trào lưu phim
LỊCH SỬ LIÊN HOAN PHIM CANNES (Phần II - 1959-1979)
Người viết: Ette
Đến năm 1959, có hai nhân tố quan trọng đã xảy ra tại mùa liên hoan của Cannes năm ấy: thứ nhất đó là chiến thắng giải đạo diễn xuất sắc của Francois Truffaut với The 400 Blows, báo hiệu cho một làn sóng mới của điện ảnh Pháp chuẩn bị tràn ngập đến, và thứ hai đó là sự thành lập của thị trường phim Marché du Film bởi công đoàn các nhà sản xuất phim tại Pháp. Trái với chương trình chính ở Cannes bấy giờ khi những phim dự thi phải được do các hội đồng điện ảnh ở quốc gia sản xuất nộp vào [1], Marché du Film cho phép bất kì một cá nhân nào có thể tự thuê buồng chiếu để đem phim của mình đi trình chiếu tại đây trong lúc liên hoan phim chính đang diễn ra. Hai yếu tố này mang tính cộng hưởng thiết yếu cho nhau, tạo đà cho những chuyển biến sắp đến tại Cannes.
- LÀN SÓNG MỚI -
Với điều kiện hạ tầng của nền điện ảnh Pháp được cải thiện trong thời kì hậu chiến đã mở ra những cơ hội mới cho những nhà làm phim trẻ [2], cũng như sự phát triển của các lý thuyết thực hành làm phim mới vào thời điểm này (tiêu biểu với thuyết tác giả), Làn Sóng Mới Pháp được ra đời vào những năm cuối 1950s đầu 1960s trước sự ngỡ ngàng của làng điện ảnh trong nước và thế giới bởi tính phá cách của chúng. Nhưng không chỉ riêng gì ở Pháp, sự phát triển của những loại công nghệ máy quay cầm tay rẻ tiền vào lúc này đã cho phép những nhà làm phim trẻ ở khắp nơi trên thế giới có thể thử nghiệm với các loại hình nghệ hình mới (tất nhiên là vẫn còn nhiều yếu tố đối nội cộng hưởng khác nhau). Những trào lưu điện ảnh mới tiếp tục được nảy nổi ở nhiều nơi xuyên suốt khắp thế giới đi vào những năm 60 và 70, chúng mang nặng tính cá nhân, phác họa nên một thế hệ trẻ đầy nổi loạn và phóng túng, sẵn sàng thách thức những cơ chế xã hội và kinh tế cũ. Chúng đồng thời cũng đi ngược lại với những hình thức kể truyện trước đây để tự do thử nghiệm với việc kết hợp giữa tính tài liệu và hư cấu trên phim. Những bộ phim này hoàn toàn khác biệt với những tác phẩm nhân văn của thế hệ trước, không những do rằng việc chúng không còn khai thác nữa về các đề tài Thế Chiến Hai, mà cũng bởi sự đa dạng trong những mối quan tâm của chúng đến nhiều các vấn đề khác nhau ở nhiều nơi trên toàn thế giới; như thể sự bất bình đằng trong phân hóa giàu nghèo giữa các quốc gia hay thân phận của những nhóm người bị gạt ra bên lề xã hội dưới sự bùng nổ tăng trưởng kinh tế.
-THỊ TRƯỜNG MARCHÉ DU FILM -
Vào đầu những năm 60s, tuy rằng với nhiều những tác phẩm kinh điển được vinh danh như La Dolce Vita của Fellini, O Pagador de Promessas của Anselmo Duarte, Viridiana của Luis Buñuel giành giải thưởng Cành Cọ Vàng quý giá nhất, hay Mother Joan of the Angels của Jerzy Kawalerowicz với giải Special Jury Prize bất chấp cho những tranh cãi xung quanh nó [3], LHP Cannes vẫn tiếp tục nhận được nhiều lời phàn nàn từ giới nhà báo về chất lượng những bộ phim được ban tổ chức lựa chọn ra để tranh giải, cũng như những cáo buộc về ảnh hưởng chính trị ngoại giao đến việc trao giải. Francois Truffaut, người đã bị cấm tham dự Cannes vào năm 1958 khi ông chỉ trích việc họ đã quá tập trung vào vấn đề xây dựng không khí lễ hội hơn là tôn vinh điện ảnh, trớ trêu thay lại giành được giải đạo diễn xuất sắc nhất cho bộ phim The 400 Blows vào năm 1959. Tuy rằng chiến thắng của ông vẫn được coi là một cột mốc quan trọng trong phong trào điện ảnh Làn sóng Mới Pháp, nhưng đáng tiếc thay, ban tổ chức Cannes dường như đã không nắm bắt được thời cơ này để tiếp tục tạo điều kiện phát triển cho các nhà làm phim trẻ bấy giờ, khi những tên tuổi quan trọng của Làn Sóng Mới như Jean-Luc Godard, Claude Charbol, hay Eric Rohmer lại vẫn tiếp tục bị ngó lơ khỏi dàn phim tranh cử [4].
Cũng vào thời điểm ấy, tách biệt khỏi những hòa nhoáng và nhộn nhịp của sự kiến chính đang diễn ra tại Palais des Festival, thị trường Marché du Film bắt đầu gặt hái được nhiều thành công. Tận dụng thời điểm khi những tên tuổi quan trọng trong làng điện ảnh quốc tế đang tập hợp lại một nơi để dự liên hoan phim, để lôi kéo những nhà phân phối tại sự kiện chính đến tham dự. Chỉ trong vòng 5 năm khởi động, chương trình này đã thu hút được hơn ba trăm bộ phim tham dự, được trình chiếu rải rác tại khắp các rạp phim trên đại lộ Rue d’Antibes ở thành phố Cannes bấy giờ với nhiều những sự chú ý và quan tâm của giới báo chí. Thị trường Marché trình chiếu phim trong nhiều các giai đoạn sản xuất khác nhau, để tìm kiếm nhà đầu tư hay cơ hội để bán phim (người thường cũng có thể dự coi những bộ phim này), với những phim đã hoàn thiện thường có khả năng cao được phân phối nhiều hơn Không phải qua một quá trình tuyển lựa hay ràng buộc nào (thậm chí phim đen cũng được trình chiếu thoải mái ở đây rất nhiều), Marché du Film như một sàn nghệ thuật mở tự do cho tất cả những ai muốn đưa phim mình vào trình chiếu, miễn rằng họ có thể tự chi trả được tiền thuê rạp. Thị trường điện ảnh từ đó dường như đã làm được điều mà Cannes bấy giờ lại không, đó là giới thiệu được những loại hình nghệ thuật mới của điện ảnh thế giới, những thứ đáng lẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn. Thế nhưng việc bản thân nó vẫn mang mô hình thị trường mở thay vì một liên hoan cũng đồng nghĩa với việc nó không có một cơ chế giám tuyến hay tổ chức nào, tất cả đều phụ thuộc vào việc phim có bán được không. Bởi thế, mặc cho các loại hình nghệ thuật mới này xuất hiện tại đấy, một số thành phần như nhà phê bình Roger Ebert vẫn cho rằng những bộ phim ở đây “không cần phải có tính nghệ thuật độc đáo gì, chỉ miễn rằng là nó có thể bán được vé”
- SỰ THÀNH LẬP CỦA INTERNATIONAL CRITICS’ WEEK -
Giới phê bình tại Cannes dường như đã ngay lập tức nhận ra những tiềm năng mới này đang được trình chiếu tại Marche du Film. Đến năm 1961, họ vận động ban tổ chức chương trình chính để khai mạc bộ phim The Connection của Shirley Clarke tại liên hoan ngoài mục tranh giải. Sự thành công của buổi công chiếu này đã khiến ban tổ chức Liên Hoan Phim Cannes cùng Viện phim Quốc gia Film National Center đồng ý giao phối quyền hành cho Hiệp Hội Phê Bình Phim của Pháp (L’Association Française de la Critique) để thành lập nên một bộ phận độc lập trình chiếu phim mang tên International Critics’ Week (hay La Semaine de la Critique), diễn ra trong cùng lúc với sự kiện chính của liên hoan phim. Bộ phận này được thành lập với mục đích nhằm để chọn lọc ra và trình chiếu phim đầu tay của những đạo diễn triển vọng khi chúng vẫn chưa được công chiếu ở các liên hoan phim quốc tế lớn khác.
Jacques Demy và Anouk Aimée ở Cannes.
Ban tổ chức của Critics’ Week tự chọn ra 10 đến 15 phim dài mỗi năm thay vì phải phụ thuộc vào những lựa chọn có sẵn của hội đồng đại diện quốc gia như ở sự kiện chính tại Cannes bấy giờ. Bộ phận này thường cố chọn ra những phim từ nhiều nơi nhất có thể, với mục tiêu nhằm để “giới thiệu một bức tranh toàn cảnh về điện ảnh chất lượng khắp thế giới.” Vào những năm đầu thành lập, không có một giải thưởng cố định nào được trao ra, chỉ có một tấm chứng chỉ tham dự dành cho những đạo diễn có phim được trình chiếu. Do bộ phần này không nhận được tiền vốn tổ chức từ ban tổ chức chương trình (tuy rằng ngày nay thì bắt đầu có sự điều phối giữa 2 bên nhiều hơn), nên cho đến đầu những năm 2000s, với sự tài trợ của các công ty như Leitz Cine, Louis Roederer, hay Nespresso (công ty con của Nestle), thì ba giải thưởng khi ấy mới được trao ra bao gồm Nespresso Grand Prize cho phim dài, Leitz Cine Discovery Prize cho phim ngắn, và Louis Roederer Foundation Rising Star Award cho diễn viên với các mức tiền thưởng tương đương (cũng như các giải GAN Foundation Award hỗ trợ tiền phân phân phối, hay Canal+ Award cho phim ngắn).
Những bộ phim được trình chiếu tại Critics’ Week bên cạnh việc kinh phí thấp, thường mang đậm tính thể nghiệm với những nét thẩm mỹ riêng biệt và thông điệp chính trị cá nhân, thậm chí nhiều lúc còn bị cấm chiếu tại quốc gia chúng được làm ra, nên vì thế khó mà tiếp cận được với khản giá đại chúng ngoài vòng liên hoan phim nên cũng do đó mà bản thân phần lớn chúng đến nay đã bị lãng quên hoặc ít được bàn đến. Tuy nhiên, cũng không thể chối cãi rằng rất nhiều những đạo diễn tiềm năng đã từ đây mà tìm được khởi đầu của mình, cũng như nhiều trào lưu điện ảnh quan trọng bấy giờ cũng đã được trình chiếu tại bộ phận này, tiêu biểu như Làn Sóng Mới Thứ Nhất của Iran với Nights of the Hunchback của Farokh; Làn Sóng Mới của Tiệp Khắc với Something Different của Vera Chytilova hay Diamonds of the Night của Demanty Noci; Điện Ảnh Mới của Đức với The Parallel Street của Ferdinand Khittl; Làn Sóng Mới của Anh với Kes của Ken Loach; Làn Sóng Mới của Mỹ với Goldstein của Philip Kaufman; hay thậm chí là Làn Sóng Mới của Pháp với Adieu Philippine của Jacques Rozier.
Những bộ phim này đã tạo được tác động lên chương trình chính tại Cannes bằng cách tái định hướng lại tiêu chí lựa chọn phim của ban tổ chức từ đề cao tính nhân văn trong chương trình, thì giờ đây lại đề cao tầm quan trọng điện ảnh nói chung; thay thế cho những ảnh hưởng chính trị ngoại giao trước đây thì công cuộc tuyển lựa phim bây giờ ở Cannes lại ngày một hoan nghênh hơn những yếu tố mỹ thuật mới lạ, những vấn đề xã hội thế giới, và tư tưởng chính trị cá nhân. Đến năm 1964, nhà làm phim đức huyền thoại Fritz Lang, là đạo diễn đầu tiên được giao trọng trách chủ tọa ban giám khảo tại Cannes (chủ tọa Cannes từ trước đó thường là nhà phê bình hoặc biên kịch), đã gọi tên The Umbrella of Cherbourg của đạo diễn Jacques Demy cho giải thưởng Cành Cọ Vàng quy giá nhất, đem lại thêm một chiến thắng cho Làn Sóng Mới của Pháp nữa ở LHP Cannes. Vào năm 1965 và 1966, Olivia de Havilland và Sofia Loren trở thành hai người chủ tọa nữ đầu tiên tại đây, với hai giải Cành Cọ Vàng lần lượt dành cho Làn Sóng Mới của Anh và Làn Sóng Mới của Pháp (với The Knack and How to Get It của Richard Lester và A Man and A Woman của Claude Lelouch, bản thân mình đều không thích cả hai). Hơn nữa, Critics’ Week cũng có vai trò trong việc hình thành cầu nối giữa thị trường điện ảnh với liên hoan Cannes nói chung bởi những thành công của nó trong việc khám phá và đào tạo những đạo diễn triển vọng, mà từ đó những phim tiếp theo của họ có thể được tiếp tục trình chiếu ở Cannes cũng như ở các liên hoan quốc tế lớn khác. Do đó, vai trò của Critics’ Week tốt hơn hết nên được ghi nhận bởi những tác động của nó lên chương trình chính của Liên Hoan Phim Cannes, như một nguồn hiệu cho thấy những tài năng mới đang xuất phát từ đây, hơn là một cơ quan phổ biến hóa những phim được trình chiếu tại đây. Tuy nhiên, những tác động này của Critics’ Week vẫn không thể làm chuyển biến được cơ chế cốt lỗi của Cannes vào thời điểm bây giờ, điều mà đã sinh thành nên những ảnh hưởng ngoại giao nói trên ấy, đó là việc tuyển lựa phim qua các hội đồng đại diện cho điện ảnh quốc gia. Nhưng điều đó cũng sắp sẽ thay đổi.
- HOÀN CẢNH NĂM 68 -
Đến năm 1968, các phong trào biểu tình học sinh từ khắp nơi trên thế giới xuyên suốt thập niên 60 dần trở nên dữ dội hơn bởi tình hình chính trị ở các nước ngày càng leo thang từ nhiều nguyên nhân riêng biệt [5]. Tại Pháp, dưới sự phẫn uất của thế hệ trẻ với chính quyền đương thời cũng như những thờ ơ của nhà nước trong việc cải tiến, các phong trào biểu tình của học sinh này dần đạt đến đỉnh điểm với sự kiện May 68, khi vào tháng 5 năm 1968, hàng loạt các cuộc đình công, biểu tình, chiếm đóng trường đại học và nhà máy được nổ ra ở khắp nước Pháp, nhận được sự tham gia đông đảo của mười một triệu dân cả nước. Cũng vào thời điểm ấy, trong tòa nhà La Salle Jean Cocteau tại liên hoan Cannes, một cuộc biểu tình khác cũng đang diễn ra, dẫn đầu bởi Jean-Luc Godard và Francois Truffaut, với mục tiêu nhằm để dừng toàn bộ hoạt động liên hoan năm đó lại nhằm để thể hiện sự hậu thuẫn cho cuộc đấu tranh của người biểu tình trên toàn nước bấy giờ.
Một bức ảnh từ các cuộc biểu tình, đình công năm 1968 (May 68).
Nhưng để hiểu được toàn cảnh sự kiện ở Cannes khi ấy, ta phải quay lại đầu năm 1968. Trào lưu Làn Sóng Mới Pháp trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu đã qua, bước vào là một thời kỳ mới mang tính tư tưởng hơn. Francois Truffaut và Jean-Luc Godard giờ đây đề cao vai trò của điện ảnh không chỉ riêng gì là một phương tiện mỹ thuật mà còn như một công cụ chính trị, tạo nên những ảnh hưởng mang tính cấp tiến trong xã hội. Một sự kiện quan trọng khác đang diễn ra vào thời điểm ấy là việc Bộ Văn hóa Pháp đã chính thức cách chức Henri Langlois là giám đốc của Viện tư liệu phim Pháp (Cinémathèque Française) [6]. Langlois, một kẻ vô lại trong mắt chính quyền nhưng lại là một huyền thoại trong giới điện ảnh Pháp, người đã lưu trữ được hơn 60,000 bộ phim để chúng không bị thất lạc cũng như trình chiếu hàng ngàn chúng tại Viện tư liệu, nơi mà những nhà làm phim của phong trào Làn Sóng Mới đã có được học vấn điện ảnh đầu tiên của họ. Nên thậm chí người thay thế ông, Pierre Barbin, tuy không phải là bất tài, nhưng cũng ko thể nào cạnh tranh lại được với tiền nhiệm của mình. Việc sa thải ông tưởng chừng như dễ mà lại khó, khi quyết định này lại nhận được nhiều luồng phản đối mạnh mẽ từ toàn công chúng Pháp cũng như với giới điện ảnh thế giới, trong đó tiêu biểu có nhóm Cahiers Du Cinema của Làn Sóng Mới Pháp lại là tiếng nói lớn nhất [7]. Bắt đầu vào sáng ngày 16 tháng 2, đám đông biểu tình bao gồm những nhà đạo diễn, diễn viên, các nhà phê bình, và những người yêu nghệ thuật tại Pháp tập trung hàng loạt trước cổng rạp Cinémathèque Francaise mới được khai trương để chống đối việc thay thế Langlois. Chẳng may thay, họ lại đụng độ phải lực lượng cảnh sát Paris, khi trong nỗ lực nhằm giải tán đám đông, phía cảnh sát đã không ngần ngại đánh đập người biểu tình, để lại nhiều thương tích cho đám đông, trong đó có 3 người diễn ngôn tại cuộc biểu tình này là Jean-Luc Godard, Francois Truffaut, và Bertrand Tavernier đều đã gặp chấn thương trong lúc xô xát. Tuy rằng cuối cùng Langlois cũng đã được phục chức sau hai tháng biểu tình dai dẳng, nhưng cách hành xử của cánh cảnh sát trong những cuộc đàn áp biểu tình đã để lại ấn tượng mạnh mẽ đối với giới công chúng bấy giờ, làm tiền đề cho sự kiện May 1968.
Biểu tình đòi phục chức cho Langlois
- BIỂU TÌNH TẠI CANNES NĂM 68 -
Với sự kiện sinh viên chiếm đóng trường Đại học Nantere vào ngày 22 tháng 3 để biểu tình các chính sách của trường, theo sau bởi trường Đại học Sorbonne vào ngày 2 tháng 5 để ủng hộ việc biểu tình ở Nantere, cảnh sát đã bắt đầu bao vây các trường đại học này lại nhằm đàn áp những cuộc biểu tình của sinh viên. Các công đoàn của học sinh và giáo viên trường đại học liền nhanh chóng hưởng ứng tiếng gọi của sinh viên tại Sorbonne để chống lại sự tàn bạo của giới cảnh sát. Tinh thần biểu tình lan nhanh đến những công xưởng nhà máy ở mọi ngành công nghiệp tại Pháp với những yêu sách đòi hòi nhà nước tổng cải tổ bộ máy chính quyền một cách tận rễ. Lúc liên hoan Cannes năm ấy chính thức diễn ra vào ngày 10 tháng 5, thì cũng là ngày “đêm của chiến lũy” (nights of the barricades) đang nổ ra tại Paris, khi cả khu phố Latin như chìm ngập trong biển lửa bởi tranh chấp giữa những người biểu tình và lực lượng cảnh sát. Cả hai Jean-Luc Godard và Francois Truffaut đều đã hưởng ứng phong trào này một các mạnh mẽ, với Jean-Luc Goddard đặc biệt đã bỏ ngang dự án (và vợ) của mình để cùng diễu hành với những người biểu tình trên phố.
Ở Cannes, ngoại trừ một số những thành phần thiểu số thi thoảng lại làm loạn thì liên hoan năm ấy lại là một năm khá yên ắng. Dàn phim được công chiếu tranh giải ngoại trừ cho việc lần đầu tiên Tiệp Khắc có ba bộ phim đại diện được công chiếu tại đây [8] (trong đó nổi bất nhất là The Firemen’s Ball của Miloš Forman) thì còn lại cũng không có gì quá đỗi đặc biệt. Liên Hoan Phim Cannes cứ như đang diễn ra ở một thế giới riêng, tách biệt hoàn toàn khỏi tinh thần biểu tình cũng như sự hỗn loạn trên đường phố Pháp lúc ấy. Đấy là cho đến thứ Sáu ngày 17 tháng 5, sau buổi công chiếu của Rocky Road to Dublin, Jean-Luc Godard và Claude Lelouch lập tức bước lên bục thềm rạp chiếu bóng và kêu gọi ban tổ chức buộc phải dừng liên hoan lại để thể hiện tinh thần ủng hộ với phong trào biểu tình học sinh đang diễn ra khi ấy cũng như chống đối sự hung bạo của phía cảnh sát. Vào một ngày rưỡi tiếp theo, mọi hoạt động tại liên hoan Cannes bị trì trệ lại trong khi mọi người tiếp tục thảo luận tại rạp La Salle Jean Cocteau về việc nên làm gì tiếp theo. Đại diện cho quan điểm nên dừng liên hoan phim bao gồm Jean-Luc Godard, Francois Truffaut, Claude Charbol, Claude Lelouch, và một số những tên tuổi khác. Những yêu cầu của họ trong việc cải tổ nhằm dân chủ hóa liên hoan phim cũng như chỉ trình chiếu phim ngoại quốc hay không trao giải dần dần càng trở nên cực đoan hơn cho đến khi Truffaut đưa ra đề nghị cuối cùng phải giải thể hoàn toàn LHP Cannes năm ấy, với Jean Luc Godard đưa ra lý do rằng không một bộ phim nào được trình chiếu năm ấy phản ánh được tinh thần cách mạng của tầng lớp lao động lúc bấy giờ.
Nhiều những nhà làm phim và ban giám khảo tại Cannes đã hưởng ứng tiếng gọi này, một số một cách tự nguyện như Milos Forman đã xung phong rút bộ phim The Fireman’s Ball của mình ra khỏi liên hoan, một số khác lại lưỡng lự đồng ý dưới sức ép của nhóm Làn Sóng Mới, như thể Roman Polanski đã chấp nhận rời khỏi hội đồng giám khảo khi bị Truffaut liên tục chất vấn (ông ngay lập tức hối hận quyết định của mình). Tuy rằng không phải đa số, nhưng số lượng người quyết định rút phim của mình ra khỏi liên hoan hoặc rời khỏi hội đồng giám khảo đã đủ để Cannes năm ấy không thể tiếp diễn. Cuộc tranh luận ở La Salle Jean Cocteau ban đầu diễn ra một cách văn minh nhưng dần lại trở nên dữ dội hơn, với đôi bên la hét điên cuồng xuyên suốt khán phòng để rồi xô xát bắt đầu nổ ra khi bộ phim Pepermint Frappe của Carlos Sauna bắt đầu được trình chiếu. Carlos Sauna, người đã quyết định rút phim của mình khỏi liên hoan vào giờ phút chót, cùng (vợ) diễn viên chính của phim, Geraldine Chaplin, cũng như toàn thể thành phần Làn Sóng Mới đã cố gắng ngăn chặn rèm chiếu được mở ra. Trong cuộc xô xát, Truffaut bị đám đông đẩy té xuống khỏi bục thềm, Godard bị văng mắt kính, André Chamson bị đấm bầm mũi, còn Geraldine Chaplin bị đánh sún răng (bà cũng cho rằng là do Godard không thấy đường nên đánh nhầm). Cuối cùng, giám đốc điều hành Robert Favre Le Bret cũng đã phải công bố chính thức dừng liên hoan Cannes năm ấy lại vào giữa ngày 18 tháng 5 (sau khi bị bảo rằng cảnh sát thành phố và thị trưởng không thể can thiệp vào cuộc bạo động) với khi chỉ còn 5 ngày nữa của sự kiện.
Vụ ẩu đả năm 68, chúng ta cũng có thể dễ dàng nhận thấy nhiều gương mặt quen thuộc.
- SỰ THÀNH LẬP CỦA DIRECTORS’ FORTNIGHT -
Cuộc biểu tình năm 1968 đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử Cannes; thứ nhất bởi vì nó thể hiện được tiềm năng truyền thông của Cannes cho những nhà làm phim có thể tận dụng để thúc đẩy quan điểm chính trị nghệ thuật cá nhân; thứ hai là bởi vì nó dẫn dến sự thành lập của Hiệp Hội Đạo Diễn (La Société des Réalisateurs de Films) hay SFR tại Pháp, tạo nền móng cho những cải tổ sắp đến trong nhưng cơ chế hay cũng như cách tuyển lựa phim của Cannes sau này (hay nền điện ảnh Pháp nói chung). Tổ chức này được thành lập vào ngày 14 tháng 6 bởi các nhà làm phim kì cựu tại Pháp như Louis Malle, Claude Lelouch, Robert Bresson, Jacques Rivette,… (ngạc nhiên thay lại không có Godard và Truffaut) với mục tiêu nhằm để “bảo vệ quyền tự do nghệ thuật, thực hành đạo đức, công vụ và an ninh tài chính để xây dựng và tập trung vào việc phát triển những loại hình nghệ thuật mới.” Họ đã thành lập ra một bộ phận riêng tại liên hoan Cannes này mang tên La Quinzaine des Réalisateurs, hay The Directors’ Fortnight, (sau thất bại để cải tổ chương trình chính) được tổ chức cũng như điều hành hoàn toàn bởi các nhà làm phim tại Pháp, cùng hướng đến việc đi tìm những hình thức nghệ thuật mới mẻ ở khắp nơi trên thế giới.
Không phải chịu ảnh hưởng của bất kì một nhân tố nào từ ngoài, ngay cả là với ban tổ chức chương trình chính của Cannes, Directors’ Fortnight tuyển lựa bất kì bộ phim nào nó muốn theo gu thẩm mỹ riêng của hội đồng giám tuyển, được làm ra ở khắp nơi trên toàn thế giới, phát hiện qua bởi những đầu mối riêng của ban tổ chức (bây giờ thì phải nộp vào thôi). Trong năm đầu tiên, với sự tham vọng của nó, bộ phận này đã trình chiếu đến tận 68 bộ phim cho toàn thể công chúng tham dự, trong đó có những tên tuổi như Bernardo Bertolucci với Partner, Robert Bresson với A Gentle Woman, và Nagisa Oshima với Diary of a Shinjuku Thief; những bộ phim đầu tay như của Bob Rafelson - Head, André Téchiné với Pauline S’en Va và Susan Sontag với Duet For Cannibals; cũng như hai bộ phim đến từ Cuba của Manuel Octavio Gómez với The First Charge of the Machete và Humberto Solas với Lucia. Trong suốt những năm 70, Directors’ Fortnight đã có vai trò trong việc giới thiệu nhiều tên tuổi huyền thoại bây giờ, như thể Werner Herzog, Dusan Makavejev, Theo Angelopoulos, Chantal Akerman (một nhân vật được yêu thích tại đây) hay thậm chí là Martin Scorsese và George Lucas. Đây cũng là lần đầu tiên tại Cannes mà vai trò của người đạo diễn được nhìn nhận như một nhân tố chính diện trong quá trình làm phim và trong việc phát hành phim, với những bộ phim mang tính tác giả (auteur) được ban tuyển lựa ở bộ phần này đặc biệt ưa chuộng đến.
Cả hai bộ phần Critics’ Week và Directors’ Fortnight đều đã thành công trong việc đem được luồng gió mới đến Cannes bởi những lựa chọn không chính thống của nó. Trong khi Critics’ Week tập trung vào những bộ phim đầu tay thì Directors’ Fortnight chủ trương nhằm nâng tầm những bộ phim tác giả lên hàng đầu. Tuy thế, không giống như ở Critics’ Week, hội đồng tổ chức của Directors’ Fortnight vào những năm đầu khi mới thành lập không hề có dấu hiệu hợp tác với chương trình chính của Cannes, ngược lại, họ còn muốn thách thức những cơ chế vận hành của nó; họ trình chiếu đến tận 68 phim vào năm đầu tiên, trái ngược với số lượng nhỏ 13 phim tại Critics’ Week và 26 phim tại sự kiện chính, để thể hiện được quyết tâm của họ trong việc hoan nghênh và hỗ trợ cộng đồng phim khắp thế giới với một nền tảng mang tầm quốc tế. Họ xin quyền cấp phép chiếu phim từ chính những người đạo diễn đồng ý gửi phim đến để trình chiếu thay vì dựa dẫm vào những hội đồng đại diện phim quốc gia, với mục tiêu nhằm để tạo ra một sàn nghệ thuật mà không phải vướng mắc những vấn đề ngoại giao, ảnh hưởng chính trị, doanh thu hay tính thời thượng, chẳng cần màng đến những thứ như kinh phí hay hình thức sản xuất, định dạng hay thời lượng, hay thậm chí là ý kiến của ban giám khảo.
Điều mang tính chủ chốt ở đây là họ đã tái khẳng định rằng bộ phim không phải thuộc về giới phê bình, nhà sản xuất, hay các hội đồng đại diện quốc tế, mà ở chính bởi những người đạo diễn làm ra chúng, từ đó rút ngắn khoảng cách giữa bộ phận liên hoan và người làm phim. Bằng cách đó, những bộ phim được trình chiếu tại đây mới thực sự phản ánh được tình hình chính trị và xã hội ở những nơi trên thế giới, đặc trưng bởi sự hiện diện của những làn gió nghệ thuật mới từ các nước Mỹ Latin, Đông Âu, và Châu Á vào sau những năm 1970. Tuy rằng quá trình tuyển lựa của chúng vẫn được định đoạt bằng các tiêu chí thẩm mỹ, nhưng ban tổ chức bộ phần này giờ đây đã không còn được giám định bởi những nhà làm phim, mà là ngày càng trở nên bị thể chế và hệ thống hóa hơn bởi chính chương trình chính của Cannes.
- CẢI TỔ -
Tinh thần độc lập và tự do của bộ phận Directors’ Fortnight đã dần đến một loạt những thay đổi trong chương trình chính từ những phương thức tuyển lựa đến xu hướng. Vào năm 1971, giám đốc điều hành và chủ tịch liên hoan, Robert Favre Le Bret và Maurice Bessy chính thức đưa toàn bộ quyền hành tuyển lựa phim về tay của chính Cannes. Họ đã thành lập nên hai hội đồng tuyển lựa phim cho riêng sự kiện chính của Cannes: một cho phim Pháp và một cho phim ngoại quốc, với Bessy là người đưa ra quyết định cuối cùng. Đến năm 1973, hai ông đã lập nên hạng mục phụ “Perspectives du Cinéma Français” thuộc bộ phận của chương trình chính nhằm để trình chiếu những loại hình điện ảnh mới; vào năm 1976, họ giới thiệu thêm hai hạng mục phụ mới là “L’Air du Temps” và “Pasté COMPOSITE”. Những hạng mục này mang những nét tương đồng quan trọng được thấy ở hai bộ phận Directors’ Fortnight và Critics’ Week: tập trung vào những tài năng mới, những phim đầu tay, những bộ phim từ khắp thế giới, đề cao vai trò của người đạo diễn cũng như vai trò giám tuyển phim của ban tổ chức. Chính trị tiếp tục đóng phần quan trọng tại liên hoan Cannes, với những bộ phim phản chiến như M*A*S*H hay Chronicle of the Years of Fire giành những giải thưởng cao nhất vào năm 1970 và 1972, nhưng những ảnh hưởng chính trị này bây giờ đến từ chính quan điểm cá nhân của hội đồng tổ chức chứ không còn là những áp lực bên ngoài nữa.
Đoàn làm phim của M*A*SH nhận giải Cành Cọ Vàng tại LHP Quốc tế Cannes lần thứ 23, tháng Năm năm 1970.*
Cuối cùng, vào năm 1978, giám đốc điều hành mới của Cannes, Gilles Jacob, đã cho ban hành những chính sách cải tổ tận gốc hơn. Trong đó, ông thống nhất hai hội đồng của Bessy và Le Bret lại thành một ban giám tuyển hoạt động quanh năm, cắt giảm thời gian liên hoan xuống còn 13 ngày, giảm số lượng phim được trình chiếu hằng năm, và chọn lựa hoàn toàn những người trong ngành lên làm ban giám khảo, loại bỏ hoàn toàn sự hiện diện của giới phê bình tại đây. Ông cũng đã kết hợp ba hạng mục phụ trên của chương trình chính lại thành một mục Un Certain Regard và lập ra một giải thưởng Caméra d’Or dành cho phim đầu tay xuất sắc nhất được trao tặng cho bất kì bộ phim nào được chiếu ở các bộ phận ở Cannes. Những chính sách cải tổ này do ông chỉ đạo vẫn còn được tiếp tục áp dụng tại liên hơn Cannes chi đến đây (tuy rằng dưới cách áp dụng khác bởi kế nhiệm của ông là Thierry Frémaux). Nhưng không chỉ có riêng như vậy, vì những sự thay đổi này sẽ lại còn ngày một quyết liệt hơn vào đầu những năm 90, dẫn đến sự hình thành của một thể loại phim mới, “phim Cannes”, rồi từ đấy hình thành nên khái niệm “phim liên hoan”
_________________________
| Chú thích |
[1] Vẫn có những trường hợp khi phim không được hội đồng quốc gia tuyển chọn vẫn được công chiếu tại sự kiện chính của Cannes. Vào những khi ấy thì thường giám đốc điều hành hoặc chủ tịch liên hoan sẽ đi đến những quốc gia đó trước, xem phim của một số những tên tuổi nổi bật, và nếu như không được quyền cấp phép của Bộ Văn Hóa thì họ sẽ tự tìm cách mang ấn bản riêng về nước để trình chiếu, đây cũng là trường hợp với Andrei Rublev của Tarkovsky.
[2] Những điều kiện vật chất cải thiện này bao gồm như hiệp định Blun-Byrnes thời hậu chiến cho phép Hollywood du nhập phim dễ dàng hơn vào thị trường Pháp, sự hình thành của những câu lạc bộ nghệ thuật và viện phim tư nhân trên khắp toàn quốc, trong đó tiêu biểu có viện tư liệu Cinematheque Française do Henri Langlois và Georges Franju thành lập, hay là việc chính phủ Pháp dười thời Đệ Ngũ Cộng hòa thành lập Bộ Văn Hóa do Andre Maulrax là trưởng ban đã điều phối ngân sách ưu tiên đầu tư cho những nhà làm phim trẻ
[3] Viridina của Luis Buñuel (Tây Ban Nha) hay Mother Joan of the Angels của Jerzy Kawalerowicz (Ba Lan) là hai phim gây nhiều tranh cãi ở Cannes do chúng đã bị Giáo Hội Công Giáo bấy giờ cáo buộc là có hành vi bôi bác phẩm giá của nhà thờ
[4] Việc Làn Sóng Mới của Pháp bao gồm những tên tuổi nào đến này vẫn còn là vấn đề chưa được thống nhất, nhiều những học giả (cũng như Jean-Luc Godard) thì lại cho rằng chỉ có những người làm trong tờ soạn Cahiers Du Cinema lúc bấy giờ (Godard, Truffaut, Rivette, Charbol, và Rohmer) mới là những thành phần cốt lõi của Làn Sóng Mới, trong khi các nhà làm phim khác như Varda, Demy, hay Resnais lại thuộc một bộ phận khác của trào lưu này (nhiều nơi gọi là The Left Bank)
[5] Các nguyên nhân cho những cuộc biểu tình này còn tùy thuộc vào nơi chúng xảy ra. Dưới một quy mô toàn cầu, chúng thường mang ít tính liên hệ tư tưởng với nhau, mà thường chỉ có điểm chung là nhằm phản đối những cơ chế nhà nước cũ, cũng như biểu tình về những “vấn đề xã hội” trong nước.
[6] Lý do sa thải Langlois từ phía chính quyền là do rằng tính cứng đầu của ông trong việc hợp tác với những cơ sở nhà nước. Ông sở hữu một gia tài văn hóa đồ sộ nhưng lại chẳng chịu giải trình cho chính quyền về cách ông tìm thấy hay phương thức lưu trữ chúng (hay thậm chí là ông lưu trữ bao nhiêu phim). Giọt nước cuối cùng tràn ly đến từ việc ông phản đối việc biến đổi Viện Phim Cinémathèque từ một cơ sở tư nhân sang thành một cơ sở nhà nước. Chính quyền nhà nước ban đầu nghĩ rằng điều này sẽ nhận được sự ủng hộ của công chúng, bởi vì căn bản việc đưa viện phim vào sở hữu của nhà nước cũng có nghĩa nó sẽ được nhà nước cấp cho nguồn vốn ổn định hơn, nhưng cuối cùng họ đã lầm.
[7] Những thành phần của Làn Sóng Mới tại tờ soạn Cahiers du Cinema đã huy động được chữ ký của hơn 700 những tên tuổi lớn trong làng điện ảnh khắp thế giới như Michelangelo Antonioni, Ingmar Bergman, Luis Buñuel, Alfred Hitchcock, Marlene Dietrich, Jane Fonda, Katharine Hepburn, Peter O’Toole, Toshiro Mifune, Pier Paolo Passolini, Akira Kurosawa , hay thậm chí là những tác gia và nghệ sĩ như Roland Barthes, Samuel Beckett, Pablo Picasso, Henri Cartier-Bresson, Susan Sontag, Norman Mailer, hay Jean-Paul Sartre để phản kháng lại quyết định này.
[8] Điều này diễn ra với Tiệp Khắc vào thời điểm họ còn đang trong giai đoạn Mùa Xuân Praha, khi giới nghệ sĩ đã được tạm ban cho toàn quyền tự do ngôn luận nên đây cũng là một dịp rất là đặc biết cho quốc gia này khi nên điện ảnh ở đây đang ở đỉnh cao. Chưa kể là có nhiều báo cáo từ Cannes năm ấy cho rằng bộ phim The Fireman’s Ball của Milos Forman đã có khả năng rất cao chiến thắng Cành Cọ Vàng.
_________________________
Tham Khảo và lược dịch:
- Making film history at the Cannes film festival, tác giả Dorota Ostrowska (2016), lấy từ cuốn Film Festival: History, Theory, Method, and Pratic xuất bản bởi Routledge Publishing House
- Film Festivals: From European Geopolitics to Global Cinephilia Film Culture in Transition (2007), tác giả Marijke de Valck, xuất bản bởi Amsterdam University
- Citizen Cannes: The Man behind the Cannes Film Festival (2011), bởi Giles Jacobs, xuất bản bởi Phaidon Press
- HISTORY OF THE FILM FESTIVAL (n.d) từ archive của Cannes
- 1960-1968: The growing legitimacy of cinema and a world of new horizons (n.d), biên tập bởi Celine Keller, từ archive của Cannes
- 1969-1977: A Festival that moves with the times (n.d), biên tập bởi Celine Keller, từ archive của Cannes
- THE FRENCH NEW WAVE: An Artistic School (2007), tác giả Michel Marie, chuyển ngữ bởi Richard Neupert, xuất bản bởi Blackwell Publishing
- After the Revolution (2003), tác giả bởi Louis Menand, được đăng trên tờ The New Yorker
-Flashback: Cannes 1968 (2008), bởi Tobias Grey, được đăng trên tờ Variety
- Cannes 1968: The Year Jean-Luc Godard and François Truffaut Led Protests That Shut Down The Festival (2018), bởi Damon Wise, được đăng trên tờ Deadline
- Les 50 ans de La Semaine De La Critique (2011), bởi Bernard Payen, được đăng trên trang của Cinematheque Francaise
- Vingt-cinq ans de « nouvelles vagues » (1986), bởi François Ekchajzer, lấy từ trang chính thức của La Semaine De La Critique
- Festival, ktorý sa nekonal: Cannes 1968 (2018), bởi Jan Adamec, lấy từ historywebsk
- La Société des Réalisateurs de Films: Qui sommes-nous? (n.d), lấy từ archive của trang của SFR
- Cannes 2008: A Brief History of The Directors’ Fortnight, bởi Scott Foundas, lấy từ ở LA WEEKLY
- Rebellion, protests and A-list directors: 50 years of Cannes Directors’ Fortnight (2018), bởi Melanie Goodfellow, lấy từ tờ Screen Daily
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ