phỏng vấn

JEAN-LUC GODARD TƯỞNG NHỚ FRANCOIS TRUFFAUT

Người viết: Jean-Luc Godard (dịch bởi Tâm Nguyên Abu)

img of JEAN-LUC GODARD TƯỞNG NHỚ FRANCOIS TRUFFAUT

Bốn năm sau sự ra đi của đạo diễn François Truffaut, cuốn sách mang tên ‘François Truffaut: Correspondence, 1945-1984’ được xuất bản. Đây là tuyển tập những lá thư Truffaut đã viết từ khi còn là một chàng trai lang thang, nổi loạn cho đến những năm tháng cuối cùng của cuộc đời. Phần lời tựa của cuốn sách được viết bởi người đồng nghiệp cùng thời với ông – Jean-Luc Godard. Tại đây, Godard đã hồi tưởng về những tháng ngày tuổi trẻ, về mối xung khắc lẫn tình bạn kỳ lạ của ông với Truffaut, đồng thời bày tỏ nỗi u hoài, tiếc thương về những vinh quang một thời của trào lưu Làn Sóng Mới Pháp.

“Lời tựa

Bởi Jean-Luc Godard

Một bài viết nọ trên tờ Arts, số 719, xuất bản ngày 22 tháng 4 năm 1959, từng dõng dạc tuyên bố rằng ‘Chúng ta đã chiến thắng’; để rồi cuối cùng khép lại với những câu từ vang dội: ‘bởi nếu ta thắng trong một ván ganh đua, thì chiến tranh thực sự vẫn chưa hề kết thúc.’ Tôi là người đã chắp bút nên bài báo năm xưa ấy, lòng hãnh diện chẳng kém Athos trước chiến công hiển hách của chàng D’Artagnan. Vinh quang của giới nghệ sĩ chúng tôi là vào khoảnh khắc The 400 Blows được chọn để đại diện cho Pháp tại Liên hoan phim Cannes.

Những năm tháng xa xôi ấy vẫn tồn tại thứ gọi là phép màu. Khi ấy, một tác phẩm nghệ thuật không đơn thuần chỉ dùng để tượng trưng cho cái gì đó, mà tác phẩm phải là chính nó, là cái bản thể chứ không phải điều gì khác (và sự tồn tại, hiện hữu của tác phẩm không phụ thuộc vào cái danh hay thậm chí cả sự công nhận của lão Heidegger). Tính tượng trưng, vẻ đẹp của tác phẩm thiên biến vạn hoá ra sao, đó là tuỳ vào sức cảm thụ của công chúng. Dọc theo con đường Croisette hoa lệ, náo nhiệt trong muôn vàn tiếng hò reo bỗng xuất hiện một bộ ba quái kiệt: một lão đại bàng gạo cội với đôi cánh sải rộng bạc màu, bên cạnh là một tên lưu manh trẻ tuổi, với dáng vẻ ngượng ngùng và nước da nhợt nhạt, tưởng như hắn vừa bước ra từ những trang sách của Jean Genet hay Maurice Sachs, và tay trong tay là một cậu trai thậm chí còn non choẹt hơn, mà nay mai cậu sẽ trở thành một biểu tượng đất Pháp tựa như chàng thơ Ninetto của Pasolini.

Ảnh từ Liên hoan phim Cannes năm 1959

Bộ ba ấy chính là Jean Cocteau, François Truffaut và Jean-Pierre Léaud. Có lẽ thiên sứ Heurtebise trong áng thơ khi xưa của Cocteau, vào khoảnh khắc ấy đã đến bên thì thầm vào tai bọn họ: con hãy nhìn sang bên trái, ngước về phía phải. Hãy mỉm cười trước mặt báo, hãy mỉm cười với những người đưa tin! Cúi đầu trước ngài bộ trưởng! Chậm lại! Rảo bước nhanh hơn! Đó quả là quãng thời gian tuyệt đẹp để con người ta được sống. Và rồi vinh quang, danh vọng trải dài phía trước lại chẳng kịp dệt nên tấm màn hạnh phúc cho chúng tôi. Bởi lẽ chiến tranh đã biến mọi thứ trở thành vô vọng, ta đã bại trận vì chính những bước tiến chóng mặt của ta (ý tôi nói ở đây là cuộc chiến tân kỳ giữa công nghệ kỹ thuật số và sự đau khổ của con người, giữa những gì được nói và những gì không được nói vì giờ đây mọi thứ đều được ghi hình và thu âm lại).

Vì lẽ nào trước kia tôi lại khẩu chiến với François? Mối hằn học giữa chúng tôi chẳng liên quan gì đến Genet hay Fassbinder. Đó là cái gì khác. Một điều gì đó, may mắn thay, lại chẳng hề có tên. Một cái gì đó ngu ngốc. Trẻ con. Tôi nói câu “may mắn thay”, bởi vì mọi thứ khi ấy đều đang oằn mình trở thành một biểu tượng, một cái danh, một cái biển hiệu, một vật trang trí phàm phu: chiến tranh Algeria, chiến tranh Việt Nam, Hollywood, và rồi tình bạn của ta, tình yêu của ta. Tất cả đều chỉ là biểu tượng, và cũng là nấm mồ cho cái danh hão ấy.

Màn ảnh là thứ gắn kết chúng tôi sâu sắc, nồng nàn như một nụ hôn - như những tháng ngày chúng tôi cùng đi mua điếu xì gà nhỏ bé thảm hại khi bước ra từ rạp chiếu phim Bikini ở Place Pigalle hoặc the Artistic, từ một bộ phim của Edgar Ulmer hay Jacques Daniel-Norman (ôi Claudine Dupuis! ôi Tilda Thamar yêu dấu!), hay trước khi đột nhập vào căn hộ nhà mẹ đỡ đầu của tôi để để có tiền trả cho buổi chiếu phim ngày hôm sau. Phải, điều gắn kết chúng tôi với nhau một cách nồng ấm, thắm thiết hơn cái nụ hôn giả tạo trong Notorious chính là màn ảnh, không gì khác ngoài màn ảnh. Đó là bức tường vô hình mà chúng tôi phải trèo qua để vượt thoát kiếp sống của chính mình, và chẳng gì khác ngoài bức tường đó. Hai gã khờ đã gửi trao đi biết bao sự thơ ngây, hồn nhiên lên bức tường mong manh ấy, đến nỗi nó mặc nhiên sẽ sụp đổ trong tích tắc khi bị đè lên ánh hào quang, đè lên danh vọng, đè lên những món hàng chưng diện, trang trí. Chúng tôi là những người con thơ dại bị nuốt chửng bởi thần Saturn. Và nếu chúng tôi có quằn quại, có tìm cách xé xác nhau ra từng chút một, thì đó cũng là bởi nỗi sợ trở thành kẻ đầu tiên bị thần thoại ăn tươi nuốt sống. Điện ảnh đã dạy cho chúng tôi cách sống; nhưng cuộc sống lại giống như tài tử Glenn Ford trong The Big Heat, luôn tìm cách để đáp trả lại chúng tôi.

Những bức thư dưới đây đến từ một chàng trai trẻ luôn trăn trở, giày vò bởi ý nghĩ rằng mình không có tài viết lách, lại hòng chứng tỏ sự chiến thắng huy hoàng của những gì được nói ra so với những gì không được nói mà chỉ đơn thuần được nhìn thấy. Nỗi đau mà chúng tôi gây ra, chúng tôi gây ra bằng lời nói, lời nói, và nhiều lời nói hơn, nhưng thế nhưng nỗi đau mà chúng tôi phải gánh chịu, phải ôm lấy trong tim trọn đời vẫn mãi là hai chữ điện ảnh, một nỗi đau câm lời.

François có lẽ đã chết. Còn tôi có lẽ vẫn còn sống. Nhưng rồi, có gì khác biệt chăng?”


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo