phỏng vấn
NHƯ HÌNH VỚI BÓNG: VỀ FRANCOIS TRUFFAUT VÀ JEAN-PIERRE LÉAUD
Người viết: Tâm Nguyên Abu
Giống như nhân vật Antoine Doinel trong The 400 Blows, Jean-Pierre Léaud khi ấy cũng là cậu thiếu niên u sầu, nổi loạn với mối quan hệ phức tạp và không mấy thuận hoà với cha mẹ. Để quay bộ phim ở Paris xa xôi, cậu đã rời khỏi ngôi trường nội trú của mình để sinh hoạt cùng cả đoàn làm phim, nhưng sự xáo trộn này dần kéo theo nhiều rắc rối.
Trong cuộc phỏng vấn với The New York Times vào năm 1969, đạo diễn François Truffaut kể câu chuyện về quá trình bấm máy bộ phim năm xưa: “Mẹ Jean-Pierre đến tìm tôi, khóc sướt mướt rồi than thở: “Không thể được, thằng bé cứ liên tục mâu thuẫn với bố nó”, và sau đó cậu bé cứ xuất hiện trên trường quay với khuôn mặt bị đánh bầm dập.”.
Jean-Pierre Léaud trong buổi thử vai cho The 400 Blows
Vào khoảnh khắc định mệnh, điều gì đó đã làm sống dậy những tháng năm tuổi thơ phiêu bạt, gian khó của Truffaut. Bị bỏ rơi, đi ăn trộm vặt, lang thang khắp các nẻo đường con phố,… những mảnh ghép ký ức buồn thương ấy cũng chính là nguồn cảm hứng để François Truffaut làm nên kiệt tác The 400 Blows. Điện ảnh là niềm đam mê, là nỗi ám ảnh và cũng là sự cứu rỗi cuộc đời Truffaut. Và có lẽ, Truffaut đã trông thấy bóng hình một thời niên thiếu xa xôi của mình ở Jean-Pierre Léaud.
Truffaut chia sẻ với phóng viên về khoảnh khắc ấy: “Khi ta đang làm phim, nội tâm ta thường ích kỷ”, – hay có lẽ chính là sự bao dung, là sự xúc động nghẹn ngào trước hình bóng của bản thân thời quá khứ, là lòng thương cao cả trước một cậu bé với tương tai vô định, mịt mù, mà ngay tức thì François Truffaut đã tuyên bố với người mẹ tội nghiệp của Jean-Pierre Léaud: “Chuyện này không thể tiếp diễn!”.
“Thế rồi, tôi đã đón nhận cậu bé ấy.” – Truffaut hồi tưởng lại.
François Truffaut và Jean-Pierre Léaud trong quá trình quay The 400 Blows
Kể từ thời điểm đó, và trong suốt quãng đời còn lại, François Truffaut đã đóng vai trò là một người anh, người cha thứ hai của Jean-Pierre Léaud. Truffaut đã cưu mang, đưa cậu bé đến trường học; tìm nơi tá túc và giúp đỡ cậu bé trong công việc.
“Mối liên hệ cha con như được dựng xây vào khoảnh khắc đó,” nam diễn viên Jean-Pierre Léaud chia sẻ vào năm 2001, “Truffaut đã chăm sóc cho đứa trẻ lạc lối trong tôi. Thật may mắn khi tôi gặp được anh ấy. Một con người nhân ái, rộng lượng, có lẽ bởi vì điện ảnh đã từng cứu rỗi cuộc đời anh ấy.”
Điện ảnh đã thay đổi Truffaut, và chính Truffaut là người truyền tình yêu điện ảnh sâu sắc của mình đến cho Léaud. Trong một cuộc phỏng vấn năm 1971 với Le Monde, Jean-Pierre Léaud kể về những kỷ niệm cùng Truffaut: “François thường đưa tôi đến các rạp chiếu phim. Ví dụ, ở một cảnh cao trào dồn dập trong Breathless, anh ấy sẽ bảo với tôi, ‘Nhìn chuyển động hay chưa kìa!’; hay khi xem Touch of Evil của Orson Welles, anh ấy sẽ quay sang nói: ‘Quan sát cú máy điêu luyện đó kìa nhóc.’ Tôi đã xem bao bộ phim, đã chứng kiến bao cảnh quay mãn nhãn, rồi tôi đã phát hiện ra những Hitchcock, Hawks, Rossellini hay Renoir; tóm lại, tôi đã trở thành một người đam mê điện ảnh, cùng với bao người bạn từ Cahiers du cinéma.”
Sự xúc động của Jean-Pierre Léaud khi lần đầu xem phiên bản hoàn chỉnh của The 400 Blows cũng chứng tỏ một mối liên hệ, sự kết nối lạ kỳ mà cũng thật màu nhiệm của cậu bé với vị đạo diễn. Truffaut hồi tưởng lại về khoảnh khắc rung động ấy: “Jean-Pierre, người đã cười nắc nẻ ngờ nghệch trong suốt quá trình quay phim, lại bật khóc nức nở: đằng sau bộ phim về thời ấu thơ của tôi, cậu bé đã nhận ra cả cuộc đời cậu được gửi gắm trong ấy.”
Trong quá trình tuyển chọn diễn viên cho The 400 Blows, Truffaut đã thổ lộ rằng ông mong muốn tìm được một cậu bé với tâm hồn đồng điệu với chính bản thân ông thời thơ ấu, hơn là chỉ một diễn viên có ngoại hình tương đồng. Tuy nhiên, thật kỳ lạ khi càng trưởng thành, gương mặt lẫn thần thái của chàng thơ Jean-Pierre Léaud càng có nét tựa như François Truffaut, khiến Pamela Andriotakis của tờ People cảm thán rằng “dáng người mảnh mai, đôi mắt sâu thẳm và cử chỉ ngượng ngùng, âu lo” của anh giống Truffaut đến kỳ lạ.
“Mọi người nói rằng chúng tôi trông giống nhau, có khi cũng đúng,” Truffaut nói với The New York Times vào năm 1969, “Chắc vì chúng tôi gặp nhau nhiều quá nên thành ra bị bắt chước nhau.” Còn Jean-Pierre Léaud khi được hỏi về điều này lại đáp: “Chúng ta thường giống những người ta yêu quý.”
François Truffaut và Jean-Pierre Léaud tại Berlin, 1962
Ngày 21 tháng 10 năm 1984, François Truffaut qua đời vì căn bệnh ung thư trong niềm tiếc thương của những con người yêu điện ảnh. Không lâu sau khi ông qua đời, tờ Cahiers du cinéma đã xuất bản Le Roman de François Truffaut - một tuyển tập những lời tri ân từ hàng chục người từng quen biết vị đạo diễn quá cố. Chàng diễn viên Jean-Pierre Léaud năm xưa đã gửi gắm đến người anh, người cha của mình những dòng ngắn gọn nhất, nhưng cũng xúc động nhất:
“Tôi mang ơn François về mọi điều trong cuộc sống. Anh ấy không chỉ truyền cho tôi tình yêu với điện ảnh mà còn đưa tôi đến với công việc đẹp đẽ nhất thế gian này: anh ấy biến tôi trở thành một diễn viên.
Ngày hôm nay gã diễn viên ấy sẽ giữ sự trầm mặc, để các Antoine, Claude và Alphonse được sống mãi và cất tiếng vọng trên màn bạc. Tôi sẽ nói thêm rằng François là người mà tôi yêu quý nhất trên thế gian, giống như cách anh ấy từng nói về người bạn André Bazin thương mến của mình. Tôi nhớ anh ấy. Tất cả chúng tôi đều thương nhớ anh ấy.
J.-P. L.”
________________
Tham khảo và lược dịch từ:
A Mimetic Thing: François Truffaut and Jean-Pierre Léaud – Cinematic Scribblings
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ