trào lưu phim

Những thước phim tiên phong về đồng tính và điện ảnh

Người viết: Gwen

img of Những thước phim tiên phong về đồng tính và điện ảnh

Lịch sử điện ảnh đã bắt đầu từ một thế kỷ trước với những thước phim đơn sơ. Những đoạn phim quay về cảnh con người sinh hoạt, về phong cảnh xung quanh hay nhảy múa, những đoạn hình ảnh không có nhiều nội dung là những chủ đề chủ đạo của những bộ phim từ những ngày bắt đầu. Thế nhưng đa dạng tính dục đã tồn tại từ ngày ngày hồng hoang, từ thực vật đến động vật, một cách tự nhiên và trong đó có cả con người. Chúng ta không thể biết được người đầu tiên nhận ra mình không giống những người còn lại về tính dục hay giới tính là lúc nào, nhưng chúng ta có thể biết được chuyện gì đã diễn ra giữa tính dục và giới tính trong phim ảnh khi hai chủ đề gặp nhau ở cùng khoảng thời gian.

Tưởng chừng như cả hai định nghĩa chẳng thể liên quan gì đến nhau thế nhưng lại có những bộ phim vừa là một tác phẩm điện ảnh mang đầy tính nghệ thuật, vừa là đại diện tiếng nói cho một cộng đồng bằng cách mang những câu chuyện lên màn ảnh. Điện ảnh và nghệ thuật chưa bao giờ là một quyển sách giáo dục của xã hội nhưng nó đại diện cho những lý tưởng của mỗi cá nhân tạo nên.

Đa dạng tính dục và giới tính trong điện ảnh hiện đại.

Từ nền điện ảnh Pháp, đất nước của sự lãng mạn với Portrait de la jeune fille en feu (2019) của nữ đạo diễn Céline Sciamma. Bộ phim như một làn sóng vô cùng mạnh mẽ đã nhanh chóng trở thành một biểu tượng văn hóa mới của cộng đồng người queer nói chung và đồng tính nữ nói riêng trên thế giới. Hình ảnh người phụ nữ với chiếc váy cháy xém và lấp lánh trên màn ảnh trong một khung hình cũng đủ làm xao xuyến những người yêu nghệ thuật. Sức ảnh hưởng của Portrait de la jeune fille en feu lên khán giả cũng vô cùng to lớn, không chỉ là một bộ phim dành riêng cho cộng đồng người queer mà còn cả giới Cinéphiles đã phải lòng với tác phẩm này.

Trở lại kinh đô điện ảnh Hollywood với Carol (2015) được đạo diễn bởi Todd Haynes. Carol được chuyển thể từ quyển tiểu thuyết The Price of Salt được phát hành năm 1952 của Patricia Highsmith, sự xuất hiện của bộ tiểu thuyết được cho là lần đầu tiên mang một kết thúc có hậu của tình yêu đồng tính. Ngoài ra, một số bộ phim mang một góc nhìn tươi sáng, vui nhộn không đi theo khuôn mẫu của những câu chuyện buồn như But I’m a Cheerleader (1999) của Jamie Babbit, một tác phẩm mùa hè Call Me by Your Name (2017) bởi Luca Guadagnino, hay Happy Together (1997) của Vương Gia Vệ cùng rất nhiều bộ phim khác có chủ đề về cộng đồng queer ở thời điểm hiện tại.

Không chỉ dừng lại ở việc đem một câu chuyện tình hiếm gặp trên màn ảnh, đồng tính nói riêng hay cộng đồng LGBTQ+ nói chung còn được khai thác như một chủ để mở rộng với một bộ phim siêu thực của đạo diễn David Lynch - Mulholland Drive (2001). Không chỉ mang yếu tố đồng tính nhất thời, bộ phim đã sử dụng nó như một chất liệu để tạo nên một câu chuyện hoàn hảo về mặt tình cảm hay yếu tố thúc đẩy hỗ trợ vào cốt truyện hợp lý nhất và biến nhân vật đồng tính nữ có vai trò cố định trung tâm trong bộ phim. Mulholland Dr còn là bộ phim thường xuyên xuất hiện trong danh sách những tác phẩm hay nhất thế kỷ 21 từ những trang báo danh giá và cả những người yêu điện ảnh.

Phân cảnh được xem như nổi bật nhất trong bộ phim Jennifer’s Body chỉ bằng một nụ hôn đồng giới giữa Jennifer (Megan Fox) và Needy (Amanda Seyfried). Bộ phim đã thất bại ngay từ ngày ra mắt với vô vàn đánh giá như (Tạm dịch): “Biểu tượng tình dục”, “Cuộc dạo chơi của những chàng trai dị tính”, “Rác rưởi”, (Trích) “An old-fashioned same-sexploitative zing”. Vào năm 2018, bộ phim cũng chính thức được “phúc khảo” xem xét lại và trở thành một feminist cult classic.

Vai diễn tuyệt vời của Jared Leto trong Dallas Buyers Club (2013) của Jean-Marc Vallée về một người chuyển giới nữ sống chung với căn bệnh HIV/AIDS đã nhấn mạnh cho bộ phim về chủ đề của nó. Bộ phim đã góp phần đưa đến cho khán giả thêm những thông tin về HIV/AIDS, thứ từng được mệnh danh là “căn bệnh thế kỷ” cũng như thúc đẩy giáo dục giới tính qua một câu chuyện có thật về Ron Woodroof do Matthew McConaughey thủ vai.

Và còn một câu chuyện về người phụ nữ chuyển giới đầu tiên Lili Elbe qua sự thể hiện của Eddie Redmayne trong The Danish Girl (2015) được đạo diễn bởi Tom Hooper. Không cần phải khắc họa một nhân vật là người đồng tính, Tim Burton đã làm Ed Wood (1994) được ghi nhớ một cách sâu sắc với hình ảnh Johnny Depp - người thủ vai Ed Wood bên trong một bộ tóc giả, chiếc váy và đôi tất cao của mình. Một số bộ phim khác như The Favourite (2018), Black Swan (2009),… cũng đả đem hình ảnh đồng tính vào và khai thác thành một chủ đề mở rộng.

Nguồn cảm hứng từ những nhân vật bên ngoài cuộc sống được đưa vào phim ảnh như Alan Turing - một nhà toán học người Anh được xem như vị anh hùng đã góp phần giúp nước Anh chiến thắng trong cuộc chiến tranh với Đức Quốc Xã nhờ vào chiếc máy Bombe. Trong bộ phim The Imitation Game (2014) của đạo diễn Morten Tyldum, Bombe còn mang một tên khác là Christopher. Bộ phim đã thay đổi tên gọi của chiếc máy để thể hiện tình yêu của Alan Turing dành cho một người bạn đặc biệt của mình. Cuối bộ phim, Turing đã bị khởi tố vì hành vi đồng tính luyến ái của mình. Điều này cũng diễn ra tương tự ở ngoài bộ phim, Alan Turing đã chết sau hai năm sử dụng điều trị bằng hormone nhằm ức chế ham muốn tình dục.

Gia Marie Carangi cũng được đưa lên màn ảnh với bộ phim Gia (1998) của Michael Cristofer. Một câu chuyện kể về cuộc đời của người được mệnh danh là siêu mẫu đầu tiên làng của mốt thế giới và cũng là một trong những nạn nhân đầu tiên mất vì căn bệnh AIDS. Carangi có một chuyện tình dang dở nhưng cũng vô cùng đẹp trong bộ phim được thể hiện bởi hai nữ diễn viên tài năng Angelina Jolie và Elizabeth Mitchell.

Những bộ phim có hình ảnh Queer chỉ xuất hiện phút chốc nhưng vô cùng ấn tượng trong những bộ phim của các đạo diễn tên tuổi mang tính biểu tượng như Basic Instinct (1992) của Paul Verhoeven, Thelma & Louise (1991) của Ridley Scott, The Dreamers (2003) của Bernardo Bertolucci, Girl, Interrupted (1999) của James Mangold hay Skyfall (2012) của Sam Mendes,..

Khởi nguyên tiên phong.

Bản dạng giới và xu hướng tính dục đã không còn là một chủ đề trốn chạy trong phim ảnh trên thế giới. Dường như nó không còn là một sự rào cản nào có thể ngăn cấm một người đàn ông tóc dài bên trong bộ váy lấp lánh hay hai người cùng giới hôn nhau trên màn bạc.

Vậy chuyện gì đã diễn ra trong thế giới điện ảnh hay nói cách khác là motion picture cách đây 100 năm đối với chủ đề vẫn còn nhạy cảm này?

Với những nền móng đầu tiên của điện ảnh ngày nay, nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison và William Dickson đã thực hiện một đoạn phim ngắn trong nỗ lực ghi lại âm thanh trực tiếp đồng thời với chuyển động của hình ảnh. Bộ phim chỉ vỏn vẹn 17 giây được biết đến với tên là The Dickson Experimental Sound Film, được cho là thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 1894 hoặc 1895 của hai nhà phát minh. Bên cạnh việc Dickson chơi violin trước một cột thu âm thì trong khung hình còn có hình ảnh của hai chàng trai đang khiêu vũ cùng nhau. Đó là một hình ảnh vô cùng hiếm gặp vào thời điểm lúc bấy giờ, hai chàng trai mặc waistcoat, tay đặt lên eo nhau đã trở thành một tiêu điểm gây sốc trong đoạn phim. Người xem lúc bấy giờ đã đưa ra ý kiến rằng đoạn phim đã lật đổ đi các hành vi thông thường của tính nam, và được miêu tả là “A flowery, fussy, effeminate soul given to limp wrists and mincing steps”. Đoạn phim được xem như một đoạn hình ảnh ghi lại quá trình thử nghiệm của Dickson và Edison. Đây cũng là bộ phim đầu tiên được sử dụng cho Kinetophone.

Vào năm cuối cùng của thế kỷ 19, một bộ phim mang tên Pierrette’s Escapades được thực hiện bởi Alice Guy-Blaché. Bà là người phụ nữ đầu tiên đạo diễn một bộ phim trên thế giới và duy nhất cho đến năm 1906. Bộ phim Pierrette’s Escapades chỉ đơn giản xoay quanh hai người phụ nữ nhảy múa cùng nhau trong 2 phút, phần thể hiện nội dung của họ giống như một hành trình của tình yêu và họ đã kết thúc đoạn phim với một nụ hôn đồng giới.

Thế nhưng, nụ hôn đồng tính đầu tiên được ghi hình lại trong lịch sử đã có từ năm 1882. Không những thế, nó còn là đoạn phim đầu tiên có hai người hôn nhau. Đó là đoạn phim có tên The Kiss, hay còn gọi là Plate 444 trong bộ sưu tập Animal Locomotion được thực hiện từ khoảng năm 1872 đến 1885 của nhiếp ảnh gia người Anh, Eadweard Muybridge chuyên ghi lại chuyển động của động vật. Bộ phim được quay bằng Zoopraxiscope do chính Muybridge tạo nên, thiết bị đầu tiên có thể hiển thị hình ảnh chuyển động và Zoopraxiscope cũng được xem như tiền thân của máy chiếu phim ngày nay.

Không có lý do gì hướng đến đồng tính trong những tấm ảnh chuyển động này, nhưng có một lý do khiến Eadweard Muybridge thực hiện một nụ hôn giữa hai người phụ nữ trong đoạn phim thử nghiệm của mình. Đó là vì chuẩn mực xã hội ngày trước không cho phép quay phim một người đàn ông khỏa thân cùng với người phụ nữ, trong khi Muybridge cần quay đoạn phim với hai người khỏa thân để người xem có thể theo dõi được chuyển động của họ trên khung hình. Ngoài ra, quan niệm vào thời Victoria cũng cho rằng việc hình thành đồng tính giữa hai người phụ nữ sẽ không được xem xét một cách quan trọng như đồng tính nam. Họ xem đồng tính nam như một mối đe dọa bởi nhu cầu tình dục của đàn ông, còn đối với phụ nữ thì không có hấp dẫn tình dục nghiêm trọng.

Điều bất ngờ đối với The Kiss chính là nó chẳng nhận lại phản ứng dữ dội từ công chúng như đoạn phim thử nghiệm âm thanh của Dickson và Edison. Nên có thể thấy rằng, ta chọn phản ứng với hai người đàn ông nhảy với nhau hơn là hai người phụ nữ khỏa thân hôn nhau.

Những bộ phim câm sau này được tiếp tục thực hiện với những nụ hôn đồng giới hoặc mang hơi hướng người queer trong những năm từ cuối thế kỉ 19 đến 1930 như At The Floral Ball (1900), Jesters-Jokes (1908), Algie, the Miner (1912), ba bộ phim đến từ nước Đức: Ich möchte kein Mann sein (1918), Anders als die Andern (1919), Die Büchse der Pandora (1929). Nước Mỹ cũng bắt đầu tham gia với: Manslaughter (1922), và bộ phim thắng Oscar - Wings (1927) cũng là bộ phim có nụ hôn đồng tính nam đầu tiên.

Không hẳn đề cập trực tiếp đến người queer, nhưng bộ phim “A Woman” (1915) của Charlie Chaplin cũng đã biến tấu yếu tố LGBT để phù hợp với thời đại.

Salomé (1922) được chuyển thể từ vờ kịch cùng tên của nhà văn người đồng tính Oscar Wilde, và được cho là có sự góp mặt đặc biệt của Natacha Rambova trong vai trò writer, bà được cho là người tình tin đồn của Alla Nazimova - người thủ vai Salomé. Alla Nazimova là một diễn viên tên tuổi người Nga, bà đã công khai theo đuổi những mối quan hệ với phụ nữ. Nazimova cũng có những mối quan hệ được công chúng chú ý như với Jean Acker và tất nhiên là Natacha Rambova. Bộ phim đã gây tranh cãi trong giới kiểm duyệt lúc bấy giờ vì họ cho rằng hai nhân vật nam là người đồng tính và các nữ cận thần trong phim thật ra là nam giới.

Năm 1918, khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, thời điểm bắt đầu thật sự của đồng tính bước lên màn ảnh. Khoảng thời gian ngắn sau 1919 là một thời kỳ không có kiểm duyệt, thời đại của tự do trong điện ảnh. Richard Oswald - người đã đạo diễn bộ phim “Anders als die Andern” năm 1919 đã nhanh chóng nắm lấy cơ hội này để làm một loạt những bộ phim không giới hạn có chủ đề khác nhau như: những căn bệnh lây qua đường tình dục, “gái bán hoa” hay phá thai và tất nhiên là về đồng tính. Nguồn thông tin và lời khuyên của Oswald cho những bộ phim của ông là từ Dr. Magnus Hirschfeld - một nhà tình dục học người Đức. Hirschfeld cũng là một nhân vật quan trọng trong lịch sử của cộng đồng queer, ông là một trong những người đầu tiên hoạt động vì quyền của người đồng tính.

Anders als die Andern cũng được xem như một bộ phim hoàn chỉnh, tiên phong về đồng tính nam trên thế giới.

Đồng thời nhắc đến quá nhiều từ “đầu tiên”, Manslaughter (1922) của B. DeMille cũng góp mặt trong danh sách những bộ phim tiên phong. Không nên nhầm lẫn với The Kiss, bởi vì nụ đôn đồng tính nữ đầu tiên được thực hiện với mục đích rõ ràng mang tính gợi tình phục vụ vào nội dung bộ phim trong điện ảnh chính là từ Manslaughter.

Büchse der Pandora (1929), cũng được cho là bộ phim điện ảnh đầu tiên xây dựng một nhân vật là đồng tính nữ một cách rõ ràng.

Phim ảnh trong thời kỳ kinh tế thế giới sụp đổ.

Chuyển đến thời kì đầu những năm 30, những bộ phim có thoại bắt đầu xuất hiện, và cũng là thời kỳ đại suy thoái của nền điện ảnh. Năm 1929, phố Wall sụp đổ làm ảnh hưởng đến nhiều quốc gia, bao gồm cả nước Đức, một trong những nước tiên phong làm phim đồng tính. Mặc dù tình hình chính trị thế giới lúc ấy khá căng thẳng, nhưng Đức vẫn có một bộ phim thành công tầm quốc tế với Mädchen in Uniform (1931) bởi nữ đạo diễn Leontine Sagan, ra mắt trong thời kỳ thế giới sắp sửa bước sang một trang tăm tối - thời đại phát xít nắm quyền. Đây là bộ phim đầu tiên có câu chuyện đứng về phía người đồng tính, và hoàn toàn tập trung vào mối tình đó giữa một học trò đem lòng yêu mến cô giáo của của mình. Đức Quốc Xã cũng đã cố gắng phá hủy rất nhiều bản sao của bộ phim vì nội dung “lệch lạc” của nó nhưng bộ phim vẫn tồn tại đến ngày nay và được xem là bộ phim mang chủ đề đồng tính nữ rõ ràng đầu tiên của lịch sử điện ảnh. Bộ phim sau này cũng có một bản được làm lại cùng tên vào năm 1958 với hai ngôi sao nổi tiếng của điện ảnh thế giới lúc bấy giờ là Romy Schneider và Lilli Palmer.

Phát xít Đức ngày càng trở nên quyền lực, họ gần như đã phá hủy toàn bộ bản sao của những bộ phim được xem là thiếu chuẩn mực đạo đức, cùng với kỷ nguyên Pre-Code Hollywood kiểm duyệt tất cả các phim có tiếng đồng thời với hình ảnh nếu muốn được phát hành thương mại và công chiếu rộng rãi.

Trong thời kỳ này, những yếu tố về người queer vẫn thường xuyên xuất hiện trong phim ảnh, như Footlight Parade (1933), Only Yesterday (1933), Queen Christina (1933), Morocco (1930) hay bộ ba phim Orphic của Jean Cocteau… nhưng họ thường được miêu tả với tính cách phản diện, kỳ lạ hoặc tâm lý bất ổn. Với một số bộ phim không làm rõ hình ảnh đồng tính được thể hiện qua những bộ phim như City Lights (1931) của Charlie Chaplin, Bringing Up Baby (1938),…

Nhận thấy sự tăng cao của các nhân vật đồng tính luyến ái trên màn ảnh, vào năm 1933, bộ luật Hays tuyên bố xóa toàn bộ các nhân vật là người queer ra khỏi những bộ phim.

Thời kỳ của queer film đã nhanh chóng kết thúc trước khi chiến tranh thế giới thứ 2 bắt đầu.

Mở ra một kỷ nguyên mới.

Sau gần mười năm chiến tranh thế giới thứ 2 kết thúc, thế giới dần quay lại quỹ đạo vốn có. Motion Picture Production Code hay còn gọi là bộ luật Hays cũng chính thức kết thúc cùng thời đại Pre-Code Hollywood vào năm 1954, nhưng vì ảnh hưởng từ bộ luật Hays lên nhân vật người đồng tính, những bộ phim có vai diễn nổi bật từ thời kỳ vàng của điện ảnh Hollywood gần như đều xây dựng nhân vật đồng tính như một kẻ tàn bạo, phục vụ cho sự hài hước, chống đối xã hội hay rối loạn tâm thần. Bộ luật sẵn sàng chấp nhận những bộ phim mang yếu tố “đồi bại về tình dục” nếu như bộ phim xây dựng nhân vật theo một cách tiêu cực.

Khi tiến đến một thời đại mới và cụ thể là thời vàng son của Hollywood với những thế hệ diễn viên đỉnh cao, người ta nhớ đến John Wayne, Marilyn Monroe, Marlon Brando, Paul Newman, Grace Kelly, Audrey Hepburn Sean Connery, James Dean, Julie Andrews… hay những nhà làm phim tên tuổi như đạo diễn người Mỹ Billy Wilder, Frank Capra, Ingmar Bergman từ Thụy Điển, Federico Fellini từ nước Ý, “làn sóng mới” từ các đạo diễn phim độc lập ở Pháp như François Truffaut, Jean-Luc Godard, Agnès Varda, và không thể thiếu đạo diễn người Anh - Alfred Hitchcock.

Nhắc về Alfred Hitchcock cùng với chủ đề về cộng đồng người queer, khán giả sẽ nghĩ ngay đến Psycho (1960), một bộ phim tượng đài được xem là tiền đề cho dòng phim kinh dị, trong đó có một nhân vật được cho là rối loạn tâm thần đa nhân cách, tồn tại hai con người bên trong giữa chính mình và mẹ mình. Hình ảnh Anthony Perkins mặc váy, đội tóc giả cùng với một con dao trên tay cùng với nụ cười cuối phim đã tạo nên thương hiệu cho bộ phim và trở thành một trong những bộ phim xuất sắc nhất mọi thời đại.

Thế nhưng Hitchcock không chỉ có Psycho là gợi ý đến cộng đồng người đồng tính hoặc chuyển giới. Quay trở lại năm 1940 với Rebecca, không dễ để tìm thấy yếu tố đồng tính trong bộ phim vì sự bất cập của những bộ luật điện ảnh, nhưng Hitchcock đã “mã hóa” yếu tố đồng tính để xây dựng nên một nhân vật phản diện. Mặc dù không đề cập rõ ràng câu chuyện phía sau nó nhưng khán giả vẫn có thể nhận ra được những hành động gián tiếp mà Mrs. Danvers do Judith Anderson thủ vai thể hiện trong suốt bộ phim như ngầm khẳng định mình có ý với người chủ đã mất. Từ cách phơi bày lòng mình ra để tâm sự về người phụ nữ mang tên Rebecca và hành động nâng niu những chiếc áo đã thể hiện một niềm đam mê mãnh liệt.

Ngoài ra, Rope (1948) và Strangers On A Train (1951) của Alfred Hitchcock đều được cho là có những ẩn ý về quan hệ đồng giới giữa những người đàn ông trong phim.

Sự phát triển của queer phim ngày càng được chấp nhận ở một mức độ. Những bộ phim dần trở nên kinh điển và thành công có những lồng ghép về người queer như Cat on a Hot Tin Roof (1958) của Richard Brooks, The Children’s Hour (1961) của William Wyler người từng hợp tác với Audrey Hepburn trong bộ phim Roman Holiday (1953) hay All About Eve (1950) được đạo diễn bởi Joseph L. Mankiewicz (một bộ phim có kỷ lục xuất sắc với 14 đề cử Oscar cho đến khi bị Titanic phá vỡ), Victim (1961) của Basil Dearden, bộ phim nói tiếng Anh đầu tiên sử dụng từ “homosexual”, Una giornata particolare (1977) của điện ảnh Ý đạo diễn bởi Ettore Scola cũng gặt hái vô số thành công, Some Like It Hot (1959),..

AIDS và lời tuyên bố đồng tính luyến ái không phải một căn bệnh.

Xã hội đã đến lúc phát triển, tạm rời xa những bộ phim trắng đen để đến với một thế giới nhiều màu sắc hơn. Con người dần chấp nhận những khác biệt, kể cả những người dị tính và những người thuộc cộng đồng cũng bắt đầu chấp nhận bản thân mình. Cuối những năm 80, những bộ phim queer cũng được đổi mới, họ kể về những câu chuyện tình, những góc khuất, những bất công của xã hội.

Maurice (1987) của đạo diễn James Ivory, bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn E. M. Forster được xuất bản vào năm 1971. Maurice là một câu chuyện diễn ra ở đầu thế kỷ 20, trong cái kỷ nguyên kìm nén của thời Edwardian, một thời đại của sự du bỗng, tiệc tùng và người ta nói rằng “mặt trời không bao giờ lặn ở nước Anh.” Được diễn tả như một câu chuyện tình đồng tính lãng mạn thật sự từng tồn tại. Bộ phim như một tiếng nói đương thời của những người đồng tính về sự đấu tranh, hòa nhập và tình yêu.

Nhưng, thập niên 80 là khoảng thời gian nhạy cảm. Khủng hoảng về căn bệnh thế kỷ AIDS lên đến đỉnh cao. Tờ báo The Times của nước Anh đã đặt một câu hỏi (Tạm dịch): “Có nên thách thức niềm đam mê đồng tính luyến ái trong một cuộc khủng hoảng AIDS không?” Thế nhưng, những câu hỏi, sự nghi hoặc đó cũng không thể đánh bại một tinh thần đoàn kết và sự tự do của cộng đồng người queer.

Ngày 17/5/1990, tổ chức y tế thế giới WHO chính thức loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách căn bệnh về tâm thần. Một năm sau đó, The Silence of The Lambs (1991) được phát hành, trở thành bộ phim thuộc thể loại tâm lý kinh dị kinh điển của điện ảnh thế giới. Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Thomas Harris. Trong tiểu thuyết, mặc dù vẫn xây dựng hình ảnh của một người queer một cách bệnh hoạn và phản diện, nhưng tác giả hoàn toàn không mang ẩn ý tiêu cực. Cũng giống như những gì được thể hiện trong sách, bộ phim đã không xây dựng dựa trên góc nhìn của Jame Gumb, người thường được gọi với tên là Buffalo Bill. Anh ta được cho là mắc những chứng bị rối loạn tâm lý nên đã không đủ điều kiện để được chấp nhận phẫu thuật chuyển giới ở các bệnh viện cùng với lịch sử bị lạm dụng của mình. Đây là một nhân vật phức tạp được thể hiện trong bộ phim nhưng chúng ta vẫn nhớ đến cách Buffalo Bill đứng trước máy quay trong thân hình của một người phụ nữ và hạnh phúc với điều đó, nó như một hình ảnh biểu tượng không thể quên trong lịch sử điện ảnh cũng như đối với cộng đồng người queer.

Điện ảnh là tình yêu, tình yêu là không giới hạn.

Điện ảnh dành cho chủ đề về cộng động người queer vẫn chưa được đa dạng, thường chủ yếu xoay quanh việc tống tiền, tự sát, yếu tố mua vui hoặc thưởng xảy ra ở những nơi có yếu tố xã hội tác động. Queer phim chưa bao giờ được phát triển điện ảnh một cách tốt nhất trong những năm lịch sử nhưng đã dần chứng minh được bản thân mình là một chủ đề đáng khai thác và đôi khi còn mang yếu tố truyền đạt cho xã hội với tư cách là một đại diện tiếng nói văn hóa phổ biến cho cộng đồng LGBTQ+.

Đạo diễn Paul Verhoeven từng chia sẽ với tờ báo Variery trong buổi phỏng vấn về Benedetta :“Homosexuality is part of life, so it should be a part of our dramas. Why should I ignore that? It’s there. A certain part of the population is bisexual or homosexual or transgender, that’s the reality. I come back to it because it’s a normal part of life.”

(Tạm dịch: Đồng tính là một phần của cuộc sống, và nó cũng sẽ luôn là một phần trong những bộ phim của chúng tôi, tại sao phải nhắm mắt trước những thứ vẫn đang tồn tại, nó ở ngay đây. Một cộng đồng những người song tính, đồng tính và chuyển giới, đó là một thực tế không thể chối bỏ. Tôi quay trở lại với một bộ phim đồng tính vì đó là một điều bình thường của cuộc sống.)

Với thời đại đón nhận cởi mở đối với người đồng tính hay cả cộng đồng những người có xu hướng tính dục và bản dạng giới khác với dị tính và hợp giới. Chủ đề về người queer đang được phát triển mạnh mẽ trở lại, không khó hiếm gặp hình ảnh của những cái ôm từng được cho là “suy đồi đạo đức”, “ái nam, ái nữ” hay những nụ hôn “lệch lạc”.

Tiếc thay, chúng ta sẽ vĩnh viễn không được nhìn thấy được 90% những bộ phim đã bị mất trước năm 1929. Rất nhiều những bộ phim đã không tuân theo chuẩn mực xã hội ngày trước cũng chung một số phận bị phá hủy, không thể xác định số lượng những bộ phim đã hoàn toàn biến mất khỏi văn hóa của con người.

Gần đây, Moonlight đã làm nên lịch sử vào năm 2017 với tư cách là bộ phim LGBTQ+ đầu tiên giành giải Oscar cho bộ phim hay nhất. Portrait de la jeune fille en feu giành chiến thắng hạng mục Queer Palm và Sciamma cũng giành giải Kịch bản xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Cannes 2019. Chủ đề về cộng đồng người queer sẽ còn phát triển trong tương lai, nhưng sẽ không ai quên đi những hình ảnh đã trải qua năm tháng của những bộ phim cũ đã góp phần xây dựng, đấu tranh cho một nền điện ảnh tự do như ngày hôm nay.

Những hình ảnh từng được xem là “queer” ngày trước, giờ đây mọi người đơn giản gọi đó là tình yêu.


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo