anh có muốn thấy nàng ấy không?”, cô hỏi, đoạn cởi cái áo khoác ra, vén mái tóc lên, và cong lưng lại để tạo dáng. Ngay lập tức, cô nàng bị nhấn chìm (bởi người dân xung quanh đã nhận ra Marilyn - ND), và phải tốn vài phút chen lấn, xô đẩy, pha chút sợ hãi để bọn chúng tôi kéo cô ấy ra khỏi đám đông đang bu lại mỗi lúc một đông hơn.
“Hai nàng Marilyn” như quý độc giả đã biết đến ở trên, tiếp tục phai mờ dần đi. Bởi khi thử phục trang, cô ấy tới với tư cách một minh tinh, chỉ huy một dàn thợ may, thợ thêu, và cả thợ treo đồ, cho tới khi “ai đó” đột ngột xuất hiện và bật khóc vì thất vọng về một vài chi tiết của bộ đồ. Máy chụp hình của Eddie có được tất cả mấy cảnh đó, thể hiện sự căng thẳng của Marilyn giữa một nùi những dây kẽm giăng mắc lộn xộn ở trong hậu trường. Anh ta đã tạo ra khung cảnh cái hành lang kết bằng những mảnh gương đầy liêu trai, hệt như bức tường bằng gương Orson Wells đã dựng nên xung quanh Rita Hayworth trong phim The Lady from Sanghai.
Một xế chiều nọ, Marilyn hỏi chúng tôi thường làm gì vào mỗi lúc ngày tàn, và bọn tôi đưa cô ấy đến tửu quán Costello. Hồi đó, ký giả John McNulty đã viết về chốn này trên tờ tạp chí The New Yorker cũng nhiều năm rồi, nhưng ông chủ quán Tm Costello thì muốn giữ quán mình nguyên trạng, không muốn có thay đổi gì. Cái ánh mắt nghiêm khắc bên tách trà của ông chủ quán ở bàn cuối, nó có hiệu quả hơn là mấy cái “hội đồng kỷ luật” ở mấy club ngoài kia. Costello không bao giờ chạy theo xu thế, theo cái cách mà một ông tài xế taxi nhận xét về một tửu quán khác: “Chẳng ai muốn đến đó nữa. Đông quá!”
Đằng sau quầy bar là một cái cây ba-toong làm bằng gỗ cây táo gai; văn sĩ Ernest Hemingway đã từng xách cây gậy này phang vô đầu John O’Hara, chẳng ai nhớ nguyên do vì sao. Trên bức tường đối diện đó, là những bức họa lớn trên ván hải ly (beaverboard) được vẽ bởi James Thurber. Ông chủ quán quý mấy bức họa đến độ ông đã đánh dấu và phủ một lớp sơn varnished lên chúng. Khi ông buộc phải dời quán qua căn nhà kế bên, Tim đã tháo xuống và treo lại một cách cẩn thận. Mấy bức vẽ đó đã ngả màu nâu vì khói thuốc và thời gian.
Thurber đã phủ đầy bức tường với hình ảnh những con chó có răng nanh nhưng nhút nhát, bị rượt bởi đám thỏ; hay một gã đàn ông nhỏ bé bị đe dọa bởi một mụ đàn bà to lớn (“Tôi bỏ em đây, Myra. Em nên quen với điều này đi”, trích lời bình luận châm chọc của một khách từng uống ở đây). Nơi này quả là hợp với kiểu nam tính tự-cà-khịa. Ông Tim vốn cũng không ưa mấy cái đám say xỉn, dễ gây gổ.
Marilyn vận lên mình chiếc áo blouse cộc tay và chiếc quần tây sọc. Cô ngồi kế bên bức họa của Thurber treo ở bức tường dọc quầy bar.
Ông Tim vốn hay dè chừng với người lạ, nay lại hấp dẫn bởi sắc vàng rực của mái tóc bồng bềnh mới bước vô quán. Với một cử chỉ hiêm thấy nơi ổng, Tim tự mình làm bồi bàn luôn.
“Một cocktail screwdriver, thưa anh” – Marilyn nói.
Ông Tim không nói nên lời.
“Thêm vodka với nước cam nghe anh” – nàng nói.
Tim cứ chằm chằm nhìn nàng. “Quán tôi không có phục vụ đồ ăn sáng” – ông nói.
“OK”, Marilyn đồng ý, “vậy vodka với đá thôi”.
Ông Tim đưa danh sách order cho người em trai Joe của ông ở quầy bar, rồi quay trở lại giải quyết đống sổ sách. Một lúc sau, khi Eddie đi vô toilet nam, ông Tim kêu lại hỏi.
“Cô đó là ai vậy?”
Eddie cười. “Marilyn Monroe đó”.
Mặt ông chủ quán tối sầm lại. “Thiệt không đó cha. Tao hỏi đàng hoàng đó nghe mậy”.
Eddie lại cười, còn ông Tim quay trở lại với đống sổ sách.
Trong một tiếng đồng hồ, người ta chỉ nhìn lướt qua Marilyn; chẳng ai buồn nhìn lâu hơn thế cả. Khi cô nàng chuẩn bị rời đi, một nhiếp ảnh gia ngồi ở quầy bar vỗ vai Eddie, thì thào rằng: “Bữa sau quay trở lại, anh nhớ đem theo cô bạn nhỏ này nghe”.
Những bức hình đăng trên nguyệt san tạp chí Redbook với lời bình và chú giải của tôi, đã cho người ta thấy một Marilyn mỏng manh, mang một sắc thái mềm mại của hai gam màu xám và đen, khác xa Marilyn người ta thường thấy trên xi-nê. Mở đầu phóng sự ảnh là một bức hình trái ngược hoàn toàn với cái vẻ u hoài cô quạnh của nàng, bức hình có đến 200 nhiếp ảnh gia đang bu đông bu đỏ xung quanh con voi mà Marilyn cưỡi trong buổi gây quỹ từ thiện ở gánh xiếc. Những tưởng mấy tay nhiếp ảnh gia đó muốn dẫm nát con voi đến nơi!
Trong những ngày cộng tác với nhau, mặc dù có sự chênh lệch về ngoại hình, tôi có thể thấy rằng Eddie và Marilyn rất hợp nhau. Cả hai người họ đều có cái gì đó liên hệ với cuộc sống hơn là chúng tôi, và đều nhạy cảm hơn chúng tôi. Cũng giống Marilyn, Eddie cũng thường tự châm biếm bản thân mình để che dấu nỗi đau bất lực trước đời sống thường nhật; và cũng giống Marilyn, ở chỗ bất lực trong việc tận dụng hết những món quà mà thiên nhiên hào phóng đem lại.
Cũng như Marilyn sợ việc mình trông sẽ không hoàn hảo trước ống kính máy ảnh và thường tới trễ, thì Eddie cũng ám ảnh vì những gì mình đã làm sau máy ảnh, và sẽ không để bất cứ ai khai thác và in ảnh của anh ta.
Mỗi người đều mang một ý tưởng về Nghệ thuật như thể nó chính là cuộc sống, và hóa ra đối cả hai, Nghệ thuật đều là như vậy. Phim của Marilyn và hình của Eddie làm những ai nhìn, xem tác phẩm của họ cảm thấy có sức sống hơn, nhưng đồng thời, cũng lo lắng cho sự an toàn của họ, và cũng hiểu cái giá phải trả cho những hình ảnh, thước phim hào nhoáng đó.
Trươc khi một năm kết thúc, tuyến đường rày hỏa xa Third Avenue El trước tửu quán Costello bị hạ xuống. Mấy cái cột ông chủ quán Tim hay tựa lưng vô lúc chờ bắt taxi cũng đã bị di dời đi chỗ khác.
Marilyn ở lại New York để chuẩn bị cuộc hôn nhân với văn sĩ Authur Miller, để trở thành một người vợ và một người mẹ chánh thức ở Connecticut, trong khi đóng vài bộ phim để thể hiện khả năng diễn xuất, cũng như biên độ của thể xác và tinh thần.
Eddie cũng kết hôn luôn, và sau đó anh ta rơi vào khủng hoảng của đời mình.
The Cliff là một tửu quán ở Phố Hai Mươi Ba. Eddie nhét đồng xu cuối cùng vào máy điện thoại công cộng cho cuộc gọi cuối. Tôi đi theo để phòng hờ, ngăn anh ta khỏi việc bốc đồng, nghĩ quẩn làm bậy.
Mọi chuyện bắt đầu trở nên tệ hơn, vài năm sau khi chúng tôi cộng tác với Marilyn. Sau đám cưới của tôi, thì chúng tôi cũng ít gặp gỡ, và tôi cũng bất ngờ khi anh thông báo anh sẽ lấy vợ. Cô ấy mang nét đẹp thơ ngây với gò má cao và một khí chất rất đặc biệt, không thể xóa nhòa. Dường như cô là nguồn cảm hứng đã thôi thúc Eddie đổ hết cả năng lực của mình vào, để anh ta tìm một góc chụp, một bức hình hoàn hảo nhằm giải mã cái bí ẩn nơi người phụ nữ này.
Ngày cưới của đôi họ, tôi đứng sau chiếc máy chụp hình, nhìn vào cô dâu đẹp hệt như hình ảnh trong truyện cổ tích bằng tranh, khó có thể tưởng tượng được. Cô vận váy cưới màu trắng, sánh đôi với màu đen bộ đồ vest của Eddie. Nụ cười của anh hơi nhút nhát, một vài phần trong anh như thấy được tất cả mọi thứ: ngạc nhiên đến bất lực. Cuộc hôn nhân này kéo dài được vài tháng, lúc đó, anh càng ngày càng làm việc ít đi, và rồi dừng lại tất cả việc làm, trước khi người vợ bước ra khỏi cuộc đời của anh, chẳng để lại chi ngoài một ánh nhìn bí ẩn.
Sau khi anh ấy phôn cho tôi tối hôm ấy, chúng tôi ngồi lại hàng giờ, cố gắng suy tính những gì Eddie có thể làm. Bây giờ, chân tay anh ta đã quá tê liệt, đến độ không thể làm việc mà đã từng có ý nghĩa đối với cuộc đời anh ta. Cuối cùng thì, tôi đưa ra lời đề nghị cho anh: “Tới làm việc cho tôi đi. Tôi cần một biên tập về hình ảnh”.
Tôi là biên tập viên của nguyệt san tạp chí Redbook lúc bấy giờ, và ý tưởng đó kể ra cũng có lý. Nếu Eddie không còn chụp hình được nữa, anh ấy có thể tưởng tượng ra nó, giao đối tượng hoặc chủ đề cho các nhiếp ảnh gia, giúp họ làm tốt các công việc cho tới khi Eddie có thể đi chụp hình trở lại.
Mọi thứ đi theo hướng tốt đẹp trong vài tháng. Đôi lúc, khi anh ấy hào hứng về một nhiệm vụ, tôi sẽ nói mà không nhìn anh ấy, kiểu như: “Tất nhiên, anh là hoàn hảo nhất cho công việc đó”, hoặc, “Đó là kiểu công việc dành cho anh mà”. Mỗi lần như vậy, anh ấy lặng yên một lúc, cho tới khi đôi mắt trống rỗng, và anh ấy gật đầu.
Anh ấy bỏ uống rượu, nhưng sự u uất trong anh ngày một tệ hơn. Dần dần, sự xuất hiện của anh ấy ở văn phòng ngày một ít đi, cho tới cuối cùng anh không tới nữa. Tiếp đó là cú phôn của một người phụ nữ đã từng mặn nồng với anh ta trong mấy năm trời. Anh ta đã đứng trước cửa nhà cô ấy tối hôm trước, và mất trong khi đang ngủ tại nhà cô lúc ban đêm.
Suốt mấy năm qua, tôi đã thúc giục Eddie nên tới chỗ bác sĩ tâm lý, nhưng sự van nài của tôi không thể phá vỡ được một quan niệm chắc chắn trong đầu anh ta rằng sự đau khổ là một thứ không thể tách rời trong món quà của anh ta, rằng anh không thể thoát khỏi cái này mà không mất đi cái kia. Trong thế giới ngày nay, anh ta và Marilyn – vì lẽ đó – có lẽ đã được chữa trị bằng y học. Nưng hồi đó thì đâu có mấy cái “phao cứu sinh” như vậy.
Từ đó trở đi, những ai yêu mến các tác phẩm của Eddie đều cố gắng ghé bảo tàng, để trao cho Eddie sự ghi nhận mà anh ta đáng được có. Nhưng giúp anh ta khi anh đã mất xem chừng khó khăn hơn là lúc anh còn sống. Hầu hết những bản in và âm bản (phim nhựa chưa được rửa – ND) của anh, được giữ quá kỹ, rải rác và rồi biến mất. Những bức hình tráng lệ đã mãi mãi mất đi.
Nhưng có vài thứ của anh ấy vẫn còn đó, liên kết vĩnh viễn với những linh hồn đã mất khác. Trên website, bằng đủ loại ngôn ngữ, người ta đang rao bán bản in những bức hình mà Eddie đã chụp Marilyn vào tuần lễ năm 1955 đó. Những âm bản được tìm thấy trong tầng hầm nhà Eddie, ba thập kỷ sau khi anh ấy mất.
Marilyn đã truyền cảm hứng cho lối tưởng tượng giải cứu (rescue fantasies) cho hàng tá các văn sĩ như Norman Mailer và Gloria Steinem. Càng về cuối đời, Artur Miller nhìn lại cuộc đời và thấy mình cũng như mấy ông văn sĩ kiểu vậy. “Tôi đã bỏ ra năm năm, cố gắng để giữ cho cô ấy không bị té xuống hẻm núi”, ông ta đã trả lời như vậy trong một buổi phỏng vấn vào năm 2004 khi biện hộ về tác phẩm After the Fall, một lời thương hại đầy khó chịu sau khi Marilyn qua đời.
Là “vị cứu tinh” của Eddie, còn trơ mình tôi trên đời mà không có lấy một sự an ủi nhẹ nhàng nào giống vậy. Chỉ độc một cảm giác mất mát trĩu trong lòng luôn mà thôi.
________________
Dịch từ bài viết Do You Want To See Her của tác giả Robert Stein, đăng trên trang web của tạp chí American Heritage vào năm 2005
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ