phỏng vấn
BÀN VỀ BẢN CHẤT CỦA SỰ GẮN KẾT GIA ĐÌNH: PHỎNG VẤN CÙNG HIROKAZU KORE-EDA
Người viết: Paul Risker (dịch bởi Popo)
Cineaste: Tại sao phim lại là phương tiện biểu đạt sáng tạo? Có khoảnh khắc nào đã truyền cảm hứng cho ông không?
Hirokazu Kore-eda: Tôi vốn luôn yêu thích hình ảnh và hứng thú với nghệ thuật thị giác, nhưng thật ra tôi từng quyết định trở thành một cây bút. Sau đó, khi đang học đại học để theo nghiệp nhà văn, tôi bắt đầu xem phim - không phải một cách tuỳ hứng, mà là xem theo từng đạo diễn. Tôi nghĩ điểm ngoặt đến với tôi là khi tôi xem phim của Fellini.
Đạo diễn Federico Fellini
Cineaste: Mặc dù ông đã nêu cụ thể Fellini, ông có nhận ra sự ảnh hưởng của ông ấy hay các nhà làm phim khác trong phim của ông không?
Kore-eda: Tôi không cho rằng tôi muốn làm phim như Fellini đâu. Nếu có một đạo diễn mà tôi muốn nhắc đến, thì tôi đã chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi vị đạo diễn người Đài Loan Hầu Hiếu Hiền. Xuyên suốt sự nghiệp của tôi, sự ảnh hưởng từ những đạo diễn như Ken Loach hay anh em nhà Dardenne đều có thể thấy rõ trong những tác phẩm của tôi. Nhưng gần đây tôi đã không còn nghĩ về đạo diễn khác khi tôi làm phim nữa. Tôi chỉ sử dụng những gì tôi có và những thứ xuất phát từ bản thân tôi. Tôi tập trung vào mối quan hệ giữa các diễn viên mà tôi đã chọn. Chúng tôi tương tác với nhau và bộ phim được ra đời từ đấy.
Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền
Cineaste: Khởi nguồn của《Shoplifters》là gì?
Kore-eda: Trong《Like Father, Like Son》, tôi khám phá chủ đề gia đình và quan hệ máu mủ, và sau khi hoàn thành phim, tôi bắt đầu suy nghĩ về việc sẽ như thế nào nếu tạo ra một gia đình không có quan hệ huyết thống với nhau. Nếu các thành viên không bị ràng buộc về mặt di truyền thì điều gì sẽ gắn kết họ? Tôi nghĩ về thứ có thể kết nối họ và tôi chợt có ý tưởng về một gia đình gắn bó với nhau qua tội ác, và việc cha mẹ dạy đứa trẻ cách phạm tội làm dấy lên những câu hỏi về vấn đề đạo đức. Ý tưởng đó đến từ tiêu đề của một bài báo trong nghiên cứu của tôi. Tôi nghĩ, “Ồ, nó thật thú vị. Tôi muốn xem mình có thể làm gì với nó.”
Cineaste: Trong khi đây là vấn đề khó xử về mặt đạo đức đối với khán giả, tuy nhiên, nó lại khai thác sự khác biệt giữa cách chúng ta nhìn nhận các nhân vật trong câu chuyện với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Mặc dù ta chứng kiến hành động phạm tội của nhân vật trong《Shoplifters》, sự đồng cảm đã được xác lập, và nó biến điện ảnh thành một sân chơi đạo đức.
Kore-eda: Tôi thực sự nghĩ như vậy, và trong phim này, tôi rất muốn làm xáo động cảm xúc khán giả theo cách khiến họ tự đặt ra những câu hỏi. Tôi bắt đầu bằng việc tạo ra một gia đình mà ở đó khán giả tìm được sự dịu dàng và sức hút, mặc cho thứ họ đang làm có vấn đề về đạo đức. Bạn muốn nghĩ tốt về họ và muốn họ ở bên cạnh nhau. Nhưng đột nhiên, vào lúc gần cuối, khi thế giới xung quanh nhận thức được sự hiện diện của họ, khi ấy sự phán xét của người xem và sự lên án đạo đức bắt đầu nhập cuộc. Nhưng lúc đó khán giả đã có có sự đồng cảm với nhân vật và bắt đầu nhận ra hành động của gia đình đó là đáng trách. Bây giờ khán giả sẽ bị đẩy vào thế lưỡng nan vì họ bắt đầu chất vấn sự đồng cảm trước đó, và điều đó tạo nên sự khó chịu lớn. Nó thách thức góc nhìn đạo đức của họ, cách họ phân tách đúng-sai, và đó chính xác là điều mà tôi muốn hướng đến.
Cineaste: Theo ông, liệu nó có quan trọng khi một bộ phim như này không chỉ để giải trí mà còn kết nối với khán giả ở một tầng sâu hơn và bền vững hơn?
Kore-eda: Tôi luôn muốn khán giả đắm chìm hoàn toàn vào bộ phim và mở lòng với nó. Đó là những kiểu phim tôi thích. Tôi luôn cảm thấy mặc dù bản thân là người làm ra bộ phim, nhưng chính khán giả mới là người hoàn thiện nó.
Cineaste: Nếu ông tin rằng khán giả là chủ nhân của những trải nghiệm của họ, vậy ông có nhận ra sự thay đổi trong cách hiểu của chính ông về bộ phim không?
Kore-eda: Ban đầu khi tôi làm bộ phim này, tôi không nhận ra nó nói về một gia đình trở thành một gia đình thực sự sau khi các nhân vật bị chia cắt. Một khi sự liên kết chung bị phá vỡ, ý nghĩa của từng thành viên trong gia đình bắt đầu thành hình và chiếm lấy tâm trí, trí tưởng tượng và trái tim của mỗi cá nhân. Theo một nghĩa nào đó, bộ phim bắt đầu từ nơi nó kết thúc, khi mà gia đình được tạo nên từ chính nó. Trong bộ phim trước đó,《Like Father, Like Son》- một câu hỏi đơn giản được đặt ra là liệu một gia đình có được quyết định dựa trên quan hệ huyết thống không. Hay là được quyết định bằng thời gian bạn ở bên cạnh các thành viên? Cho đến khi hoàn thành bộ phim, tôi mới nhận ra câu hỏi thật sự là chuyện gì sẽ xảy ra sau khi bộ phim kết thúc? Phải chăng gia đình được tạo nên từ những ký ức tập thể, những kỷ niệm cá nhân mà họ có với nhau, và dần dà theo thời gian hình thành một gia đình giữa họ?
Cineaste: Như ông nói, “ý nghĩa của từng thành viên trong gia đình bắt đầu thành hình và chiếm lấy tâm trí, trí tưởng tượng và trái tim của mỗi cá nhân”. Khi một bộ phim kết thúc - khi sự đắm chìm trong câu chuyện và sự kết nối với các nhân vật bị gián đoạn - khi đó bộ phim sẽ được lưu trữ trong ký ức chúng ta.
Kore-eda: Tôi nghĩ bạn nói đúng. Thường sau những trải nghiệm, chúng ta sẽ nhìn lại và phát hiện ra những thứ mà ta không thể thấy trước đó, và đó chính là thứ hoàn thiện chúng. Như bạn biết, tôi có bộ phim tên là《After Life》và《After the Storm》nên phần sau cốt rất đỗi quan trọng trong việc định hình nên tôi.
__________________________
Lược dịch:
Risker, P., & Kore-eda, H. (2019). Questioning the Nature of Family Bonds: An Interview with Hirokazu Kore-eda. Cinéaste, 44(2), 42–43.
Ảnh: Hirokazu Kore-eda ở Morocco, chụp bởi Lucas Peterson, 2013
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ