trào lưu phim

LỊCH SỬ LIÊN HOAN PHIM CANNES (Phần I - 1939-1959)

Người viết: Ette

img of LỊCH SỬ LIÊN HOAN PHIM CANNES (Phần I - 1939-1959)

Được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 1/9/1939 tại thành phố ven sông Riviera thuộc miền Nam nước Pháp, Đại lộ Croisette nằm bên bờ biển của thành phố Cannes, Liên Hoan Phim Cannes đón mừng những diễn viên và đạo diễn kỳ cựu của làng điện ảnh thời bấy giờ từ khắp nơi trên thế giới, đổ xô về sự kiện nghệ thuật trọng đại này. Với sự góp mặt của những minh tinh Hollywood nổi tiếng như Gary Cooper, Douglas Fairbanks, Mae West hay Paul Muni đã giúp tăng lên phần hào nhoáng của LHP Cannes lần đầu tiên trong lịch sử. Tham dự trong buổi trình chiếu ta có những cái tên như “L’Homme du Niger” của Jacques de Baroncelli và “La Charrette Fantôme” của Julien Duvivier đại diện cho nước Pháp, “The Wizard of Oz” của Victor Fleming và “Union Pacific” của Cecil B. DeMille đại diện cho Hoa Kỳ, hay Anh Quốc với “Goodbye Mr. Chips” của Sam Wood. Trong đó, Liên Xô tiêu biểu với “Lenin in 1918” và đáng chú ý nhất là tác phẩm với tiêu đề “If War Comes Tomorrow”, giống như một lời tiên tri khi ngay trong hôm đó, quân Đức Quốc Xã đã tiến hành xâm lược vào Ba Lan. Để rồi tới ngày 3 tháng Chín, LHP Cannes được công bố trì hoãn lại khi Pháp và Anh Quốc chính thức tuyên chiến với Đức, mở màn cho Thế Chiến Hai.

- HOÀN CẢNH KHAI SINH -

Được hình thành trong xung đột Thế chiến vô vàn gian nan, tuy vậy bối cảnh ra đời của LHP Cannes lại được có nguồn gốc từ rất lâu trước đó, với lễ khai mạc đầu tiên của LHP Venice 1932 - cũng là LHP quốc tế đầu tiên:

Thành công vang dội của LHP Quốc Tế Venice lần thứ nhất trước đó đã khiến chính quyền Mussolini nhân cơ hội này sử dụng nó như một công cụ chính trị, nhằm gia tăng tầm ảnh hưởng của chủ nghĩa Phát Xít, điều mà vào thời điểm ấy rất dễ được thực hiện do ban tổ chức nghệ thuật Venice Biennal vốn đã dần bị cải tổ dưới thời chính quyền Mussolini từ giữa những năm 20’: bắt đầu từ những đặt tên giải thưởng theo những cá nhân quan trọng trong đảng Phát Xít Ý như giải “Coppa Mussolini” dành cho phim hay nhất, hay “Coppa Volpi” (đến nay vẫn được trao) cho diễn viên xuất sắc nhất vào LHP Venice lần thứ hai năm 1934, đến những ảnh hưởng trực tiếp lên hội đồng ban giám khảo để chắc chắn rằng tác phẩm “La Grande Illusion” của Pháp sẽ không thể chiến thắng vào năm 1937. Sự hình thành của LHP Cannes được bắt nguồn từ chính phản ứng trái chiều của phái đoàn các nước Liên Minh trước những can thiệp chính trị của Mussolini này. Giọt nước cuối cùng tràn ly đến vào năm 1938, khi giải thưởng Coppa Mussolini lại được trao cho bộ phim “Luciano Serra, Pilot” được sản xuất dưới sự giám sát của chính con trai Mussolini, và bộ phim tài liệu “Olympia, Festival of Beauty” của đạo diễn Đức Quốc Xã Leni Riefenstahl, không những mang đậm tính tuyên truyền chủ nghĩa Phát Xít, mà đáng ra theo luật còn không được thắng bởi vì nó là phim tài liệu.

Vốn đã suy tính đến việc tổ chức một LHP quốc tế riêng, Philippe Erlanger, giám đốc của Hiệp hội Nghệ sĩ Pháp lúc bấy giờ (AFAA), đã nhận được sự đồng thuận của bộ trưởng Bộ Giáo Dục và Đào Tạo (Bộ Văn Hóa của Pháp khi ấy chưa được thành lập) để tổ chức một sự kiện nghệ thuật cũng không kém phần thanh thế và hào nhoáng khi so với LHP Venice. Ngày tổ chức chấm lịch sẽ trải dài từ mùng 1 đến 20 tháng 9, thành phố ven biển Cannes được chọn làm nơi tổ chức dưới sự vận động hành lang của chính quyền thành phố, nhằm kéo dài mùa hút khách ở đây. Ban tổ chức đã gửi lời mời đến tất cả những quốc gia có ngành công nghiệp điện ảnh lớn (bao gồm cả Đức và Ý) với dự định rằng mỗi quốc gia tham dự sẽ chọn ra một bộ phim để đại diện cho đất nước họ. Mặc dù nhận được sự hậu thuẫn của Anh Quốc và Hollywood trong việc xây dựng một sàn nghệ thuật thay thế cho Venice, tuy vậy LHP Cannes đầu tiên này chỉ đón nhận phim từ 9 quốc gia. Và càng đáng thất vọng hơn rằng trong khoảng thời gian gấp rút này từ khi được cấp phép vào giữa tháng 5 đến ngày khai mạc, ban tổ chức Cannes đã không kịp để huy động đủ vốn tổ chức, phê duyệt những bộ phim sẽ được trình chiếu*, hay thậm chí là chuẩn bị liên hoan đầy đủ. Kết cục là với Thế Chiến Hai nổ ra, Cannes buộc phải trì hoãn mùa liên hoan phim đầu tiên này của mình trong chưa đầy 2 ngày diễn ra, với duy nhất một phim The Hunchback of Nortre Dame (Thằng gù ở Nhà thờ Đức Bà) của đạo diễn gốc Đức William Dieterle được trình chiếu. Tuy nhiên, việc lựa chọn bộ phim này để khai mạc sự kiện lại là một quyết định mang đầy tính biểu tượng, do đây cũng chính là bản chuyển thể phim đầu tiên của tác phẩm Thằng gù Nhà thờ Đức Bà được lồng ghép yếu tố nhân văn để kể một mạch truyện về tầm quan trọng của sự khoan dung và lòng vị tha dưới sức ép của một chính quyền toàn trị đầy hung bạo. Một thông điệp dường như đang phản ánh nên chính thực trạng chủ nghĩa Quốc Xã và Phát Xít đang lộng hành ở Đức và Ý bấy giờ. Đây dường như cũng chính là thông điệp tiền đề dẫn dắt cho những mùa LHP Cannes sau này

- LIÊN HOAN CHÍNH THỨC “ĐẦU TIÊN” -

Thế Chiến Hai kéo dài suốt 6 năm, kéo theo đó là những năm tháng Pháp bị Đức Quốc Xã, dường như đã đập tan mọi hi vọng cho một LHP Cannes thứ hai. Mãi đến tận năm 1945 khi Pháp đã được giải phóng thì Philippe Erlanger, người ban đầu đã nảy ra ý tưởng thành lập Cannes, bắt đầu có mong muốn được tái tổ chức lại LHP này. Nhưng vào thời kì hậu chiến khi Pháp đang còn trong giai đoạn hồi phục lại, việc tổ chức một LHP điện ảnh lớn như Cannes giờ đây đã không còn phải là một ưu tiên đối với chính quyền Pháp nữa. Tuy vậy, LHP Cannes vẫn được tiếp tục diễn ra. Hàng ngàn những lá thư mời được gửi đi khắp nơi trên thế giới, nhưng những lời phản hồi lại đến một cách chậm chạp, tiền quỹ tổ chức khi ấy lại thưa thớt, những tòa khách sạn nơi tổ chức còn đọng lại những đống đổ nát, và dự định ban đầu để tổ chức LHP vào năm 1945 bị dời sang tháng 3/1946 rồi là tháng 9/1946. Ban tổ chức cuối cùng cũng tìm ra lời giải đáp, khi thị trưởng thành phố Cannes lúc bây giờ đã thành lập một quỹ tái xây dựng thành phố chung nhận được cống hiến đáng giá hàng triệu francs từ những công đoàn thợ xây dựng, làm bánh tài xế taxi, môi giới, vân và vân… để tiếp tục LHP lần thứ hai này.

Khai mạc vào ngày 19 tháng 9 năm 1946, LHP Cannes lần thứ hai được diễn ra trên nền đề tài hòa bình thế giới, với sự tham gia của 21 quốc gia, 18 quốc gia có phim trình chiếu, và tổng cộng 45 bộ phim được trình chiếu, được chủ tọa bởi Georges Huisman trong một hội đồng ban giám khảo bao gồm đại diện của mỗi nước tham dự… Tuy với những trục trặc kỹ thuật liên tục trong buổi liên hoan này (phim thiếu phụ đề, phòng chiếu để lọt ánh sáng vào rạp, người chiếu phim quên chiếu hẳn một cuộn phim, v.v…), nó vẫn được nhớ đến như một thành công khi đã giới thiệu đến thế giới những dấu ấn đầu trong phong trào cận hiện đại Ý với “Rome, Open City”, hay nhiều những bộ phim kinh điển khác như “Notorious” của Alfred Hitchcock hay “Beauty and The Beast” của Jean Cocteau. Với tinh thuần nhằm đề cao sức sáng tạo hơn là để tranh thưởng, LHP Cannes năm ấy bế mạc với 11 bộ phim cùng đạt được danh hiệu cao nhất là giải thưởng Grand Prix . Trong đó bao gồm những cái tên đáng nhớ như “The Lost Weekend” của Billy Wilder, “Brief Encounters” của David Lean, hay “Rome, Open City” của Rossellini, và giải thưởng International Jury Prize trao cho bộ phim “The Battle of the Rails” của Rene Clement.

- XÂY DỰNG UY THẾ-

Đến giữa những năm 1950, LHP Cannes giờ đây đã được coi là một trong những LHP quan trọng nhất trong làng điện ảnh. Trung tâm Palais des Festivals bắt đầu được xây dựng vào năm 1949 làm nơi tổ chức chính thức cho LHP Cannes hàng năm. Giám đốc nhà hát Opera Garnier bấy giờ là Robert Favre Le Bret được tuyển dụng vào hội đồng ban tổ chức Cannes nhằm để tăng uy tín của LHP này lên trong giới nghệ thuật Pháp. Thanh thế của Cannes như một LHP dẫn đầu càng được nâng lên tầm cao hơn nữa khi Liên đoàn quốc tế các Hiệp hội các nhà sản xuất phim (FIAPF), thất thành việc kết hợp tất cả những LHP lớn nhỏ ở châu Âu lại thành một liên hoan lớn, đã đồng ý với hệ thống phân loại theo cấp đề xuất bởi Cannes và Venice nhằm tái thiết lập lại trật tự các LHP bấy giờ, mà trong đó chỉ có Cannes và Venice khi ấy là những LHP thuộc cấp A cao nhất (sau này có thêm Berlinale).

Giải thưởng Cành Cọ Vàng hay Palme d’or được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1955 đã thay thế cho Grand Prix** trước đó. Cành Cọ Vàng đầu tiên này đã được trao cho tác phẩm “Marty” của đạo diễn người Hoa Kỳ Delbert Mann. Điều đáng chú ý đó là những liên hoan phim quốc tế của Châu Âu vào thời điểm này đều mong muốn sự góp mặt của những tác phẩm tới từ kinh đô điện ảnh Hollywood để từ đó họ có thể dựa dẫm lên quyền uy của ngành công nghiệp vĩ đại này để phác họa lên bức tranh sôi động về một lễ hội nghệ thuật tráng lệ và uy thế. Cannes cũng không phải ngoại lệ, họ đặt ra những quy định tham dự đặc biệt nhằm ưu tiên cho việc trình chiếu phim của Hollywood (số lượng phim của một quốc gia được đem dự thi phải tương đồng với năng suất của ngành công nghiệp điện ảnh ước ấy) và những thỏa hiệp của Pháp trong thời hậu chiến bấy giờ với Hoa Kỳ - mà cốt yếu nhất là hiệp định Blun-Byrnes và hiệp ước về thuế quan và mậu dịch GATT - đã cho phép Hollywood mở rộng địa bàn kinh doanh của họ vào vthị trường phim Pháp vốn khó khăn này, tạo động lực cho việc họ có mặt tại LHP Cannes hàng năm. Nếu như bạn đã theo dõi All About Movie lâu, ắt hẳn bạn cũng quen thuộc với những bài đăng về những ngôi sao Hollywood có mặt tại Cannes, bởi đây cũng chính là tiêu đểm trong liên hoan này đã tạo nên thành công trong mảng truyền thông của họ (hay thậm chí đến giờ vẫn thế): dù là sự xuất hiện của Grace Kelly hay Sophie Loren trong những bộ cánh rực rỡ, nụ hôn của Eddie Constantine với vợ là Helene Mussel trên bậc thềm Palais des Festivals, hay thậm chí là cuộc tình vụng trộm tai tiếng giữa Robert Mitchum và nữ diễn viên người anh Simone Silva bị bắt gặp tại Lérins Islands, chúng đều đã góp phần thu hút đông đảo những con mắt từ giới công chúng, cũng như quảng cáo về một hình ảnh thành phố Cannes nơi mà các ngôi sao nổi tiếng cũng có thể xuất hiện trên bãi biển giữa đám đông như bao người khác.

- TÁC ĐỘNG CHIẾN TRANH LẠNH -

Trong hoàn cảnh thế giới hậu Thế Chiến Hai đi vào Chiến Tranh Lạnh, khi châu Âu bắt đầu bị phân tách dưới cuộc đối đầu lý tưởng chính trị giữa hai khối Hoa Kỳ và Xô Viết, màn ảnh bạc cũng trở thành nơi tranh chấp của hai cường lực này. Hoa Kỳ cùng món tiền viện trợ khổng lồ đến Pháp (từ Kế Hoạch Marshall phụ hồi Châu Âu) nhằm câu kéo đồng minh qua đã dễ dàng dành được sự ủng hộ từ LHP Cannes. Tuy thế, đáng chú ý rằng cũng trong thời kỳ này, ta lại thấy hàng loạt những phim của Ý, Ba Lan, và Xô-Viết đạt được những danh hiệu lớn ở Cannes, trong đó có những cái tên tiêu biểu như “Miracle in Milan” của Vittorio de Sica với giải thưởng Grand Prix vào năm 1951, “Canal” của Andrzej Wajda với giải Special Jury năm 1957, hay nổi bật nhất là “The Cranes Are Flying” (Khi Đàn Sếu Bay Qua) thắng Cành Cọ Vàng năm 1958. Những bộ phim trên đã giúp ban tổ chức định hướng lại nỗ lực đàm phán ngoại giao giữa hai thế lực này tại Cannes, từ một bất đồng trong tư tưởng chính trị trở thành một sự phân tranh trong những hình thức nghệ thuật khác nhau, nhiều những lối thể hiện mới trong điện ảnh từ đó được giới thiệu với công chúng tại LHP Cannes vào thập niên 40 và 50. Những phim thuộc chủ nghĩa tân hiện thực Ý, phong trào Polish School của Ba Lan, điện ảnh Xô Viết được làm dưới thời Khrushchev Thaw từ năm 1956 đến 1963 - sự tan băng của Khrushchev - tham gia vào LHP Cannes cũng đều chia sẻ cùng một đặc tính rất quan trọng: chúng đều là những bộ phim mang tinh thần phản chiến đến từ ngoài Hollywood. Điều này đã cho phép chúng được sử dụng như một phương tiện nhằm để duy trì nỗ lực giữ vững quan hệ ngoại giao vào thời bình chiến, với tính “nhân văn” và sự “phổ độ” trong thông điệp của chúng được giới phê bình tại Cannes đặc biệt nhấn mạnh. Phim “nhân văn” trở thành một đề tài nổi bật ở Cannes trong giai đoạn này, bởi chúng mang những giá trị tương đồng với lý tưởng của LHP Cannes về tầm quan trọng của sự độ lượng, vị tha và khoan dung giữa người với nhau, những điều càng trở nên thiết yếu hơn bao giớ giữa bầu không khí của Chiến Tranh Lạnh này.

Bên cạnh yếu tố nhân văn, những nhà phê bình tại Cannes cũng đã viết rất nhiều về hình thức nghệ thuật của những bộ phim này: từ những ghi chép của Andre Bazin về Tân Hiện thực Ý, đến những bình phẩm của Georges Sadoul về điện ảnh Liên Xô hậu chính quyền Stalin xoay quanh nguồn gốc tính tài liệu hay hiện thực của chúng. Điều đặc biệt thay là dưới cơ chế tham dự của Cannes bấy giờ phải phụ thuộc vào các hội đồng phim quốc gia cũng như bởi tình hình chính trị thế giới, những bộ phim này được đánh giá dưới một góc nhìn là một phần của bản sắc quốc gia nó được sản xuất, chứ không phải qua góc nhìn cá nhân của người tác giả như sau này. Tuy nhiên, với tất cả những nỗ lực để định hướng lại sự hiện diện của Chiến Tranh Lạnh tại liên hoan, việc tập trung vào những hình thức nghệ thuật của những thể loại phim “nhân văn” này cũng không làm lu mờ đi tính chính trị ngoại giao trong cách tổ chức Cannes, đặc biệt ở quá trình tuyển lựa phim này. Phải đến tận đầu những năm 1960 với sự thành lập của Critic’s Week bởi tổ chức phê bình độc lập thì Cannes bấy giờ mới tập trung nhiều hơn lên mảng nghệ thuật.

(Hết phần 1)

_________________________

Tham khảo và lược dịch:

- Making film history at the Cannes film festival, tác giả Dorota Ostrowska (2016), xuất bản bởi Routledge Publishing House

- Film Festivals: From European Geopolitics to Global Cinephilia Film Culture in Transition (2007), tác giả Marijke de Valck, xuất bản bởi Amsterdam University

- Film Festivals: Culture, People, and Power on the Global Screen (2011), tác giả Cindy H. Wong, xuất bản bởi Rutgers University Press

- Histoire de la Palme d’or, de Lucienne Lazon à Chopard, tác giả Mathilde Bouthier de la Tour đăng trên tờ Le Journal des Femmes (2018)

- 1938-1951: The birth of the Festival, tác giả Céline Keller (n.d) từ trang chính thức của Cannes

- HISTORY OF THE FILM FESTIVAL (n.d) từ trang chính thức của Cannes

- Cannes: A Rich History (2018) tác giả Adam Smith từ tờ Telegraph UK

_________________________

| Chú thích |

* Khác với thể chế vận hành của Cannes ngày nay khi tồn tại một hội đồng phẩm định riêng để xem xét những phim được nộp dự thi, thì trong những năm đầu của Cannes những phim được trình chiếu là do quốc gia lựa chọn để đại diện chứ không phải là những nhà tư nhân, nên hầu như phim nào nộp cũng đều được nhận. Hội đồng khi ấy chỉ có nhiệm vụ là để kiểm tra chất liệu của cuốn phim đó có ổn hay không thôi.

** Palme d’or, hay Cành Cọ Vàng ban đầu chủ được trao từ năm 1955 đến 1964 trước khi bị Grand Prix thay thế trở lại là danh hiệu cao nhất. Đến năm 1974 Palme d’or lại được trao lại như thông thường


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo