phỏng vấn

TRÒ CHUYỆN CÙNG JONAS MEKAS

Người viết: Popo

img of TRÒ CHUYỆN CÙNG JONAS MEKAS

Jonas Mekas (1922-2019) là đạo diễn và là nhà thơ người Lithuania. Ông được xem là cây trụ trời trong dòng điện ảnh thể nghiệm nói chung và home-movies nói riêng. Sinh thời, ông cùng anh trai vì chiến tranh mà bị lưu đày, phải chạy trốn khỏi quê nhà. Sau khi đến New York, ông đã mượn tiền để mua chiếc máy quay Bolex và từ đó, điện ảnh avant-garde ra đời. Những thước phim của ông tựa như một phép màu điện ảnh - tuy chỉ là những khoảnh khắc đời thường nhưng lại rất đỗi chân thành, hiền dịu, và đẹp đẽ. Dưới đây là cuộc trò chuyện của ông với các sinh viên tốt nghiệp khoa Phê bình nghệ thuật tại buổi triển lãm To New York With Love của ông.

Jonas Mekas (1922-2019) là đạo diễn và là nhà thơ người Lithuania. Ông được xem là cây trụ trời trong dòng điện ảnh thể nghiệm nói chung và home-movies nói riêng. Sinh thời, ông cùng anh trai vì chiến tranh mà bị lưu đày, phải chạy trốn khỏi quê nhà. Sau khi đến New York, ông đã mượn tiền để mua chiếc máy quay Bolex và từ đó, điện ảnh avant-garde ra đời. Những thước phim của ông tựa như một phép màu điện ảnh - tuy chỉ là những khoảnh khắc đời thường nhưng lại rất đỗi chân thành, hiền dịu, và đẹp đẽ. Dưới đây là cuộc trò chuyện của ông với các sinh viên tốt nghiệp khoa Phê bình nghệ thuật tại buổi triển lãm To New York With Love của ông.

________________________

<Động lực nào đã khiến ông mượn tiền để mua chiếc máy quay Bolex sau hai tuần khi ông đến New York?>

Bởi vì tôi muốn quay phim thôi! [Cười.]

<Ông đã luôn muốn theo đuổi việc làm phim sao?>

Không hẳn. Tôi được sinh ra ở một trang trại, lúc đến New York thì tôi cũng đã 27 tuổi. Nên tất nhiên là đã có rất nhiều thứ xảy ra trước đó. Nhưng đó là thời điểm mà tôi muốn làm phim. Và để làm phim, bạn phải có một chiếc máy quay. Nên tôi cứ đi lang thang đây đó thôi.

<Tuổi thơ ở Lithuania của ông như thế nào? Làm sao mà ông nhận ra bản thân muốn trở thành một nghệ sĩ, hay là nhà văn? Có khoảnh khắc hay trải nghiệm quan trọng nào tác động đến ông không? Ba mẹ ông có ủng hộ ước muốn đó không?>

Một buổi chiều nọ, tôi nổi hứng làm một bài thơ cho ba tôi nghe, đó cũng là bài thơ sử thi(*) dân dã đầu tiên mà tôi đọc cho ông ấy. Tôi cố gắng kể một cách tự nhiên và thực tế nhất về những việc mà ba tôi đã làm ngày hôm đó như đi đến nhà máy, dắt ngựa ra đồng, v.v. Tôi vẫn nhớ rõ khoảnh khắc ấy, cứ như nó vừa xảy ra vậy. Tôi nhớ giọng đọc của mình, tôi nhớ sự hào hùng đó, tôi nhớ ba tôi đã lắng nghe với sự ngạc nhiên thế nào. Ông ấy dường như không thể tin được. Kể từ hôm ấy, tôi luôn cố gắng tiệm cận cái cảm xúc, sự tập trung, và cái ngây ngất của khoảnh khắc đó, của buổi chiều đó. Và đúng, ba mẹ tôi đã luôn biết tôi muốn rời nông trại để làm những thứ khác, và họ luôn luôn ủng hộ tôi. Vì phải phụ giúp việc nông trại nên đến 9 tuổi tôi mới được đến trường. Do vậy, tôi bắt đầu đọc và viết khá muộn. Nhưng tôi đã luôn giữ một cuốn nhật ký gồm những bức tranh tôi vẽ từ khi tôi 6 tuổi. Ngay khi tôi vừa được học viết, tôi bắt đầu viết và làm thơ ở tuổi lên 9. Tôi đăng những bài thơ đầu tiên của mình trên những tờ tạp chí trẻ em khi tôi 12. Nhưng tôi đã chôn hết nhật ký và những thứ mình viết vì chúng chứa nội dung chống lại Liên Xô và Đức Quốc xã trước khi chạy trốn khỏi Lithuania vào năm 1944. Giờ chắc chúng cũng đã mục nát hết rồi.

(*)thơ sử thi (epic poetry): là thuật ngữ văn học dùng để chỉ những tác phẩm theo thể tự sự, có nội dung hàm chứa những bức tranh rộng và hoàn chỉnh về đời sống nhân dân với nhân vật trung tâm là những anh hùng, dũng sĩ đại diện cho một thế giới nào đó (ví dụ: Thần khúc của Dante, Iliad của Homer)

<Trong các bộ phim của ông, cả những phim trước đây lẫn hiện tại, dường như đều có sự chối bỏ rõ rệt việc thời gian là một thực thể tuyến tính; quá khứ là hiện tại là tương lai. Liệu đây là quyết định có chủ đích trong quá trình biên tập hay nó xuất phát rất tự nhiên như một phần tư tưởng triết lý của ông?>

Thật ra tôi đang quay video đây. Video camera quay lại hình ảnh trên cuộn băng, còn movie camera thì quay lại hình ảnh trên cuộn phim. Cả cuộn phim và video đều là những ảnh động, nhưng phương tiện thì khác nhau. Hội hoạ cũng giống như thế: các phương tiện có sẵn khác nhau đều cùng dẫn đến mục đích giống nhau. Đối với việc ra quyết định có chủ đích, tôi làm mọi thứ một cách tự nhiên và theo bản năng. Tôi không phải một nhà tâm lý học hay là triết gia nên do đó tôi không biết nhiều về chúng. Tôi nghi ngờ rằng đó là sự kết hợp của vô thức và ý thức, của sự hướng dẫn và kiến thức có sẵn. Tôi không nghĩ mình ngu ngốc. Khi tôi cần quay một thứ gì đó, nó thường là đến từ vô thức, nhưng ý muốn đó sẽ tiếp tục tồn tại và chạm đến tầng ý thức. Rất khó để phân biệt chúng.

<Các tác phẩm của ông dường như đều tập trung vào quá khứ và các ý niệm về sự thoáng qua - những cuộc đi và về liên tục của con người xung quanh ông. Ông nghĩ thế nào về điều đó, và điện ảnh đã cho phép ông tái khám phá chủ đề này thế nào?>

Thật chứ? Bạn có thể cho tôi một ví dụ mà trong đó mọi người nói về quá khứ không? Với lại, máy quay chỉ có thể ghi lại thực tại và những gì đang ở đó. Tôi không thể ghi lại quá khứ. Đoạn phim tôi đang quay ngay bây giờ trong lúc nói chuyện với bạn sẽ là quá khứ trong một năm nữa. Vì thế tôi có chất liệu của 60 năm quá khứ, nhưng không ai trong đó nói về quá khứ cả. Tất cả đều là về khoảnh khắc thực tại: uống rượu, hát hò, v.v. Theo thời gian, chúng trở thành quá khứ thôi.

<Tuy nhiên trong Dự án 365 ngày(*) dành riêng cho người thân, cả bạn bè đã khuất và bạn bè hiện tại của ông đều xuất hiện bình đẳng như những người còn sống. Tôi đang nói về chuyến viếng thăm của ông đến nhà tù của Jean Genet và nhà của Joseph Cornell cũng như các đoạn phim lưu trữ về Harry Smith và Nam June Paik. Ông có xem video là phương tiện lý tưởng để tưởng nhớ, hơn bất kỳ phương tiện khác nào hiện nay không?>

Tôi vô tình ở Paris vào thời điểm đó thôi, chỗ mà Genet đang bị bắt giam. Chứ tôi không có ý định quay lại chuyện đó từ trước. Nó cứ vậy mà xảy ra thôi. Sẽ thật tuyệt khi có tài liệu lưu trữ về những nhân vật, nhà văn, nhà thơ quan trọng, những người ảnh hưởng đến cuộc đời bạn. Họ giống như những người bạn vậy, nên bạn ghi lại kỉ niệm, và tri ân họ. Đó là điều rất bình thường.

(*) 365 Days Project: dự án mỗi ngày quay một phim ngắn của Mekas, được thực hiện xuyên suốt năm 2007

<Vào ngày đánh dấu một nửa quãng đường của dự án, tháng 7 năm 2007, ông thừa nhận rằng bản thân vẫn đang “chật vật với những hình ảnh của thực tại, làm sao để nó thấm nhuần chất thơ và truyền tải được nó vào trong thơ.”>

Đó là một khó khăn lớn và tôi vẫn đang vật lộn với nó đây. Những nhà thơ luôn gặp khó khăn như vậy. Ví dụ, thơ haiku là một hình thức nghệ thuật hoàn toàn gần gũi với thực tế và đồng thời là sự ngây ngất tuyệt dịu mà thơ ca có thể đạt đến. Trong điện ảnh, máy quay chỉ có thể ghi lại thực tại, tức là những gì đang hiện hữu trước ống kính. Nhưng làm sao để làm được điều này? Đó là một câu hỏi về bản chất và cấu trúc, để nó vừa chứa đựng thực tại mà vừa có thể chuyển đổi nó thành một hình thức hoàn toàn khác! Đây là khó khăn mà tôi nghĩ nhà thơ nào cũng gặp phải - và chúng tôi phải đối mặt với nó mãi mãi. Tôi đã và luôn cố gắng trong Dự án 365 ngày, tôi vẫn tiếp tục cố gắng hôm nay, và tôi sẽ mãi cố gắng tiếp cho đến khi tôi không thể nữa.

<Thật thú vị khi ông đặt sự cô đọng của thơ haiku và thực tại cạnh nhau, xem cuộc đời là một người kể chuyện khó chịu - làm chúng ta mệt mỏi với những câu chuyện không liên quan và sự lặp đi lặp lại. Liệu khó khăn của ông có bao gồm cả việc tìm ra vẻ đẹp và điểm nổi bật của mỗi một ngày trong năm, như nó thường khó khăn với bao người khác không?>

Những điều nổi bật đến từ việc bạn là ai, và điều gì làm bạn hứng thú. Bạn trải qua cuộc sống như một kẻ mộng du cho đến khi có thứ gì đó bất ngờ ngăn bạn lại, nhảy vồ vào bạn, chạm vào bạn, và rồi bạn nhìn. Âm thanh luôn hiện hữu xung quanh và bạn bất ngờ nghe thấy điều gì đó. Tại sao? Bởi vì trải nghiệm trong quá khứ của bạn quyết định việc bạn bị thu hút bởi cái gì ở những thời điểm nhất định. Bạn để ý thứ gì đó và bạn không biết vì sao.

<Tôi băn khoăn không biết ông xem vai trò của phim thể nghiệm trong xã hội hiện nay như thế nào? Ông có nghĩ rằng nó đã thay đổi nhiều không?>

Nó chưa bao giờ thực sự có vai trò. [Cười.] Nó luôn là một phần của điện ảnh, nó là nghệ thuật. Phim thể nghiệm như là thứ dẫn đầu, là tiền tuyến của điện ảnh. Và tất cả các phim - bao gồm cả Hollywood - đều phản ánh hiện thực. Thật ra, đôi khi phim càng tệ thì nó càng phản ánh đúng cuộc đời. Một điều khác là phim thể nghiệm đã trở nên phức tạp hơn kể từ những năm 50. Hãy tưởng tượng điện ảnh là một cái cây khổng lồ với nhiều nhánh khác nhau - cũng như văn chương hay với bất kì môn nghệ thuật nào khác. Tồn tại tự sự và cả phi tự sự hay các loại nhánh trừu tượng hơn. Tự sự có thể phân nhánh thành chính kịch, giả tưởng, nhạc kịch, phim noir, trinh thám, viễn tây, v.v. Sau đó, đương nhiên, ta có thể loại tài liệu gồm: những bài viết mang tính báo cáo trong các tờ báo hoặc tạp chí, và phong cách cinéma verité(*) trong điện ảnh. Các hình thức phi tự sự được phát triển sau 1950, phần lớn là ở Mỹ. Sau đó, vào năm 1980, Anh và Pháp dần tiếp nối. Vậy, chức năng của văn học và thi ca là gì? Chức năng của điện ảnh tự sự và phi tự sự là gì? Có một sự thật là, cho đến những năm 50, điện ảnh mới chỉ thể hiện được một phần của con người. Đó là: mong muốn được lắng nghe, những câu chuyện, những trải nghiệm, chẳng hạn như cuốn “Nghìn lẻ một đêm”. Nhưng chúng ta cũng cần thể hiện những phần dày dặn và tinh tế hơn mà không thể truyền đạt được qua lối tự sự, qua các nhân vật, nhân vật chính, và thay vào đó chỉ có trong văn chương, nhảy múa và âm nhạc. Điều đó đã tác động một cách gián tiếp khiến điện ảnh phải phát triển tất cả hình thức khác. Và nó đã phát triển trong 60 năm qua, để giờ điện ảnh là một môn nghệ thuật hoàn chỉnh như văn chương hay bất kì môn nghệ thuật nào khác và trải nghiệm của con người giờ đây đã có thể truyền đạt đầy đủ qua màn ảnh.

(*)cinéma verité: một phong cách làm phim tài liệu được phát triển bởi Edgar Morin và Jean Rouch, lấy ý tưởng từ lý thuyết của Dziga Vertov về Kino-Pravda (Bạn có thể đọc lại bài viết về Kino-Pravda của All About Movies tại đây https://fb.watch/diG8jFbpRb/)

<Các bài viết của ông trong những năm 50 và 60 thể hiện rõ sự chán ghét các phim Hollywood.>

Không! Tôi thích phim Hollywood lắm chứ! Thật ra tôi đã viết kịch bản - tôi muốn mọi người biết điều này. Tôi thành lập tạp chí Film Culture vào năm 1954. Nó đến từ một nhóm bạn: Peter Bogdanovich và Andrew Sarris. Chúng tôi đã dành những buổi tối trên con đường số 42, mà vào những năm 1953, ‘54, ‘55, có tận 15 rạp chiếu phim trên con đường này chiếu phim suốt cả đêm. Họ chiếu nhiều thể loại và nhiều bộ phim khác nhau, chúng tôi rất yêu thích chúng và đó là lý do vì sao chúng tôi thành lập nên tạp chí. Trong suốt 10 năm sau đó, tạp chí được lấp đầy bởi các bài viết và cuộc phỏng vấn với những đạo diễn Hollywood của thế giới. Và 10 năm sau nữa, tôi để ý thấy phim thương mại được nhắc đến quá nhiều, trong khi đã có những sự thay đổi lớn xảy ra với dòng phim độc lập - điện ảnh avant-garde, như người ta thường gọi là “underground” - và tôi quyết định sẽ dành nhiều sự quan tâm đến nó hơn. Trong thời gian đầu, tôi viết song song về phim Hollywood và phim độc lập. Tôi là cây bút duy nhất ở tờ Village Voice viết về điện ảnh. Và khi thời điểm tới, tầm năm ‘58, có thể là ‘62, khi mà có quá nhiều thứ xảy ra không chỉ với phim thương mại mà còn cả phim độc lập nữa, như là Phong trào Làn Sóng Mới, tôi thấy bất khả thi khi phải kham tất cả. Tôi bảo Andrew Sarris, đồng biên tập với tôi ở tờ Film Culture rằng, “Anh lo phần phim thương mại, còn tôi sẽ tập trung vào phim độc lập.” Đó là khi tôi biết mình đang chuyển sang một hướng đi khác.

<Ông có thể nói về mối liên hệ giữa thơ của ông với phim và các sáng tác văn xuôi khác của ông không?>

Tôi chỉ trả lời câu này một cách gián tiếp. Bây giờ chúng ta có bảy loại hình nghệ thuật phải không? Và bảy loại hình đó truyền tải mỗi khía cạnh khác nhau của bản chất, trải nghiệm, ký ức của ta, từ các nhu cầu của cơ thể cho đến từng nguyên tử sâu thẳm nhất trong con người chúng ta. Ta có nhảy múa, sân khấu, ca hát. Nếu chúng ta chỉ cần một thứ, nếu nó đơn giản đến mức chúng ta có thể truyền tải bản thân chỉ qua, ví dụ nhảy múa đi, điều đó thật tuyệt làm sao! Nhưng chúng ta phức tạp hơn thế. Ta không thể truyền tải hết những gì chúng ta là và hơn cả thế chỉ qua nhảy múa - chúng ta còn các khía cạnh khác nữa. Điều tôi đang muốn nói là, thứ mà tôi truyền tải được qua thơ ca, tôi chỉ làm được với thơ ca, không phải với điện ảnh, chuyển động, hay hình ảnh, và điều tôi làm được với những ảnh động, tôi chỉ làm được qua nó. Vì vậy, nó giống như những khía cạnh khác nhau của con người tôi, một tổng thể của tôi, những trải nghiệm của tôi. Chúng ta cần điện ảnh và những môn nghệ thuật khác - không phải chỉ để thể hiện bản thân hay ghi lại quá khứ, nhưng là một công cụ để tiến về phía trước và trưởng thành.

________________________

Lược dịch: In Conversation with Jonas Mekas. The Brooklyn Rail. November 2010.


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo