phân tích
JEAN-LUC GODARD VÀ LUẬN BÀN VỀ PHÁP LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ
Người viết: Tâm Nguyên Abu
(Trích, lược dịch và diễn giải từ luận văn của Marcus Boon vào năm 2014 với tựa đề: “Căn cốt của Chia sẻ: Chiếm đoạt và Sở hữu trí tuệ”)
__________
Giải thích thuật ngữ:
“Trí tuệ” được hiểu là nhận thức lý tính đạt đến một trình độ nhất định, đây là năng lực riêng của con người.
Những thành quả do trí tuệ con người tạo ra thông qua hoạt động sáng tạo được thừa nhận là tài sản trí tuệ. “Sở hữu trí tuệ” được hiểu là sự sở hữu đối với những tài sản trí tuệ đó.
“Quyền tác giả” là một phần của quyền sở hữu trí tuệ, là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả đối với tác phẩm bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. (*)
_______________
Đoạn trích dưới đây bàn về ranh giới giữa chia sẻ và chiếm đoạt tài sản trí tuệ. Liệu việc trích dẫn một nội dung trong tác phẩm đến giới hạn nào thì bị coi là đủ để cấu thành hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ? Và vĩ mô hơn là bàn về ranh giới giữa việc không xâm phạm và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, cùng vấn đề điều chỉnh thời hạn bảo hộ quyền tác giả để cân bằng giữa lợi ích của cá nhân chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và lợi ích cộng đồng. (*)
_________
Trước hết, tôi không muốn đưa ra bất cứ lập luận phủ nhận sự tồn tại của luật pháp nói chung hay luật sở hữu trí tuệ nói riêng. Tôi đang đặt câu hỏi rằng liệu pháp luật sở hữu trí tuệ có thể thực hiện được hoàn toàn các chức năng, nhiệm vụ của nó không - một trong số đó là điều chỉnh, kiểm soát hành vi sao chép. Nếu câu trả lời là có, thì cần giải thích tại sao việc sao chép lậu lại diễn ra lan tràn đến mức vượt quá sự áp dụng của pháp luật. Còn nếu câu trả lời là không, thì tôi lập luận rằng việc tạo ra hàng loạt các bản sao sẽ luôn nằm ngoài khả năng điều chỉnh của luật pháp […]
Tôi muốn phân tích một số lời bình đến từ nhà làm phim đại tài người Pháp Jean-Luc Godard. Trong suốt sự nghiệp điện ảnh, Godard đã không ngừng đặt ra những câu hỏi và phản biện mang khuynh hướng cấp tiến về các dạng thức khác nhau của tài sản và quyền tài sản, nổi bật trong số đó là quyền sở hữu trí tuệ. Godard chịu ảnh hưởng lớn từ chủ nghĩa hiện sinh, triết học Marx-Lenin và chủ nghĩa nhân văn. (*) Trong những năm gần đây, Godard đã tham gia vào các tranh chấp sở hữu trí tuệ ở Pháp, nổi tiếng nhất là sự kiện vị đạo diễn tự nguyện chi 1000 euros để thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại thay cho James Climet - một nhiếp ảnh gia bị buộc tội xâm phạm bản quyền âm nhạc với khối lượng hơn 13000 files MP3 tải lậu. Bộ phim gần đây nhất của Jean-Luc Godard mang tên Film Socialisme (tạm dịch: “ghi hình chủ nghĩa xã hội”, có thể hiểu bộ phim như lát cắt về chủ nghĩa xã hội), và cũng giống như nhiều bộ phim khác của ông, tác phẩm Film Socialisme chứa đựng nhiều phần trích dẫn, “chiếm đoạt” từ những nguồn mà Godard đã liệt kê ở đầu phim. Trong một cuộc phỏng vấn được công bố vào những năm 1960, ông đã có những luận bàn về sở hữu trí tuệ khi nói về Breathless - bộ phim đầu tay của mình. Breathless là thước phim chứa đựng nhiều sự dẫn chiếu từ các tác phẩm điện ảnh, văn học đi trước. Theo quan điểm của Godard, những tác phẩm của ông không thể là hữu thể nếu không có sự vay mượn, trích dẫn, góp nhặt từ các tác phẩm khác (*):
“Trong cuộc sống thường ngày, con người luôn vô thức trích dẫn những điều mình cho là hay. Do đó, chúng ta có quyền trích dẫn bất cứ điều gì theo ý muốn. Bản thân tôi cũng “trích dẫn” - chỉ là tôi sắp xếp, xáo trộn sao cho trích dẫn đó phù hợp với ý thích, hoàn cảnh của mình. Trong sổ ghi chép của tôi về mẹo làm phim, tôi cũng hoàn toàn có thể đưa vào đó một châm ngôn của nhà văn Dostoevsky nếu tôi thấy thích. Tại sao chúng ta phải bị ràng buộc khi có nhu cầu trích dẫn điều gì đó? Nếu bạn muốn nói lên một điều gì đó, thì ngoài nói nó ra còn cách nào khác chứ? Hơn nữa, Breathless là thể loại phim mà tất cả mọi thứ trong đó đều khả dĩ - đó là bản chất của bộ phim. Bất cứ điều gì con người có thể làm - tất cả những điều này đều có thể được đưa vào phim.”
Ảnh từ phim Breathless (1960)
Trích dẫn, về bản chất là hành vi chiếm đoạt - tức chuyển dịch tài sản đang thuộc sự quản lý của người khác vào phạm vi sở hữu của mình (*), thế nhưng về cốt lõi, mục đích của sự trích dẫn ở đây không phải là lợi dụng thương hiệu của tác giả, tác phẩm được trích dẫn hoặc nhằm vào tái ngữ cảnh hoá, mà chỉ đơn thuần là sự khẳng định, công nhận tính chất tuần hoàn tất yếu - rằng trước đây, nội dung này đã tồn tại trong thế giới hiện thực khách quan, nay được ghi nhận lại và tiếp diễn sử dụng, chia sẻ dưới dạng trích dẫn. Trích dẫn mang tính chất chia sẻ và phát triển ý tưởng. (*) Ranh giới giữa hai khái niệm ‘chiếm đoạt’ và ‘chia sẻ’ được đặt ra, đây cũng là một phần của hoạt động làm phim. Trong những năm gần đây, Godard đã nhiều lần nhấn mạnh: “il n’y a pas de droits d’auteur, il n’y a que des de-voirs,” - “không có quyền tác giả, mà chỉ có nghĩa vụ của tác giả.” Câu nói xuất phát từ sự phản đối của ông với thời hạn lâu dài của độc quyền sở hữu trí tuệ đối với quyền thừa kế tác phẩm, giống như trường hợp nhà văn Mark Twain dẫu đã qua đời từ năm 1910, cuốn tự truyện của ông đã có tuổi đời lên đến 100 năm tuy nhiên vẫn nằm trong phạm vi bảo hộ quyền tác giả, và bất cứ cá nhân nào muốn sử dụng tác phẩm của Mark Twain vẫn phải xin phép và trả tiền. Godard cho rằng “con cái của một nghệ sĩ có thể được hưởng lợi từ bản quyền tác phẩm của cha mẹ mình, nhưng chỉ đến lúc trưởng thành”, nhằm tránh sự lạm dụng quyền tác giả để sinh lợi một cách không hợp lý. (*) Cụ thể hơn, Godard đã thể hiện quan điểm trong một cuộc phỏng vấn trên tờ Nouvel Observateur năm 2001:
Nouvel Observateur: Ông đã kiếm một mức sống đủ đầy chứ?
Jean-Luc Godard: Tôi đã sống trọn đời như một nhà chuyên môn nghệ thuật. Đó là lý do tại sao tôi không thể hiểu được việc phải trả tiền bản quyền cho mọi ngóc ngách hang cùng ngõ hẹp trên thế giới này. Đó là một sự lạm dụng, bóc lột khủng khiếp. Ta không thể quay phim một chuyến tàu TGV đang đi qua vùng nông thôn nước Pháp hay Tháp Eiffel nữa. Như thể một cách nói ngược lại lý thuyết: “Tài sản là trộm cắp.” của nhà xã hội chủ nghĩa Pierre-Joseph Proudhon. Ở đây, trộm cắp trở thành tài sản. (Godard đang phê phán sự tư hữu sở hữu trí tuệ cực đoan dẫn đến lạm quyền tác giả để sinh lợi một cách quá đáng (*)). Đó là lý do tại sao tôi không muốn bàn luận về quyền tác giả, mà là về nghĩa vụ của tác giả. Loại quyền này vốn không có cơ sở pháp lý, mà được hình thành từ sự tổ chức xã hội. Người tác giả chỉ có nghĩa vụ. Khi một người nghèo nói rằng anh ấy có quyền được ăn, điều đó đồng nghĩa với việc anh ta có nghĩa vụ. Anh ta phải sống, phải tiếp tục. Quyền là nền tảng tổ chức cho con người thực hiện nghĩa vụ.
Ý nghĩa đằng sau cách đặt nghĩa vụ lên trên quyền này là gì? Gần đây, nhiều thắc mắc đã được đặt ra với Godard về một hình ảnh cụ thể ông sử dụng trong bộ phim Film Socialisme – đó là hình ảnh được sao chép hoàn toàn từ bộ phim Les Plages D’Agnès (The Beaches of Agnès) của đạo diễn Agnès Varda. Godard trả lời rằng ông đã sử dụng hình ảnh của Varda với mục đích cá nhân, mà không hề gây phương hại đến quyền của Varda đối với hình ảnh, và dùng hình ảnh để phát triển những ý nghĩa nghệ thuật của riêng ông. Nghĩa vụ trong trường hợp này được nâng tầm vĩ mô thành một khái niệm duy tâm giống như triết học pháp quyền Hegel, được nảy sinh từ đạo đức và luân lý chứ không chỉ gói gọn trong những gì pháp luật quy định. (*) Nếu chúng ta nghĩ về các tác giả (và các chủ thể không trực tiếp tham gia vào quá trình sáng tạo tác phẩm, nhưng lại sở hữu quyền tác giả (*)) như những thực thể căn bản trong xã hội, như những người đơn thuần sống và làm việc giữa mạng lưới của sự chia sẻ qua lại các tài sản trí tuệ trong phạm vi không gian cư trú, thay vì là những cá nhân biệt lập có quyền sở hữu với bất cứ điều gì họ nghĩ ra hoặc có liên quan, thì bản chất việc làm sáng tạo không phát sinh từ quyền sở hữu tác phẩm, quyền sinh lợi từ tác phẩm, mà phát sinh từ nghĩa vụ đóng góp vào sự sẻ chia qua lại tài sản trí tuệ, nghĩa vụ trau dồi tư duy sâu sắc, nghĩa vụ cải tiến tri thức trên nền tảng của các tiền bối đi trước. Theo quan điểm của Godard, tác giả nói chung, hay người nghệ sĩ nói riêng, có nghĩa vụ sáng tạo, và sản phẩm của quá trình đó tất yếu được đưa đến cho cộng đồng thụ hưởng. (*)
Ranh giới giữa chiếm đoạt và chia sẻ rất mong manh (*), và tồn tại mối liên hệ với việc sống và hành động mà không cần dựa vào các triết lý về quyền hay bất cứ diễn ngôn nào về sở hữu trí tuệ. Khái niệm này không nhất thiết nằm ngoài khuôn khổ pháp luật – trên thực tế, lời tuyên bố “không có thứ gì gọi là sở hữu trí tuệ” của một nhà làm phim như Godard cũng chỉ là dụng ý nhằm thừa nhận và nhấn mạnh tính hữu thời của việc hưởng thừa kế quyền tác giả (quyền thừa kế này phát sinh khi tác giả chết, và người thừa kế của tác giả được hưởng một số quyền thuộc nội dung quyền tác giả, Godard cho rằng thời hạn hưởng quyền này nên được điều chỉnh theo chiều hướng giảm (*)): ở đây, Jean-Luc Godard không phủ nhận khía cạnh nhân thân - sự công nhận một cá nhân là tác giả của một tác phẩm (*), cụ thể là công nhận rằng Agnès Varda với địa vị tác giả, có quyền sử dụng hình ảnh của mình với mục đích thương mại, và rằng Varda có thể nhận được tiền bản quyền từ việc cho phép người khác sử dụng hình ảnh của mình. Nhưng Godard lập luận rằng quyền tài sản trong sở hữu trí tuệ không thể là vô thời hạn, việc trả tiền bản quyền không thể kéo dài vĩnh viễn, để đảm bảo sự cân bằng giữa lợi ích cá nhân và lợi ích cộng đồng (*), việc gọi Varda là chủ sở hữu của những hình ảnh đó chỉ mang tính tạm thời, và cho đến cuối cùng, hình ảnh vốn không thuộc về riêng ai, không tồn tại tư hữu (*), bởi chúng vốn là những vật thể chung trong khách quan xã hội và được cấu thành từ nhiều yếu tố chứ không tồn tại một bản thể nào.
___________________
(*) Các phần diễn giải kiến thức pháp lý được bổ sung bởi người dịch nhằm giúp bài luận dễ hiểu hơn.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ