phỏng vấn

Đạo diễn Đặng Nhật Minh và sinh viên điện ảnh năm 2008.

Người viết: Ette

img of Đạo diễn Đặng Nhật Minh và sinh viên điện ảnh năm 2008.

Vào thời gian gần đây dưới nhiều hoàn cảnh đặc biệt mà chúng mình có dịp được tiếp cận lại với một số bài viết và văn bản cũ trong các ấn phẩm giấy cũng như diễn đàn mạng bởi nhiều người, hiện là nhà báo, giảng viên, những nhà làm phim, nhưng cũng từng một thời là những người đơn thuần có tình yêu cho điện ảnh có thực hành viết lách về phim - những ‘cinephila’ đời đầu theo một cách nói nào đó.

Trong đó có một bài viết cụ thể của khối sinh viên điện ảnh thuộc chương trình đào tạo giữa Trường Xã Hội Nhân Văn cùng với Quỹ Ford vào những năm cuối 2000s mà mình rất muốn được chia sẻ lại với mọi người. Bài viết thuật lại một buổi giao lưu với bác đạo diễn Đặng Nhật Minh cùng với khối sinh viên điện ảnh K2 vào ngày 17/3/2008 nói về hiện trạng, tương lai của điện ảnh Việt Nam cũng như những quan điểm cá nhân trong việc hành nghề của bác.

Qua bài viết mình mong rằng chúng ta không chỉ thấy riêng gì tượng đài của bác như một nhân vật điện ảnh có tầm ảnh hưởng lớn mà hơn thế cũng trong cách một thế hệ những nhà làm phim trẻ trước đây có các ứng tác thế nào với tượng đài ấy để bộc lộ lên những mối bận tâm cũng như kì vọng về nền điện ảnh Việt Nam vào thời điểm bấy giờ - những điều mình nghĩ phần nhiều cũng có sự tương đồng với thế hệ chúng ta ngày nay.

------------------

SINH VIÊN: Theo thầy, do nguyên nhân gì điện ảnh Việt Nam vẫn chưa phát triển?

ĐẶNG NHẬT MINH: “Điện ảnh Việt Nam thiếu tính chuyên nghiệp” ở các khâu hóa trang, diễn xuất, ánh sáng… 30 năm nay không cử ai đi học nước ngoài là một điều rất nguy hại. Trong khi đó ở trong nước, các ngành liên quan đến kỹ thuật điện ảnh như ánh sáng, khói lửa đều do truyền miệng.

Người làm phim ở Việt Nam đơn giản chỉ là người kể chuyện về đất nước mình. Cứ làm vậy mà chưa đạt đến chuẩn. Kịch bản mình không có tính quốc tế,khó ra nước ngoài. Nhưng dù kịch bản hay mà không có kỹ thuật đồng bộ thì không thể có phim hay, hay trước tiên là phải chuẩn Điện ảnh Hàn Quốc có nhiều tiến bộ vì đã cử hàng trăm người đi học nước ngoài. Phim của họ đạt chuẩn quốc tế và có những sáng tạo mới. Tôi thực sự trông chờ vào các em –thế hệ sau được đào tạo bài bản hơn, dám nghĩ, dám làm

SINH VIÊN: Thầy có kinh nghiệm gì trong chuyển thể kịch bản?

ĐẶNG NHẬT MINH: Tôi không có kinh nghiệm gì mấy, chỉ từng làm 1 bộ phim chuyển thể là “Thương nhớ đồng quê” lấy cảm hứng từ truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Đọc truyện này, tôi thích không gian điện ảnh của câu chuyên. Nhưng đây là truyện ngắn nên mối quan hệ sơ sài, nhân vật không rõ.

Muốn tính cách nhân vật rõ ràng thì thấy thiếu ở đâu bồi đắp ở đó. Không nên trông chờ cái bình, dù có cái bình đẹp cần cảm ơn tác giả song mình nhất định phải suy nghĩ để bồi đắp nó. Tôi thêm vào mối quan hệ chị Ngữ, anh Nhâm, cô Quyên cho họ cọ xát nhau để nảy sing những xung đột giữa họ, là những yếu tố cần thiết cho điện ảnh.

SINH VIÊN: Thầy có định làm phim thiên về cảm giác

ĐẶNG NHẬT MINH: Thầy là người kể chuyện chỉ chọn cái gì đơn giản, kể chuyện mình muốn nói một cách dung dị. Nhưng điện ảnh thực thụ cần chọn ngôn ngữ, chọn cách thể hiện mới lạ. Tôi thì chưa có dịp làm phim kiểu đó, các em còn trẻ nên quan tâm tìm tòi những hình thức mới mẻ để thể hiện tác phẩm của mình. Loại phim này cũng yêu cầu các em phải có tiền, có những người đồng nghiệp đồng điệu, hợp tác. Có khó khăn nhưng thành công thì được đánh giá cao vì các liên hoan phim thường trao giải cho những gì mới lạ, tìm tòi…

SINH VIÊN: Phong cách đạo diễn thầy yêu thích?

ĐẶNG NHẬT MINH: Điện ảnh đa dạng không có gì chính thống. Đối với tôi một đạo diễn có tài, và đạt được những cái đích mình đặt ra tôi đều cảm phục. Đã theo nghề này các em phải cố gắng trên nhiều phương diện để đạt được những mục tiêu của mình.

Tôi thích những tác phẩm điện ảnh của chủ nghĩa tân hiện thực Ý, làn sóng mới của Pháp, điện ảnh Nga thời kỳ băng tan, điện ảnh Nhật Bản…Hãy thử xem phim Ozu, không có cao trào, kịch tính gì nhưng càng xem càng suy ngẫm càng thấy được giá trị của nó.

SINH VIÊN: Thầy nghĩ đâu là rào cản của phim VN đến với thế giới

ĐẶNG NHẬT MINH: Khán giả nước ngoài khác mình nhiều và vì thế họ muốn, họ thích cái gì đó không giống ai, muốn biết tính cách Việt Nam thể hiện như thế nào qua những bộ phim. Họ có thể châm chước kỹ thuật nhưng mong muốn biết những câu chuyện lạ, độc đáo, đậm chất Việt Nam.

Cũng phải nói rằng, nhân loại đều có những tình cảm chung giống nhau nhưng cần tìm xem cách biểu hiện nào mà chỉ Việt Nam mới có. Bản sắc dân tộc không phải cái bề ngoài mà là cái đã thấm sâu, nói như đạo diễn Ý Felini là “Điện ảnh không phải là nghề mà là nhân sinh quan”, cung cấp cho người xem những gì họ mong muốn, khiến họ hạnh phúc.

SINH VIÊN: Thầy làm việc với các diễn viên như thế nào, có sự khác biệt giữa diễn viên chuyên và không chuyên?

ĐẶNG NHẬT MINH: Trước hết cần nói rõ, thế nào là diễn viên chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp là chỉ những diễn viên được đào tạo để diễn xuất trước máy quay trong các bộ phim, ở Việt Nam những người như vậy là không nhiều và ranh giới này cũng không thật rõ ràng. Diễn viên không chuyên thì chỉ cần họ diễn tự nhiên, đúng với yêu cầu kịch bản đã mệt nhưng diễn viên chuyên nghiệp thì họ có những lúc diễn xuất xuất thần vượt quá những gì mà đạo diễn mong đợi.

Nhưng dù thế nào, người đạo diễn phải luôn đưa ra được những mệnh lệnh chính xác, nói đúng những điều mình muốn với những hiệu lệnh rõ ràng để người diễn viên hình dung chính xác. Có những lúc cần ví von, liên tưởng. Làm việc với trẻ em lại cũng cần có cách riêng, giảng giải chân tình.

Tóm lại, phẩm chất người đạo diễn là cần “biết hình dung những gì sắp diễn ra”.

--------------------

Nguồn: Tin Vắn Online, 28/8/2008, đăng tải bởi tài khoàn maximumeskimo

Ảnh: Đạo diễn Đặng Nhật Minh, thầy Trần Hinh, và diễn viên Chiều Xuân trong khán phòng Hanoi Cinematheque tại buổi


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo