phân tích
INGMAR BERGMAN: “LÀM MỖI BỘ PHIM NHƯ THỂ LẦN CUỐI CÙNG”
Người viết: Ingmar Bergman (Tâm Nguyên Abu dịch)
(Lược dịch từ bài luận của đạo diễn Ingmar Bergman vào năm 1959 về nghề làm phim. Bài luận được chia thành ba phần chính: Kịch bản, Xưởng phim và Đạo đức nghề nghiệp)
I. KỊCH BẢN
[…]
Thường thì mọi cảm hứng luôn được khởi nguồn từ điều gì đó rất đỗi bâng quơ, mơ hồ – một lời nhận xét tình cờ, hay một cụm từ mới mẻ, táo bạo được thốt ra. Nhìn chung, đó là một khoảnh khắc cuộc sống vô cùng nhạt nhoà mà đời thường, ấm áp, nhưng lại chẳng hề liên quan mật thiết đến hoàn cảnh cụ thể nào. Đó có thể đơn thuần là một vài ô nhạc hy hữu, hay một tia sáng loé lên phía bên kia con đường. Và rồi, trong những tháng năm gắn bó với các tác phẩm sân khấu kịch nghệ, tôi đã bắt gặp hình ảnh nhiệm màu ấy, nơi những diễn viên đeo lớp trang điểm dày cộp vẫn còn tươi phấn, để rồi xuất hồn vào những vai diễn gần như bất khả thi.
Tóm lại, mọi thứ dường như chỉ dừng lại ở những khoảnh khắc tình cờ trong tích tắc, và rồi chúng cũng tan biến đi nhanh hệt như cách chúng bước vào cuộc đời ta, thế nhưng vẫn đủ dư vị để khiến ta cảm thấy ấn tượng, hệt như một giấc mơ chóng vánh, êm đềm.
Trên tất cả, những phút giây nhiệm màu ấy cũng chỉ là sợi chỉ sáng màu le lói ra khỏi màn đêm thăm thẳm mịt mù mang tên vô thức. Nếu tôi may mắn quấn lấy sợi chỉ cảm hứng mong manh này và tỉ mẩn se kim, một bộ phim hoàn chỉnh sẽ ra đời.
Tôi muốn làm rõ rằng sự xuất hiện của những cảm hứng hy hữu này không giống như cách nữ thần Athena được sinh ra từ đầu thần Zeus, mà đơn thuần chỉ là một hiện tượng không gì kết nối, sắp đặt, giống một trạng thái tinh thần hơn là một câu chuyện thực sự, thế nhưng mặc cho tất cả sự phi lý, mơ hồ ấy, chúng lại chứa chan vô vàn liên tưởng, phong phú, sống động và giàu đẹp.
Chuỗi cảm hứng được trung quyển tựa như những con tim với nhịp đập, nhịp điệu rất đỗi đặc biệt, và chúng trở thành nét đặc trưng cho các tác phẩm khác về sau. Thông qua sự vận động nhịp nhàng ấy, chuỗi các tác phẩm sau này dường như thiên biến vạn hoá thuận theo khởi nguồn và mô típ riêng rẽ thuở ban sơ của chúng.
Một mầm cảnh hứng, một tế bào sống nguyên thủy sẽ oằn mình sinh tồn để có được nhân dạng, thế nhưng chuyển động của mầm sống mong manh này có thể chậm chạp, uể oải và lười nhác. Nếu từ thuở ban sơ này, mầm non ấy là vi tế, là những hùng lực nén dồn đầy hứa hẹn, tiềm năng, thì tôi sẽ quyết chí thổi nguồn sống vào sinh linh bé nhỏ ấy và nâng tầm nó thành một kịch bản phim.
Thế nhưng, cảm xúc buồn nản, bất lực lại thường ập đến khi ta bắt đầu chắp bút kịch bản. Những giấc mơ chỉ là đống mạng nhện bùng nhùng, những hình ảnh nên thơ bỗng trở nên mờ nhoà, xám xịt và tầm thường, nhịp điệu thì lặng ngắt như tờ, mọi thứ bỗng trở nên bé nhỏ, bao nỗi ước ao dần hoá mỏi mệt, viển vông và xa vời thực tế.
Vì vậy, tôi đã quyết định phải làm một bộ phim nghiêm túc và bắt tay ngay vào công việc phức tạp, khó nắm bắt đến kinh hồn này đầu tiên - Đó là chuyển hoá tất cả nhịp điệu, tâm trạng, bầu không khí, sự căng thẳng, ẩn ức, các chuỗi diễn biến, ánh sắc và cả mùi hương thành các câu từ văn hoa, lắng đọng, gói gọn trong một kịch bản dễ đọc, hoặc chí ít cũng phải dễ hiểu.
Điều này thật khó khăn nhưng nào đâu là bất khả.
[…]
Vì vậy, ta hãy cùng khẳng định một lần và vĩnh viễn rằng kịch bản phim cũng chỉ là thứ nền tảng bất toàn cho một bộ phim.
Luận bàn về chủ đề này, tôi muốn nhấn mạnh một sự thật mà ta vẫn thường lãng quên. Đó là điện ảnh không giống với văn học. Bản chất và nội dung của hai hình thức nghệ thuật này thường xung đột với nhau. Thật khó để xác định bản chất thực sự của văn học và điện ảnh là gì, thế nhưng điều này có lẽ liên hệ với cách ta tiếp thu, phản ứng với hai bộ môn nghệ thuật ấy. Trong văn học, từ ngữ viết ra được ta đọc lại và tiếp thu bằng một chuỗi các hành động có ý thức và kết nối sâu sắc với tư duy, trí tuệ, và rồi từng chút một, văn chương đã tác động, thâm nhập đến trí tưởng tượng bay bổng, đến cảm xúc của ta. Điều này hoàn toàn khác biệt với phim ảnh. Khi chúng ta thưởng thức một tác phẩm điện ảnh trong rạp, ta ý thức được rằng một thứ ảo ảnh sắp được phơi bày sẵn, được phóng chiếu cho ta, qua đó, ta thư giãn và tiếp nhận hình ảnh bằng ý chí và trí tuệ của mình. Chúng ta dọn đường để tự thâm nhập vào trí tưởng tượng của mình. Chuỗi hình ảnh tác động trực tiếp đến xúc cảm của ta mà không chạm đến phần tâm trí. Đến giờ, có nhiều lý do giải thích tại sao chúng ta nên tránh làm phim về những tác phẩm văn học, nhưng lý do quan trọng nhất là làm xáo trộn chiều kích phi lý - vốn là giá trị cốt lõi của một tác phẩm văn học, chiều kích này gần như không thể trung chuyển được trong phim và sẽ vô tình kết liễu chiều kích đặc biệt của điện ảnh. Mặc dù vậy, nếu chúng ta muốn chuyển thể một tác phẩm văn học thành phim ảnh, chúng ta buộc phải thực hiện vô số phép biến đổi phức tạp mà thường chỉ đem đến kết quả vô cùng hạn chế, không xứng đáng so với công sức ta bỏ ra.
Tôi biết mình đang nói gì mà, bởi tôi đã từng hứng chịu những lời phê bình theo kiểu đánh đồng giữa văn chương và điện ảnh. Lối phê bình này ngu dốt và thiển cận y như việc để một nhà phê bình âm nhạc đánh giá một triển lãm hội hoạ hoặc một bình luận viên bóng đá phê bình một vở kịch mới ra mắt.
Lý do duy nhất khiến nhà nhà người người ai nấy đều tin rằng mình có đủ khả năng phán xét, đủ tầm vóc trở thành một nhà phê bình phim là bởi điện ảnh không thể tự khẳng định bản thân nó là một bộ môn nghệ thuật độc lập, là rằng điện ảnh luôn cần một kiểu ngôn từ nghệ thuật biểu đạt riêng, là rằng tuổi đời điện ảnh còn quá trẻ so với các loại hình nghệ thuật đồ sộ khác, và rằng điện ảnh bị trói chặt vào hiện thực lợi ích kinh tế, và cả cách chúng trực tiếp thu hút, khêu gợi cảm xúc người xem. Tất cả những yếu tố trên đã khiến điện ảnh bị người đời xem nhẹ, tính trực tiếp “thô thiển” trong cách biểu đạt của phim khiến người ta ngờ vực chất nghệ thuật của điện ảnh, và kết quả là bất kỳ ai đều nghĩ mình có đủ năng lực để nói bất cứ điều gì họ thích, theo bất kỳ cách nào họ thấy thoả mãn về nghệ thuật điện ảnh.
Bản thân tôi chưa bao giờ nuôi tham vọng trở thành một nhà văn. Tôi không muốn viết ra bất cứ cuốn tiểu thuyết, truyện ngắn, tiểu luận, tiểu sử hay chuyên luận về chủ đề đặc biệt nào. Tôi chắc chắn cũng không muốn làm biên kịch cho các tác phẩm sân khấu. Làm phim mới là điều tôi thực sự quan tâm. Tôi muốn làm ra những bộ phim về nỗi bệnh hoạn, sự căng thẳng, âu lo, các hình ảnh, nhịp điệu rung chuyển và bản sắc trong tôi, theo cách này hay cách khác khiến tôi hứng thú, mê mẩn. Tôi là nhà làm phim chứ không phải nhà văn, phim ảnh là phương tiện biểu đạt của tôi, chứ không phải lời văn. Điện ảnh và lịch sử khai sinh đầy phức tạp của điện ảnh mới là cách để tôi cất lên tiếng nói của mình với bao chúng nhân đồng loại. Tôi thấy thật nhục nhã làm sao khi tác phẩm của mình bị đánh đồng với một cuốn sách, trong khi nó đích thực là một bộ phim. Như vậy chẳng khác nào gọi một con chim là một con cá, và nhầm nước với lửa là một.
[…]
Đã từ rất lâu, tôi luôn muốn sử dụng phim như một ngôn ngữ, một phương tiện kể chuyện. Điều này không có nghĩa là tôi cảm thấy hình thức tự sự của phim ảnh có vấn đề, mà thực lòng tôi cho rằng phim ảnh vô cùng phù hợp với sử thi và tính kịch.
Tất nhiên, bằng cách sử dụng phim ảnh như một loại ngôn từ, tôi biết trước rằng ta có thể đưa đến những chân trời xa lạ chưa từng được biết đến, chạm đến những hiện thực vượt lên trên cõi thế gian này.
[…]
II. XƯỞNG PHIM
Khi đứng cô độc dưới ánh sáng mờ nhoè của xưởng phim, bị bủa vây bởi đám đông huyên náo, xô bồ, bởi bụi bẩn và bầu không gian thổ tả, hỗn loạn, thực tâm tôi mới tự hỏi tại sao mình lại dấn thân vào cái hình thức sáng tạo nghệ thuật khó nhằn, gian lao này.
Quả thực, tôi bị đè nén bởi vô vàn quy tắc và gánh nặng. Tôi phải nghiêm chỉnh tuân thủ lịch trình quay phim, thời gian biểu khắc nghiệt đến nỗi mọi việc làm thứ yếu bên lề đều bị gạt bỏ. Bao vây tôi là các thiết bị kỹ thuật hóc búa, quái quỷ luôn hòng phá hoại mọi dự tính hay ho nhất của tôi. Sự căng thẳng trong tôi ngày một trầm trọng, và tôi buộc phải hoà mình vào cuộc sống sinh hoạt tập thể của xưởng phim - trong khi đây đúng ra phải là một quá trình thai nghén nghệ thuật đầy tinh tế, đòi hỏi bầu không gian tĩnh mịch để tăng sự tập trung và tinh thần thép.
Tôi muốn bàn đến khía cạnh làm việc cùng các diễn viên.
Nhiều đạo diễn quên đi rằng công việc của chúng ta trong ngành phim đều khởi nguồn từ dáng vẻ khuôn mặt con người. Ta có thể hoàn toàn đắm mình vào tính thẩm mỹ của quá trình dựng phim, có thể dung hoà các vật thể và cảnh phim thành một thứ nhịp điệu tinh tế mê say, có thể tìm tòi ngoài kia vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt mỹ, kiêu hùng, thế nhưng cách ta tiếp cận với khuôn mặt tú mỹ của con người mới là nét đặc trưng và là tinh tuý siêu việt của điện ảnh. Từ đó, ta vỡ lẽ ra rằng những ngôi sao điện ảnh mới chính là công cụ đắt giá nhất của ta, và máy quay chỉ là phương tiện nắm bắt, ghi lại nhất cử nhất động của các báu vật kiều diễm ấy.
Để gợi lên hùng lực phi thường trong biểu cảm người diễn viên, chuyển động của máy quay phải thanh thoát, khoáng đạt mà vẫn đồng nhất hoàn toàn với bộ điệu diễn xuất. Máy quay khi ấy phải vào vai một quan sát viên khách quan toàn diện, và chỉ thi thoảng mới được “phá lệ”, dính líu vào bộ điệu người diễn.
Ta nên nhận ra rằng sức biểu cảm mạnh mẽ nhất mà người diễn viên có thể biểu lộ được chính là ánh mắt. Những cú máy cận cảnh hoàn mỹ chính là phương thức biểu đạt mạnh mẽ nhất một người làm phim có thể đưa lên màn bạc, đồng thời chúng cũng phản ánh rằng người đạo diễn này là gã kiệt xuất hay kẻ bất tài. Việc một bộ phim thiếu đi những cảnh quay cận cho thấy bản chất băng lãnh, độc đoán và thứ tình hời hợt của nhà làm phim với chúng nhân đồng loại.
Một vị đạo diễn không nên dội cả cơn mưa những lời chỉ dẫn cho diễn viên của mình, mà chỉ cần nói lên ý kiến vào đúng thời điểm. Đạo diễn chỉ nên trình bày ý chính một cách ngắn gọn, súc tích chứ đừng dài dòng lê thê. Thêm vào đó, các diễn viên vốn lơ mơ khi bàn đến những triết lý học thuật, hàn lâm về diễn xuất. Những gì họ thực sự cần tại thời điểm ấy là một câu chỉ dẫn mau lẹ và cách sửa lỗi sao cho đích xác, chứ chẳng cần lối phân tích văn hoa, phóng đại. Một thoáng ngữ điệu, ánh mắt hay nụ cười có thể làm người diễn viên thấu hiểu tâm ý đạo diễn hơn tất thảy những lời phân tích cao siêu nào. Cung cách chỉ đạo diễn xuất này nghe tựa hồ ma thuật, thế nhưng nào đâu có phải; đó chỉ đơn thuần là một kỹ nghệ điều khiển âm thầm, lặng lẽ mà vô cùng hiệu quả của vị đạo diễn đối với các diễn viên. Thật vậy, ta càng ít bàn luận, huyên thuyên, phân tích bao nhiêu, thì sự thấu cảm, thuận hoà, lòng trung thành và sự tự tin của đôi bên lại càng lớn bấy nhiêu.
III. ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP
Nhiều người mường tượng rằng ngành công nghiệp phim ảnh là một chốn suy đồi đạo đức, hoặc các chuẩn mực căn bản trong ngành nghề này mặc nhiên được xây dựng trên một nền tảng phi đạo thối nát, đến mức không một quan điểm đạo đức nghệ thuật nào xứng đáng được duy trì. Bên cạnh đó, công việc của chúng tôi được giao phó cho các doanh nhân - những kẻ luôn lo lắng rằng phim ảnh hẳn liên quan đến một thứ phạm trù rất bấp bênh, điên rồ - đó là nghệ thuật.
Phải chăng đã có quá nhiều con người cho rằng ngón nghề nghệ thuật của chúng tôi thật đồi truỵ, bỉ ổi, thế nên giờ đây tôi phải nhấn mạnh rằng đạo đức nghề nghiệp của chúng tôi hoàn toàn sánh ngang với bất kỳ ngành nghề nào khác trên thế gian, thậm chí những quy chuẩn, mực thước ấy còn khắt khe, thuần khiết đến mức khiến chúng tôi phải hổ thẹn. Thế nhưng, tôi thấy bản thân mình tựa như một người văn minh Anh Quốc đi lạc vào vùng nhiệt đới rừng rậm, thế rồi hắn vẫn cạo râu chải chuốt và ăn vận chỉnh tề để mỗi ngày thưởng thức bữa tối. Cậu chàng không chưng diện để mua vui cho bầy thú dữ mà vì chính bản thân cậu. Nếu cậu vứt bỏ những giới luật, nền nếp đã theo mình suốt quãng thời gian đằng đẵng, thì chẳng bao lâu nữa chốn rừng rậm khắc nghiệt này sẽ ăn tươi nuốt sống cậu.
Tôi - cậu trai ấy, giác ngộ rằng bản thân sẽ gục ngã trước ngoại cảnh khắc nghiệt nếu trong tâm tôi là hệ thống quan điểm đạo đức nghèo nàn, mục ruỗng hoặc chỉ một thoáng nhất thời buông lung. Do đó, tôi đã kiến tạo một hệ thống đức tin nhất định cho riêng mình dựa trên ba điều răn đầy oai lực mà hiệu quả, thiết thực. Dưới đây, tôi sẽ tóm gọn và nêu ý nghĩa của những quy chuẩn đạo đức trong tôi. Những điều răn này đã trở thành sợi chỉ đỏ cho mọi hành động của tôi trong thế giới bao la của điện ảnh. Điều răn thứ nhất nghe có vẻ thô thiển, thế nhưng đằng sau ẩn chứa tầng tầng lớp lớp nhân văn. Đó là:
NGƯỜI PHẢI GIẢI TRÍ MỌI LÚC.
Điều này có nghĩa là công chúng bỏ tiền ra xem phim của tôi, do đó, họ là những người cung cấp cho tôi nguồn thu nhập chính, vậy nên, họ có quyền mong đợi sự giải trí, tâm trạng hồi hộp, niềm vui hay một chuyến phiêu du đầy mê say, nhiệt huyết. Và tôi - người làm phim, có trách nhiệm đem đến cho họ những trải nghiệm ấy. Điều đó lý giải cho mọi động cơ việc làm của tôi.
Tuy nhiên, điều răn này không đồng nghĩa với việc tôi phải bán rẻ tài năng của mình để chạy theo bạc tiền, dù thế nào đi chăng nữa, bởi lẽ khi đó tôi sẽ vi phạm điều răn thứ hai:
NGƯỜI PHẢI TUÂN THEO LƯƠNG TÂM NGHỆ THUẬT CỦA MÌNH MỌI LÚC.
Đây quả là một điều răn nghiêm khắc, bởi hiển nhiên là lương tâm sẽ không cho phép tôi được ăn cắp, nói lời thêu dệt, bán rẻ tài năng của mình, giết người hay giả mạo. Tuy nhiên, tôi sẽ lập luận rằng trong một vài trường hợp, tôi có thể “giả tạo” nếu điều đó phục vụ và điểm tô cho nghệ thuật, tôi cũng có thể nói sai sự thật nếu đó là một lời nói dối vô hại, văn hoa, hư ảo và đẹp đẽ […]
Nếu con người ta quy phục theo lương tâm nghệ thuật một cách ngặt nghèo, hà khắc, thì người đó sẽ cảm thấy như đang cố bước thăng bằng trên một sợi dây, và chỉ sớm thôi, gã tội nghiệp sẽ run rẩy vì hoa mắt, chóng mặt để rồi ngã gãy cổ bất cứ lúc nào không hay. Vào khoảnh khắc bi đát ấy, tất cả những chúng nhân của đạo đức chuẩn mực sẽ thi nhau xì xào dè bỉu: “Nhìn kìa, thằng trộm đấy, tên sát nhân đấy, kẻ dâm đãng đấy, kẻ nói dối đang nằm sõng soài kìa. Đáng đời hắn.” Đâu có ai ngờ rằng niềm vui của sự sáng tạo, vốn là một điều đẹp đẽ, thiêng liêng, là niềm hạnh phúc vĩnh cửu, lại luôn gắn liền với một nỗi sợ vô hình. Con người ta có thể niệm chú ngày ngày, tu bồi đức tính khiêm nhường và giảm trừ sự tự tôn, kiêu mạn trong tâm, nhưng thực lòng mà nói, tuân theo lương tâm nghệ thuật cũng chỉ là thứ nhục dục xác thịt được mài giũa qua bao năm tháng hành xác, hay một thoáng huy hoàng của chủ nghĩa khổ hạnh cùng sự nhẫn nại, kháng cự siêu cường. Đây là tư duy bất biến cho tới mãi về sau. Và giờ đây, tôi muốn khẳng định rằng thứ lương tâm nghệ thuật ấy không phải là chân trời tối thượng với tôi, mà tôi chỉ cổ gắng bám sát nó hết mức có thể mà thôi.
Và để củng cố ý chí, tinh thần, để ngăn bản thân không lầm đường lạc lối, tôi tâm niệm lời răn thứ ba đầy oai lực:
NGƯỜI PHẢI LÀM MỖI BỘ PHIM NHƯ THỂ ĐÓ LÀ BỘ PHIM CUỐI CÙNG.
Người đời có thể coi điều răn này như một câu nói dí dỏm, hoặc một lời cách ngôn vô nghĩa, hay chỉ đơn thuần là một tôn chỉ cao siêu về tính phù phiếm, vô thường của kiếp sống. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ không gói gọn trong những khái niệm ấy.
Đây chính là sự thật trần trụi trong cõi thế gian.
Thuở trước, hoạt động sản xuất phim tại Thuỵ Điển đã từng bị gián đoạn trong suốt một năm trời. Trong quãng thời gian vô công rồi nghề ấy, tôi bàng hoàng nhận ra mình có thể bị tống cổ ra đường, trở thành kẻ vô gia cư bất cứ lúc nào bởi muôn vàn khó khăn thương mại trong ngành phim và cả những sai sót nghiêm trọng mà tôi còn chẳng hề gây ra.
Tôi nào đâu có phàn nàn về cảnh sống bấp bênh ấy, tôi cũng chẳng hề lo sợ hay ngậm ngùi đắng cay, mà chỉ rút ra được một triết lý cao cả rằng mình sẽ làm mỗi bộ phim như thể lần cuối cùng.
Đối với tôi chỉ có một lòng trung thành. Đó là sự thuỷ chung thuần khiết với bộ phim mà tôi đang thai nghén. Những gì đến (hoặc không đến) sau cùng đâu có quan trọng, những thứ phù du ấy chẳng thể khiến tôi sợ hãi hay âu lo, héo mòn. Lối tư duy này đã đem đến cho tôi một lòng tự tin không thể nào lay chuyển trong công việc nghệ thuật. Sự đảm bảo về tiền tài, về vật chất dẫu là có hạn nhưng tôi cho rằng tính vẹn toàn về mặt nghệ thuật mới thực sự là điều cốt yếu. Do đó, tôi mãi tâm niệm lời răn cao cả ấy, rằng mỗi bộ phim sẽ như thể lần cuối tôi được cống hiến hết mình.
Ôi chao, điều này đã đem đến cho tôi sức mạnh phi thường. Tôi đã chứng kiến bao gã làm phim bị đè nén bởi muôn vàn nỗi sợ hãi, lo âu, nhưng vẫn hoàn thành đầy đủ những việc cần làm. Phải, họ đã hoàn thành công việc của mình, trong sự mệt mỏi, buồn nản và thiếu vắng niềm vui. Họ đã chịu đựng sự sỉ nhục và xúc phạm từ các nhà sản xuất, các nhà phê bình và công chúng mà không hề nao núng, không từ bỏ, không đặt dấu chấm cho sự nghiệp làm phim. Với một cái nhún vai mệt mỏi, họ đã cống hiến hết mình cho nghệ thuật, đến khi họ thực sự gục ngã hoặc bị sa thải một cách bi thương.
Tôi không biết nữa, nhưng dường như sẽ đến cái ngày tôi được công chúng đón nhận theo cách khác, có lẽ cùng với đó chính là nỗi ghê tởm bản thân. Sự mệt mỏi và trống rỗng sẽ ập xuống tôi như một cái bao tải xám xịt bẩn thỉu và nỗi sợ hãi sẽ bóp nghẹt tất cả. Cõi hư vô khi ấy sẽ giương con mắt độc địa nhìn thẳng vào tâm can tôi.
Khi ngày ấy đến, tôi sẽ buông bỏ và biến mất khỏi nơi này, một cách tự do, tự tại, không chút cay đắng uất hận, và không buồn trăn trở liệu các tác phẩm năm xưa có là thiết thực, có là chân thành giữa vô thuỷ vô chung hay chăng.
Những bậc hiền nhân thông thái và có tầm nhìn xa trông rộng ở thời Trung cổ xa xưa thường an nghỉ nhiều đêm trong chính chiếc quan tài của họ để mãi khắc ghi lý vô thường của cuộc sống và sự màu nhiệm trong từng khoảnh khắc, phút giây.
Chẳng cần những biện pháp khổ nhọc như vậy, tự thân tôi đã trở nên chai sạn với nỗi vô vọng và sự khắc nghiệt, vô thường của cái nghiệp làm phim, với một lòng nhiệt thành, tôi tin rằng mỗi bộ phim sẽ như thể lần cuối cùng tôi được cống hiến.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ