phân tích

Những mẩu chuyện về ÉRIC ROHMER

Người viết: PhanAnh

img of Những mẩu chuyện về ÉRIC ROHMER

Éric Rohmer tên thật là Maurice Schérer (1920-2010) và còn có biệt danh là “le grand Momo” vì đặc biệt cao. Nếu Rohmer đứng cạnh Francois Truffaut (1932-1984) thì sẽ dễ có cảm giác người thứ nhất cao gấp đôi người thứ hai, đồng thời ông cũng nhiều tuổi nhất nhóm, hơn Truffaut tận 12 tuổi. Rohmer có một người em trai là triết gia René Schérer, ngườii từng học cùng lớp với triết gia Trần Đức Thảo hồi ở bên Pháp.

Trong thế hệ làn sóng mới Pháp, ông là người cho ra những bộ phim điện ảnh muộn nhất mà ông tự gọi đó là thời kỳ “Thủy triều muộn”, mà kì lạ thay vì lẽ ra chính Eric Rohmer mới là người làm ra những bộ phim đúng nghĩa đầu tiên. Rohmer có một thời từng chinh chiến với các máy quay 16mm làm các phim tài liệu về các nhà thơ Pháp, một số phim chuyển thể của Edgar Poe, Comtesse De Ségur, trong đấy có một phim ngắn “Presentation or Charlotte and Her Steak” có sự xuất hiện của Jean-Luc Godard (1930-2022) thời trẻ (All About Movies từng để hình Godard trong phim này làm avatar). Phim này ông đã làm trước đó, nhưng mãi đến năm 1960 ông mới cho chiếu, tận dụng thời điểmi Godard đang nổi như cồn.

Còn trước đấy, Rohmer làm thầy giáo ở một trường tư, hồi ý trên những chuyến tàu hỏa đi làm, Rohmer hay thấy một thầy giáo khác dạy cùng trường, nhưng hai người chưa bao giờ quen nhau đó là triết gia Gilles Deleuze (1925-1995). Một thời gian sau, Rohmer gác dần việc dạy, và chú tâm viết các bài báo về điện ảnh cho tờ tạp chí Cahiers du Cinéma trong đó có một bài báo nổi tiếng ông viết có nhan đề “cinema, an art of space” bài báo đó định hình lên cách làm phim sau này của ông rất nhiều. Trong quá trình làm việc tại báo, ông có mối quan hệ lớn với tất cả các nhân vật của làn sóng mới Pháp, với Chabrol (1930-2010), với Godard và ai cũng mô tả ông là một thầy giáo khó tính và nghiêm khắc nhưng rộng lượng, và đã làm cố vấn cho nhiều phim hồi đó.. Vậy nên sau này, khi Rohmer mất, Godard đã làm hẳn một video letter để tri ân Rohmer, tổng hợp lại tất cả các bài báo mà Rohmer đã đăng, và một lời tâm sự nhỏ nhoi đến Rohmer, điều mà trước giờ chưa bao giờ thấy Godard làm. Trong quá trình làn sóng mới Pháp đạt đỉnh cao,, ông và Jacques Rivette (1928-2016) lui về đằng sau để hai đứa em là Godard và Truffaut tỏa sáng, trong khi hai người thì thay phiên nhau viết báo, và đặc biệt Rohmer giành thời gian để đọc Balzac từ đầu đến cuối, rồi triết gia Alain và Louis Lavelle, các vở kịch của Courteline. Vốn dĩ Rohmer rất yêu thích văn học, đến ngay cả bút danh của ông cũng được ghép từ tên của hai nhà văn Đức. Hoàn toàn có thể nói rằng Rohmer không thuộc về thế giới điện ảnh, phải mất nhiều thời gian sau ông mới bắt đầu thực sự quan tâm tới các bộ phim (điều này ông có nói rõ trong một buổi phỏng vấn), thời kỳ đầu Rohmer giành thời gian viết truyện ngắn, tiểu thuyết, trong đấy có tập 4 truyện ngắn về chủ đề đạo đức sau này ông viết thêm 2 truyện nữa để chuyển thể thành series phim “Six Moral Tales” (ông mê tín với các con số, nên chọn con số 6 ), năm 1946 thì ông có cuốn tiểu thuyết Élisabeth được in dưới bút danh Gilbert Cordier. Gần như mọi thứ gì sẽ trở thành những bộ phim của Éric Rohmer đều đã nằm cả trong các tác phẩm văn chương của ông, những tác phẩm vẫn được ông cất giữ trong ngăn kéo.

Quay lại thời kỳ viết báo, có một thời gian ông nắm giữ chức tổng biên tập tạp chí Cahiers du Cinéma, ông có chia sẻ hồi ý ông phụ trách cả mảng biên tập các cuộc phỏng vấn, tạo điều kiện cho ông cách lắng nghe cách mọi người nói chuyện, Rohmer bị thu hút bởi các cuộc trò chuyện, ông quan tâm đến ngôn ngữ, nên về sau chính ông cảm nhận được sự rõ rệt về những cuộc nói chuyện cẩu thả, nó không còn sự hấp dẫn đối với ông và Rohmer đã làm một điều đó là ông chọn cách quay về quá khứ thời Trung Cổ, Hy Lạp để khai thác, thử nghiệm được nhiều thứ hơn trong đó có bộ phim Perceval (1978) được dàn dựng kiểu sân khấu kịch kể về câu chuyện tình về vua Arthur dựa trên tác phẩm của Chrétien de Troyes (một trong những bộ phim có kinh phí cao hiếm hoi của ông). Nhìn như vậy có thể nói, Rohmer luôn là người đưa đến cái gì đó mới mẻ và trẻ trung cho làn sóng mới Pháp ở chiều cổ điển, với Rohmer cổ điển không nằm ở phía sau mà nằm ở phía trước, tức là, chỉ có thể hiện đại khi nào cổ điển. Sau khi nắm giữ chức tổng biên tập một thời gian, thì ông bị hất cẳng và người thay thế vị trí là Jacques Rivette, trong vụ việc ấy có sự tham gia của Truffaut và Doniol-Valcroze (1920-1989). Từ đấy Rohmer và Truffaut đã nảy ra một hiềm khích lớn, tuy vậy sau này trong một buổi phỏng vấn, Rohmer đã đính chính lại rằng không có vấn đề nào nghiêm trọng giữa hai người cả, khi mà Truffaut đang đà thành công, Truffaut đã giúp ông rất nhiều cho việc tìm kiếm và đưa ông gặp những nhà sản xuất, tìm nhà đầu tư, nhờ đó mà Rohmer mới làm được một số phim, ông nói rằng “có lẽ lúc đó Truffaut cảm thấy tiếc cho tôi khi cứ phải cắm mặt trong văn phòng và làm hậu phương.”

Ngoài ra Rohmer còn là một người hết sức tiết kiệm trong việc làm phim, ông tính toán từng đồng một xem cái gì thuận lợi nhất, một phần vì hồi ý có rất ít nhà sản xuất chịu trả cho những dự án, ý tưởng của ông vì họ không thể dám chi cho những bộ phim chứa đựng rất nhiều thoại như vậy, một phần những ý tưởng của ông thường hơi đi ngược với thời đại lúc đó, nên họ không dám chấp nhận rủi ro. Chính vì thế đoàn làm phim của ông không hoành tráng so với các đạo diễn khác, trong phim tài liệu “Rohmer in Paris” đã mô tả khi đang đi qua đường ở một con phố tại Paris, họ đã đi ngang qua một đám người tụ tập xung quanh một ông già quàng khăn đỏ (chính là Rohmer) mà không hề biết đấy là một đoàn phim. Nhờ đó mà ông đã gặp một người phối hợp rất ăn ý đó là DOP thân thiết của ông, Nestor Almendros (1930-1992). Ông này thường được nhớ đến nhiều với phim Days of Heaven (1978) khi được quay chủ yếu với ánh sáng tự nhiên buổi chiều ở miền Tây Mỹ, vì vậy hầu như hình ảnh trong các phim của ông là sự trau chuốt hướng đến cái đơn giản nhất, với những ánh sáng tự nhiên của những ngày hè, miền quê. Thật ra, Rohmer cũng đã từng nói “tôi chỉ có thể làm ra những bộ phim về những con người đi lại và trò chuyện, nếu giờ họ có tài trợ cho tôi làm những bộ phim có quy mô cao tôi e sợ rằng tôi sẽ phá hỏng nó mất.”

Rohmer cũng chưa bao giờ nhận mình là một đạo diễn, mà chỉ là một người chuyển thể những câu từ trở thành một thước phim. Ông luôn bám rất sát kịch bản, và coi đó như một bản vẽ kỹ thuật chứ không có cái kiểu sáng tác đầu bờ, ông từng nói ” Tôi không thể tưởng tưởng nổi cách làm việc của Godard, mặc dù anh ta thành công, nhưng tôi chịu”, tuy vậy đôi khi ông để cho diễn viên của mình đối thoại môt cách tự nhiên sao cho phù hợp với ngữ cảnh, để ông có thể viết sao cho phù hợp nhất chứ không muốn nhét chữ vào mồm nhân vật, tuy vậy mọi thứ vẫn luôn phải theo đúng quỹ đạo những gì trên trang giấy. Thật vui khi được chứng kiến những sự mới mẻ mà Rohmer đã đem lại cho điện ảnh và cho Làn sóng mới Pháp, đâu phải lúc nào chúng ta cũng được chứng kiến những cuộc chuyện trò, bàn luận về tình yêu, đưa những cuộc đối thoại triết học vào trong phim một cách khéo léo như vậy. Rohmer đã từng bảo “nhiều người nói các bộ phim tôi mang tính văn học cao, nhưng thật ra tôi chỉ lấy những câu chuyện đơn thường nhất trong cuộc sống của chúng ta, đó hầu hết là những điều mà tôi quan tâm thời con trẻ và nhờ điện ảnh mà tôi mới có dịp đem chúng lên”. Trong một bộ phim của đạo diễn Arthur Pen, một nhân vật nói “Tôi sẽ đi xem một bộ phim của Rohmer”, nhân vật thám tử thông minh kia đã trọc ngoáy lại “Xem phim của Rohmer giống như xem sơn khô vậy”. Đúng là sẽ có những người sẽ cảm thấy chán khi ngồi nghe những đoạn thoại dài lê thê, nhưng cũng sẽ rất nhiều người cảm thấy say đắm khi được nghe các nhân vật của Rohmer trọc ngoáy nhau về những câu chuyện về tình yêu ẩn giấu đằng sau những lời châm biến, và những góc nhìn đạo đức mà Rohmer mang lại.

Mặc dù mãi đến 50 tuổi ông mới cho ra bộ phim điện ảnh đầu tay, nhưng từ đó trải dài đến cuối sự nghiệp, Rohmer đã để lại cho chúng ta gần 80 tác phẩm, một con số khổng lồ.


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo

Bài đăng liên quan

Không có gợi ý.