TÂM LÝ NHÂN VẬT ANDREI RUBLEV trong ANDREI RUBLEV (ANDREI TARKOVSKY, 1966)
Vào năm 1966 – tức 4 năm sau khi tác phẩm đầu tay Ivan’s Childhood ra mắt, Andrei Tarkovsky đã một lần nữa làm rung động cả trời đông Moscow buốt giá bằng bộ phim thứ hai với tựa đề Andrei Rublev. Trải qua hơn 5 thập kỷ, dư âm từ kiệt tác năm ấy vẫn vang vọng trong trái tim những người yêu điện ảnh. Theo chân cuộc đời danh hoạ kiệt xuất Andrei Rublev, Tarkovsky đã làm hiện lên cả một bức tranh kiêu hùng, khốc liệt của nước Nga thời Trung cổ, đồng thời gửi gắm những dòng chiêm nghiệm, suy tư về nghệ thuật, đức tin cùng lòng vị tha, can đảm.\ \ Andrei Rublev là một trong những họa sĩ Nga thời Trung cổ vĩ đại nhất đã vẽ nên các linh ảnh và bích họa Chính thống giáo Đông phương. Với cốt truyện xoay quanh cuộc đời vị danh hoạ xuất chúng bôn ba giữa vòng xoáy lịch sử, thời đại, đạo diễn Tarkovsky đã dẫn người xem đến kho tàng nội tâm cùng những suy tư, sầu muộn, khủng hoảng của người nghệ sĩ. Thông qua hình tượng Andrei Rublev, ta có thể hình dung về một người nghệ sĩ chân chính, một hiền trí minh triết đi tìm cái thiêng liêng, cao thượng, tận hiến vì nghệ thuật, vì nhân loại, nhưng đồng thời phải phụng sự một giáo hội mục ruỗng, bọn quý tộc tham lam và những con dân vô minh, lầm than, bất hạnh. Rublev đấu tranh để bảo vệ cho đức tin, bảo vệ cho nghệ thuật, cho cái đẹp, theo ý nghĩa thanh khiết, vẹn toàn nhất của chúng.
TÂM LÝ NHÂN VẬT CABIRIA trong NIGHTS OF CABIRIA (FEDERICO FELLINI, 1957)
Nhân vật Cabiria trong phim “Nights of Cabiria” là một cô gái điếm, thoạt đầu ta thấy cô là một nhân vật nóng tính, lạc quan và pha chút ngây thơ. Nhưng càng xem, khán giả lại càng thấy được những mặt đối lập trong nội tâm của Cabiria được hiển lộ ra, dẫu cho Fellini đã cảnh báo ta (và cảnh báo chính Cabiria) với vụ việc đầu phim, nơi Cabiria bị cướp và đẩy xuống sông.
TÂM LÝ NHÂN VẬT ANTONIUS BLOCK trong THE SEVENTH SEAL (INGMAR BERGMAN, 1958)
Dựa theo lời kể của chính chủ, hiệp sỹ Antonius trước đây là một nhà quý tộc lãng mạn, yêu thơ ca, có một người vợ, những người hậu cận, một lâu đài ấm cúng. Chàng sau này rũ bỏ tất cả để trở thành một hiệp sỹ, chiến đấu vì vinh quang của Chúa. Chàng từ bỏ tình yêu, từ bỏ con người cũ mình. Nhiều năm sau, trở về quê hương sau cuộc Thập tự chinh, Thần Chết ghé thăm Antonius vào buổi sáng hôm ấy. Dẫu biết rằng không ai có thể thoát được quy luật của tạo hóa, nhưng chàng vẫn đề nghị một trận cờ với Thần Chết để chiến đấu vì mạng sống của mình. Chàng muốn Chúa dang rộng đôi tay với mình, xuất hiện trước mặt chàng và trò chuyện với chàng. Antonius muốn xưng tội, “Hãy rủ lòng thương chúng con”, chàng ôm mặt nói trong những giờ phút cuối cùng, “Chúng con nhỏ bé, sợ hãi và thiếu hiểu biết.”, nhưng càng gọi tên Người thì chàng càng chỉ nhìn thấy cái gương soi chiếu chính bản thân mình, cái bản thân đầy dằn vặt tội lỗi và mong cầu sự tha thứ.