phỏng vấn

PHỎNG VẤN ĐẠO DIỄN VŨ NGUYỄN NAM KHUÊ VỀ TÁC PHẨM "PHI HÀNH GIA THẤT LẠC"

Người viết: Team All About Movies

img of PHỎNG VẤN ĐẠO DIỄN VŨ NGUYỄN NAM KHUÊ VỀ TÁC PHẨM "PHI HÀNH GIA THẤT LẠC"

Phỏng vấn đạo diễn Vũ Nguyễn Nam Khuê về tác phẩm “Phi Hành Gia Thất Lạc Và Thị Trấn Của Những Dấu Chân”, bộ phim sẽ được trình chiếu trong sự kiện All About Shorts #2: Đâu Đó, Từ Lâu Lắm Rồi.

Nội dung: “Trong những giấc mơ lặp đi lặp lại, người đàn ông hoá thành goá phụ của đồng nghiệp - một phi hành gia thất lạc.”

Thời lượng: 15’

Thể loại: Thể Nghiệm, Hư Cấu

Năm ra mắt: 2023

𝐀𝐌𝐎: Xin chào đạo diễn Vũ Nguyễn Nam Khuê, ALL ABOUT MOVIES rất vui vì có cơ hội được đồng hành cùng anh trong sự kiện ALL ABOUT SHORTS #2: ĐÂU ĐÓ, TỪ LÂU LẮM RỒI.

Xin cảm ơn đạo diễn vì đã tham gia bài phỏng vấn này, trước hết, All About Movies xin được bắt đầu với câu hỏi về ý tưởng ra đời của Phi Hành Gia Thất Lạc Và Thị Trấn Của Những Dấu Chân?

𝐍𝐚𝐦 𝐊𝐡𝐮𝐞̂: Mình làm phim ngắn này, sau một thời gian dài làm quảng cáo và MV. Trước đó, mình không có câu chuyện nào muốn kể. Cho đến một ngày, mình nằm ngủ và có một giấc mơ. Trong giấc mơ đó, bàn chân trái của mình chảy tan thành nước. Mình muốn làm một bộ phim, bắt đầu từ hai hình ảnh đó.

Về ý tưởng của dự án, toàn bộ câu chuyện được đặt trong một thế giới giả định. Ở thế giới đó, bay vào vũ trụ, trở thành phi hành gia là một trong những nghĩa vụ bắt buộc của mỗi công dân. Phim kể về vũ trụ, phi hành gia nhưng bối cảnh phim lại được đặt tại miền tây nam bộ. Một miền tây nam bộ giống như mình, xa lạ và khó để định danh. Sẽ không có những cung trăng, sao hoả hay viễn cảnh tương lai rực rỡ mà thay vào đó là câu chuyện của những người ở lại, đối diện với mất mát và cuộc sống thường nhật của chính mình.

Với kịch bản PHGTLVTTCNDC, khi ấy mình là một người thực hành thiền. Và khi mình thiền, hoặc lúc chuẩn bị ngủ, những ý tưởng, nhân vật, câu thoại đến với mình. Mình không phán xét, và để lại chúng trong kịch bản.

Việc chấp nhận những câu thoại, sự thành hình của nhân vật, hay hệ thống nhân vật, là cách mình làm việc (phần nhiều) với các chất liệu thuộc tầng tiềm thức, ở giai đoạn đó. Điều này như một cách mình “chống đối”/rebel lại với những sản phẩm trước đây mình làm theo ý thức, ý muốn của người khác (phải có ý nghĩa, thông điệp…).

𝐀𝐌𝐎: Về cách kể chuyện của đạo diễn quan tác phẩm?

𝐍𝐚𝐦 𝐊𝐡𝐮𝐞̂: Về hướng tiếp cận kể chuyện, mình cũng lấy cảm hứng từ cấu trúc kể chuyện của “kịch phi lý”. Bên cạnh lối kể phi tuyến tính, tạo cảm giác khó cắt nghĩa về mặt thời gian, mình cũng muốn thử nghiệm cách kể thể hiện cảm giác “không chung một không gian. Đối với dự án này, mình cũng tìm cách, để kể nhiều hiện thực song song cùng tồn tại trong cùng một khung hình.

Mình kết nối với các nhân vật của mình bằng sự đồng cảm rất cá nhân. Mình đã trải qua những thủ tục hành chính, các cách cư xử nặng về hình thức trong những năm làm giảng viên đại học. Với mình, những hiện thực ấy khá “kafkaesque”. Kể câu chuyện này, mình muốn tạo ra một thế giới giả định để nhân vật trải nghiệm sự phi lý ở mức độ lớn hơn. Mình muốn cảm thông và tôn trọng tất cả các nhân vật của mình. Với mình, làm người, luôn là một điều không đơn giản, và thực ra ai cũng mong muốn hoàn thành tốt nhất phần việc của mình. Mình muốn mượn câu chuyện có phần phi hiện thực trong phim để nói về những thủ tục hành chính, những hình thức rỗng tuếch trong xã hội hiện đại. Ở đó…ai cũng là nạn nhân. Thế giới đó không phải hiện thực, nhưng biết đâu nếu mình đủ may mắn, tôi sẽ kể được một phần hiện thực của thế giới mà mình đang sống.

𝐀𝐌𝐎: Về sự kết hợp của “cái chết” và “nước” trong phim?

𝐍𝐚𝐦 𝐊𝐡𝐮𝐞̂: Với mình, cái chết là một phần hiển nhiên, hiện hữu liên tục trong cuộc sống, ở nhiều hình thức khác nhau. Việc phải-sống, của những người còn ở lại, cách họ đối diễn với những “cái chết” đó, là điều mình đặt nhiều quan tâm hơn khi tiếp cận một phim.

Lúc nghĩ về ý tưởng, và khi hình ảnh “nước” đến với mình, thì mình cũng gán ghép cho nó nhiều ý niệm. Nhưng khi thực sự làm phim này, mình bỏ dần các ý niệm đó ra bên ngoài bộ phim, chỉ để hình ảnh “nuớc” hiện diện, như cái cách nó cần hiện diện. Ý đồ duy nhất, mình sử dụng nước, và vẫn còn rõ ràng với mình, là mình dùng nó như một liên kết ngầm, để kết nối các cảnh phim khác nhau, cho khán giả một “liên kết” bằng hình, nối các cảnh phim rời rạc có chủ đích. Về sự suy nghĩa, ý nghĩa khác, mình trao cho khán giả quyết định.

𝐀𝐌𝐎: Về công việc chỉ đạo diễn xuất?

𝐍𝐚𝐦 𝐊𝐡𝐮𝐞̂: Trong phim, mình sử dụng xen kẽ diễn viên không chuyên và diễn viên chuyên nghiệp. Mình cũng không có nhiều khó khăn trong công tác đạo diễn, khi làm việc với diễn viên không chuyên.

Về phương diện chỉ đạo diễn xuất, mình sử dụng cách tiếp cận của “kịch phi lý” (theatre of the absurd). Diễn xuất diễn viên sẽ được tiết chế tối đa. Các yếu tố diễn xuất (mang tính đời sống) sẽ được lược bỏ. Động cơ của nhân vật, cũng như sự phát triển cung tính cách nhân vật (cũng được giản lược. Nhân vật đôi lúc sẽ mơ hồ về không gian, thời gian cũng như sự định danh (identity) hiện tại của mình. Mục đích để làm nổi bật yếu tố phi lý (absurdism), vô nghĩa của xã hội mà họ đang sống. Phần lớn thời gian, sẽ là lối diễn xuất lạnh và tĩnh.

𝐀𝐌𝐎: Xin cảm ơn đạo diễn Vũ Nguyễn Nam Khuê với những chia sẻ về tác phẩm của mình. Trước khi kết thúc bài phỏng vấn, có thể cho All About Movies hỏi vui về 3 tác phẩm mà theo anh là phải xem trước khi chết

𝐍𝐚𝐦 𝐊𝐡𝐮𝐞̂:

A Pigeon Sat on a Branch Reflecting on Existence (2014), đạo diễn Roy Andersson

Cure (1997), đạo diễn Kiyoshi Kurosawa

Where Is the Friend’s House? (1987), đạo diễn Abbas Kiarostami

𝐀𝐌𝐎: Tuyệt vời! All About Movies xin được chúc anh thật nhiều sức khỏe và thành công trong những dự án tiếp theo của mình!

---


Tác phẩm “PHI HÀNH GIA THẤT LẠC VÀ THỊ TRẤN CỦA NHỮNG DẤU CHÂN” sẽ được chiếu trong khuôn khổ All About Shorts #2 vào lúc 19h30 hai ngày T7-CN tuần này (17-18/8/2024)


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo