phân tích

"OEDIPUS REX" (1967) VÀ PIER PAOLO PASOLINI

Người viết: Tâm Nguyên Abu

img of "OEDIPUS REX" (1967) VÀ PIER PAOLO PASOLINI

“Lẽ vậy, ta sẽ chẳng còn nhìn thấy những tội ác mình đã kinh qua và phạm phải. Trong cái u tối ta sẽ không nhìn thấy những thứ không nên thấy. Ta sẽ chẳng còn nhận ra kẻ mà ta muốn nhận ra. Lẽ ra ta nên cắt phăng đôi tai của mình, để tự nhốt lấy linh hồn trong tấm thân bất hạnh, để không bao giờ nhìn và nghe thấy gì nữa…” – Vua Oedipus đâm mù đôi mắt, tủi hổ vô ngần. Tiếng thét của lương tri tuyệt vọng dường như xé toạc màn trời chết chóc, ảm đạm chốn kinh thành Thebes; trích Oedipus Rex (1967), đạo diễn: Pier Paolo Pasolini.

Pier Paolo Pasolini chia sẻ trong một bài phỏng vấn năm 1967 với Oswald Stack: “…Xưa kia, tôi đã từng đặt bản thân vào sự ganh đua và thù ghét với cha mình, có lẽ vậy nên tôi phần nào phóng khoáng, tự do hơn trong cách bộc lộ mối quan hệ của mình với ông ấy. Trong khi đó, tình cảm tôi dành cho mẹ lại âm ỉ, tiềm tàng. Ngay cả khi tôi nắm bắt điều đó một cách lý tính, tường tận, thật khó khăn làm sao khi nghĩ đến việc phải chấp nhận nó hoàn toàn. Có lẽ tôi bị ức chế khi cố gắng biểu trưng nó ra bằng nghệ thuật, đồng thời thả đi tâm hồn mình, theo cái cách mà tôi khắc hoạ trên màn ảnh (Oedipus) nghịch tử sát hại cha. Nguyên do lý giải hẳn đến từ các học thuyết của Freud…”. Chuyển thể từ vở bi kịch lừng danh của Sophocles, Oedipus Rex (1967) không chỉ là thước phim kì bí nhuốm màu sử thi, thần thoại, mà còn là bức vẽ trần trụi về Cái Tôi người nghệ sĩ, về những trải nghiệm thời thơ ấu của Pier Paolo Pasolini cùng những chiêm nghiệm giữa muôn thuở nhân sinh, sự đời. Bộ phim chính là chuyến đi vào cõi tiềm thức của Pasolini, vào phong cách nghệ thuật rất đỗi độc đáo, dị biệt của ông giữa xã hội đương thời. Có thể thấy, Oedipus Rex (1967) được Pasolini soi chiếu qua các mốc thời gian khác nhau. Bộ phim mở đầu giữa bối cảnh vùng Lombardy nước Ý những năm 1920, và hiện diện trước mắt người xem là hình ảnh một sĩ quan Phát Xít đang sinh tâm ghen ghét, đố kỵ với đứa con trai vừa mới chào đời. Có thể coi, đây là một ẩn dụ đặc sắc cho những ký ức thời thơ bé của Pasolini, đồng thời cũng là biểu trưng cho mối quan hệ đầy ẩn ức của vị đạo diễn với cha mình. Pasolini sinh năm 1922 tại Bologna, với cha là một sĩ quan trong Quân đội Hoàng gia Ý, mẹ là giáo viên từ Friuli - một vùng ở đông bắc nước Ý. Phần lớn thời gian của Thế chiến thứ hai, gia đình Pasolini trú ẩn tại quê hương Casarsa của mẹ ông, trong khi cha ông làm nhiệm vụ ở Châu Phi và bị bắt làm tù binh tại đây. Trong những tháng năm cuối cùng của cuộc chiến, anh trai của Pasolini là Guido đã tham gia du kích và bị giết trong cuộc chiến với nhóm du kích đối thủ ở vùng đồi Friuli. Cái chết của người anh trai, cùng những tội ác tàn bạo của Phát Xít đã ảnh hưởng sâu sắc đến những sáng tạo nghệ thuật của Pasolini mãi về sau.

“Cậu bé ở đoạn mở đầu chính là tôi, bố cậu ấy cũng như bố tôi… Tôi đã kể câu chuyện của cuộc đời mình, thần thoại hoá và biến nó thành một thiên sử thi về huyền thoại Oedipus.” Quả nhiên, Oedipus Rex không đơn thuần là một bi kịch thần thoại, mà nó còn là lát cắt tâm hồn của Pier Paolo Pasolini.

“…Phần mở đầu chính là phần truyền cảm hứng nhất xuyên suốt bộ phim, bởi lẽ nó là nét hồi tưởng sống động về thuở thơ ấu của tôi; nó chẳng phải một sự khơi gợi thiên về cảm xúc đâu, trái lại, nó mang tính thực tế, tổng thể một cách khô khan, ngặt nghèo. Chính điều này đã buộc tôi phải bộc lộ cảm xúc mình trong tác phẩm theo phong vị thật táo bạo và đầy chất thơ, bởi lẽ con người ta luôn phải gắn bó bên yếu tố ký ức, nhưng đồng thời vẫn phải kiểm soát chặt chẽ những chất liệu làm nên tác phẩm nghệ thuật.”

“Tôi nghĩ phân đoạn mở đầu trong Oedipus là một trong những điều đẹp đẽ nhất tôi từng làm nên. Tôi muốn tái hiện câu chuyện thần thoại ấy dưới lăng kính của một giấc mơ: Tôi muốn phần giữa (hay gần như toàn bộ bộ phim) hiện lên giống như một giấc mộng ly kỳ, huyền hoặc. Điều này cũng phần nào lí giải cho cách tôi chọn lựa trang phục, bối cảnh và nhịp điệu chung cho toàn tác phẩm.” – Pier Paolo Pasolini thổ lộ.

Phong cách nghệ thuật của Pasolini là sự rung động mạnh mẽ, sự pha trộn hài hoà những tinh tuý từ thơ ca cổ điển, từ những đạo diễn, văn nhân của chủ nghĩa Tân hiện thực vào thập niên 40 thế kỷ trước. Cũng giống như những Roberto Rossellini hay Vittorio De Sica gạo cội, Pasolini thực hiện hầu hết các cảnh quay ngoài trời tự nhiên, lựa chọn các diễn viên nghiệp dư với dụng ý đề cao chất hiện thực, đồng thời phô bày một vẻ đẹp trần trụi, táo bạo cho những thước phim của mình. Oedipus Rex – bộ phim màu đầu tay của Pasolini, chính là biểu trưng xuất thần cho phong vị độc đáo ấy. Dưới lăng kính diệu kỳ của Pasolini, khung cảnh sa mạc bất tận, thênh thang cùng đô thành Corinth, Thebes cổ xưa, hùng vĩ chỉ nằm trong sử thi, thần thoại, nay hiển hiện lộng lẫy mà trần trụi làm sao dưới cái nắng tưởng như vĩnh cửu chốn Morocco. Mạch phim được dẫn dắt, điểm xuyết bởi dân ca Rumani, Nhật Bản, theo đó là cả những bản nhạc do chính Pasolini sáng tác. Pasolini cũng tiết lộ rằng chiếc váy vàng và mũ của mẹ ông đã được đoàn làm phim làm lại dựa trên những bức ảnh cũ ông giữ, và được đem dùng cho nhân vật Jocasta (Silvana Mangano) – mẫu thân Oedipus.

Dù mang tính tự truyện mạnh mẽ, tính táo bạo đương thời, thế nhưng Oedipus Rex (1967) vẫn truyền tải được cái đẹp cổ điển, nguyên sơ của một bi kịch huyền thoại một thời vang bóng. Và Sophocles vẫn là một mảnh ghép tất yếu trong bức tranh điện ảnh huyền hoặc của Pier Paolo Pasolini. Không sai khi nói, Oedipus dù trong thần thoại, hay dưới lăng kính của Pasolini, thì vẫn đủ sức rung động, khơi gợi lên những suy ngẫm muôn thuở về số mệnh, về nhân sinh và kiếp người. Con người, rốt cuộc là gì so với vũ trụ bao la, là gì so với trò chơi miên viễn mang tên số mạng? Oedipus đâm mù hai mắt, để trừng phạt chính bản thân mình, chứ không phải đổ lỗi cho số mệnh nghiệt ngã; để mong cầu cho một sự tái sinh, gột rửa linh hồn. Vĩnh viễn đóng lại cửa sổ tâm hồn, nhà vua đã đoạn tuyệt với cái ác, với sự vô minh, đau khổ trong cõi nhân gian, để rồi tìm về thứ tuệ nhãn bên trong mình. Phải, đôi mắt! Bản thân đôi mắt đã luôn là hình tượng thiêng liêng của tỉnh thức và trí tuệ. Và hình tượng Oedipus cũng là biểu trưng cho khát khao tìm đến thứ ánh sáng thức tỉnh, khát khao tìm đến bản nguyên, chân lý, khát khao vượt lên khỏi vòng xoay nghiệt ngã mang tên số mệnh. Bộ phim kết thúc khi Pier Paolo Pasolini đưa người xem từ chốn đô thành Thebes cổ kính về khung cảnh phố thị nước Ý vào cuối thập niên 60, đầu thập niên 70, nơi Oedipus, âm u đui mù, tiếp tục số kiếp lưu đày. Nếu như phần mở đầu bộ phim là sự hồi tưởng về thời thơ ấu của Pasolini, thì đoạn kết thúc lại được mở ra với tâm tưởng Pasolini trong thì hiện tại. Giữa hè phố Bologna, Oedipus đui mù chỉ còn có thể nương theo những âm thanh của sự sống bên ngoài, chàng thổi lên tiếng sáo khắc khoải, thê lương. Phải chăng đó là Oedipus lang thang, lạc lối, hay là chính Pasolini – kẻ sĩ dị biệt giữa thời thế suy tàn? Dường như, Pasolini đã xuất hồn vào hình tượng nhân vật, và Oedipus trong thần thoại sử thi giờ đây đã hoá thân thành một người nghệ sĩ, một thực thể với linh hồn, hình hài sống động. Oedipus Rex của Pasolini chứa đựng nhiều tầng lớp ẩn dụ, và tôi luôn mường tượng về đoạn kết thúc tác phẩm ấy như một trải nghiệm tâm linh, cuốn tôi trong dòng chảy suy nghĩ về nhân sinh, sự sống.

Kiếp sống của con người trên cõi trần gian liệu có phải một ảo ảnh? Điểm đầu cũng chính là điểm kết thúc, và sự sống là vòng xoay luân hồi:

“Hỡi ánh sáng mà ta chẳng còn nhìn thấy được
Thứ ánh sáng đã từng là của ta
Hãy toả rạng lên ta dù chỉ là lần cuối
Ta đã đến nơi
Cuộc sống kết thúc ở nơi nó bắt đầu.”

____________________________________

Bài viết có tham khảo và lược dịch từ:

Pier Paolo Pasolini - Edipo Re - 1967 - Interview d’Oswald Stack – lettresvolees.fr

A CINEMA OF POETRY: THE FILMS OF PIER PAOLO PASOLINI – Artforum

The Complex Case of Romanian Folklore in Pasolini’s Oedipus Rex; tác giả: Cosmin Nicolae - theATTIC


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo