phỏng vấn

"ĐẾN LÚC NGHĨ VỀ VIỆT NAM KHÔNG GẮN VỚI CHIẾN TRANH, HAY PHỞ’

Người viết: Quốc Trần

img of "ĐẾN LÚC NGHĨ VỀ VIỆT NAM KHÔNG GẮN VỚI CHIẾN TRANH, HAY PHỞ’

Phỏng vấn với đạo diễn Dương Diệu Linh và sản xuất Tan Si En của Mưa Trên Cánh Bướm

Bài viết được thực hiện với sự hỗ trợ của tổ chức Vòng Về Phim - một tổ chức trẻ mang mục đích xây dựng cộng đồng điện ảnh tại Việt Nam.

Đăng tải lần đầy trên tờ Tiền Phong Online 25/01/2025

________________________

  • Cảm giác của hai chị khi lần đầu trình chiếu phim tại Việt Nam?

Dương Diệu Linh: Trước khi mang bộ phim về Việt Nam, tôi không chắc khán giả đón nhận bộ phim hay không, bởi đây là tác phẩm đầu tay của tôi, cũng là lần đầu tôi chiếu phim tại quê nhà. Có nhiều định kiến phim nghệ thuật khó xem, khán giả không hào hứng ra rạp. Nhưng tôi bất ngờ khi khán giả yêu thích bộ phim.

Trong các bộ phim tiếp theo, tôi giữ nguyên ngôn ngữ điện ảnh, tìm cách để bộ phim dễ tiếp cận hơn với khán giả mà không đánh mất tiếng nói riêng.

Tan Si En: Chúng tôi đồng hành với bộ phim này trong hành trình dài 6 năm. Tôi không phải người Việt Nam, nhưng chúng tôi quay phim tại đây, và việc trình chiếu tác phẩm tại quê hương của bộ phim là điều hồi hộp. Thật thú vị khi quan sát phản ứng của khán giả. Điều tôi thấy ý nghĩa nhất là những cuộc trò chuyện và thảo luận của khán giả sau khi xem phim.

  • Mưa Trên Cánh Bướm là phim dài đầu tay, chị gặp thách thức gì?

Dương Diệu Linh: Nhiều nhà làm phim trẻ sử dụng phim ngắn như một phần phim dài, bản thử nghiệm ý tưởng để đến tác phẩm hoàn chỉnh. Nhưng với tôi, phim ngắn và phim dài đều là thể loại độc lập.

Tôi muốn thể hiện vòng lặp giữa các thế hệ phụ nữ. Họ không giao tiếp, tự nghĩ theo cách riêng và cho rằng mình giỏi hơn người khác, nhưng cuối cùng họ lại giống nhau. Mưa trên cánh bướmcần độ dài nhất định để kể câu chuyện những đấu tranh giữa hai thế hệ.

Kịch bản phim ngắn khác nhiều so với phim dài, đòi hỏi những cuộc thảo luận phức tạp, nghiên cứu nhân vật kỹ lưỡng, đặc biệt là phần giữa của phim – thứ nhiều nhà làm phim gặp khó khăn trong việc duy trì sự chú ý của khán giả mà không đưa quá nhiều thông tin. Phim dài đòi hỏi nhiều thời gian hơn để suy nghĩ, kết nối các cảnh với nhau.

Tôi luôn có ý tưởng về phần mở đầu và kết thúc trong đầu, biết nhân vật sẽ bắt đầu và kết thúc ở đâu. Ngay từ đầu, tôi muốn nhân vật của mình bị mắc kẹt, không tìm được lối thoát. Đây là thách thức.

  • Hai chị đến từ hai quốc gia khác nhau, trong khi cốt lõi của bộ phim lại gắn chặt với văn hóa và xã hội Việt Nam. Quá trình hiện thực hóa tầm nhìn diễn ra thế nào?

Tan Si En: Tôi xem phim ngắn của Linh và thấy có điều đặc biệt trong cách cô ấy khám phá câu chuyện thường bị bỏ qua về phụ nữ trung niên.

Tôi yêu thích tiếng nói và tác phẩm của cô ấy. Chúng tôi còn có sự hòa hợp trong cách làm việc, và cách trân trọng những câu chuyện. Với tôi, đó là trải nghiệm tuyệt vời.

Dương Diệu Linh: Tôi độc lập từ nhỏ, thường kiểm soát mọi khía cạnh làm phim, muốn mọi thứ diễn ra đúng ý mình. Tất nhiên tôi tin tưởng cộng sự, nhưng đến giai đoạn quay phim, chuẩn bị sản xuất hay tuyển chọn diễn viên, tôi luôn trực tiếp tham gia và làm mọi thứ.

Khi gặp Si En cách đây 5 năm, tôi mới chỉ có ý tưởng về Mưa trên cánh bướm. Tôi bị quá tải vì đây là phim dài. Ý tưởng Si En mang đến cho dự án rất tươi mới và hài hòa với những gì tôi muốn truyền tải. Sự chân thành đó khiến tôi can đảm hơn, vượt qua hành trình này.

  • Trong quá trình làm phim, đâu là thách thức lớn nhất của hai chị?

Tan Si En: Tôi nghĩ thách thức chủ yếu là làm sao bảo vệ được giọng nói riêng của mình với bộ phim mà chúng tôi muốn thực hiện. Chúng tôi đối mặt với nhiều lời từ chối, nhưng những khoảnh khắc vui vẻ, đáng nhớ trong quá trình làm phim đã lấn át những khó khăn.

Dương Diệu Linh: Vì đây là bộ phim dài đầu tay của tôi nên tất nhiên có những điều tôi chưa từng làm trước đây. Khi viết kịch bản, tôi phải thực sự bám sát theo cảm nhận và bản năng làm phim. Bất kỳ người sáng tạo nào cũng đối mặt thử thách sẵn sàng trung thực với bản thân. Việc chấp nhận giới hạn, thiếu sót của bản thân và những điều mình chưa thể làm được không hề dễ dàng.

Thách thức khác là đây lần đầu tôi làm việc với kỹ xảo hình ảnh VFX. Tôi hối hận vì không thuê họa sĩ ý tưởng ngay từ đầu do thiếu ngân sách. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề trong giai đoạn hậu kỳ khi chúng tôi phải bàn bạc rất nhiều lần về thiết kế sinh vật, cách nó di chuyển, tốc độ, và nhịp điệu của nó.

  • Chị mong muốn khán giả Việt Nam và quốc tế tiếp nhận mâu thuẫn thế hệ thế nào?

Dương Diệu Linh: Tôi nghĩ điều quan trọng là phải tìm tiếng nói trung lập và không bao giờ đổ lỗi cho bất kỳ ai. Tôi hy vọng khán giả hiểu rằng mỗi thế hệ, cá nhân trong đời đều đối mặt khó khăn riêng và những tổn thương riêng mà họ đã trải qua.

Liệu mọi người ở Việt Nam có thực sự nghĩ lý do họ không thể trò chuyện với cha mẹ hoặc không thể hiểu ông bà mình? Đất nước trải qua nhiều biến động, thế hệ ông bà chỉ quan tâm việc sống sót. Họ thậm chí không có thời gian giao tiếp với con cái, cũng không có thời gian tự tìm hiểu cảm xúc bản thân, hay biết mình là ai. Họ chỉ sống, tồn tại và tuân theo những gì xã hội quy định.

Đến thế hệ cha mẹ chúng ta thường đối mặt nhiều hạn chế, không biết cách nói điều yêu thương. Những năm tháng không giao tiếp đã tạo ra khoảng trống khó lấp đầy.

  • Việc được công nhận tại các sự kiện quốc tế như LHP Venice có ý nghĩa như thế nào với chị?

Tan Si En: Tại Venice, chúng tôi cố gắng tận hưởng từng khoảnh khắc. Với tôi, quá trình làm phim mới là phần thưởng lớn nhất, lớn hơn cả việc phim được chiếu ở Venice hay đoạt giải.

Dương Diệu Linh: Tôi tham dự liên hoan phim từ năm 2010, và đem phim ngắn đến trình chiếu chiếu tại Busan và nhiều liên hoan khác. Nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng việc tham gia liên hoan phim hay nhận giải thưởng là mục tiêu cuối cùng. Dĩ nhiên, đó là điều tuyệt vời, và tôi rất biết ơn khi được nhận giải, nhưng mục tiêu cuối cùng của tôi không chỉ dừng ở đây.

Ký ức của tôi về Venice không chỉ là đêm trao giải. Khi nghĩ về nó, tôi còn nhớ đến những cuộc trò chuyện với khán giả, thời gian cả đội ngồi lại với nhau, thư giãn và thưởng thức những bộ phim. Chúng tôi chỉ đơn giản tận hưởng mọi thứ, và đó là điều tôi trân quý nhất.

- Chị có thể chia sẻ suy nghĩ của mình về cách những câu chuyện Việt Nam có thể kết nối với khán giả toàn cầu không?

Dương Diệu Linh: Tôi nghĩ thách thức lớn nhất là làm thế nào để bảo vệ bản thân khỏi bị nhìn nhận theo lăng kính “kỳ lạ hóa”. Chúng ta có một di sản văn hóa phong phú và những câu chuyện đậm chất nhân văn, nên tôi không nghĩ chúng ta gặp khó khăn trong việc kết nối với khán giả quốc tế, bởi vì họ thực sự quan tâm đến chúng.

Tôi nghĩ đã đến lúc mọi người nghĩ về Việt Nam mà không gắn liền với chiến tranh, hay phở. Chúng ta có rất nhiều điều khác đáng để khám phá bên cạnh món phở. Chúng ta cần suy nghĩ về cách đưa văn hóa của mình ra thế giới mà không biến nó thành một chiêu trò tiếp thị.

Nhiều khi mang phim của mình đến các liên hoan phim, tôi từng rất bực bội khi nghe câu nói như: “Ồ, đây đúng là thời điểm tuyệt vời đối với một nữ đạo diễn Việt Nam, bởi vì mọi người đang chú ý đến đất nước bạn và những câu chuyện từ đất nước bạn”. Điều đó khiến tôi cảm thấy như họ không thực sự nhìn nhận tôi vì tôi, hay công sức tôi bỏ ra để làm phim, mà chỉ nhìn tôi qua lăng kính quốc tịch và những gì phương Tây mong đợi từ quốc tịch của tôi.

Đừng cố gắng đưa vào phim những yếu tố mà bạn nghĩ là “độc lạ”, những thứ bạn nghĩ sẽ bán được cho khán giả. Họ sẽ nhận ra ngay sự thiếu chân thành.


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo