phân tích
LA STRADA (1954): PHIÊU BẠT TRÊN CON ĐƯỜNG ĐỜI
Người viết: Tâm Nguyên Abu
“Chúa ơi, chúng con thật bần cùng làm sao!”
La Strada (tựa Việt: Con Đường) là bộ phim gắn liền với Federico Fellini đại tài. Một thước phim trắng đen nhuốm màu hiện thực trần trụi, vừa thơ thẩn vừa nghiệt ngã, u hoài. Với La Strada, Fellini đã khắc hoạ nên bầu không khí ảm đạm của một nước Ý thời hậu thế chiến, phơi bày nên ranh giới mong manh giữa giấc mơ và ác mộng, cùng những mối quan hoài thường trực về bạo lực, nhân sinh, tình yêu và khát vọng sống.
La Strada được mở ra với khung cảnh một vùng quê tàn tạ nước Ý. Nàng thơ của La Strada – Gelsomina (Giulietta Masina) hiện lên với vẻ chân quê, mộc mạc và có phần ngây thơ, khờ khạo. Cuộc đời của Gelsomina có lẽ bấy lâu nay chỉ gắn liền với gia đình và mảnh đất quê hương. Gel thật non nớt và chưa nếm trải những sự đời đắng cay, nghiệt ngã. Người chị của Gelsomnia xa nhà để mưu sinh nơi gánh xiếc nay đã ngã bệnh mà qua đời. Khi hay tin, gia đình Gel vì quá túng quẫn nên đã bán cô cho Zampanò (Anthony Quinn) – một gã diễn xiếc rong để thế chỗ cho người chị xấu số với giá 10000 lire. Gelsomina với lối suy nghĩ đơn thuần, ngờ nghệch lại chẳng màng đến những sóng gió chuẩn bị ập đến cuộc đời phiêu bạt, mà chỉ mơ về một tương lai tươi sáng đến viển vông: “Tôi sẽ trở thành một nghệ sĩ. Tôi sẽ múa và hát như chị Rosa.”. Trong tâm trí của Gel khi ấy là sự gắn bó toàn ý toàn tâm với gã đàn ông lạ mặt kia, và một khi chấp nhận đi theo gã, Gel đã từ bỏ mảnh đất quê hương với những nếp sống thanh bình, thân thuộc, để phiêu bạt, rong ruổi trên con đường đời. Trớ trêu thay khi Zampanò lại xung khắc gần như hoàn toàn với cô thiếu nữ ngây dại, hắn lạnh lùng, cục súc và thô lỗ đến không tưởng. Từng cử chỉ của Zampanò ở khung cảnh đầu phim, từ giọng nói cục cằn, ánh mắt thờ ơ cho đến cách gã phì phèo điếu thuốc khi gia đình Gel chia ly đều khơi gợi đến cho ta những dự cảm không lành về một tương lai sóng gió. Trong khoảnh khắc đấy, ta biết rằng, một khi bước lên chiếc xe của Zampanò, thì cuộc đời Gel sẽ chẳng bao giờ còn những bình yên xưa cũ.
Có thể coi, tính bạo lực, sự lăng nhục con người đã được đẩy lên cao trào đến mức trần trụi trong thước phim của Fellini, thể hiện qua cách đối xử tàn nhẫn của Zampanò với nàng Gel tội nghiệp. Để “huấn luyện” Gelsomina tiết mục gõ trống, gã đã bẻ một cành cây để vụt vào chân Gel một cách thô bạo. Liệu hắn có còn coi Gel như một con người, một cô gái thiện lành, ngây thơ, hay đơn thuần chỉ là một con vật, một công cụ biết nói cùng hắn rong ruổi ngày này qua tháng khác? Mặt khác, chính Zampanò cũng đã dạy cho Gelsomina cách sinh tồn với lối sống nay đây mai đó, đã phô bày cho Gel những lát cắt hiện thực trần trụi của cuộc đời. Zampanò – người đàn ông với lá phổi thép, hiện lên như một dã thú, còn Gelsomina bé nhỏ lại chẳng khác nào một con nai tơ khờ khạo. Kể từ khi gắn bó với Zampanò, cuộc đời của Gelsomina chỉ còn những tháng ngày ngập chìm trong tủi nhục và nước mắt. Nhưng bằng một cách thần kỳ nào đó, hay cũng có thể là bằng những ảo mộng viển vông, mơ hồ, mà Gelsomina vẫn một lòng tận hiến với gã đàn ông cuồng loạn. Sự gắn bó qua tháng ngày với Zampanò đã làm Gelsomina nảy sinh một thứ tình yêu mù quáng. Còn với Zampanò, Gel là người không danh phận, là kẻ hắn có thể chung sống, phiêu bạt, nhưng cũng là kẻ hắn có thể lạm dụng, có thể bỏ mặc giữa màn đêm hiu hắt để ái ân với một người đàn bà xa lạ. Khi bị Zampanò bỏ rơi, Gel đã khát khao trở về ngôi nhà dấu yêu của mình để không còn phải chịu cảnh tủi nhục câm lặng ấy nữa, thế nhưng việc một mình sinh tồn giữa thành phố hiểm nguy, đối với người con gái bé nhỏ như Gel thì gần như là không thể. Cuối cùng, Zampanò đã đi tìm Gelsomina về, và Gel cũng dần không phản kháng nữa, tiếp tục chuỗi hành trình rong ruổi. Những hy vọng trong Gel cứ lớn dần lên thì bị dập tắt phũ phàng, nhưng rồi chúng lại hồi sinh thêm hết lần này đến lần khác, và khi ấy nàng đã vỡ lẽ ra rằng, rời xa Zampanò là điều không tưởng!
Trần trụi, nghiệt ngã là vậy, nhưng Federico Fellini vẫn điểm tô cho thước phim của mình những gam màu của niềm tin và hy vọng. Đó là khi Gelsomina cùng Zampanò gia nhập một đoàn xiếc, và tại nơi này, Gel đã gặp Il Matto (Richard Basehart), hay còn được gọi là The Fool. Trái ngược với một Zampanò lãnh đạm, sân hận và cục cằn, The Fool luôn hiếu động, tinh quái và đem đến niềm vui cho mọi người xung quanh. Có lẽ ngay từ những phút giây đầu tiên, tôi đã dành cho Il Matto sự thiên vị cảm mến, bởi anh không khác nào một ánh dương toả rạng bên cuộc đời tăm tối của Gelsomina. Trên tất cả, tôi thấy ở The Fool một tâm hồn tự do, rộng mở, nhiệt thành, một niềm tin và khát vọng sống hết mình. Một anh hề tưởng chừng ngờ nghệch lại có nhận thức sâu sắc về cuộc đời, và chính anh cũng đã gieo lên trong Gelsomina niềm hy vọng vào tương lai:
The Fool: “Tôi có thể vô học, nhưng tôi cũng có đọc sách. Em chẳng tin được đâu. Nhưng vạn vật đều tồn tại với ý nghĩa riêng của nó…như hòn đá này chẳng hạn.”
“Tôi cũng chẳng biết nữa. Nếu tôi tường tận vạn sự, tôi đã là Đấng toàn năng. Khi ta được sinh ra rồi lại chết đi…chẳng ai biết được. Tôi chẳng biết hòn đá kia có ích vào việc gì, nhưng chắc chắn là nó có ích. Nếu nó có vô ích đi chăng nữa, thì mọi thứ cũng đều vô nghĩa. Và những vì sao kia cũng vậy…”
The Fool muốn cho Gelsomina tìm được tiếng nói của riêng mình, và muốn giải thoát nàng khỏi chuỗi ngày khổ đau. Quả thực, Federico Fellini đã khắc hoạ sự tương phản tài tình mà sâu sắc giữa các hình tượng nhân vật trong phim, khi Il Matto là hiện thân cho Trí Tuệ, Zampanò là đại diện cho Thể Xác, còn Gelsomina lại là biểu trưng cho Tâm Hồn. Il Matto và Zampanò là nước đối đầu với lửa, là hai con người sẽ không bao giờ có thể hoà hợp. Chính tình cảm chân thành Il Matto dành cho Gelsomina đã khơi dậy khát vọng chiếm hữu của Zampanò, và hỡi ôi, gã đàn ông với lá phổi bằng thép đã quyết giành lại nàng Gel như thể nàng là một món đồ sở hữu. Il Matto từ lâu đã nhận thấy bản chất thú vật, cục súc của Zampanò, và càng chua xót, trớ trêu hơn khi anh đã biết tỏng thứ tình yêu mù quáng Gelsomina dành cho Zampanò. Hơn ai hết, anh cũng hiểu rằng Zampanò luôn muốn có Gelsomina ở bên mình:
The Fool: “Có thể hắn yêu em đấy.”
Gelsomina: “Tôi ư?”
The Fool: “Sao lại không chứ? Hắn như một con chó. Con chó nhìn ngắm em, muốn nói chuyện và chỉ sủa thôi!”
Nhiều người cho rằng, La Strada tựa như một bức chân dung sống động về hôn nhân trong thời kỳ Nữ quyền chưa được ra đời, đó là sự bạo ngược, tàn nhẫn của Zampanò, là sự cam chịu, mù quáng của Gelsomina. Federico Fellini đã từng bộc bạch: “Hầu hết các cuộc hôn nhân đều như thế này!”. Chính những ký ức đau thương thời thơ ấu đã tác động sâu sắc đến tâm hồn Fellini, để ông chắp bút nên một La Strada u hoài, tuyệt vọng. Zampanò và Gelsomina chính là hiện thân cho cuộc hôn nhân của người cha, người mẹ Fellini – một gã chồng hung dữ, bạo ngược và một người vợ cam chịu, nhu mì. Mặt khác, nàng thơ Gelsomina cũng chính là bức chân dung của Fellini thưở còn thơ, khi Fellini thường bỏ nhà ra đi, phiêu bạt cùng những gánh xiếc và thu mình trong thế giới của những mộng tưởng, đam mê. Xem La Strada, ta có thể thấy một niềm tin dai dẳng, mù quáng mà “nàng Lọ Lem” Gelsomina dành cho Zampanò, thấy những ước vọng vun vén hạnh phúc gia đình: “Nếu tôi không ở với Zampanò, thì còn ai nữa đây?”. Hy vọng, nó có thể khiến con người tiếp bước trên con đường đời, nhưng đồng thời, nó có thể khiến ta hoá điên dại và kết liễu tâm hồn ta. Khoảnh khắc Zampanò đánh chết The Fool, rồi thiêu rụi thây xác của chàng trai tội nghiệp cũng là lúc Gelsomina chẳng còn hy vọng nữa. Khi mọi lẽ sống đều sụp đổ, thì Gelsomina đã lâm vào trạng thái u uất, điên loạn. Nàng xa lánh, ghê tởm Zampanò, ghê tởm trước tội ác của hắn, nàng im bặt không nói một lời, và cũng chẳng thiết trở về với quê nhà dấu yêu nữa. Cuối cùng, Zampanò đã bỏ nàng lại bên đường, rồi leo lên xe tiếp tục hành trình phiêu bạt…
Có một cái buồn nao nức, dai dẳng toả ra trong từng phút giây của La Strada. Cái buồn toả ra từ thứ âm nhạc của Nino Rota, từ những nghịch lý, từ sự tương phản, từ những kiếp người tàn tạ, dang dở. Có lẽ ta sẽ chẳng thể nào quên một Guilietta Masina ngây thơ, thanh thuần, một Anthony Quinn vạm vỡ, kiêu bạc, một Richard Basehart lém lỉnh, nhiệt thành. La Strada khép lại trong sự day dứt, nghiệt ngã đến vô ngần. Nhiều năm sau, Zampanò vần đi ngao du khắp nơi, trình diễn một màn phá xích đã quá đỗi cũ mèm để mưu sinh, và cũng là lúc ấy, hắn đã hay tin người con gái năm xưa đã hoá điên dại, ngã bệnh mà qua đời. Gã đàn ông kiêu bạc khi ấy say khướt, gục xuống bên bờ biển, khóc thương cho nàng thơ thuở nào. Có lẽ, Zampanò sẽ phải sống suốt đời trong sự day dứt, ám ảnh ấy, và sự thức tỉnh này cũng chính là hình phạt cho những tội lỗi hắn gây ra. Zampanò đáng trách, nhưng cũng đáng thương làm sao! Nói rằng Zampanò không có chút tình cảm nào với Gelsomina thì quả không đúng. Hắn đã tạo dựng nên vẻ bề ngoài cứng cỏi, thô lậu và băng lãnh để che lấp đi những sứt sẹo trong tâm hồn. Những kiếp người trong La Strada chính là hiện thân của sự cô đơn, lạc lõng và khát khao được sống, được yêu thương. Với La Strada, Fellini đã vẽ nên trái tim con người một cách tài tình, toàn vẹn như thế, với những mối quan hoài thường trực về nhân sinh, về tình yêu và khát vọng sống. La Strada sẽ mãi là khúc ca buồn cùa Fellini, mãi là như vậy…
“Bất cứ hòn sỏi nào cũng vậy. Hòn sỏi nhỏ bé này cũng được sinh ra với một ý nghĩa.”
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ