trào lưu phim
LỊCH SỬ PHÁT TRIỂN CỦA THE CRITERION COLLECTION
Người viết: Popo
Quay trở lại năm 1948, khi Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ra quyết định kiện hãng phim Paramount Pictures vì vi phạm luật chống độc quyền, một cột mốc quan trọng trong lịch sử điện ảnh được đánh dấu. Trước đó, các rạp chiếu phim ở Hoa Kỳ đều thuộc quyền sở hữu và kiểm soát bởi các hãng phim lớn của Hollywood. Điều này được xem như một phần của dây chuyền sản xuất vì nó đảm bảo rằng các hãng phim có toàn quyền kiểm soát mỗi bộ phim của mình. Ví dụ như nếu bạn muốn xem bộ phim gangster kinh điển của Warner Brothers - The Public Enemy vào thời điểm đó thì bạn phải đến các rạp chiếu phim thuộc quyền sở hữu và độc quyền bởi Warner Brothers. Bất bình trước sự độc quyền đó, Hội những nhà làm phim độc lập [1] đã đưa đơn kiện lên Tòa án. Sau khi bị phán quyết là có tội, các hãng phim lớn buộc phải từ bỏ sự ràng buộc với các rạp chiếu phim và trả tự do cho chúng, điều này vô tình tạo ra một bước ngoặt mới cho lịch sử điện ảnh.
Tuy một vài rạp chiếu phim vẫn tiếp tục tìm đến các hãng phim lớn để cung cấp dịch vụ của mình vì điều đó mang lại lợi nhuận lớn, một số đã bắt đầu tìm kiếm những hệ thống khác để mang điện ảnh đến với khán giả. Trùng hợp thì thị hiếu của khán giả Hoa Kỳ đang có những thay đổi thời hậu chiến tranh thế giới thứ hai. Họ không chỉ muốn những phim có nội dung sâu sắc hơn mà còn tìm kiếm những cảnh quay mới mẻ và ý tưởng độc lạ - điều mà đang phổ biến ở các nền điện ảnh quốc tế. Biết được điều đó, Bryant Haliday và Cyrus Harvey Jr. bắt đầu tổ chức những buổi chiếu phim tại The Brattle Theatre [2]. Họ không chỉ chiếu phim trong nước mà còn chiếu cả phim nước ngoài, đặc biệt là những phim nghệ thuật quan trọng. Sau vài năm hoạt động, họ nhận thấy sự thành công của mình và vào tháng 3/1956, họ đến New York và quyết định thành lập công ty phân phối phim Janus Films. Công ty có nhiệm vụ mua quyền phân phối những phim nghệ thuật nước ngoài và chiếu ở rạp 55th Street Playhouse. Trong thời kì đầu, The Seventh Seal của Ingmar Bergman đã tạo thành công vang dội cho Janus Films. Bên cạnh đó, bộ phim cũng tạo một làn sóng trong nước khi khán giả được giới thiệu đến vị đạo diễn thiên tài người Thuỵ Điển Ingmar Bergman. Bước thành công đầu tiên này đã mở đường cho Janus Films đem các bậc thầy điện ảnh quốc tế đến khán giả trong nước nhiều hơn như Akira Kurosawa, Federico Fellini, François Truffaut, Sergei Eisenstein, Jean-Luc Godard,… Mặc dù Haliday và Harvey phải bán công ty vào năm 1965 vì thị trường phim nghệ thuật không được ưa chuộng thì Janus Films vẫn được xem là một bước tiên phong trong việc phân phối các phim nước ngoài đến khán giả trong nước.
Sau một thời gian, Janus Films được mua lại bởi Saul J. Turell và William J. Becker, mà con của họ sau này - Jonathan B. Turell và Peter Becker, là chủ nhân của The Criterion Collection. Cùng lúc đấy là sự trỗi dậy của thị trường băng VHS (Video Home System) đã giúp điện ảnh đến gần với công chúng hơn. Nhưng việc lưu giữ phim dưới định dạng VHS đã gặp những bất cập kĩ thuật nhất định vì nó không giữ được những ý niệm nguyên gốc mà đạo diễn muốn truyền tải qua phim. Sau đó, định dạng đĩa lade (laserdisc) được cải tiến và cung cấp hình ảnh tốt hơn VHS. Nhưng chính vì thế mà nó phần nào đắt đỏ hơn VHS nên không được ưa chuộng trên thị trường. Mặc dù không thịnh hành là thế, đĩa lade vẫn có cho riêng mình những khán giả trung thành là những cinephiles (tín đồ điện ảnh) luôn muốn được thưởng thức phim dưới hình ảnh tốt nhất. Và như thế, The Criterion Collection được thành lập vào năm 1984 bởi hai anh em Robert và Aleen Stein với sứ mệnh lưu giữ những phim cổ điển và đương đại quan trọng trên khắp thế giới. Trong giai đoạn đầu, The Criterion Collection đã phát hành những bộ phim nói tiếng Anh kinh điển như Citizen Kane (1941), King Kong (1933), The Third Man (1949), High Noon (1952), Invasion of the Body Snatchers (1956), Swing Time (1936), The 39 Steps (1935). Đến 1985, anh em nhà Stein kết hợp cùng với William Becker và John Turell để thành lập công ty The Voyager. Sự ra đời của The Voyager được xem là bước tiên phong trong việc sản xuất đĩa dưới định dạng CD-ROM. Quan hệ đối tác lâu dài giữa The Voyager và The Criterion Collection đã đem đến cho các cinephiles những bộ phim được xem là đỉnh cao của điện ảnh.
Ngoài việc lưu trữ và khôi phục phim, The Criterion Collection còn có một đóng góp quan trọng đến điện ảnh - kĩ thuật letterboxing. Ban đầu, những tấm phim cuộn được phát minh với kích thước 4x3 (inch). Sau khi tiến hành thí nghiệm, người ta nhận ra rằng trường nhìn của mắt người cũng có tỷ lệ 4:3. Thế là 4:3 trở thành tỷ lệ chuẩn trong quay phim, phổ biến với các máy quay và TV tại gia ở thế kỷ 20. Nhưng điện ảnh (phim chiếu rạp) ngày càng phát triển, người ta càng mở rộng khung hình ra. Các bộ phim chiếu rạp từ tỷ lệ 16:9 (tỷ lệ của các TV tại gia ngày nay) mở rộng ra 21:9 (tỷ lệ của đa số phim điện ảnh ta có thể xem ngoài rạp ngày nay) và cao nhất là IMAX (tỷ lệ 14:10 hay 19:10). Vậy thì làm sao để nhét vừa những bộ phim đó vô cái máy tính của bạn, hay là chiếc TV 4:3 kia? Với tỷ lệ 16:9 của Invasion of the Body Snatchers (1956), The Criterion Collection đã sử dụng phương pháp letterboxing - thu nhỏ khung hình gốc của phim cho đến khi chiều ngang của nó vừa với chiều ngang của màn hình 4:3. Tuy khung hình sẽ bị kẹp giữa hai thanh màu đen, đây vẫn là phương pháp tốt nhất để chiếu màn ảnh rộng trên màn ảnh nhỏ và nó vẫn phổ biến cho đến tận ngày nay.
Đạo diễn Terry Gilliam khi được hỏi về quá trình làm việc với The Criterion Collection từng trả lời rằng: “Thật tuyệt khi có thể làm việc với những người mà lợi nhuận không phải là mục đích chính của họ.” The Criterion Collection là công ty tư nhân nên họ không cần phải kêu gọi đầu tư hàng triệu đô từ các cổ đông như đa số hãng phim Hollywood. Vì thế, họ có thể hoàn toàn tập trung vào triết lý của mình, khôi phục phim để bảo tồn tinh thần nghệ thuật của chúng như các đạo diễn mong muốn. Để hiểu rõ hơn về quá trình khôi phục phim của The Criterion Collection, bạn có thể xem ở video này: https://www.youtube.com/watch?v=OdjqXOCeEtg
Một điều tuyệt vời khác khiến cộng đồng yêu điện ảnh luôn muốn sở hữu cho mình một bộ sưu tập The Criterion Collection là những chiếc bìa phim được Criterion thiết kế lại đầy tính duy mỹ và chỉ khi xem phim rồi thì bạn mới hiểu hết ý nghĩa của chúng. Bên cạnh đó, Criterion thường xuyên cho ra mắt những phiên bản đặc biệt dưới dạng Blu-ray, DVD, 4K Ultra HD kèm theo trailer, hậu trường, những cảnh bị xóa và bình luận phim. Vì chất lượng và công sức bỏ ra không hề ít, giá một băng đĩa Criterion tương đối cao. Nhận thấy những nhược điểm trong việc sản xuất đĩa phim, năm 2019, Criterion đã lập kênh phim trực tuyến của mình - The Criterion Channel. Ngoài việc trình chiếu những phim đã được phát hành dạng đĩa, Criterion còn mang đến cho người xem những tác phẩm kinh điển lớn của Hollywood và quốc tế, cùng với những phim nghệ thuật khó tìm trên thế giới. Nhưng tiếc thay, kênh hiện chỉ hoạt động ở Hoa Kỳ và Canada.
Trải qua hơn ba thập kỷ, The Criterion Collection đã tạo những ảnh hưởng sâu sắc đến cộng đồng cinephiles nói riêng và ngành điện ảnh nói chung. Criterion đã chứng minh cho mọi người thấy rằng họ không chỉ là một công ty sản xuất đĩa phim mà còn là nơi lưu trữ văn hoá, là cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa con người với nghệ thuật. Vì thế, bất kì một cinephile nào cũng xứng đáng sở hữu cho mình một bộ sưu tập The Criterion Collection.
_
__
_
____________________________
Chú thích:
[1]: Hội những nhà làm phim độc lập: Society of Independent Motion Picture Producers (SIMPP) bao gồm Charlie Chaplin, Walt Disney, Samuel Goldwyn, David O. Selznick, Mary Pickford và Orson Welles
[2]: The Brattle Theatre: một rạp chiếu phim tổng hợp nằm trong Hội trường Brattle ở số 40 Phố Brattle, gần Quảng trường Harvard ở Cambridge, Massachusetts
_______________________________
Bài viết có tham khảo từ các nguồn:
(1) History.com Editors. U.S. Supreme Court decides Paramount antitrust case. HISTORY, November 13, 2009.
(2) Criterion Close-Up - Ep. 1 - An Introduction To The Criterion Collection: https://www.youtube.com/watch?v=JgCg5KYBBB8
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ