phỏng vấn

MỘT KÝ ỨC TẬP THỂ CỦA MỖI RIÊNG TA - Phỏng vấn đạo diễn Hân Phạm

Người viết: All About Movies

img of MỘT KÝ ỨC TẬP THỂ CỦA MỖI RIÊNG TA - Phỏng vấn đạo diễn Hân Phạm

MỘT KÝ ỨC TẬP THỂ CỦA MỖI RIÊNG TA - Phỏng vấn đạo diễn Hân Phạm về tác phẩm “Ngày Xửa Ngày Xưa”

Bài viết được thực hiện bởi All About Movies

----------

“Những bức tường xung quanh phòng sụp xuống, tràn vào trong đấy những hình ảnh về Việt Nam, từ các thước phim ngày xửa ngày xưa đến tư liệu thời chiến, những câu chuyện đầy ồn ào, náo động, trải dài một thập kỉ lần lượt lướt qua như thể một giấc chiêm bao tóm gọn lại một lịch sử đầy biến động của Việt Nam”

Tác phẩm Ngày Xửa Ngày Xưa (Once Upon A Time) của Hân Phạm kể một câu truyện cá nhân về những kí ức của riêng cô về Sài Gòn và Việt Nam khi cô đang mắc kẹt trong căn phỏng ngủ của chính mình ở Vancoucer trong thời gian dãn cách đại dịch.

Bằng cách thực nghiệm với những thước phim lưu trữ Việt Nam ít được ngó ngàng tới đó, cũng với những lưu trữ về Việt Nam cô có thể nhớ ra và thu thập được Internet, cô đã tạo nên một không gian điện ảnh mới nơi bối cảnh căn phòng ngủ của cô trên phim giờ đây trở thành một mạch nối liên hệ giữa những trải nghiệm và ký ức riêng của cô về một Việt Nam của tuổi ấu thơ mình với một lịch sử nhiễu động cùng ký ức tập thể lớn hơn của con người Việt về quê hương mình.

Là một nghệ sĩ liên ngành, một nhà làm phim, một projection designer, và visual researcher, các tác phẩm của Hân Phạm thường xoay quanh về tính nhất thời của ký ức, ngôn ngữ và lịch sử trong mối liên hệ của chúng với những cảnh quan đầy biến động không ngừng đổi thay. Cô tìm cho mình những khoảng không trong sự chuyển giao ấy làm nơi để thỏa sức sáng tạo.

Trong dịp tác phẩm “Ngày Xửa Ngày Xưa” (Once Upon a Time) của cô hiện được chiếu trong đợt All About Shorts #2, All About Movies đã có dịp phỏng vấn đạo diễn Hân Phạm về bộ phim cũng như góc nhìn của cô về một ký ức tập thể của người Việt trên những thước phim lịch sử và tư liệu Việt Nam.

----------

𝐀𝐌𝐎: Chị có thể nói đôi chút về hoàn cảnh ra đời của tác phẩm này không?

𝐇𝐚̂𝐧 𝐏𝐡𝐚̣𝐦: Mình làm phim Ngày Xửa Ngày Xưa vào năm 3 đại học khi mình còn là sinh viên ngành Phim ở Simon Fraser University.

Đó là lúc khi đại dịch COVID 19 diễn ra, lớp Film Theory của mình đã cho phép sinh viên làm phim ngắn và ứng dụng những lý luận được học vào phim của mình, thay vì phải viết Essay như thường lệ.

Trong những tháng ngày đó, trong thời gian không phải ngồi học, thì mình chỉ ngủ, và mơ rất nhiều. Mình muốn làm cái gì đó với mối quan hệ của mình với những giấc mơ.

𝐀𝐌𝐎: Quá trình tìm kiếm chất liệu để biên dựng khi ấy ra sao?

𝐇𝐚̂𝐧 𝐏𝐡𝐚̣𝐦: Mình muốn tạo ra một không gian ngay tại trong phòng mình, biến phòng ngủ của mình trở thành một cổng không gian-thời gian, để người xem du hành những vùng kí ức khác nhau.

Mình muốn làm cái gì đó có tương tác giữa những ký ức hình ảnh đến từ những giấc mộng và miền kí ức cá nhân so với ký ức hình ảnh về Việt Nam mà thế giới thường lưu trữ lại: những cuộn phim travelogue của người Pháp khi họ bắt đầu hành trình thực dân ở Việt Nam; những cuộn băng tin chiến tranh của Mỹ ở nước mình, cuộc chiến đầu tiên mà sự hoang tàng của chiến tranh lần đầu tiên được chiếu trên màn hình TV thế giới.

Mình đã bắt đầu với những ý tưởng như vậy, và research tư liệu từ các kho lưu trữ online từ đó.

𝐀𝐌𝐎: Có những trở ngại gì trong lúc thực hiện tác phẩm không? Lẫn về mặt cảm quan cũng như kỹ thuật?

𝐇𝐚̂𝐧 𝐏𝐡𝐚̣𝐦: Quá trình làm ra phim của mình khá là dễ dàng, vì lúc đó mình chỉ muốn thử nghiệm và kiểu làm 1 cái gì đó, chứ không workshop nó quá nhiều. Khó khăn nhất có lẽ là suy nghĩ ra cách để các nguồn tư liệu đó được đối thoại với nhau, và làm sao để đưa yếu tố độ phân giải thấp 1 cách hợp lý.

𝐀𝐌𝐎: Tác phẩm được cố tình được đặt ở độ phân giải thấp, chịcó thể nói thêm đôi điều về hình thức trình chiếu này cũng như mục tiêu của chị khi muốn tác phẩm này được đón nhận như vậy?

𝐇𝐚̂𝐧 𝐏𝐡𝐚̣𝐦: Thật ra đây cũng là một dự án khá là mới trên diễn đàn học thuật về điện ảnh thế giới. Nó bắt đầu từ giáo sư Laura Marks, một nhà film theorist và philosopher, và cũng là giáo viên dạy môn Theory của mình ở Simon Fraser University.

Dự án mới nhất của cô là về streaming trên các nền tảng số và ảnh hưởng của nó tới môi trường - ít ai biết, nhưng theo những thống kê gần đây, thì năng lượng dùng để duy trì các trên nền tảng số, bao gồm cả mạng xã hội và streaming thải ra hơn 3% khí nhà kính trong nền khí thải toàn cầu của thế giới.

Đó là 1 con số tưởng nhỏ, nhưng thật ra là khá đáng kể - vượt mặt cả ngành hàng không với 2.5%. Trong số đó thì chắc chắn streaming video - từ phim ảnh, youtube, tiktok, ngay cả porn nữa, v.v…tạo nên 1 phần rất lớn, nhất là khi nhu cầu xem phim HD, thậm chí là 4K của mọi người dường như đã trở thành tối thiểu.

Trong lớp Film Theory nâng cao, bọn mình đã tận dụng những kiến thức đó để hỏi câu hỏi ngược lại - nếu như 1 bộ phim được tạo với cấu kết dữ liệu siêu nhỏ và siêu nén, thật low fi, thì sẽ như thế nào? Đó chính là đề bài được đặt ra: thử thách làm 1 bộ phim dưới 5 phút, và mỗi phút nhỏ hơn 1MB.

Với một số bạn, họ thử nghiệm để làm cách nào để phim trông rõ nét nhất dù file siêu nhỏ. Với mình, mình đã nghiêng về phía sử dụng việc nén file như một công cụ phim thể nghiệm. Như cách những nhà giả kim đun chảy kim loại cho nó hòa quyện với nhau, việc nén file trong phim là cách mình cho phép những yếu tố lưu trữ từ những nền tảng và lịch sử khác nhau được tương tác và quyện vào nhau khi những pixel vỡ ra và pha trộn thành 1 dòng chảy không thể tách rời.

Nó cũng cho phép mình xóa nhòa đi những lịch sử phía sau những footage đó - những lưu trữ bắt nguồn từ những chuyến đô hộ, và viết nên một câu chuyện khác, một câu chuyện cá nhân hơn, một câu chuyện gì đó giống như thần thoại.

Đối với mình, nó không chỉ là một góp sức nhỏ với bảo vệ môi trường, nhưng cũng là 1 cuộc thể nghiệm xem điều gì sẽ xảy ra khi những pixel bắt đầu bóc tách rời?

𝐀𝐌𝐎: Chị có đề cập rất nhiều về ký ức tập thể trong tác phẩm, thế nhưng lại có một cách tiếp cận khá đặc biệt trong phim về cách ký ức tập thể người Việt được hình thành không chỉ qua sự kiện lịch sử mang tính cột mốc mà nó còn là qua các loại hình cũng như cách ta tiêu thụ truyền thông, chị có thể cho chúng mình biết thêm về khía cạnh này không?

𝐇𝐚̂𝐧 𝐏𝐡𝐚̣𝐦: Mình nghĩ dữ kiện hình ảnh mà chúng mình đã lớn lên và dự liệu hình ảnh mà mọi người trên thế giới nghĩ về người Việt, là rất khác nhau. Đối với mình, những kí ức về Việt Nam là những con đường phố tấp nập và náo nhiệt, những góc không gian có gì đó lãng mạn và bao dung của Sài Gòn, của những câu chuyện kể thiếu nhi màu sắc và thần tiên.

Nhưng với tập kí ức của thế giới, có nhiều khi, họ đóng gói một góc nhìn của mình theo cách mà những người đô hộ nghĩ về “thế giới thứ ba” , một vùng đất bị đóng băng trong tàn phá và bom đạn. Dù đã một thời gian rất dài trôi qua, những kí ức hình ảnh đó vẫn tồn tại, cả trong văn hóa hiện đại như trong phim ảnh Mỹ, và vật chất trong những kho lưu trữ của các viện lưu trữ, và nó chưa được thách thức nhiều.

Mình muốn viết nên kí ức của riêng mình về Sài Gòn và Việt Nam - tất nhiên là trong một góc nhìn rất hạn hẹp - bằng cách thể nghiệm với những thước phim lưu trữ ít được ngó ngàng tới đó, cũng với những lưu trữ về Việt Nam mà mình có thể nhớ được thu thập trên Internet.

𝐀𝐌𝐎: Chúng mình có thể hỏi về sự liên hệ cá nhân của chị với chương trình Ngày Xửa Ngày Xưa được không? Có những nguyên nhân riêng nào đã khiến chị muốn biến nó trở thành tâm điểm dẫn dắt bộ phim?

𝐇𝐚̂𝐧 𝐏𝐡𝐚̣𝐦: Ngày Xửa Ngày Xưa là một trong những chương trình giải trí thiếu nhi có sức ảnh hưởng lớn nhất với tuổi thơ của mình: mình tìm thấy niềm vui mỗi tuần từ nó, được nuôi dưỡng với những cuộc kể chuyện, nghệ thuật, và những nụ cười, mà khi nghĩ lại, thật sự là vô giá.

Tình cờ mình tìm lại trên Youtube và lúc xem lại mình thấy thật sự được an ủi trong những ngày tháng lockdown khá cô độc. Mình nhận ra, trong tất cả các phương tiện truyền thông và tác phẩm đại chúng, đó là nơi đầu tiên mình được gợi mở về cách mình nghĩ và tham gia vào kí ức quá khứ của Việt Nam trong một thời xa xưa - một phiên đầy tính ước lệ của sân khấu, nếu bạn so với những tư liệu lịch sử.

Mình tự hỏi, nếu đặt sân khấu Ngày Xửa Ngày Xưa vào 1 cuộc đối thoại với những thước phim thật của thực dân đô hộ, đứng từ vị trí của một đứa trẻ Việt Nam trong dòng chảy của thế giới, thì sẽ như thế nào.

Mình muốn Ngày Xửa Ngày Xưa trở thành một chất xúc tác để mình có cơ hội được viết lại những kí ức đó, và mình cũng muốn nhân cơ hội để tôn vinh nó như một phần quan trọng trong kí ức của mình.

𝐀𝐌𝐎: Cấu trúc của bộ phim mang cảm giác như một giấc mơ dần hóa ác mộng, mở đầu với viễn cảnh về một xứ sở thần tiên trong cổ tích dân gian để rồi tiếp nối với những thước phim chiến tranh hoang tàn, chị có thể cho chúng mình biết thêm ý đồ của mình khi thiết lập một trình tự diễn biến trong tác phẩm như vậy không?

𝐇𝐚̂𝐧 𝐏𝐡𝐚̣𝐦: Mình bắt đầu với những kí ức về đường phố Sài Gòn mà mình đã lớn lên, sau đó quay lại Sài Gòn vào những năm chiến tranh, quay ngược lại tới những thước phim làng quê của thế kỉ 19.

Đó là lúc những thước kịch NXNX bước vào để tương tác. Các diễn viên trong vở Tấm Cám bắt đâu du hành qua những thước phim bom đạn của những năm chống Mỹ, tương phản mạnh mẽ. Câu chuyện kết thúc khi ông Bụt hiện lên, và cuốn những kí ức ngược lại, ngược lại để khép lại vùng không gian đó.

Khi chọn kể câu chuyện này trong một không gian rất cá nhân của mình, có lẽ đó là một cách để ru mình trong một vùng tàn khốc, của cả thực tại và quá khứ.

Mình muốn viết một câu chuyện mà sức tưởng tượng và nghệ thuật của người Việt có thể xuyên thấu một không gian sát thương đầy ám ảnh và bạo tàn, và mong là câu chuyện mà mình kể lại qua bộ phim góp một phần nào trong những di sản Kể Chuyện của người Việt, thông qua chuyện kể dân gian, sân khấu, và giờ đây với mình là phim ảnh.

𝐀𝐌𝐎: Là một đạo diễn queer, không biết bạn có những quan sát nào đặc biệt về giới trong các thước phim Việt ấy cũng như có cố gắng để đưa những góc nhìn cá nhân về giới này vào trong tác phẩm này không?

𝐇𝐚̂𝐧 𝐏𝐡𝐚̣𝐦: Khi nhìn lại Ngày Xửa Ngày Xưa, mình nhận thấy có khá nhiều những lựa chọn để các diễn viên đóng vai khác giới tính thật, mà dễ nhận thấy nhất là sân khấu Tấm Cám, nơi mà cả hai nhân vật chính đều được đóng bởi hai nghệ sĩ nam kì cựu.

Mình nghĩ đó là 1 lựa chọn rất queer - queer không đơn giản là về chuyện giới tính, mà như một định hướng lựa chọn sự thay đổi giới tính để cho thấy một góc nhìn khác, một góc nhìn alternative để bóc tách và sáng tạo so với những gì đã được thiết lập trước đây.

Mình được inspired bởi Sarah Ahmed’s queer theory, khi tác giả này nhìn nhận “queer” với ý nghĩa là reorientation, một thực hành để ta định vị lại thế giơí quan của mình theo một góc cạnh khác. Mình nghĩ những gì Ngày Xửa Ngày Xưa làm, cũng có thể gọi là queer, nếu ta nghĩ về nó như không phải như một định nghĩa, mà là một thực hành.

Và mình mong là cách mình reappropriate material từ những nguồn gốc khác nhau cũng là cách để mình tham gia vào thực hành đó.

𝐀𝐌𝐎: Bởi bản thân tác phẩm có gợi lên rất nhiều câu hỏi v tính chất riêng của hình ảnh kỹ thuật số, chị có mường tượng một cách trưng bày hay trải nghiệm nào đấy khác cho tác phẩm thay vì chỉ chiếu trong phòng rạp thông thường không?

𝐇𝐚̂𝐧 𝐏𝐡𝐚̣𝐦: Mình mong mình có cơ hội để biến nó thành một installation ở gallery, để đem căn phòng và những giấc mơ của mình đến những không gian khác nhau!

𝐀𝐌𝐎: Khi thực hiện dự án chị đã có mối lo ngại nào về việc những hình ảnh rất đặc thù về Việt Nam này sẽ không kết nối được với giới khán giả phương Tây không? Phản ứng của khán giả Canada khi chị trình chiếu tác phẩm này trước đây như nào?

𝐇𝐚̂𝐧 𝐏𝐡𝐚̣𝐦: Có lẽ mình làm nó để an ủi và cho mình niềm vui mình trước hết trong hoàn cảnh đại dịch.

Đối với khán giả phương tây, dù họ không biết về sân khấu Ngày Xửa Ngày Xưa, nhưng những thước phim về chiến tranh Việt thì khá là quen thuộc với mọi người khi nó được phổ biến nhiều thông qua phim ảnh và media.

Mình mong là khi họ thấy nó được sử dụng trong một context rất khác, rất cá nhân, họ sẽ bị xa lạ hóa với những gì mà họ đã luôn nhình thấy và sẽ bắt đầu đặt câu hỏi về cái nhìn hạn hẹp mà media phương tây đã thiết lập khi tiêu thụ những kí ức hình ảnh về Việt Nam.

𝐀𝐌𝐎: Xin cảm ơn chị với những chia sẻ về tác phẩm của mình. Trước khi kết thúc bài phỏng vấn, bạn có thể cho All About Movies hỏi vui về 4 tác phẩm bạn nghĩ mọi người nên xem trước khi chết được không?

𝐇𝐚̂𝐧 𝐏𝐡𝐚̣𝐦: Khó quá :)) Chắc không phải trước khi chết, nhưng đây là những tác phẩm mình thích nhiều:

- Fainting Spells - Sky Hopinka

- The young girls of Rocherfort - Jacques Demy

- Happy as Lazzaro - Alice Rohrwacher

- Ratatouille - Disney x Brad Bird :))

𝐀𝐌𝐎: Cảm ơn chị đã dành thời gian cho buổi phỏng vấn này. Chúc chị nhiều sức khoẻ và thành công trên những dự định sắp đến.

---

Tác phẩm “NGÀY XỬA NGÀY XƯA (ONCE UPON A TIME)” sẽ được chiếu trong khuôn khổ All About Shorts #2 ở Nirvana Space, vào lúc 19h30 trong hai ngày T7-CN tuần này (17-18/8/2024).


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo