phỏng vấn
SỐ PHẬN, BI KỊCH VÀ BẠO LỰC TRONG PHIM CỦA ĐẠO DIỄN HUYỀN THOẠI FRITZ LANG.
Người viết: Robbins
Có phải rằng kịch bản tạo nên bộ phim “M” (1931) của ngài là bắt nguồn từ những vụ giết người được đưa lên báo ở Düsseldorf không?
Có quá nhiều thứ đã được bàn luận xung quanh bộ phim “M” của tôi, như một biểu tượng điện ảnh vậy. Tôi đã làm bộ phim này 37 năm trước, và đến giờ nó vẫn liên tục được chiếu ở Thụy Sĩ, ở Pháp, và cả Hoa Kỳ. Nếu một bộ phim mà tồn tại được lâu như thế, chắc gọi nó là một tác phẩm nghệ thuật cũng không sai. Bộ phim ra đời do bản thân tôi muốn kể một câu chuyện về một tội ác rất, rất kinh khủng. Lúc đấy tôi vẫn chưa li dị, vợ tôi khi đó, Thea Von Harbou là một tiểu thuyết gia, và làm biên kịch cho các phim của tôi. Chúng tôi đã bàn với nhau về một vụ ám sát gớm ghiếc và định sẽ tường thuật lại câu chuyện đó dưới dạng những bức thư nặc danh cho cuốn tiểu thuyết của cô ấy, nhưng rồi một ngày, tôi về nhà và báo cho cô ấy về ý tưởng biến câu chuyện này thành một bộ phim, thế là chúng tôi chuyển hướng. Cùng lúc đó, ở Düsseldorf đang xảy ra một cuộc giết người hàng loạt, nạn nhân là người già và trẻ nhỏ, nhưng theo tôi nhớ được, thì kịch bản đã hoàn thành từ trước khi họ bắt được tên quái vật.
Ngay từ khi đang hoàn thành kịch bản, trong đầu tôi đã nghĩ tới việc sẽ chọn Peter Lorre cho vai tên tội phạm. Cậu ấy là một diễn viên mới nổi, và đã xuất hiện trong khoảng hai hay ba vở kịch sân khấu, nhưng chưa làm việc trước máy quay bao giờ. Tôi cũng không cần cậu ấy thử vai, tôi chỉ chắc chắn rằng Peter phù hợp với nhân vật này. Thật sự ban đầu chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn do đây là bộ phim đầu tiên của cậu ấy; tôi nghĩ một đạo diễn giỏi không phải là những người đặt cái tôi của mình lên trên diễn viên, mà sẽ là người khai thác được những phẩm chất xuất sắc nhất từ diễn viên của mình cho phim của anh ta. Nên tôi đã nói chuyện rất kỹ càng, cẩn thận với cậu ấy, và cuối cùng thì chúng tôi đã làm được. Dù sao thì đó cũng là bộ phim thu âm tiếng đầu tiên mà tôi làm, nên chúng tôi cũng thử nghiệm rất nhiều.
Ngài rời khỏi nước Đức khi còn ở đỉnh cao sự nghiệp, rồi tìm nơi ẩn náu bên ngoài đất nước như thế nào?
Hồi đấy tôi đã làm hai bộ phim về nhân vật Dr. Mabuse và họ ngỏ ý mong muốn tôi làm tiếp các phần sau vì tác phẩm này thành công quá. Thế là tôi thực hiện phim “The Testament of Dr Mabuse” (1933). Phải thú thực là trước khi lũ Quốc xã lên nắm quyền, tôi chả biết gì về chính trị cả, nhưng khi biết tin đó rồi thì tôi buộc phải quan tâm thôi. Tôi nghĩ tờ London Times đã cho rằng tôi sử dụng bộ phim này như một công cụ để thể hiện sự chống đối với Quốc xã - bởi tôi có sử dụng những câu slogan đậm mùi phát xít phát ra từ miệng đám tội phạm.
Tôi nhớ rất rõ một ngày nọ, tôi đang ngồi ở văn phòng thế là mấy tay SA ngạo nghễ bước vào, dọa sẽ tịch thu những cuộn phim tôi đã làm. Tôi bảo nếu các ông có giỏi mà đòi tịch thu tác phẩm của Fritz Lang ở nước Đức này thì cứ làm. Ai ngờ họ làm thật. Tôi bị điều lên gặp Goebbels, họ chả nể nang gì tôi cả, thế là tôi phải đi theo họ, tôi đoán là đi để nói về những cuộn phim của mình. Tôi sẽ không bao giờ quên hôm đó, Goebbels là một tay rất, rất thông minh, hắn trông rất dễ mến khi tôi mới bước vào phòng, và cũng không hề nói về những cuộn phim của tôi bị tịch thu. Hắn kể rất nhiều chuyện linh tinh, có cả chuyện tên Quốc trưởng quý hóa của hắn đã xem “Metropolis” (1927) và “Die Niebelungen” (1924) mà tôi đã làm - rồi kể: “Quốc trưởng quý hóa của tôi muốn ông làm một phim vĩ đại về Quốc Xã!” Tôi đổ mồ hôi đầm đìa, liên tục ngó nhìn đồng hồ còn bàn tay thì run bần bật. Nghe đến chuyện mình sẽ phải làm một bộ phim tôn vinh đám Phát xít này làm lưng áo tôi ướt đẫm, trong đầu chỉ duy nhất một suy nghĩ “Làm sao để trốn khỏi cái chỗ chết tiệt này đây?” Tôi vẫn còn tiền gửi ở ngân hàng, làm sao để tôi lấy nó ra!? Nhưng Goebbels cứ nói mãi, nói mãi và đến cùng thì đã quá muộn để tôi ghé qua ngân hàng lấy tiền. Lúc ra về tôi nói với hắn là tôi rất vinh dự khi được nghe những lời mời này. Thế là tôi đi thẳng về nhà, thu xếp hành lý để chuồn khỏi quê hương Berlin yêu dấu của tôi ngay trong tối đó.
Có phải chủ đề về những người đàn ông mắc kẹt trong những đức tin tai hại của họ, là thứ cốt lõi luôn xuất hiện trong phim của ngài?
Tôi khá chắc anh nói đúng. Nếu có thể, tôi sẽ rất vui nếu được nghe một nhà tâm lý học nào đó phân tích rằng vì sao tôi lại hứng thú với chủ đề này như thế. Tôi nghĩ là ngay từ khi thực hiện những bộ phim đầu tiên của mình, câu chuyện về người đàn ông chiến đấu chống lại số phận của bản thân, và cách anh ta đối mặt với nó luôn làm tôi thích thú. Tôi nhớ tôi đã từng nói rằng, không quan trọng anh ta có đạt được mục tiêu hay không, hay thất bại – cái quan trọng ở đây là cách anh ta chiến đấu với nó.”
Hẳn phải rất khó khăn khi thực hiện những tác phẩm về số phận hay Chúa Trời vào thời đại này, khi mà đa phần mọi người đã không còn tin vào những câu chuyện về Thiên đàng hay Địa ngục nữa. Ngài có định sẽ thay đổi chủ đề trong các bộ phim sau của mình là bạo lực và đau thương không?
Với tôi, tôi không tin rằng Chúa là một ông già râu trắng tóc bạc nào đó hay đại loại như vậy, nhưng tôi tin vào một thực thể mà ta có thể gọi là Chúa, của giao ước vĩnh cửu, của những phép toán trường tồn trong vũ trụ bao la. Khi ở Mỹ, tôi nghe họ nói rằng “Chúa đã chết”, tôi cho rằng điều đó là không đúng, tôi bèn bảo họ: “Chúa chỉ chuyển hộ khẩu thôi, chứ Ngài đã chết đâu.” Với tôi đó là điểm mấu chốt: Bởi như một lẽ tự nhiên, làm sao ta có thể cứ tin một thứ đã được kể đi kể lại suốt hàng thế kỷ qua rồi. Khi anh nói về bạo lực, với tôi nó là điểm quan trọng trong kịch bản, nơi kịch tính bắt đầu. Sau Thế chiến thứ hai, cấu trúc gia đình “truyền thống” trước đây đã bắt đầu sụp đổ. Cứ từng nhà một, từng nhà một, giờ đây chúng ta còn rất ít những gia đình kiểu vậy. Tôi nghĩ giờ đây mọi người cũng chả còn tin vào biểu tượng của đất nước họ nữa - ví dụ như, tôi từng thấy một lá cờ tổ quốc bị đốt cháy ở bên trong chính nước Mỹ. Tôi dám chắc rằng họ cũng chả tin vào quỷ dữ với chiếc sừng nhọn hoắt cầm chiếc đinh ba nữa, thành ra họ cũng không còn tin vào hình phạt sẽ xảy ra với linh hồn của mình sau khi chết đi. Nên, câu hỏi mà tôi thắc mắc là, bọn họ sợ cái gì nhỉ? Câu trả lời chính là nỗi đau thể xác. Nỗi đau thể xác sinh ra từ bạo lực, và tôi cho rằng ngày nay đó là thứ duy nhất khiến con người thực sự sợ hãi, và nó trở thành một phần quan trọng của cuộc sống ta, và cũng như một lẽ tự nhiên, một phần quan trọng trong những kịch bản do chính chúng ta kiến tạo.
Lược dịch từ bài phỏng vấn của nhà phê bình phim Alexander Walker với đạo diễn huyền thoại người Đức Fritz Lang, BBC năm 1967.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ