phỏng vấn
PHỎNG VẤN CÙNG 5 BIÊN KỊCH TRIỂN VỌNG THUỘC WRITING LAB 3 CỦA SPRING AUTEURS
Người viết: All About Movies
[Bài phỏng vấn được thực hiện bởi All About Movies thuộc một phần công tác truyền thông sự kiện Writing Lab 3: Storytelling Beyond Borders của Spring Auteurs được diễn ra vào tháng 9 đến 10/2024 vừa qua]
---------------
Trong đợt Writing Lab vừa qua do Spring Auteurs tổ chức dưới sự đồng hành cùng diễn giả Vincent Ngô, những biên kịch triển vọng tham gia không chỉ được đón nhận thêm những phản hồi và góp ý cho những câu truyện và ý tưởng của họ mà cũng được nhận thêm một bức tranh toàn cảnh lớn hơn về ngành qua những chia sẻ về chuyện nghề và thị trường phim ảnh tại Hollywood.
Với 4 buổi làm việc cùng “bác sĩ kịch bản” Vincent, 5 biên kịch từ những xuất xứ và màu sắc khác nhau đã có cơ hội để trình bày cũng như phát triển thêm cho bản thân họ một kịch bản phim dài.
Để tổng kết những ngày sự kiện Writing Lab 3 đầy thành công, All About Movies đã có cơ hội để tiếp cận cũng như trò chuyện cùng 5 biên kịch nhiều tiềm năng lần này về ý tưởng cũng như những dự định tương lai của họ sau đợt Lab này.
Chia sẻ của biên kịch và nhà phê bình Nguyên Lê:
• Về Kỳ Vọng
Ban đầu mình không có mấy trông đợi gì với Writing Lab vì mình không hề nghĩ là mình được chọn. Nhưng sau khi biết là mình vào rồi thì mình trở nên tò mò, muốn tìm hiểu xem là những gì mình biết về công tác biên kịch, phát triển phim qua lăng kính phê bình… có cái nào hợp lý - không hợp lý, nên cập nhật - nên bỏ.
• Về Những Khó Khăn Khi Phát Triển Ý Tưởng
Ý tưởng cho câu truyện mình muốn thực hiện ở Writing Lab buộc mình phải tìm đến kịch bản của những dự án biết làm bối cảnh hấp dẫn. Nói cụ thể hơn thì… ý tưởng ấy sẽ không bắt nhân vật mình đi đâu xa, đi nơi khác đâu, nhưng vậy thì mình phải làm sao để một địa điểm/địa điểm chính trong câu chuyện luôn không bị nhàm chán.
Bản thân xuất phát từ công việc nhà báo, cái hỗ trợ lớn nhất cũng là cản trở lớn nhất là kiến thức hiện có bên mảng phê bình phim! Trong lúc phát triển ý tưởng của mình, một phần của mình cứ nói “làm đi”, một phần thì cứ nói “khoan đi”. Mình cứ phải chiến đấu với bản thân, trong một tâm hồn thôi mà vừa là nhà sáng tạo vừa là kẻ phê bình nó, trong khi anh Vincent có chia sẻ bài học đầu tiên và quan trọng nhất của tất cả các biên kịch ở đời là… “phải viết cho tới được chữ ‘The End’”.
Phần nữa là tuy rằng mình biết tiếng Anh, biết phân tích điện ảnh đó, nhưng bây giờ phải làm thế nào, phải sắp xếp thế nào để kể một câu chuyện và viết kịch bản. Tất cả có thể có liên quan, nhưng cơ chế cực kỳ khác nhau. Thêm nữa là mình phải luôn đối mặt với một thực tại là tiếng Anh sẽ không bao giờ là ngôn ngữ chính của mình, thành ra những gì mình biểu đạt có khả năng gây nhầm lẫn, hay thiếu sự sống động để gây ấn tượng tốt. Để bớt tiêu cực thì mình sẽ nói cho dù đây là những khó khăn… nếu mình tập và cứ tập thì mình sẽ quen.
Tuy đây cũng có nghĩa là mình sẽ phát triển hay viết chậm, mình biết là con chữ nào, phân cảnh nào cũng có đầu tư hơn, có suy nghĩ hơn. Từ đây mà thành phẩm cũng có khả năng hay hơn, và đó là điều mà, dù mình là người làm phim hoặc phân tích bộ phim được làm, đều mong muốn! Tuy nhiên, một sự thay đổi và phát triển mình thấy còn quan trọng hơn những gì mình vừa nói là… cuối cùng mình đã viết ra được ý tưởng này. Cuối cùng ý tưởng này cũng đã có trên trang giấy, không còn là tưởng tượng nữa. Một điều đáng mừng!
• Về Dự Định Tương Lai
Mấy dạo này mình hay nghe bạn bè trong ngành báo, phim, hoặc làm nghệ thuật “gửi gắm” cho mình câu “Nói trước bước không qua”. Nhưng mà cho dù mình có làm gì đi nữa thì mình thấy kiến thức mình đã thu thập trong Lab mang tính bổ trợ. Ngoài tuyến đường hiển nhiên là có kiến thức biên kịch để viết kịch bản ra, mình cũng tìm ra tuyến đường dùng kiến thức biên kịch để nhìn nhận hay phê bình câu chuyện một cách sáng suốt hơn. Hay là về sau mình có viết một quyển tự sự tên “Kiếp Phê Bình” thì, qua những lời chia sẻ của anh Vincent, mình cũng đã có thông tin về cách Hollywood tiếp cận ý tưởng, phát triển kịch bản như thế nào v.v. Và nếu một biên kịch trong tương lai ở bất cứ đâu hỏi mình thì mình sẽ sẵn lòng chia sẻ.
Chia sẻ của biên kịch kiêm đạo diễn Đặng Sinh:
• Về Kỳ Vọng
Những gì anh Vincent mang đến thậm chí vượt xa mong đợi của chúng tôi. Anh Vincent không chỉ nói về những kiến thức để phát triển kịch bản mà còn chia sẻ những tư duy cần thiết để một biên kịch có thể vững vàng với sự nghiệp. Quan trọng nhất, nhờ anh, chúng tôi hiểu được cách trân trọng những điểm khác biệt, độc đáo của bản thân mình và áp dụng nó vào sáng tạo.
• Về Tính Cá Nhân trong Sáng Tạo
Từ trước đến nay tôi luôn nghĩ để viết được kịch bản hay thì cần xem nhiều phim, nhưng đó chỉ là một phần mà thôi. Khi xem, tôi hiểu được sức sáng tạo, những tình tiết mới mẻ, lôi cuốn. Nhưng để làm một biên kịch giỏi thì còn cần đọc thật nhiều kịch bản, xem cách người khác viết thì sẽ học được cách viết hay. Một điều nữa, mỗi biên kịch sẽ có một sở trường và câu chuyện của riêng họ.
Anh Vincent vì vậy cũng không bao giờ cố gắng để thay đổi câu chuyện của tôi, cái anh làm là thay đổi và phát triển tư duy của học trò để chúng tôi tự suy ngẫm về câu chuyện của mình. Anh chia sẻ rằng, dù được trả cao bao nhiêu cũng đừng nên viết cho người khác, trừ khi chúng tôi thật sự yêu câu chuyện đó. Cố gắng vặn não của mình chỉ để viết những gì người khác muốn sẽ khiến biên kịch không chạm vào được những góc nhìn sâu sắc của mình. Tôi đã có trải nghiệm tương tự trước đó nên thật sự thấu hiểu những gì anh nói.
Thật may mắn khi chúng tôi có được một người thầy luôn cố gắng thấu hiểu phong cách, cá tính và phát triển những gì chúng tôi nhạy cảm nhất. Câu chuyện của mọi người đều được phát triển rất tốt. Nhưng điều quan trọng nhất, chúng tôi hiểu được tốt nhất là trở thành chính mình mà không theo một khuôn mẫu nào, điều đó hứa hẹn nền điện ảnh trong tương lai sẽ còn nhiều màu sắc và những câu chuyện mới mẻ, độc đáo và sâu sắc hơn nữa.
• Về Khó Khăn
Khó khăn duy nhất với tôi là tiếng Anh. Thật ra tôi không giỏi giao tiếp và còn gặp khó khăn khi dùng tiếng mẹ đẻ, nên việc sử dụng một thứ tiếng khác còn làm tôi bối rối hơn. Nhưng thật may mắn khi anh Vincent và mọi người đều thật sự muốn hiểu tôi, họ đã kiên nhẫn lắng nghe và giúp tôi nói ra mọi suy nghĩ của mình. Cuối cùng chúng tôi đã vượt qua được khó khăn đó, việc trao đổi ý tưởng không còn là trở ngại nữa.
• Về Dự Định Tương Lai
Sau Writing Lab lần này, tôi vẫn sẽ tiếp tục việc viết kịch bản và làm phim. Điều đó sẽ cần rất nhiều thời gian nên tôi đã chuẩn bị sức khoẻ cho cả cơ thể và bộ óc, sự kiên nhẫn và tỉnh táo bên cạnh một cây bút để viết kịch bản. Rất mong mọi người sẽ quan tâm và đưa ra những đánh giá đóng góp cho sự phát triển của nền điện ảnh qua những gì chúng tôi có thể làm được trong tương lai.
Chia sẻ của biên kịch kiêm đạo diễn Damien Đặng (Đặng Thanh Tùng):
• Về Kỳ Vọng
Công việc trong ngành phim của mình bình thường là đạo diễn / biên kịch phim ngắn. Mình chưa từng viết kịch bản nào dài quá 45 trang. Vậy nên mình coi Writing Lab 3 lần này, về phát triển kịch bản phim dài, là một thử thách cho bản thân để tập làm quen với việc viết kịch bản dài hơn.
Mình đã kỳ vọng đây là một môi trường lý tưởng để bắt đầu hành trình phát triển kịch bản phim dài, và sau khi hoàn thành Lab, mình thấy những kỳ vọng của mình đã được thoả mãn. Những thắc mắc của mình về quá trình phát triển một kịch bản, từ ý tưởng đến dàn ý, cũng như về nghề biên kịch, đều ít nhiều được giải đáp trong khoá, cũng như trong các cuộc trò chuyện bên lề với anh Vincent và mọi người.
• Về Ý Tưởng
Mình sử dụng một ý tưởng phim sci-fi cho Writing Lab 3. Ý tưởng này mình đã có từ khá lâu, nhưng vì là ý tưởng sci-fi và có quy mô lớn nên mình chưa từng phát triển hoàn chỉnh, mà chỉ thêm thắt các ý vào mỗi khi có cảm hứng. Trong Lab, mình có cơ hội lần đầu pitch ý tưởng đấy cho anh Vincent và các biên kịch khác, và nhận được những góp ý, nhận xét chân thành, có tính xây dựng.
Từ một ý tưởng thô, mình đã phát triển lên thành một bản tóm tắt 1 trang, 3 trang, rồi dàn ý 10 trang. Với mỗi bản, mình lại có thể đào sâu hơn hơn một chút về nhân vật, câu chuyện, chủ đề và các yếu tố khác, đồng thời tránh những chi tiết không logic hay không hợp với câu chuyện. Khi viết một mình, một cái bẫy dễ mắc phải là bị “tunnel-vision”, chỉ nhìn câu chuyện từ một phía mà không nghĩ đến những cách hiểu khác, những góc nhìn khác mà hay hơn, độc đáo hơn. Vì vậy, có những “độc giả” đầu tiên kỳ cựu như anh Vincent và các bạn cùng lớp đọc và đóng góp ý tưởng là một lợi thế lớn cho việc phát triển kịch bản của mình.
• Về Những Khó Khăn
Khó khăn lớn nhất với mình là chuyển từ lớp offline (buổi 1) sang lớp online (buổi 2-4). Mọi người đã có một buổi offline đầu tiên rất thành công, ai nấy đều trao đổi ý tưởng rất sôi nổi và cởi mở. Nhưng khi chuyển sang hình thức online, dường như mọi người trở nên “ngại giao tiếp” hơn. Việc chuyển sang online thực ra cũng có những lợi thế riêng – với hình thức này mọi người cũng được tiếp thu nhiều kiến thức và kinh nghiệm hơn từ anh Vincent, và lớp online cũng giúp một biên kịch sống ở Hà Nội như mình có điều kiện được tham gia Writing Lab. Nhưng mình vẫn hơi tiếc sự cởi mở và thân thiết giữa mọi người mà mình thấy trong buổi offline, điều mà mình cho là hỗ trợ rất nhiều cho việc trao đổi và phát triển ý tưởng kịch bản.
Ngoài ra thì mọi người trong Lab – anh Vincent, các biên kịch khác, và các thành viên Spring Auteurs đều rất hỗ trợ mình trong quá trình phát triển ý tưởng. Có những lúc mình chỉ mong là có thêm thật nhiều thời gian trong mỗi buổi để mọi người nhận xét về ý tưởng của nhau nhiều hơn, trao đổi sâu hơn, viết và sửa kỹ hơn.
• Về Công Nghệ AI
Một chủ đề được mọi người đặc biệt nhắc đến và bàn luận khá nhiều trong Lab là việc sử dụng AI trong quá trình biên kịch / phát triển kịch bản. Nhiều lúc mọi người trong Lab cũng không khỏi cảm thấy giật mình vì sự tiến bộ nhanh chóng của AI, và viễn cảnh AI có thể tác động sâu sắc đến thị trường biên kịch nói riêng và nghệ thuật nói chung.
Quan niệm của mình, là một người vừa làm IT và vừa làm nghệ thuật, là một mặt vẫn đánh giá cao sự phát triển của AI trong công việc, nhưng một mặt vẫn tránh bị lệ thuộc quá nhiều vào các công cụ đó, mà vẫn sử dụng những kiến thức, trải nghiệm, giá trị độc đáo của bản thân trong việc sáng tạo và làm nghệ thuật.
• Về Việc Đọc
Bên cạnh đó, một điều quan trọng với nghề biên kịch mà anh Vincent truyền đạt, và mình muốn nhấn mạnh hơn, là việc thường xuyên đọc và viết kịch bản phim, bởi việc biên kịch không chỉ dừng lại ở viết một câu chuyện hay, mà còn phải truyền tải câu chuyện đó đến người đọc, nhà đầu tư, các cộng sự trong đoàn phim một cách tinh tế, gọn ghẽ, hấp dẫn nhất trong những trang kịch bản.
Điều này chỉ có thể được trau dồi bằng việc liên tục đọc các kịch bản với đa dạng thể loại, ngôn ngữ, cách kể, để từ đó học hỏi, áp dụng và liên tục viết kịch bản của riêng mình. Kỹ năng biên kịch, hay làm bất cứ vai trò nào khác trong đoàn phim, đều có thể gói gọn lại trong hai quá trình: tiếp thu và thực hành. Anh Vincent khuyên cả lớp nên đọc ít nhất 1 kịch bản phim mỗi tuần, và đó là điều mình sẽ cố gắng hoàn thành.
• Về Dự Định Tương Lai
Hiện tại, mình muốn hoàn thành một vài dự án phim ngắn cá nhân đang dang dở, vừa là một cách để thử nghiệm các kỹ thuật và tìm tiếng nói, phong cách cá nhân cho bản thân, vừa để tạo dựng một portfolio chỉn chu hỗ trợ cho các dự án sau này. Sau khi hoàn thành các dự án cá nhân đó, mình muốn tập trung phát triển các dự án có quy mô lớn hơn, bao gồm cả phim ngắn và phim dài.
Con đường đến phim điện ảnh là một con đường rất dài và gian nan, và mình muốn bắt đầu từng bước với việc viết một kịch bản phim dài hoàn chỉnh, nghiên cứu thực sự kỹ về việc gọi vốn và tham gia các chợ dự án, liên hoan phim, cũng như tìm những người bạn đồng hành để cùng hiện thực hoá các mục tiêu của mình. Mình thấy rất may mắn là đã có thời gian sống ở cả Hà Nội và Sài Gòn, được kết nối với cộng đồng làm phim rất sôi động ở cả hai thành phố và có rất nhiều cộng sự, chiến hữu để cùng đồng hành, phát triển.
Chia sẻ của biên kịch Đinh Trần Tuấn Anh:
• Về Kỳ Vọng
Có lẽ mình có hai mong đợi lớn nhất khi quyết định ứng tuyển cho Writing Lab 3.:
Đầu tiên, đó là cơ hội để mình được kể câu chuyện mà mình muốn kể, để phát triển thứ ý tưởng mà mình nghĩ nếu cứ để mãi trong đầu thì sẽ một ngày phải nuối tiếc, và được kiểm duyệt chất lượng nó bởi những người có chuyên môn và/hoặc cùng đam mê.
Mong đợi thứ hai, là cơ hội để mình được học hỏi trực tiếp từ một biên kịch chuyên nghiệp của Hollywood, để có được những kiến thức mà mình nghĩ sẽ khó có thể tìm được ở nhiều nơi khác, không chỉ về kỹ năng biên kịch mà cả cách ngành điện ảnh thế giới vận hành.
• Về Ý Tưởng
Mình nghĩ ý tưởng cho câu truyện của mình đã thay đổi hàng ngày. Như anh Vincent đã nói, đây là một ý tưởng ẩn chứa rất nhiều hướng để khai thác, và kể cả sau những phiên bản khá khác biệt được mình gửi, anh Vincent vẫn liên tục nhắc lại rằng đây chỉ là phần nổi rất nhỏ của một tảng băng trôi.
Không dưới một lần mình đứng trước hai sự lựa chọn khác nhau trong cách phát triển một mạch truyện, và khi đó, anh Vincent liên tục khích lệ mình hãy cứ chọn một hướng đi và thí nghiệm với nó, thực sự đặt toàn bộ tâm huyết vào phiên bản đó, cho đến khi thực sự thấy nó không “ổn” hoặc không thể phát triển được, khi đó hãy thử hướng còn lại. Cứ như thế, cho tới khi tìm ra hướng đúng, hoặc ít nhất là đúng nhất.
Nhưng bất kể hướng đi nào, như anh Vincent dặn, mình vẫn phải bám vào chiếc chủ đề đầu tiên, coi nó như chiếc kim chỉ nam để không bao giờ đánh lạc mất chiếc lõi của câu chuyện.
• Về Những Chia Sẻ Đặc Biệt trong Writing Lab
Có hai điều anh Vincent mà mình nghĩ sẽ tiếp tục âm vang trong đầu mình mỗi khi mình viết:
Đầu tiên là sự so sánh việc viết với toán học. Mình nghĩ phần lớn người viết đều đồng ý rằng việc sáng tác hay viết nói chung khá giống với một phép toán hoặc một trò chơi xếp hình. Giống không phải ở điểm nó có đáp án chính xác - nếu như vậy thì điểm 10 môn văn đã không chỉ tồn tại trong truyền thuyết - nhưng giống ở điểm nó sẽ chỉ cảm thấy “đúng” khi tất cả mọi thứ ăn khớp hoàn hảo với nhau.
Thứ hai, anh Vincent liên tục nhắc lại về “The pain is the point”. Việc vật lộn với những con chữ, những ý tưởng, liên tục tự vấn với những gì mình viết ra và thậm chí đôi khi tự hạ thấp bản thân khi thấy những gì mình không đạt được như kỳ vọng, đó không chỉ là điều bình thường mà là điều cần thiết để có thể tạo nên một câu chuyện hay. Chỉ miễn là bất chấp sự vật lộn đó, người viết vẫn phải tìm thấy niềm vui trong việc mình đang được viết.
• Về Những Khó Khăn
Mình mạn phép phỏng đoán rằng bản thân đã cảm thấy khá tự tin với khả năng ngoại ngữ trước khi bước vào Writing Lab 3. Và rồi bản thân mình, cũng như một số người khác, sớm nhận ra rằng dù khả năng đó có thể là đủ cho công việc hay những giao tiếp thường ngày, thì việc sử dụng nó trong viết sáng tạo - vốn là thứ nghệ thuật là đòi hỏi một sự thuần thục và nhuần nhuyễn tối đa với câu chữ - thứ mà đôi khi khiến chính người bản địa phải vật lộn - là một thử thách hoàn toàn mới.
• Về Những Dự Định Tương Lai
Quentin Tarantino từng nói rằng nhân vật của ông ấy mới là người kể chuyện, rằng dù ông ấy có thể có ý tưởng về hướng mà câu chuyện sẽ đi, thì sau cùng, những nhân vật mới là người trực tiếp kể câu chuyện.
Mình nghĩ rằng mình cũng cảm thấy thế đối với nhân vật Đinh Trần Tuấn Anh. Mình có vài mong muốn về việc nó sẽ đi đâu, nhưng thực chất thì ai mà biết được nó sẽ chọn đi đường nào; và dù có muốn hay không, mình cũng khó mà biên kịch chi tiết kịch bản cho nhân vật này - may ra chỉ lên được outline thôi. (Đây là một cách khá dài để nói rằng mình không sự biết về dự định tương lai.)
Nhưng mình chắc chắn rằng nhân vật này sẽ tiếp tục phát triển câu chuyện nó đã bắt đầu kể trong Writing Lab 3 thành một kịch bản hoàn chỉnh. Và anh Vincent đoán rằng hành trình đó sẽ dài khoảng 1 đến 1,5 năm.
Chia sẻ của biên kịch Oliver Trần:
Khi tham gia Lab, mình cũng không có mong đợi gì nhiều, chỉ muốn học hỏi thêm những thứ gì mình có thể chưa biết thôi. Mình cũng như không gặp khó khăn gì trong quá trình hết, việc trình bày và trao đổi ý tưởng diễn ra rất ổn.
Thế nhưng anh Vincent có cho mình thêm nhiều ý tưởng qua nhiều câu hỏi theo đôi mắt của một biên kịch và đôi mắt của một nhà sản xuất. “Có thể theo đuổi những ý tưởng điên rồ hơn nếu đã nắm bắt được những ý tưởng và bài học cốt lõi.
Về dự định tương lai của mình sau Writing Lab, mình sẽ tiếp tục công việc viết của mình như mọi khi thôi.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ