phân tích
THE CRANES ARE FLYING (1957): TRÁI TIM THUỶ CHUNG VÀ KHÁT VỌNG HOÀ BÌNH
Người viết: Tâm Nguyên Abu
“Tôi cảm thấy đôi khi, những người lính
Từ chiến trường đẫm máu chẳng quay về
Không nằm xuống nơi lòng đất lạnh
Mà hoá thành đàn sếu trắng bay đi…”
Ra đời năm 1957, bộ phim The Cranes Are Flying (tựa Việt: Khi Đàn Sếu Bay Qua) đã làm sống dậy những xúc cảm sâu nặng về một nước Nga thời Đệ nhị Thế chiến. Giữa bức phông nền về chiến trường khốc liệt, đạn lạc bom rơi, lại ngời sáng lên những trái tim nhân ái, hồn hậu, ngời sáng thứ tình yêu trong sáng, thanh thuần, bền bỉ cùng khát vọng về một ngày mai hoà bình. Và đúng 12 năm sau, ca khúc “Đàn sếu” (Zhuravli) được chắp bút và phổ nhạc, dường như đã góp phần khắc sâu thứ linh hồn bất tử ấy trong trái tim hàng triệu con người.
Lấy bối cảnh về nước Nga thập niên 40 thế kỉ 20 nhưng bộ phim The Cranes Are Flying đã gây bất ngờ cho nhiều khán giả khi không tập trung khắc hoá sự khốc liệt, bạo tàn nơi chiến trường sinh tử. Thay vào đó, đạo diễn Mikhail Kalatozov lại đào sâu vào thế giới nội tâm con người, vào cuộc sống ở hậu phương, để rồi ngợi ca phẩm chất nhân ái, thuỷ chung cùng tình yêu mãnh liệt, bền bỉ. Bộ phim là câu chuyện tình yêu giữa Boris và Veronica – những người con trai, con gái đang ở thời thanh xuân. Boris đem lòng yêu Veronika, gọi nàng là “Sóc con” và cùng Veronika tâm sự về những ước hẹn, ước mơ đẹp đẽ vào tương lai. Về phần Veronica, ở nàng là thứ tình yêu trầm lặng nhưng mãnh liệt đến vô ngần, và nỗi lòng Veronica lại càng thêm bồn chồn, hỗn loạn khi nàng và Boris phải lìa xa. Ở khung cảnh đầu phim, chúng ta được chứng kiến Boris và Veronica tay trong tay đi dạo suốt đêm dài cho đến khi tiếng chuông tháp Spasskaya điểm 4 giờ. Đôi uyên ương khi ấy đang say đắm tình yêu, chẳng hay vào đúng thời điểm ấy, 4 giờ sáng ngày 22/06/1941, nhân dân Liên Xô chính thức bước vào Cuộc chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Khoảnh khắc Boris và Veronica bên nhau thật quá đỗi ngắn ngủi, chóng vánh, và đó cũng chính là những phút giây bình yên hiếm có cuối cùng trước trận lửa binh. Boris đã đi theo tiếng gọi của Tổ quốc, tình nguyện cống hiến để bảo vệ hoà bình cho quê hương. Kể từ phút giây nhận tin Boris sẽ ra chiến trường, dường như Veronica đã có nhiều dự cảm chẳng lành, và những ước hẹn của nàng cùng Boris cứ thế dần vụn vỡ. Veronica giận Boris bao nhiêu thì lại càng thương anh bấy nhiêu, bởi suy cho cùng, thứ chia cắt hai người chính là chiến tranh! Vào ngày Boris lên đường ra trận, Veronica đã tất tả đuổi theo để từ biệt chàng, nhưng nàng lại bị lọt thỏm giữa đám đông hỗn loạn, chỉ biết gào tên Boris trong vô vọng…
Chiến tranh luôn gắn liền với đau thương và mất mát. Hai chữ “hạnh phúc”, đối với những kiếp người nhỏ bé, thật sự quá đỗi mong manh, khi cả dân tộc đang chìm trong cơn binh lửa. Sau khi phải chia tay người thương, thì cha mẹ cùng căn nhà của Veronika cũng bị bom đạn chiến tranh cướp đi mất. Thế rồi, Veronica bị Mark – gã em họ của Boris, dùng thủ đoạn đê hèn để cưỡng đoạt. Trong sự đợi chờ người thương mòn mỏi, cùng cảm giác ô nhục, tội lỗi, nàng đã buộc phải kết hôn với Mark, và chịu những lời đàm tiếu, gièm pha cho tới mãi về sau này. Những lời hẹn ước dang dở và tình yêu bền bỉ nàng dành cho Boris thì vẫn vẹn nguyên như thuở ban đầu. Chiến tranh đã khiến tâm trí nàng bị giằng xé kịch liệt, mạnh mẽ. Kết hôn, lập gia đình với một kẻ đáng ghê tởm để an phận thủ thường – đó là sự thoả hiệp và cũng là sự đầu hàng trước số phận. Và kể từ sau đó, Veronica trở nên câm lặng, vô cảm, vô hồn, vùi đầu vào công việc hòng quên đi kí ức năm xưa với Boris. Niềm tin, tình yêu trong trái tim người phụ nữ tưởng chừng như bị dập tắt bởi số phận, lại bùng lên một cách mãnh liệt, day dứt khi Veronica chứng kiến một người lính Xô Viết nằm trên giường bệnh, oán trách cuộc đời vì bị người yêu phản bội. Bấy giờ, nàng đã không kìm nổi những giọt nước mắt…
Nếu như chiến tranh đã giết chết đi một phần tâm hồn của Veronica, thì súng đạn đã vĩnh viễn cướp đi sinh mạng của chàng trai ở tuổi đôi mươi Boris. Ngay từ những thước phim đầu tiên, Boris đã hiện lên trong dáng vẻ một chàng trai mảnh khảnh, với một trái tim nhân ái, sự dịu dàng cùng niềm hồ hởi vào tình yêu, vào tương lai phía trước. Khán giả cảm tưởng như đã biến thành “một Veronica” để rồi thật sự xót thương cho chàng Boris. Ở chiến tuyến, chúng ta vẫn thấy một Boris trẻ trung, hồn hậu, vác trên mình ngọn súng; và có một điều chắc chắn, là chẳng một ai trong chúng ta muốn để chiến tranh cướp đi linh hồn ấy. Số mệnh vốn vô thường, và chiến tranh còn vô thường, bạo tàn hơn thế gấp trăm vạn lần. Chàng thanh niên gục ngã sau một phát đạn từ kẻ thù, trước mắt chàng chỉ còn những hình ảnh mờ nhoà, biến dị và méo mó qua cú máy xoáy, chồng chất lấy cảm hứng từ Chủ nghĩa biểu hiện Đức. Boris ngã xuống, kéo theo những ước vọng tương lai với Veronica bị bóp nghẹt. Chàng đã vĩnh viễn nằm lại nơi đất lạnh rừng sâu, nhưng cái chết của chàng chưa một lần được thông báo chính thức, tựa như niềm tin mơ hồ mà dai dẳng của Veronica chốn hậu phương đợi chờ.
Giữa bức phông nền bạo tàn của chiến tranh, thì phẩm chất của con người lại càng thêm ngời sáng, bất chấp thời thế khổ đau, loạn lạc. Ở nàng Veronica, đó là tấm lòng son sắt, thuỷ chung, là sự chịu thương chịu khó, sự cống hiến trong lặng lẽ, âm thầm của những con người ở lại. Dù Mark có dùng thủ đoạn để xâm chiếm thể xác của Veronica, thì trái tim của nàng chỉ thuộc về một mình Boris. Dẫu tấm lòng son sắt ấy có bị người đời chà đạp bằng cái mác “kẻ phản bội”, thì thực tâm, nàng biết rằng mình tin vào Boris. Hình tượng nàng Veronica đã làm chao đảo màn ảnh, khi nàng hiện lên thật quá đỗi chân thật, trần trụi, với mái tóc rối bời và đôi chân trần trên đất. Veronica của Mikhail Kalatozov chẳng phải là thánh nữ, hay anh hùng như trong nhiều bộ phim lấy đề tài chiến tranh, mà đơn thuần chỉ là một người phụ nữ bình dị như bao người phụ nữ khác. Một nhà phê bình điện ảnh Xô Viết - Maia Turovskaia đã bộc bạch: “Vào phút giây bước chân ra khỏi rạp, bạn chẳng thể nào biết sức hút của nàng Veronica là từ đâu, từ tài nghệ của (Tatiana) Samoilova cộng thêm với sự chân thành, chân thật của cô ấy, hay từ nghệ thuật quay phim của ngài (Sergey) Urusevsky, đã đủ sức nắm bắt từng cái khẽ nghiêng đầu, từng dáng hình trong chốc lát, từng cái chớp trên hàng mi nàng, hay cái vô vọng, ương ngạnh, cái dịu dàng và niềm kiêu hãnh hiển hiện nơi tâm hồn nàng.” . Veronica chính là bức chân dung cho vẻ đẹp người phụ nữ thời chiến.
Đến khi hoà bình lập lại, một lần nữa niềm tin trong Veronica sống dậy. Trong niềm hân hoan của ngày thắng trận, Veronica đứng giữa biển người huyên náo để ngóng trông hình bóng người thương trở về. Có lẽ tất cả chúng ta đều giống như nàng Veronica, đều bấu víu vào một tia hy vọng mong manh cuối cùng. Cho đến những phút giây sát kết của bộ phim, tôi vẫn không muốn tin vào cái sự thật rằng Boris đã vĩnh viễn lìa xa cõi đời, tôi vẫn mơ hồ đợi chờ vào một phép màu hiển linh, rằng Boris sẽ ôm lấy Veronica, họ sẽ khóc, sẽ cười, sẽ viết tiếp những ước mơ hồn nhiên còn dang dở… Nhưng sự thật thì lại phũ phàng, không thể chối bỏ. Những giọt nước mắt cứ thế lăn xuống mắt nàng Veronica. Hoà chung trong niềm vui khôn xiết của những đôi uyên ương, những gia đình ấm áp được đoàn tụ, là những giọt nước mắt khổ đau trước sự chia lìa của số phận. Veronica dẫu có tuyệt vọng đến đâu, thì vẫn phải chấp nhận rằng Boris sẽ chỉ sống trong những kỉ niệm ngày xưa, và nàng có quyền tự hào, rằng người nàng yêu đã cống hiến hết sức vóc và thanh xuân cho hoà bình Tổ quốc. Trong khổ đau sẽ luôn hiện hữu ánh sáng và niềm hy vọng, và con người phải bước tiếp để vượt lên những đau thương. Thước phim kết thúc kéo theo cảm xúc nuối tiếc xen lẫn thanh thản của người xem, hay chính là của nàng Veronica, khi nàng đã lựa chọn bước tiếp và giải thoát tâm hồn khỏi nỗi bất hạnh tưởng chừng như kéo dài vĩnh viễn. Ngày mai rồi sẽ đến, và hoà bình vẫn hiện hữu nơi đây, tựa như những cánh chim của đàn sếu thanh thản tung bay giữa bầu trời…
“Sẽ có ngày tôi bay cùng đàn sếu
Trong mịt mờ sương xám tựa hôm nay,
Và ở giữa trời cao như chim tôi sẽ gọi
Tất cả mọi người còn lại ở nơi đây…”
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ