phỏng vấn

NHỮNG TRĂN TRỞ CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ: PHỎNG VẤN ĐẠO DIỄN FEDERICO FELLINI

Người viết: Tâm Nguyên Abu

img of NHỮNG TRĂN TRỞ CỦA NGƯỜI NGHỆ SĨ: PHỎNG VẤN ĐẠO DIỄN FEDERICO FELLINI

(Trích) Lược dịch từ cuộc phỏng vấn tại Milan, Ý vào mùa hè năm 1986, không lâu sau khi Fellini cho ra mắt bộ phim “Ginger and Fred”

BERT CADULLO: Ngoài hình tượng người phụ nữ, làm sao để ông tìm thấy nguồn cảm hứng nghệ thuật giữa thời đại tầm thường chúng ta đang sống? Hay phải chăng ông không cảm thấy sự tầm thường ấy đang vây hãm lên con người ta?

FEDERICO FELLINI: Ôi không, chúng ta đang sống giữa một thời đại man rợ. Người ta vẫn nói rằng tất thảy chúng nhân đang ở trong thời kỳ quá độ, nhưng mọi kỷ nguyên của con người đều là quá độ mà, phải không? Chắc chắn sẽ chẳng còn huyền thoại nhiệm màu nào xuất hiện nơi ta nữa. Huyền thoại Kitô giáo dường như chẳng thể giúp ích cho nhân loại giờ đây. Lẽ vậy, ta đang ngóng trông một huyền thoại tươi mới xuất hiện giữa nhân gian để an ủi, nâng đỡ tâm hồn. Nhưng phép màu nào đây? Tuy vậy, thật kỳ thú làm sao khi được hiện diện vào thời điểm như thế này. Ta phải chấp nhận quãng thời gian ta đang sống thôi. Chúng ta không có lựa chọn. Và vì vậy, tôi nhận ra sứ mệnh của tôi giữa sự tồn tại này, nhận ra ơn gọi cao cả của tôi - nếu anh cho phép tôi dùng từ này, đó là trở thành một chứng nhân lịch sử; và nếu kiếp sống ta là bao chứng cứ sâu nặng, thì ta phải chấp nhận những gì ta đã chứng kiến. Đương nhiên, ta có thể hoài trông về quá khứ, có thể nhung nhớ cách những năm tháng xưa kia đã từng huy hoàng ra sao, và ta có thể thở than, ai oán về sự xói mòn, băng hoại của các giá trị tinh hoa, nhưng làm điều đó thật chẳng ích gì. Đứng trên góc độ thế hệ tuổi tác, tôi biết rằng trong tâm sẽ luôn có sự tiếc nuối nhất định về những điều đã qua, nhưng cá nhân tôi cố gắng sống với niềm tin dai dẳng rằng tương lai sẽ đồng hóa lại quá khứ nhiệm màu. Quá khứ sẽ tự chuyển hoá thành tương lai, nên xét một nghĩa nào đó, ngày hôm qua ấy sẽ được hồi sinh – nhưng không phải trong niềm hối tiếc, mà hiện diện như một phần của tương lai sắp tới.

BC: Tầm nhìn này có liên quan đến việc ông luôn chú tâm vào một thực tại nội hàm hơn là những điều diễn ra bên ngoài kia không? Những giấc mơ cùng trí tưởng tượng nội tâm dạt dào liệu có phải là nền tảng khơi cho ông nguồn cảm hứng nghệ thuật?

FF: Tôi không tập trung quá nhiều vào điều gì truyền cảm hứng cho tôi. Thay vào đó tôi phải xúc chạm đến những ảo tưởng, những dằn vặt và cùng nỗi sợ hãi bên trong mình; tất cả cứ như là dữ liệu để tôi sáng tác nghệ thuật. Tôi đã thu vén tất cả, cùng với những tai ương, với cái hư không và vực thẳm trong tôi, và rồi tôi đối diện chúng bằng sự tỉnh thức, để dung hoà tất cả.

BC: Cho phép tôi hỏi, ông sợ hãi điều gì?

FF: Tôi sợ sự cô độc, sợ cái khoảng không giữa hành động và sự trầm ngâm quan sát, trong đó nỗi cô đơn luôn ngự trị. Đó là lăng kính phản chiếu sự tồn tại của tôi, nơi tôi cố gắng hành động mà không bị hành động cuốn trôi đi mất, để có thể làm một chứng nhân cho đời. Tôi sợ mất đi cái thanh thoát nơi tâm hồn mình bởi những điều tôi vẫn hằng chứng kiến, mất nó bởi cái thói lúc nào cũng phân tích, bình luận mọi sự. Tôi cũng sợ hãi trước tuổi già, trước sự điên loạn, suy sụp. Tôi sợ mình không thể làm tình mười lần một ngày…

BC: Ông có làm phim bởi sự cô đơn là một nỗi sợ lớn lao, khiếp đảm của mình không?

FF: Đối với tôi, làm phim không chỉ là một cách sáng tạo mà còn là một sự thăng hoa hiện sinh. Tôi cũng viết lách và vẽ tranh trong cô độc, âm thầm, theo lối gần như khổ hạnh. Có lẽ cái tính của tôi quá cứng nhắc, quá nghiêm khắc rồi. Thế nhưng, dường như rạp chiếu phim là một phép màu nhiệm giữa cõi đời này, bởi ta có thể được sống qua một cuộc đời nơi ta là gã kể chuyện. Thật kích thích làm sao. Đối với tính khí và sự đa cảm của tôi, mối tương quan giữa cuộc sống thường nhật và cuộc sống tôi kiến tạo trên màn bạc mới ly kỳ, tuyệt vời làm sao. Những kẻ sáng tạo luôn đắm mình nơi ranh giới mơ hồ, mờ nhạt, nơi mà ta vẫn gọi “thực tế” giao cắt “mơ mộng” - nơi cái này lấn sân sang cái kia. Cả hai dần hoà quyện và trở thành như một. Tóm lại, tôi thích kể những câu chuyện điện ảnh với sự pha trộn không thể tách rời giữa “chân thực” và “sáng tạo”, để nói lên những khát khao có thể làm rung động lòng người, khát khao được thú nhận bản thân một cách không dối lừa, được tha thứ cho linh hồn tội lỗi này, được yêu mến, được quan tâm, được lương thiện, được trở thành nhà tiên tri, thành chứng nhân, hay một chú hề… làm sao cho mọi người nở được nụ cười, làm sao cho họ rung động. Còn động cơ nào khác là cần thiết không?

BC: Không hẳn vậy! Bây giờ ta hãy nói về nhận định cho rằng những bộ phim đầu tiên của ông thường mang tính thực tiễn xã hội mạnh mẽ, trong khi những tác phẩm sau này của ông được mô tả là vô cùng mê ảo.

FF: Anh có thể gọi cái mê ảo ấy là một “thực tiễn sâu sắc hơn”. Các nhà phê bình luôn có nhu cầu phân loại và đánh giá. Tôi thì không thấy vậy. Tôi ghét thế giới của các thứ nhãn mác, cái thế giới đã đánh tráo trắng trợn nhãn mác ấy với sản phẩm bị dán nhãn. Tôi chỉ làm những gì tôi phải làm thôi. Từ “chủ nghĩa hiện thực” là một từ dở hơi, trong mọi trường hợp. Ở một khía cạnh nào đó, mọi thứ đều là chân thực. Tôi không thấy ranh giới giữa tưởng tượng và cái thực; Tôi nhìn thấy nhiều cái thực trong chính trí tưởng tượng của tôi.

BC: Các nhà phê bình cũng mô tả các nhân vật của ông bằng hai chữ “kỳ quái” và “cường điệu”. Ông phản ứng ra sao trước nhận xét này?

FF: Để trả lời câu hỏi này, tôi chắc phải xem phim của mình, điều mà tôi chưa bao giờ làm. Người ta nói tôi hơi bị lố lăng, tôi cường điệu hóa. Có lẽ họ đúng. Nhưng cho dù đó là sự thật thì tôi cũng không cố tình cường điệu mọi thứ lên như vậy. Tôi rất vui thích khi bắt gặp một khuôn mặt biểu cảm, dù có kỳ quái đến đâu. Suy cho cùng, tôi vốn là một hoạ sĩ vẽ tranh biếm họa, và tôi phải chấp nhận những hạn chế mà ngón nghề này luôn đặt ra cho tôi. Một kẻ sáng tạo luôn có nét ngây ngô, trẻ thơ trong tâm hồn: Anh ta vừa thích gây ngạc nhiên cho khán giả vừa muốn làm điều đáng bất ngờ. Vì vậy, tôi chọn thể hiện bất cứ điều gì, hoặc vĩ đại, khổng lồ, hoặc tí hon, bé nhỏ hoặc đơn giản là điều gì thật xa lạ, độc đáo. Tôi cố gắng thể hiện cảm giác ngạc nhiên, mới mẻ ấy theo cách mà chính tôi cũng cảm nhận được. Chẳng hạn, thế giới trong tranh Picasso có thể bị người ta coi là kỳ lạ và quái dị, nhưng đối với ông ấy thì không. Tôi cũng không thấy nhân vật của mình có gì lạ. Tôi chỉ đơn giản là đang cố gắng vượt lên thứ vỏ bọc đên ngoài, để khám phá những gì ẩn sau cái mà chúng ta vẫn gọi là “sự bình thường”. Có lẽ tôi đã làm quá rồi. Mọi người hỏi tôi, “Thưa ông Fellini, ông tìm thấy những nhân vật kỳ lạ như vậy ở đâu?” Và tôi trả lời: “Đó là những gì tôi nhìn thấy trong gương hàng ngày… một khuôn mặt thực sự quái dị!” Hãy nhìn xem, tôi không hề tàn nhẫn nhé. Một số nhà phê bình nói rằng tôi muốn giễu nhại và căm ghét loài người - điều đó không đúng […]

BC: Ông đã làm làm hiện lên vẻ đẹp mỹ miều của những người phụ nữ như Claudia Cardinale và Anita Ekberg - bên cạnh đó còn có cả sự “kỳ quái” rất riêng: ví dụ như một người phụ nữ mang nét phồn thực như Saraghina trong 8 1/2. Rốt cuộc không có sự phân tách nào giữa cái đẹp ở đây sao?

FF: Vẻ đẹp không chỉ giới hạn trong nét đẹp theo nghĩa cổ điển. Cái đẹp hiện diện ở khắp muôn nơi. Tôi phải thừa nhận rằng tôi không nhận ra phạm trù về cái “kỳ quái” đâu; đối với tôi ngay cả cái kỳ cục cũng dễ thương theo một cách riêng […]

BC: Ông có cho rằng bản thân là người lãng mạn không?

FF: Tôi không nghĩ mình có góc nhìn lãng mạn về thế giới này, bởi vì tôi không rút ra một quan điểm cụ thể, toàn diện nào về sự sống. Có lẽ tôi có quan niệm lãng mạn về người nghệ sĩ và nghệ thuật, nhưng về cuộc sống này thì không. Tôi thích khám phá điều ẩn giấu sau vẻ bề ngoài của vạn vật, tìm kiếm cái chân thật ở đó, tựa như một cậu bé tinh nghịch, hiếu kỳ. Ở đây tôi đã nhận ra chính tôi - một con người hoài nghi, một người cố gắng không đặt quá nhiều niềm tin vào những thứ hiện hữu bên ngoài, một người cố gắng bóc trần sự giả dối. Tôi nghĩ đó là điều cốt lõi: Tôi không đi theo hệ tư tưởng nào, nhưng nếu tôi buộc phải đồng nhất mình với một hệ tư tưởng bất kỳ thì đó sẽ là vẻ đẹp nguyên sơ của nghệ thuật khi cái giả dôí bị bóc trần; là sự giáo dục con người; là cách ta gieo vào tâm trí nhân loại một nỗi hoài nghi, trăn trở, rằng Cái Thật là điều gì đó phức tạp hơn vẻ bề ngoài; và ta sẽ đem đến cho nhân gian niềm vui chân thật của đôi chút hoài nghi, chứ không chỉ là gánh nặng, nỗi giày vò của sự ngờ vực; để giúp con người không cảm thấy bị bao bọc quá mức bởi những điều cấm kỵ, những khái niệm, những hệ tư tưởng. Cuộc sống này phức tạp hơn tất cả những điều đó. Giả sử, tôi bị yêu cầu phải chỉ ra một mô típ, hay một sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các tác phẩm của tôi, thì tôi sẽ nói rằng đây là chân lý duy nhất: là một nỗ lực vượt bậc nhằm giải phóng con người khỏi các cơ chế thông thường, các quy tắc, quy luật: nghĩa là, một sự vươn lên kiếm tìm giá trị đích thực của cuộc sống, trái ngược với tất cả các hình thức giả tạm mà cuộc sống bấy lâu nay buộc ta phải tuân theo. Tôi tin rằng đó là tư tưởng cốt lõi được thể hiện trong tất cả các bộ phim tôi đã làm.

BC: Điều này có đồng nghĩa với việc ông tránh bị phán xét không?

FF: Điều đó thực sự là không thể. Chúng ta là nô lệ của nền văn hóa, là tù nhân của xúc cảm. Ta luôn có những quan điểm chủ quan. Tính chủ quan thể hiện rằng ta đã có một nền tảng giáo dục nào đó, ta đã đọc những cuốn sách nào đó, và ta đã nuôi dưỡng những cảm xúc như thế nào. Tất cả những điều bí ẩn và đầy mâu thuẫn này đều là cơ sở cho những phán đoán của chúng ta. Kể cả khi ta có thể vờ là một chứng nhân khách quan của sự tồn tại, thì ta cũng đâu thể bỏ qua yếu tố chủ quan này. Tôi luôn cố gắng mở lòng mình ra, nhưng vẫn luôn quan tâm đến những gì tương xứng với nền tảng chủ quan của mình mình

BC: Ông có cảm thấy bản thân mình đổi thay khi ở trường quay không?

FF: Tôi luôn là một kẻ bối rối mà thôi. Không có sự khác biệt gì. Khi tôi làm việc, có lẽ tôi trở nên năng động, mạnh mẽ hơn bình thường bởi những áp lực phải hành động, phải trốn chạy, phải sống, đã phần nào cho tôi động lực […]

BC: Làm thế nào mà sự bối rối trong ông có thể phát triển thành một tầm nhìn, một quyết tâm tập trung cao độ vậy?

FF: Đó là một câu hỏi rất khó trả lời. Tôi không muốn tỏ ra quá bí ẩn gì đâu, nhưng có một phần nào đó trong tôi đôi khi toả sáng vào phút giây cuối cùng. Càng bối rối, tôi càng sẵn sàng cho những hạt giống mới trong trí tưởng tượng ươm mầm. Đây chính là điều khiến mọi thứ vận hành đúng hướng chăng? Càng cảm thấy lạc lõng bao nhiêu, tôi lại càng tin rằng mình có thể được cứu rỗi bởi nguồn tri thức nhân loại bao la mà tôi còn chưa hề khai phá. Đó là thực sự là phép màu […]

BC: Ý ông là những tri thức này của ông đã vượt xa lý trí?

FF: Đúng vậy. Ta có thể bị lạc lối nếu quá duy lý. Nhưng nếu ta làm việc với đức tin, ta biết giới hạn của mình, đồng thời ta là một con người giản dị, khiêm nhường nhưng cũng kiêu hãnh, tựa như một người đàn ông đích thực, ta có thể vươn đến sự thật. Nếu ta trở nên thành thật với chính bản thân mình, thì ta sẽ dần vươn đến chân lý về nghệ thuật.

BC: Có bộ phim nào đại diện cho con người ông một cách toàn vẹn hơn thảy những bộ phim khác không? Có tác phẩm nào xứng danh được bảo tồn?

FF: Tôi sẽ chọn hai trong số các bộ phim của tôi: La Strada và 8 1/2. La Strada thực sự là bức tranh toàn diện về thế giới thần thoại cùng phần bóng tối sâu thẳm trong tôi, một sự phô bày trần trụi, đầy táo bạo về bẳn sắc con người tôi. Điểm khởi đầu của bộ phim, bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên và sự mê hoặc từ những chuyến phiêu bạt của người gypsy, là câu chuyện về sự giác ngộ, về nỗi niềm lay động lương tâm, thông qua sự hy sinh, tận hiến của con người. Còn 8 1/2 được làm ra để nói lên nỗ lực, khát khao dung hoà với cuộc sống. Tôi nghĩ bộ phim đã đưa ra cho con người một giải pháp giữa muôn vàn trăn trở, đó là biến mình thành người bạn hiền của chính mình, không do dự, không giả dối, không sợ hãi cũng không vọng tưởng hão huyền.

[…]

Lược dịch từ:

Bert Cardullo (2008), Soundings on Cinema: Speaking to Film and Film Artists, Published by

State University of New York Press, Albany, tr. 57-64

#Abu


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo