phỏng vấn
SOFIA COPPOLA VÀ LẠC LỐI Ở TOKYO
Người viết: Giorgio và Nguyễn Phan Thái Vũ!
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mọi người có thể kết nối với nó nhiều như vậy” - Sofia Coppola nói về tác phẩm ‘Lost in Translation’ sau 15 năm công chiếu, một câu chuyện lãng mạn ở Tokyo đã được Sofia ấp ủ từ lâu (bài báo trên tờ Little White Lies, 26/8/2018).
“Đã 15 năm rồi sao? Đúng là khó tin nhỉ.” Sofia Coppola tỏ vẻ ngạc nhiên khi thời gian đã trôi qua quá nhanh kể từ khi tác phẩm giành giải Kịch bản gốc xuất sắc nhất tại Oscar lần thứ 76 của cô được công chiếu. Cảm tưởng như mới chỉ mấy ngày trôi qua kể từ khi Bob Harris và Charlotte lần đầu gặp nhau tại những con phố tràn ngập ánh đèn neon ở thủ đô Tokyo. Sofia nghĩ ra ý tưởng về “Lost in Translation” sau nhiều lần du lịch ở Tokyo vào những năm cô 20 tuổi, và Sofia miêu tả khách sạn Park Hyatt nơi cô dừng chân, cũng là bối cảnh chính của bộ phim sau này là một trong những địa điểm tuyệt nhất trên đời. “Khá là hài hước vì tôi vừa ở Park Hyatt về, và từ khi đó đến bây giờ cái khách sạn vẫn giữ y nguyên như vậy mà chả thay đổi gì cả.” Sofia kể. “Tôi vào soi gương trong phòng tắm mà cảm tưởng như có thể nhìn thấy Bill Murray đứng sẵn sau lưng mình vậy.”
Địa điểm chính của tác phẩm không thay đổi gì mấy sau từng ấy năm, nhưng vị đạo diễn đứng sau tác phẩm đó thì có. Coppola mới chỉ 32 tuổi khi cô thực hiện tác phẩm để đời của mình. Kể từ đó đến nay, Sofia Coppola đã tiếp tục chỉ đạo 4 tác phẩm điện ảnh nữa, bao gồm cả bộ phim đã được đề cử Cành Cọ Vàng năm 2017, The Beguiled. Nhưng những dấu ấn mà cô để lại trong Lost in Translation là chưa bao giờ phai nhạt, một trong những câu chuyện tình yêu nổi tiếng nhất trên màn ảnh giữa cô sinh viên mới ra trường Charlotte và người diễn viên già nua hết thời Bob Harris, lạc lối tại thành phố Tokyo xa lạ.
“Tôi đã dành rất nhiều thời gian để thăm thú Tokyo những năm 20 tuổi, và tôi thật sự rất muốn tạo ra một bộ phim xoay quanh những trải nghiệm mà mình có nơi đây. Đấy là điểm khởi đầu.” Coppola kể. “Tôi mới kết hôn không lâu trước đó, và đang cảm thấy rất bối rối. Tôi đã trải qua cái giai đoạn ấy, cái lúc mà tôi không chắc chắn về những sự lựa chọn của mình liệu có đúng hay không, hay không hiểu tôi đang làm những gì khi mới ra trường, chuẩn bị thế nào để làm người lớn.” Sofia trải lòng. “Khi đó phim ‘Brief Encounter’ (1946) cứ xuất hiện trong đầu tôi mãi không thôi khi đang viết kịch bản, tôi đã cố gắng tìm ra các thứ hay ho để có thể viết ra từ bộ phim đó vì thật sự là lúc ấy, tôi chả có chút ý tưởng nào cả.”
Để mang ý tưởng về sự lạc lối với đời này vào tác phẩm của mình, Coppola đã quyết định sẽ chọn một diễn viên còn trẻ mới vào nghề với hy vọng cô ấy có thể thực hiện tốt sự mất phương hướng mà Sofia đang tìm kiếm. “Tôi đã xem Scarlett Johansson khi mới 12 tuổi trong phim Manny & Lo và lập tức có cảm tình với cô bé này. Scarlett vẫn có cái giọng khàn khàn như thế suốt bao nhiêu năm. Cô ấy có cái phẩm chất nổi bật nào đó mà khiến tôi rất thích. Cổ có thể truyền đạt được rất nhiều thứ qua diễn xuất mà chả cần phải nói lời nào cả. Tôi thật sự không bất ngờ khi Scarlett có được rất nhiều các vai diễn xuất sắc khác sau này nhưng khi nghĩ lại về quãng thời gian đó, thật khó tin khi lúc ấy cổ mới chỉ 17 tuổi.
Sau khi chắc suất vai của Scarlett, nhiệm vụ tiếp theo là phải tìm được vai diễn chính còn lại. Khi viết ra nhân vật Bob Harris, Coppola đã mường tượng ra hình ảnh Bill Murray trong đầu, nên cô đã quyết tâm tìm được Bill hoặc sẽ không thực hiện bộ phim nữa. “Lúc ấy thực sự tôi rất lo lắng”, Coppola nhớ lại. “Chúng tôi đã đến Tokyo với hy vọng Bill sẽ xuất hiện. Tôi thậm chí không biết làm cách nào mà chúng tôi đã có nhà tài trợ nhưng lại không có lấy một cái hợp đồng. Tôi đã quyết tâm và có lẽ đã dành hẳn một năm để theo đuổi Bill Murray. Mọi người cố gắng khuyên tôi nên tìm diễn viên khác nhưng tôi đã chắc chắn rằng tôi sẽ không làm phim nếu không có Bill. Tôi thực sự muốn làm bộ phim này, vì vậy tôi phải tìm được ông ấy.
“Tôi đã nhờ những người có quen biết ông ấy”, cô nói. May mắn thay, quyết tâm của Coppola đã được hồi đáp khi một người bạn viết kịch bản cũ của Bill đã chuyển kịch bản đến tay ông. “Ông ấy đã mang theo rất nhiều thứ,” Coppola chia sẻ về việc Murray cuối cùng cũng nhận lời tham gia phim. “Tôi đang gặp khó khăn trong giai đoạn ấy của cuộc đời, nên tôi ước Bill sẽ xuất hiện và đưa tôi vào cuộc phiêu lưu mới. Tôi mường tượng việc ông ấy sẽ xuất hiện trong thế giới đó. Rất nhiều khoảnh khắc trong số đó sẽ được Bill ứng biến”, Coppola nói.
Cùng với phim “Rushmore” của Wes Anderson (đóng cùng Jason Schwartzman, em họ của Coppola), “Lost in Translation” đánh dấu cột mộc mới bằng vai diễn đột phá đối với Murray. Khi tạo ra phiên bản Bill Murray của chính mình, Coppola nói, “Tôi là fan bự của ông ấy và đã nghĩ rằng thật buồn cười khi để ổng mặc bộ tuxedo trong phim vì tôi chưa từng thấy Bill như vậy. Có rất nhiều áp lực đặt lên Bill và tôi đã xem cách anh ấy phản ứng. Trong đoạn chụp ảnh cho nhãn hàng, người chụp ảnh là một nhiếp ảnh gia thực thụ ngoài đời và tôi sẽ đưa ra lời gợi ý cho Bill. Thật vui khi thấy ổng thực sự không biết mình sẽ phải nói gì với anh chàng nhiếp ảnh gia kia. Ngoài ra, tôi rất thích xem Bill hát. Hát karaoke ở Tokyo rất vui và tôi biết rằng ổng sẽ thực hiện được nó dễ dàng.”
Qua ống kính của nhà quay phim Lance Acord, Coppola đã tạo ra những cảnh phim trên tầng cao đầy thơ mộng để phù hợp với câu chuyện về sự lạc lõng của nhân vật. Phần nhạc phim cũng được lựa chọn kỹ càng. Coppola nhớ lại: “Tôi đã làm một cuốn sách tham khảo để cho Lance xem. “Tôi hình dung ra rằng, đó là một cảm giác kỳ ảo khi bạn ở một nơi xa lạ như Tokyo. Những ánh đèn neon tạo ra cảm giác giống trong phim Blade Runner”, cô nói thêm. “Tôi chắc chắn đã nghe nhạc khi chúng tôi quay phim và cả khi tôi viết kịch bản. Những bản nhạc mà tôi đã nghe lúc ấy, chúng mang cảm giác mơ mộng theo đúng phong cách dream-pop của Tokyo. Kết hợp với những thứ đó lại, cùng với phần âm nhạc đầy mộng mơ đã tạo nên một không khí lãng mạn và kỳ ảo”.
Bộ phim cũng mang lại nhiều điều thú vị khác, khi soundtrack của “Lost in Translation” nổi lên như một trong những album nhạc phim ấn tượng nhất vào đầu những năm 2000. “My Bloody Valentine và The Jesus and Mary Chain là những ban nhạc tuyệt vời đến mức tôi không ngạc nhiên khi nhạc của họ vẫn trường tồn theo thời gian. Đó là một trong những điểm định hình ban đầu đối với tôi, hình ảnh và âm thanh. Sự trừu tượng ấy mô tả cảm giác về những thứ bạn muốn tạo ra.”
Mười lăm năm trôi qua, soundtrack của “Lost in Translation” vẫn giữ được sức sống của nó theo thời gian. “Tôi không bao giờ nghĩ rằng mọi người có thể kết nối với nó nhiều như vậy,” Coppola thừa nhận. “Tôi rất ngạc nhiên vì tôi nghĩ đây chỉ là dự án cá nhân. Thật vui khi có người bảo tôi rằng họ cảm thấy kết nối với bộ phim vì đó chỉ là cảm giác nhất thời của tôi vào thời điểm đó. Khá là sợ hãi khi bạn làm điều gì đó mà đặt nhiều tính cá nhân của mình vào. Nhưng dù sao sự ngây thơ ấy cũng giúp bạn tiếp cận mọi thứ một cách tự do hơn.”
Ngoài ra, về cảnh cao trào cuối phim, cho đến nay vẫn không ai đoán được lời thì thầm của Bob nói với Charlotte là gì. “May mắn là tôi đã thực hiện cảnh đó mà không có studio hỗ trợ nên chúng tôi có thể quay cảnh ấy theo cách mình muốn. Sau đó, tôi còn tính nghĩ ra điều 2 người đang nói và thêm vào, nhưng rồi sau đó chúng tôi không thêm nữa. Vì đó là của riêng họ. Ta chỉ thừa nhận rằng đó là khoảng thời gian có ý nghĩa với cả hai người và nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của họ về sau.” Mọi người cứ luôn hỏi tôi họ đã nói gì,” Coppola mỉm cười chia sẻ. “Tôi luôn thích câu trả lời của Bill: đó là chuyện riêng giữa những người yêu nhau - vì vậy tôi cứ để nó như thế.”
Cre: Little White Lies
___________________________
Hôm nay cũng là sinh nhật lần thứ 50 của nữ đạo diễn Sofia Coppola (14/5/1971)
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ