phụ đề

SHOES (1916)

Người viết: Nguyễn Phan Thái Vũ!, Popo

img of SHOES (1916)

PHỤ ĐỀ TIẾNG VIỆT • SHOES

• Đạo diễn: Lois Weber

• Quốc gia: Hoa Kỳ

• Năm sản xuất: 1916

• Link down phim + phụ đề tiếng Việt: https://drive.google.com/drive/folders/14HPdSI_pEG7cMLinPK6L4WcKsSjwhlkz?usp=sharing


• Giới thiệu + đôi chút cảm nhận cá nhân về tác phẩm (nên xem phim trước khi đọc):

Xuyên suốt thập niên thứ hai của thế kỷ 20, nền điện ảnh Hoa Kỳ chủ yếu xoay quanh các vấn đề cải cách, các chủ đề về chính trị, xã hội. Khán giả Mỹ mong muốn tìm được tìm thấy chính mình trong những bộ phim mà họ xem, qua những rắc rối mà họ gặp phải trong cuộc sống bộn bề lo toan, hay đôi khi là hy vọng tìm được những hướng giải quyết vấn đề đó qua màn ảnh. Nghiện ma túy, nạn buôn người, nhập cư, đói nghèo, tù tội, tránh thai, phá thai,… Tất cả đều xuất hiện qua những thước phim quý giá được thực hiện bởi những hãng phim lớn hàng đầu quốc gia.

Lois Weber (1879-1939) được coi là một trong những nhà làm phim nổi bật nhất của thể loại này, và hãng Universal cũng từng sử dụng giới tính của bà như một phương pháp marketing hữu hiệu… Bà được coi là một trong những ‘nữ đạo diễn quan trọng nhất mà ngành công nghiệp điện ảnh Hoa Kỳ từng biết tới’, đồng thời cũng được công nhận là ‘một trong những nhà làm phim quan trọng nhất lịch sử phim câm.’

‘Shoes’ (1916) được coi là tác phẩm xuất sắc nhất trong sự nghiệp của Lois Weber. Trong phim, Weber đã đề cập đến một trong những vấn đề xã hội nổi bật nhất đầu thế kỷ 20 - làn sóng phụ nữ trẻ, chưa có gia đình; tham gia vào lực lượng lao động làm công ăn lương, nơi họ thường bị bóc lột và được trả lương không xứng với công sức bỏ ra. Eva Mayer (Mary MacLaren thủ vai) là nguồn lao động duy nhất trong gia đình chỉ với $5 ít ỏi cô kiếm được mỗi tuần. Đôi bốt cũ của cô gái đi lâu ngày giờ đã rách nát, nhưng việc dành ra $3 cho một đôi giày mới trong khi vẫn còn phải gánh vác cả gia đình trên lưng là điều không thể, khi họ vẫn cần phải chi trả các khoản tiền nhà hàng tháng, rồi cơm ăn áo mặc cho cả sáu người (mẹ ở nhà nuôi 3 em gái nhỏ; bố thì vô dụng, lười biếng).

Xem đến đây, chúng ta thường sẽ tính thử tỷ lệ lạm phát vào năm 1916 với thời điểm bây giờ để thấu hiểu được sâu sắc hơn tình hình mà Eva đang gặp phải. Đôi giày mơ ước của cô gái có giá $3, tương đương $75 bây giờ; đây là số tiền đủ nhỏ đến những gia đình có tài chính ổn định sẵn sàng vung tiền chi tiêu cho những đồ dùng quan trọng như giày dép, nhưng lại đủ lớn để bất kỳ một gia đình nào thuộc tầng lớp lao động phải “cân đo đong đếm.” Năm 1997, trong cuốn tiểu thuyết “Men at Arms: The Play”, tác giả Terry Pratchett có nhắc tới sự không cân bằng trong kinh tế xã hội như sau: “Một người đàn ông có thể chi $50 cho một đôi giày có thể giữ ấm cho chân anh ta trong nhiều năm, trong khi một người nghèo có thể phải mất cả trăm đô la cho cả trăm đôi giày rẻ tiền trong cùng khoảng thời gian đó, nhưng chân họ thì vẫn dính bẩn.” Đôi giày mà Eva mong ước rõ ràng có chất lượng ở mức không quá tệ, và cô chắc cũng chả muốn bỏ số tiền nhỏ hơn nhiều chỉ để mua một đôi giày chất lượng tệ hại mà sớm thôi, nó cũng lại thành rẻ lau như đôi giày hiện tại mà cô hằng ngày phải lết đến chỗ làm bất chấp mưa gió bão bùng…

Các công việc được trả công tốt hầu như chỉ dành cho nam giới, và càng khó khăn hơn với những cô gái tuổi teen xuất thân từ tầng lớp lao động như Eva. Cô có thể là trụ cột trong gia đình, nhưng cũng khó có thể tìm được việc gì hơn ngoài một công việc bán đồ cũ lương ba cọc ba đồng.

Điểm đặc biệt nhất khiến bộ phim này cuốn hút mình đó là những sự đối lập được thể hiện rõ ràng: Sự đáng thương của Eva khi phải gánh vác cả gia đình trên lưng, với sự đáng ghét của người cha lười biếng. Đôi bốt rách nát của cô với những đôi giày sang trọng, sành điệu mà những cô gái ở công viên đang tản bộ. Và đặc biệt nhất, đôi giày $3 kia tồn tại như một thực thể có thể cứu rỗi sự tuyệt vọng của Eva. Mỗi ngày nhận lương cô đều cầm thẳng về nhà đưa cho mẹ trước, rồi hy vọng mẹ sẽ để lại chút tiền cho mình để mua giày mới. Mẹ của Eva cũng rất thương và thấu hiểu ước muốn của con gái, nhưng bà cũng không thể làm gì khác hơn khi còn phải trả tiền thuê nhà, cơm nước, ăn học cho các con nhỏ và ông chồng đang ‘làm việc’ quần quật bên chiếc giường êm đệm ấm. Nhân vật người cha đáng ghét không phải vì ông ta bạo hành gia đình hay gia trưởng v.v… mà là ở sự vô trách nhiệm và lười biếng mà ông ta thể hiện. Hai mẹ con Eva hàng ngày chờ tin tốt của bố khi ông về nhà mỗi tối, nhưng kết quả thì thường là: “Anh không tìm được việc…”, trong khi thực tế là ông ta ngồi đọc sách ở công viên cả ngày. Do đó, hy vọng của mấy mẹ con đè lên ông vẫn luôn hiện hữu, chỉ có chúng ta là biết trước điều này sẽ không mang đến kết quả gì. Vì vậy, khán giả chúng ta khi xem phim sẽ cảm thấy hoàn cảnh nhà Weber tuy khó khăn nhưng không tới mức khổ cực, bởi luôn có sự ung dung, vô lo vô nghĩ của ông bố đối lập hoàn toàn, làm xoa dịu bầu không khí căng thẳng mà Eva và mẹ đang gặp phải. Phân cảnh Eva nằm thao thức trên giường, lo sợ nghĩ tới viễn cảnh mà “bàn tay đói nghèo” chuẩn bị bóp nghẹt cô, cho thấy rằng hy vọng vào người cha là thứ duy nhất níu kéo họ khỏi sự cùng cực mà gia đình sẽ gặp phải, bởi còn lo sợ về “bàn tay đói nghèo” tức là gia đình cô vẫn chưa thảm tới mức đấy, ít nhất là do cô gái tự nghĩ vậy, chỉ người xem chúng ta là biết trước sẽ không trông chờ được gì thôi.

Đoạn kết của ‘Shoes’ có lẽ là một trong những kết thúc làm mình ấn tượng nhất, một phần là bởi mình đã không để ý thời lượng chỉ 52 phút của bộ phim, khiến dòng chữ ‘The End’ thình lình hiện ra làm mình bất ngờ không nói nên lời, và cả đôi chút hụt hẫng… Nhưng ngẫm nghĩ lại một tẹo thì kết thúc vậy lại càng đẩy những diễn biến đã xảy ra trong phim trở nên ý nghĩa hơn, vì chẳng phải vòng lặp đó cũng đã được dự đoán từ trước hay sao? Eva buồn bã bước vào nhà dù đã có đôi giày mới, và được ngụ ý rằng cô đã phải bán thân để mua được nó. Bố của Eva thì hân hoan trở về nhà sau khi tìm được việc làm có hợp đồng kéo dài… 1 tuần. Cả nhà ngồi xuống dùng bữa tối như không hề có chuyện gì xảy ra. Phim kết thúc ở đây sẽ khiến người xem mường tượng về một tương lai không có gì mới lạ, và thậm chí câu chuyện người bố báo tin được nhận việc, để rồi được mấy hôm nữa lại bỏ việc hoặc vì lý do nào khác khiến ông ta tiếp tục ăn bám, có lẽ đã diễn ra quá nhiều lần. Và đáng buồn hơn, đôi giày mơ ước của Eva, thứ như được coi là biểu tượng cho hy vọng của cô gái từ đầu bộ phim, lại không mang lại điều gì đáng kể cả. Màn hình đen tịt lại, và một vòng lặp nữa lại bắt đầu…

Link down phim + phụ đề tiếng Việt: https://drive.google.com/drive/folders/14HPdSI_pEG7cMLinPK6L4WcKsSjwhlkz?fbclid=IwAR0YfdJ-nygj96xKM2F5ZlxCODtr8hPnyjtbG6cad0U33gAuEoVbPoTrJbQ

Bài viết có tham khảo từ


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo