phim Việt Nam

LÊ VÂN - NHỮNG BƯỚC ĐI CỦA HOÀNG HẬU

Người viết: Đạo diễn - NSND Hải Ninh

img of LÊ VÂN - NHỮNG BƯỚC ĐI CỦA HOÀNG HẬU

Những ngày chuẩn bị làm bộ phim truyện về đề tài lịch sử Đêm hội Long trì, điều khó khăn nhất không phải là phải dựng lên những cung Vua, phủ Chúa mà là diễn viên. Ai đóng Tĩnh đô Vương Trịnh Sâm? Ai đóng Tuyên phi Đặng Thị Huệ? Cái khó của các diễn viên đóng các nhân vật Vua Chúa, Cung phi, Hoàng hậu, các tầng lớp phong kiến quý tộc, ngoài tài năng diễn xuất, còn cần cái hình, cái dáng làm cho người xem có thể tin được. Cứ nghĩ rằng những “típ” nhân vật này phải dựa vào các nghệ sĩ sân khấu như tuồng, chèo… nhưng thật không đơn giản. Cách diễn mang tính hình thức, ước lệ, cường điệu, những nét đặc trưng của nghệ thuật tuồng, chèo chỉ có thể được phát huy trên sân khấu trong một không gian ba chiều, rất khó hòa nhập với cách diễn như thật trong nghệ thuật điện ảnh.

Trong hai vai chính trong Đêm hội Long trì là Trịnh Sâm và Đặng Thị Huệ, thì Trinh Sâm có thể tìm thấy ngay Thế Anh, còn vai Đặng Thị Huệ thì như “đáy biển mò kim”. Để phát hiện ra một diễn viên đóng vai chị Dậu trong phim Tắt đèn đạo diễn Phạm Văn Khoa đã phải tìm trong 10 năm. Những lúc như vậy người đạo diễn không chỉ tìm diễn viên trong hiện tại, mà còn phải lục lọi trong ký ức, tìm kiếm những gương mặt, những con người đã để lại ấn tượng cho mình trong cuộc đời. Hình ảnh một Lê Vân hiện lên trong trường hợp như vậy. Tôi còn nhớ trong một buổi giao lưu văn hóa Việt Nam và Liên Xô (cũ) ở Ri-a-zan, các bạn Nga yêu cầu cô diễn viên nhỏ nhắn, xinh đẹp trong đoàn điện ảnh Việt Nam hát hoặc trình diễn một tiết mục gì đó. Cả tôi và họa sĩ Đào Đức đang lúng túng không biết phải làm gì thì Lê Vân đã bước ra sân diễn một cách mạnh dạn. Không nói, không rằng, không giới thiệu dài dòng, tin vào thứ ngôn ngữ hình thể của vũ đạo, Lê Vân đã biểu diễn một tiểu phẩm “Bước đi của Hoàng hậu”, không phải với các bạn Nga, mà ngay đối với tôi và họa sĩ Đào Đức những người bạn nghề rất gần gũi với Lê Vân cũng hết sức ngỡ ngàng. Trong không khí của người xem đoạn biểu diễn của Lê Vân, một sắc màu lung linh của Văn hóa phương Đông phủ lên không gian của một nền văn hóa khác, nó không dị biệt mà hòa nhập vào cảm xúc của mọi người. Sự im lặng trong cảm nhận của các bạn Nga là một minh chứng. Sự im lặng ấy như một làm tăng vẻ tôm nghiêm trước sự xuất hiện của một “Hoàng hậu” Việt Nam. Ấn tượng Lê Vân - một nét kiêu sa - ngày ấy đeo đuổi tôi cho đến khi đi tìm những tài năng đóng vai Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Ở cô gái này có một cái gì đó thật hư ảo, quen như lạ, như một cung điện khép kín bên trong những bí ẩn.

Việc phát hiện diễn viên vào nhân vật là việc làm vô cùng hệ trọng của đạo diễn, nó có thể đưa tác phẩm tới sự thành công hoặc thất bại. Việc làm đó cũng không đơn giản dựa vào những tài năng có sẵn, mà còn dựa vào cách nhìn, cách cảm nhận, cách phát hiện của người đạo diễn với người mình chọn. Nó vừa dựa vào kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp, song phần linh cảm cũng rất quan trọng, nó như là cái duyên nghệ thuật mà không ai có thể nói trước được.

Trong duyên nợ với điện ảnh, Lê Vân hiện lên như một chiếc cầu vồng có nhiều màu sắc, nó không theo một đường thẳng, mà đi từ thấp lên cao. Khi bước vào cửa điện ảnh, Lê Vân đem nguyên xi hình dáng một “vũ nữ” từ sân khấu múa vào bộ phim Chôm và Sa của đạo diễn Kỳ Nam. Tiếp đến là cô gái thanh niên xung phong trong phim Có một con đường của đạo diễn Nông Ích Đạt. Lê Vân trong hai phim đầu giống một “Con nai vàng ngơ ngác” trước rừng thu của điện ảnh. Nhưng rồi người ta đã phát hiện ra một tố chất lạ ở người diễn viên này dịu hiền, ít nói nhưng không lạnh lùng, vẫn tỏa ra một sự nồng ấm, hồn nhiên trong sáng, nhưng lại chứa đựng bên trong cặp mắt những cảm xúc sâu lắng, đa đoan, với một gương mặt đậm nét Việt Nam.

Trong phim Có một con đường, cô gái làm đường xin ra mặt trận không ồn ào, không lên gân một chút nào, trong lòng vẫn còn bao vương vấn, song cách diễn chân thật dung dị của Lê Vân đã đem đến một cảm nhận cho người xem là có những cuộc ra đi trong chiến tranh âm thầm và lặng lẽ như vậy của các cô gái thanh niên xung phong.

Lê Vân đã lớn lên như một diễn viên điện ảnh thực thụ khi đóng vai cô con gái trong một gia đình công chức dưới thời Mỹ Ngụy. Gam màu trong sáng hồn nhiên như tuổi thơ của nghề nghiệp được chuyển sang màu vàng chói chang đầy thơ mộng của một cô con gái nhà giàu, và tưởng cuộc đời cứ đẹp nhọc với mãi. Cô không hề biết mình ưởng cũng trong một cuộc đời đầy trắc ẩn, sống giữa những cạm bẫy của những kẻ săn người, để rồi sau đó không lâu cô gái lớn lên trong tòa biệt thự xây “trên cát” ấy đã rơi vào một thảm cảnh, mối tình đầu tan vỡ, cuộc chạy thoát thân của người cha trong “tùy nghi di tản” đã bỏ rơi lại đứa con gái cứng của mình. Và như một định mệnh, cô gái đã rớt xuống vực thẳm, trong những ngày loạn lạc, suy tàn của chế độ Mỹ - Ngụy. Vai diễn ấy của Lê Vân là một nấc thang trong nghề nghiệp, là sự chuyển màu từ hồn nhiên sang bi thảm, đa dạng hóa tài năng của mình - một bước phát triển quan trọng của người nghệ sĩ.

Nhưng phải đợi đến nhân vật Duyên trong Bao giờ cho đến tháng Mười của đạo diễn Đặng Nhật Minh thì Lê Vân mới khẳng định được tài năng của mình. Từ hồn nhiên, bi thảm, Lê Vân vươn tới mầu sắc của bi kịch - bi kịch của một người đàn bà trong chiến tranh. Với sự thành công trong vai diễn này, thực sự Lê Vân đã bước ra ngoài bầu trời của đất nước mình để hòa nhập vào nền văn hóa chung của nhân loại. Ta hãy nghe những người Mỹ nói về bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10, nhà bình luận Henry Shechan đã nói: “Bao giờ cho đến tháng 10 là một câu chuyện phức tạp về một phụ nữ sau khi biết chồng mình đã chết ở mặt trận phía Nam, đã dấu kín bố chồng về cái chết của con trai mình. Chi tiết này mang một ý nghĩa nhân bản. Bộ phim đã tạo ra được một bức tranh ít trừu tượng, đầy tính thuyết phục về một xã hội đang có sự hòa giữa đau buồn và chối bỏ”.

Ở một góc độ khác nhà bình luận Zohn Dower đã bộc lộ tình cảm chân thật của mình trong nhận xét: “Bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10 là một của đồng đến ngạc nhiên. Một bộ phim nồng ấm, nhân ái, đưa người xem ra khỏi những làng mạc bị bom Na-pan và các cuộc tàn sát, mang lại một nỗi buồn, và cho thấy cái gì đã giúp họ đánh thức đội quân xâm lược của chúng ta…”

Khi ngồi trong một trung tâm điện ảnh ở Newyork, tôi còn nhớ một nữ thạc sĩ Mỹ về nghệ thuật phương Đông cử khắc khoải mãi trong một nỗi xúc động kín đáo về tình cảm sâu nặng và sự mất mát quá lớn của người đàn bà Việt Nam (nhân vật Duyên trong phim) trong chiến tranh, không gặp được người mình yêu trên thế gian, đã lặn lội xuống tận đêm chợ âm dương để tìm chồng. Cái khoảng lặng mơ hồ ấy là sự hỗn hợp giữa lãng mạn và tâm linh, giữa hư ảo và hiện thực, mà người mang đến cho ta những cảm xúc thẩm mỹ là nhân vật vợ người lính - Lê Vân.

Lê Vân đã có những thành công trong những nhân vật dân dã, đời thường, đương đại. Sự thành công ấy ngoài tài năng còn nhiều lý do để hiểu. Dù sao những nhân vật ấy gần gũi với đời sống người nghệ sĩ, người cùng thời đại Nhưng khi phải hóa thân vào những nhân vật lịch sử những con người ở các tầng lớp phong kiến quý tộc, là vương phi, thái hậu trong cung vua, phủ chúa, sống cách xa mình hàng thế kỷ, thì lại không đơn giản chút nào.

Sự phát hiện một khả năng tiềm ẩn, nằm sâu trong những vỉa quặng quý chưa khai thác, chính là từ tín hiệu Bước đi của Hoàng hậu” của Lê Vân ở mùa thu nước Nga. Bước đi của Hoàng hậu” ấy Lê Vân đi thẳng vào cung Mên Tuyên phi Đặng Thị Huệ. Người có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, làm mê hoặc một ông Chúa văn võ song toàn - Tĩnh đô vương - Trịnh Sâm khuynh loát cả triều chính nhà Trịnh đã bền vững hơn hai thế kỷ. Quả thật một nhân vật như vậy không dễ với bất cứ tài năng nào, không chỉ riêng Lê Vân. Trong những khoảng lặng Lê cũng nhận ra điều đó.

Những người diễn viên tài năng này có một tâm hồn cực kỳ nhạy cảm. Khi đứng trước ống kính quay phim, Lê Vân không bó mình trong “hệ thống kỹ năng” của diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp, mà bằng trực giác, biểu diễn một cách khoáng đạt trong một không gian tự do, buộc ống kính phải lệ thuộc vào tuyến hành động của nhân vật với một cảm xúc mạnh mẽ, xuất thần.

Trong phim Đêm hội Long trì, khi nghe tin Đặng Lân đã bị tướng Nguyễn Mại chém đầu, Đặng Thị Huệ đã lăn lộn vào tận thâm cung nơi Chúa ở để khóc lóc, làm mình, làm mẩy.

Cảnh quay hôm ấy trời nóng như rang, Lê Vân phải mặc mấy tầng xiêm áo, lao người trong một tiết tấu điên dại không kiềm chế, nhưng lại phải phối hợp với khuôn hình của máy quay được đặt trên một đường ray di động với một tốc độ kinh người. Nhưng điều đáng nói ở đây là, đằng sau sự phục tùng những yếu tố kỹ thuật để đảm bảo cho nghệ thuật tạo hình, Lê Vân vẫn giữ nguyên được trạng thái tình cảm của nhân vật. Bên ngoài sự đau khổ đến tột cùng, tưởng như là giành cho đứa em ruột của mình, nhưng bên trong tâm trạng lại là sự đổ vỡ của một âm mưu chiếm đoạt ngôi báu cho con.

Trong những cao trào như vậy diễn xuất của Lê Vân như một ngọn lửa không thể nào kiềm chế nổi. Nếu ở bô phim dài hai tập Đêm hội Long trì Lê Vân đã phác họa được hình tượng một Vương phi đài các, kiều diễm, đa tình trong lầu son gác tía, và dùng sắc đẹp của mình để khuynh loát Chúa, can thiệp vào công việc triều chính từ phía sau ngai Tĩnh Đô Vương, thì trong bộ phim tiếp theo Kiếp phù du lại thấy một Lê Vân - Đặng Thị Huệ - kín đáo, đa mưu đa kế, khép kín mọi hành động trong thâm cung, tiêu túc nhất là đoạn chiếm đoạt ngôi báu cho con trong cơn bắp hối của Trịnh Sâm, vượt qua mặt Thái Phi và Thái Hậu - mẹ của Tĩnh Đô Vương.

Càng về cuối phim, sau khi thất bại trong âm mưu chiếm đoạt ngôi báu cho con, từ Tuyên phi bị giáng xuống làm thân phận con hấu, đầy ra trông coi lăng Chúa, cũng có nghĩa “được chết” một cách âm thầm lặng lẽ, người xem lại thấy Lê Vân trong một trạng thái tĩnh đến lạ lùng. Trên gương mặt bất động, đôi mắt mở to nhưng không còn nhìn thấy gì trước mắt, mà chìm trong ký ức, trong hư ảo, nhưng người xem vẫn thấy được những khoảnh khắc chuyển động của nội tâm nhân vật. Số phận con người như bị đảo lộn, từ trên cao danh vọng, rớt xuống tận cùng đất đen. Hình ảnh con chó đá chập chờn, cô độc nằm chầu Chúa bên lăng, sao giống thân phận người trong chuyện.

Sức diễn nội tâm của Lê Vân ở chỗ, trong một trạng thái tĩnh, không tìm kiếm minh họa bằng những hành động ngoại hình mà vẫn làm cho người xem cảm nhận được cái thế giới nội tâm bên trong đang vỡ ra từng mảng, suy sụp đến tận cùng, và làm cho người ta cảm nhận được đó là cái chết, sự tận cùng của số phận, kiếp của con phù du.

Lê Vân là một nghệ sĩ múa, không sinh ra trong cái nôi của điện ảnh chuyên nghiệp, song tài năng và lòng đam mê của người nghệ sĩ đã vượt qua mọi giới hạn để đến với tình yêu nghệ thuật thứ bảy.


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo