phân tích

PHÂN TÍCH PHIM VIVRE SA VIE (1962)

Người viết: Popo

img of PHÂN TÍCH PHIM VIVRE SA VIE (1962)

Nhắc đến trào lưu Làn sóng mới trong điện ảnh Pháp, Jean-Luc Godard là một cái tên không thể bỏ qua. Các tác phẩm của ông là minh chứng cho thấy một bộ phim không chỉ là sản phẩm giải trí đơn thuần mà còn mang cả triết lý, tư tưởng và danh tính của người làm phim. Sự ảnh hưởng từ Godard không chỉ đổi mới nền điện ảnh Pháp mà còn lan rộng đến thế giới, tạo cảm hứng cho những đạo diễn hàng đầu Hollywood như Martin Scorsese và Quentin Tarantino.

(Spoiler Alert!)

Vivre sa Vie (1962) là một trong những phim được đánh giá cao nhất của Godard cùng với sự xuất hiện của vợ ông lúc bấy giờ - Anna Karina trong vai nhân vật chính. Bộ phim kể về cô gái trẻ Nana với mơ ước trở thành một diễn viên nhưng dòng đời đưa đẩy khiến cô phải bước vào con đường mại dâm và nhận về một cái kết đầy bi kịch.

1. Kịch bản

Bộ phim được Godard chia thành 12 phần, hay như cách ông gọi là “tableaux”. Đây là cách kể chuyện mà ông lấy cảm hứng từ vở kịch The Threepenny Opera của nhà soạn kịch người Đức Bertolt Brecht. Với mỗi lần chuyển cảnh, dòng chữ tóm tắt bối cảnh và diễn biến sẽ xuất hiện như đánh dấu sự mở đầu của một tableau. Theo Godard, phương pháp này giúp ông truyền tải nội tâm nhân vật một cách tốt nhất bằng việc nhìn từ bên ngoài. “Làm thế nào để có thể tạo ra một thế giới đa chiều bên trong? Chính là hãy thật thận trọng bên ngoài.”

2. Góc quay

Có thể nói, Vivre sa Vie là một bức tranh ba chiều. Ngay từ đầu phim, khuôn mặt Nana được quay từ ba góc nhìn (góc trái, góc phải, chính diện), đồng thời thể hiện ba khía cạnh của Nana: trẻ, đẹp, mong manh. Tiếp theo đến tableau 1 thì máy quay được đặt phía sau lưng hai nhân vật chính, khiến ta không thể nào biết được họ là ai. Đây là một kĩ thuật khiến người xem cảm giác như đang ở trong cùng không gian với nhân vật, nhưng lại hoà mọi vật lại với nhau, khiến ta cảm giác như đang nghe lỏm cô ấy. Xuyên suốt bộ phim, Godard đã sử dụng các góc quay đa dạng để đạt các hiệu quả khác nhau. Khi quay từ trên cao xuống, máy ảnh đóng vai trò như con mắt của xã hội, quan sát và đánh giá từng hành động cử chỉ của Nana. Đôi khi máy quay lại là đôi mắt của Nana, bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc của cô. Nét lo lắng, bối rối được thể hiện qua sự chuyển cảnh liên tục. Hay máy quay chỉ tập trung vào người nghe chứ không phải người nói để khắc hoạ rõ mối quan hệ của nhân vật trong màn ảnh.

3. Hiện thân của Godard trong Vivre sa Vie

Godard đã khéo léo lồng ghép mối tình của mình với Anna Karina vào bộ phim bằng cách sử dụng truyện ngắn “The Oval Portrait” của Edgar Allan Poe ở tableau 12. Tóm tắt nhanh thì “The Oval Portrait” kể câu chuyện một người hoạ sĩ vẽ bức chân dung của vợ mình. Ông dành hết đam mê để vẽ bức tranh đó và cống hiến cho nghệ thuật. Ông say mê bức tranh, xem nó như hiện hữu của sự sống nhưng lại bỏ mặc vợ và dẫn đến cái chết đau thương của bà. Godard tinh tế dùng chính giọng nói của mình để lồng tiếng vào phân đoạn đó thay vì cho diễn viên nói như bình thường. Đối với người hoạ sĩ khi hoàn thiện bức tranh thì vợ mình chết, thì đối với Godard khi hoàn thành bộ phim thì mối quan hệ của ông và Anna Karina “chết”. Đây là một dự đoán sáng suốt về kết quả không thể tránh khỏi của một mối quan hệ đầy phức tạp Godard-Karina. Để hiểu rõ hơn về mối quan hệ này bạn có thể xem lại bài viết cũ của All About Movie tại đây: https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1072089673302641&id=617551732089773

4. Số phận của Nana

Đối với Jean-Paul Sartre, “hiện hữu có trước bản chất”. Kể từ cái chết của Chúa, phải ở một mình trên Trái Đất, con người nhận ra sự tự do hoàn toàn của mình. Điều đó cũng có nghĩa con người chịu trách nhiệm cho những hành động của bản thân vì nắm trong tay khả năng lựa chọn. Diễn biến tâm lý của Nana trong Vivre sa Vie là quá trình mang đậm chủ nghĩa hiện sinh. Khi bắt đầu cuộc hành trình, Nana giống như những gì Simone de Beauvoir muốn thể hiện bằng cách tuyên bố “Chúng ta sinh ra không phải là phụ nữ, mà trở thành phụ nữ”. Hình ảnh cơ thể bất động như tượng tạc của những cô gái điếm trong chung cư đã khắc họa rõ nét sự khuất phục của phụ nữ trước xã hội nam quyền. Ở mỗi cánh cửa mà Nana mở ra là một cơ thể phụ nữ đông cứng, bị tước đoạt quyền tự do hành động.

Arthur Rimbaud nói: “Je est un autre” (Tôi là người khác). Đó cũng là chữ “Tôi” mà Nana đã viết khoảng mười lần trong lá thư, mỗi lần là để miêu tả những đặc điểm cơ thể được đề cao trong xã hội nam giới. Do đó, cái “tôi” chính là sự độc tài của những người khác trong xã hội. Theo Nietzsche, “tôi” là một người khác vì chúng ta đã bị suy thoái bởi đạo đức của đám đông. Vì vậy ông mời gọi chúng ta tự tạo ra tự do cho chính mình. Đối với Nana, tạo ra tự do chính là không để người khác quyết định thay bản thân và dám đứng lên chống lại mọi phân biệt trong xã hội.

Nhưng rồi hành trình của Nana cũng phải kết thúc. Nana - một Joan of Arc thời hiện đại, đã ngã xuống dưới làn đạn của những người đàn ông, nhưng cô sẽ luôn được vinh danh như một người tử đạo, tử vì lý tưởng tự do của mình. Vivre sa Vie chính là như thế, là một bản tuyên ngôn tự do độc đáo và mang đậm tính cá nhân của Jean-Luc Godard.

“Hoàn cảnh, thứ mà vẫn luôn tàn khốc như thế, cuối cùng lại khiến chúng ta có thể sống, sống một cách chân thật không cần phải giả tạo, xấu hổ hay bộn bề nhiều việc quá mức như mọi người vẫn thường làm.” – Jean-Paul Sartre

______________________________________

Bài viết có tham khảo từ các nguồn:

Conley, Tom; Kline, T.Jefferson, A Companion to Jean-Luc Godard

Sterritt, David, The Films of Jean-Luc Godard: Seeing the invisible


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo