phỏng vấn
MARTIN SCORSESE VÀ BỨC THƯ PHẢN BIỆN TỜ NEW YORK TIMES
Người viết: Giorgio
Vào năm 1993, tờ New York Times đã xuất bản một bài báo có nội dung đánh giá Federico Fellini và những nhà làm phim nước ngoài khác rằng họ làm phim khá “khó nuốt”. Dưới đây là bức thư phản biện của Martin Scorsese về bài báo trên:
“New York
Ngày 19 tháng 11 năm 1993
Gửi Tổng biên tập [của New York Times]:
Trong bài báo “Excuse Me; I Must Have Missed Part of the Movie” từ tờ The Week in Review, số ngày 7 tháng 11, các anh đã trích dẫn Federico Fellini như một ví dụ về một nhà làm phim có phong cách cản trở cách kể chuyện của ông, cũng như ví những bộ phim của ông không dễ tiếp cận với khán giả. Không chỉ Fellini, một số nhà làm phim và nghệ sĩ khác như Ingmar Bergman, James Joyce, Thomas Pynchon, Bernardo Bertolucci, John Cage, Alain Resnais và Andy Warhol cũng được nêu tên trong đó.
Đó không phải là thứ khiến tôi khó chịu, mà lại thái độ cơ bản của các anh đối với những thứ nghệ thuật khác biệt, khó làm và đòi hòi nhiều công sức. Và có cần thiết phải xuất bản bài báo này chỉ vài ngày sau cái chết của Fellini không?
Tôi cảm thấy đó là một hành vi đáng lo ngại và không thể chấp nhận được. Nếu đây là cách các anh đối đãi với Fellini, một trong những bậc thầy điện ảnh lâu đời và là người dễ tiếp cận nhất với điện ảnh, hãy tưởng tượng xem liệu những bộ phim nước ngoài hay các nhà làm phim mới có còn đất sống ở đất nước này không.
Nó làm tôi nhớ đến một quảng cáo bia trước đây. Đoạn quảng cáo đó mở đầu bằng một đoạn phim đen trắng nhại lại một bộ phim nước ngoài - và rõ ràng đó là sự kết hợp giữa phong cách của Fellini và Bergman. Hai nam thanh niên đang bối rối xem nó trong một cửa hàng video, trong khi một cô gái bên cạnh có vẻ thích thú hơn. Một tiêu đề xuất hiện: “Tại sao phim nước ngoài phải mang tính ‘nước ngoài’ như vậy?” Giải pháp là bỏ qua bộ phim nước ngoài đó và thuê một cuốn băng phim phiêu lưu hành động, tràn ngập các cảnh cháy nổ, khiến cô gái ấy cảm thấy kinh hãi.
Có vẻ như đoạn quảng cáo đó đã đánh đồng những liên tưởng “tiêu cực” giữa phụ nữ và phim nước ngoài: yếu đuối, phức tạp, tẻ nhạt. Tôi cũng thích những bộ phim phiêu lưu hành động. Tôi cũng thích những bộ phim kể một câu chuyện, nhưng, cách kể chuyện của người Mỹ có phải là cách duy nhất không?
Ảnh trong phim La Dolce Vita (1960), đạo diễn Federico Fellini
Vấn đề ở đây không phải về “lý thuyết điện ảnh”, mà là sự đa dạng và cởi mở về văn hóa. Sự đa dạng đảm bảo sự tồn tại văn hóa của chúng ta. Khi thế giới đang ngày càng chia rẽ giữa những hận thù, thì phim ảnh là công cụ mạnh mẽ để nâng cao kiến thức và sự hiểu biết. Chúng tôi cũng lấy làm tiếc, khi bài báo của các anh đã được báo chí Châu Âu trích dẫn lại.
Thái độ mà tôi đang mô tả chính là “ca ngợi” sự thiếu hiểu biết của các anh. Và thật không may, sự thiếu hiểu biết ấy cũng chính là nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của các nhà làm phim từ châu Âu.
Liệu sự bảo thủ này có phải là điều chúng ta muốn truyền lại cho các thế hệ tương lai hay không?
Thay vì chấp nhận câu trả lời trong quảng cáo đó, các anh hãy tự vấn lại theo trình tự rằng:
Tại sao họ không làm phim như của chúng ta?
Tại sao họ không kể chuyện như chúng ta?
Tại sao họ không ăn mặc như chúng ta?
Tại sao họ không ăn như chúng ta?
Tại sao họ không nói chuyện như chúng ta?
Tại sao họ không nghĩ như chúng ta?
Tại sao họ không thờ phụng như chúng ta?
Tại sao họ không giống chúng ta?
Cuối cùng, ai sẽ quyết định con người “chúng ta”?
- Martin Scorsese”
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ