phân tích

FLOW (2024): CHẲNG PHẢI MỘT PHEN XƯƠNG BUỐT LẠNH?

Người viết: Nguyễn Phan Thái Vũ!, Tâm Nguyên Abu

img of FLOW (2024): CHẲNG PHẢI MỘT PHEN XƯƠNG BUỐT LẠNH?

Flow (2024) đã không kể lên một câu chuyện có con người, thế nhưng lại thấm đượm những trăn trở sâu thẳm nhất của kiếp nhân sinh: đó là sinh tồn, diệt vong, là lòng trắc ẩn cùng một ý chí siêu thường trước dòng chảy miên viễn chuyển dịch của tạo hoá. Một thước phim không lời với vẻ đẹp chân phương, bình dị, trong trẻo và trẻ thơ – Flow như đưa ta trôi đi trong ánh sáng trường cửu của một tình thương bao la giữa các chúng hữu tình.

“Một cuốn sách đọc bởi một ngàn người khác nhau là một ngàn cuốn sách khác nhau.” – và có lẽ, một bộ phim đơn thuần cũng có thể hoá thành muôn hình vạn trạng dưới những xúc cảm và tâm tư riêng của mỗi người xem. Nghệ thuật đã hiện diện và lớn lên như thế tự muôn thuở nhân sinh. Dẫu đạo diễn Gints Zilbalodis đã nhấn mạnh tính vô tình và ngẫu nhiên của tác phẩm, song không thể phủ nhận, rằng với dáng dấp hồn nhiên, Flow vẫn gợi lên nhiều suy tưởng thông qua tầng tầng lớp lớp những hình ảnh đậm chất biểu tượng. Yếu tố Nước dường như hoá thân thành một nhân vật chủ chốt của bộ phim, thâm trầm mà dữ dội, dịu dàng mà vô tình tuyệt đối. Tựa như cơn Đại hồng thuỷ vô biên cuốn phăng đi mọi thứ trên dòng chảy của nó, Nước vừa là khởi nguyên, vừa là sự huỷ diệt, đồng thời cũng là biểu tượng linh thánh của sức mạnh, sự thanh tẩy và tái sinh. Con thuyền nhỏ bé trung chuyển những sinh linh sống sót của Flow hiện lên như một ẩn dụ về con tàu Noah trong Kinh Thánh, về một bóng hình lẻ loi giữa cơn cuồng nộ bạo tàn của thiên nhiên, gánh trên vai khát vọng sinh tồn và niềm hy vọng về một khởi đầu mới. Giữa chuyến viễn du khải huyền, ánh nhìn trung tâm được hướng đến một chú mèo đen nhỏ bé, và như dân gian xưa kia vẫn bao đời truyền tụng: “Cửu mệnh quái miêu” – chú mèo của Flow là sinh vật đã lạc trôi qua thập tử nhất sinh, đã gục ngã thảm bại giữa bão táp phong ba, để rồi mỗi lần sống sót, nó như được tái sinh với sự tinh anh tươi mới, với bản năng sắc bén và một ý chí kiên cường hơn. Thế giới trong Flow không có con người, thế nhưng dáng hình và hơi thở của chúng nhân vẫn hiển hiện qua những bức hoạ, kính thiên văn, bức tượng thờ và quả cầu pha lê – những dấu tích mờ phai của một cuộc di tản, hay phải chăng là một nền văn minh đã lụi tàn? Giữa những dư ảnh câm lặng của một cuộc suy vong, ta bỗng thoáng mường tượng về thế giới loài người nơi đây – một cõi nhân gian vang bóng nền văn minh Ai Cập cổ đại cùng những huyền thoại phương Đông, đã từng thờ phụng loài mèo như kẻ dẫn đường trong cõi u huyền, như lằn ranh thiêng liêng giữa sinh và tử, như biểu trưng cho trí tuệ và sự tái sinh. Ẩn dưới lớp bụi mù mịt của thời gian, những quả cầu pha lê xuất hiện tựa như muôn vì sao sáng, kính thiên văn còn hướng về tinh vân huyền hoặc – tất cả giống như một lời nguyện cầu dang dở, giống như một thoáng của đức tin, đã từng bám víu vào sự tồn tại, đã từng khát vọng tìm ra ánh sáng vượt lên bóng đêm hư vô thăm thẳm của diệt vong.

Flow đã vẽ nên một thế giới thiếu đi bóng dáng con người nhưng lại ngập tràn nhân tính. Đến với cõi phiêu lãng ấy, ta vẫn tìm thấy hơi thở của trẻ thơ thuần tịnh, của những hoài niệm ngây ngô thông qua một vẻ dí dỏm rất riêng trong phim hoạt hình và cả bóng dáng những nguyên mẫu Jungian. Những sinh vật trong phim, dù được nhân hoá với trí thông minh và sự khéo léo đáng kinh ngạc, vẫn giữ nguyên những bản năng sơ khai nhất của giống loài. Chú mèo như người lữ hành nhút nhát, lặng lẽ quan sát thế gian. Capybara như một kẻ phiêu du điềm đạm, lười biếng mà an nhiên không chút ưu sầu. Chú chó lại háo hức trên chuyến hành trình nguy nan và kết giao với mọi sinh vật. Vượn cáo thì mê mẩn trước những món đồ lấp lánh, tựa như một kẻ canh giữ kho báu của những phép màu vụn vặt. Còn chim thư ký lại đạo mạo, trang nghiêm mà kiêu bạc, như thể một vị tiên giáng trần, một hiệp sĩ giữa điêu tàn hoang sơ. Có thể nói, Flow đã không tái hiện một thế giới ta vẫn hằng quen thuộc, mà vẽ nên một thực tại vừa xa lạ, vừa gần gũi, nơi muông thú gồng gánh trên vai những trách nhiệm của con người, chèo lái con thuyền giữa thuỷ vực mênh mang, và rồi làm anh hùng, làm hiệp sĩ, bảo vệ kẻ yếu, cùng nhau kiếm tìm sự sống giữa cuộc suy vong. Ta bắt gặp trong Flow một thứ tình chẳng hề nao núng trước bão giông, một lòng thương vô biên giữa chúng hữu tình, một thiện căn bền bỉ, một sự gắn kết vượt trên giống loài, giới hạn. Đó là tình bạn hữu thiêng liêng, không lời giữa những sinh thể khác biệt, là sự chở che nghĩa hiệp, cao cả giữa những kẻ cơ cực lạc lối. Và rồi, đến phân cảnh cuối phim, khi chú mèo cùng những người bạn hành trang nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của chính mình nơi làn nước trong vắt, Flow đã chạm đến một khoảnh khắc thần diệu – một sự diện kiến trước linh hồn bản thân, với sự hữu hạn của kiếp sống và vòng xoay bất tận của sự tồn tại. Đối nghịch với cách nhân loại ngàn đời vẫn gồng mình chế ngự, thống lĩnh, huỷ diệt thiên nhiên, Flow, đúng như cái tên của mình, lại cất lên một tiếng gọi chấp thuận đầy nhu hoà, một sự cân bằng, nhất thể thấm nhuần giáo lý phương Đông vào cái bất biến, vào dòng chảy vô thường của kiếp phù sinh. Tiếng linh dương báo hiệu một cơn sóng thần, hay một vòng lặp mới đang cận kề, thế nhưng sau tất cả, chỉ còn một tâm thế sẵn sàng – sẵn sàng cho sự chuyển dịch, cho những biến thiên vô định và cho một lần tái sinh nữa, như chính quy luật vĩnh hằng của tự nhiên.

Quy hồi vĩnh cửu – và tới đây, sấm ngôn vang vọng qua linh hồn Nietzsche: “Đời sống này, y như người đang sống và đã sống đến nay, ngươi phải bắt đầu sống trở lại nó và cứ bắt đầu trở lại y như thế mãi mãi không thôi… Sự đau khổ nhỏ bé nhất, nỗi khoái lạc nhỏ bé nhất, tư tưởng nhỏ nhặt nhất, tiếng thở dài mây khói nhất, tất cả mọi sự trong cuộc đời mi đều sẽ quay về lại với mi, tất cả những gì tuyệt vời cao đại và tất cả những gì nhỏ bé vô song…” – chỉ Trẻ thơ mới chuyển những lời sấm sét điêu linh ấy thành Yêu thương. Không phải im lặng nhẫn nhục trước những gì xảy đến, mà còn đối diện với chúng bằng sự sẵn sàng chấp thuận, và tối cùng nhất, bằng một cái tình thanh khiết vô biên. Ta nhớ đến khoảnh khắc chim thư ký bay vào không gian huyền diệu của sao trời tinh vân – một sự chuyển sinh vượt thoát trầm luân, một sự khai sáng của tâm linh siêu việt, sau khi đã vẹn toàn lý tưởng Siêu nhân, anh hùng:

“Ai ở đây dám sống miền sao tận, Quá gần sao nên cũng gần hố thẳm Có nước nào trăm dặm rộng mênh mông?”

Chú mèo cũng bay lên không trung trong khoảnh khắc ấy, và rồi chim thư ký quẫy cánh đẩy nó về mặt đất, tựa như một lời nhắc nhở rằng sự giác ngộ tối thắng không phải là trốn chạy trần lao, mà là tồn tại trọn vẹn giữa đời, và rằng kẻ can đảm không đi kiếm tìm thiên đường lạc thú, mà là kẻ dám yêu trọn lấy kiếp luân hồi, dám cất tiếng “vâng” chấp nhận mọi huy hoàng và cả khổ đau. Dường như, chú mèo sẽ chỉ được giải thoát sau khi hoàn thành xong sứ mệnh làm kẻ soi đường chúng sinh, làm kẻ đương đầu chèo lái giữa dòng sông của Heraclitus. Chú mèo yếu đuối đã ngã xuống bao lần, “ngụp lặn trong sinh tử trầm luân”, để rồi đứng dậy từ nơi mình vấp ngã với một nhiệt tâm không hề thối chuyển, để rồi tái sinh trong dáng hình kiêu hùng, can đảm hơn? Vào khoảnh khắc chú mèo lao mình về phía nguy nan, giải cứu những người bạn trên con thuyền mục nát, ta bắt gặp dáng hình một hiệp sĩ của Tây phương thần thoại, nhưng đồng thời, hồn cốt vô ưu của một vị quân tử phương Đông. Hành trình trưởng thành, tôi luyện lòng can đảm cũng tựa như một cây mơ bé nhỏ giữa trời đông, phải đi qua bao cơn gió buốt, mới nở hoa tươi thắm và toả ngát hương thơm giữa bao la đất trời:

“Chẳng phải một phen xương buốt lạnh, Hoa mơ đâu dễ ngát mùi hương?”


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo