trào lưu phim

CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN THƠ MỘNG CỦA ĐIỆN ẢNH IRAN

Người viết: Haris Zargar (Giorgio dịch)

img of CHỦ NGHĨA NHÂN VĂN THƠ MỘNG CỦA ĐIỆN ẢNH IRAN

Bất chấp sự kiểm duyệt của nhà nước và nguồn lực hạn chế, các nhà làm phim Iran vẫn tạo nên một di sản điện ảnh phong phú và phát triển rực rỡ. Các bộ phim của họ thường đề cập đến các chủ đề văn hóa và xã hội nhạy cảm.

Đạo diễn kiêm nhà văn Asghar Farhadi trở thành người Iran đầu tiên thắng giải Oscar vào năm 2012 cho bộ phim A Separation, và một thập kỷ sau, bộ phim điện ảnh mới nhất của ông, A Hero, đại diện cho Iran để gửi phim đến Oscar tranh giải ở hạng mục Phim quốc tế xuất sắc nhất. Sự công nhận đối với các bộ phim của Iran không phải là điều mới mẻ và cũng không có gì lạ, vì đất nước này đã liên tục làm ra những tác phẩm điện ảnh xuất sắc, kích thích tư duy và lấy con người làm trung tâm, khiến các nhà phê bình và những người đam mê điện ảnh đều say mê.

A Hero, bộ phim thứ tư của Farhadi, cũng đã được đề cử giải Quả cầu vàng 2022 ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất. Phim được công chiếu tại LHP Cannes vào tháng 7 năm 2021 và đã giành được giải Grand Prix.

Bộ phim kể về một người đàn ông bị giam giữ vì một món nợ mà anh ta không có khả năng trả. Anh ta cố gắng thuyết phục chủ nợ bác bỏ đơn kiện anh ta trong thời gian hai ngày mãn hạn tù, nhưng các sự kiện sau đó vượt ra ngoài tầm kiểm soát.

Tác phẩm của Farhadi kết hợp các yếu tố xã hội và vấn đề nhạy cảm, không chỉ giúp khán giả thấy được các lỗi lầm từ cá nhân và xã hội, mà còn mang đến sự phê phán mạnh mẽ về chế độ thần quyền, giới tính và chính trị giai cấp của đất nước Iran. Giống như những người tiền nhiệm nổi tiếng của mình, Farhadi tập trung vào con người và những vấn đề đạo đức của họ. Những bộ phim của ông không chỉ là một bức tranh tổng thể về cuộc sống, nó còn phản ánh một thực tại lớn hơn.

“Một lần nữa, A Hero chứng minh rằng đạo diễn Farhadi là một tác giả tài ba của thể loại melodrama phức tạp về vấn đề đạo đức và tình cảm. Tác phẩm của Farhadi luôn có sự phong phú khi được lấy bối cảnh ở quê hương Iran của anh ấy.”, trích từ bài đánh giá bộ phim của nhà phê bình Lee Marshall. Bộ phim được mô tả như “kích thích sự suy ngẫm” hay “bộ phim tinh tế và cảm xúc nhất của Farhadi kể từ phim ‘A Separation’”.

A Separation được xem như là một trong những bộ phim hay nhất của Farhadi, và cả của điện ảnh Iran. Bộ phim xoay quanh những rắc rối của một gia đình, với việc người vợ muốn rời khỏi đất nước cùng con gái, nhưng người chồng nhất quyết ở lại Tehran để chăm sóc cho người cha già mắc bệnh Alzheimer. Với một cốt truyện đầy cung bậc cảm xúc về tình cảnh đầy sóng gió, Farhadi đã khắc họa một cách xuất sắc về các vấn đề di cư, tôn giáo, thế hệ và giai cấp ở Iran hiện nay.

PHONG CÁCH LẤY CON NGƯỜI LÀM TRUNG TÂM

Việc chọn chủ đề về hiện thực lấy con người làm trung tâm từ lâu đã trở thành phong cách trọng tâm của điện ảnh Iran. Một loạt các bộ phim của Iran đã thu hút khán giả toàn cầu vì mô tả hiện thực xã hội và khắc họa những con người bị bỏ rơi, mắc kẹt vào những nhu cầu, tiêu chuẩn truyền thống và hiện đại. Sự xung đột, căng thẳng trong các câu chuyện về khát vọng của cá nhân và khuôn mẫu xã hội được lồng ghép thông qua những ẩn dụ về chính trị và tôn giáo.

Do đó, điện ảnh chính là phương tiện giúp ta tìm hiểu chính xác hơn về con người và văn hóa của quốc gia vùng Trung Đông này, khi Iran vốn bị mô tả bằng những định kiến sai lệch hoặc phi thực tế trên các phương tiện truyền thông toàn cầu. Ngoài ra, loại hình nghệ thuật thứ bảy này cũng là thứ tạo nên một sự mâu thuẫn kỳ lạ giữa xung đột chính trị và nghệ thuật, khi các nhà làm phim Iran buộc phải tuân theo các quy định kiểm duyệt khắt khe liên quan đến các quy tắc đạo đức, xã hội và tôn giáo của quốc gia này. Việc xóa nhòa sự khác biệt giữa thực tế và hư cấu trong các bộ phim Iran, cũng như sự pha trộn giữa các diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên góp phần tạo nên chủ nghĩa hiện thực đặc biệt của họ.

Trong khi những bộ phim gần đây của Farhadi đã làm hồi sinh sự quan tâm của điện ảnh Iran, thì chính đạo diễn Abbas Kiarostami là người đi tiên phong khi thu hút sự chú ý của những người mê điện ảnh toàn cầu bằng những mô tả tinh tế về cuộc sống hằng ngày ở đất nước mình.

Kiarostami được cho là nhà làm phim nổi tiếng nhất thời hậu cách mạng Iran. Ông được công nhận rộng rãi là một trong những đạo diễn vĩ đại nhất của điện ảnh và là người tiên phong cho nền điện ảnh làn sóng mới của Iran - một xu hướng điện ảnh nổi bật bởi khuynh hướng triết học, phê bình xã hội, thiên hướng thơ ca và thể nghiệm mạnh mẽ.

Ngôn ngữ điện ảnh của Kiarostami giàu vẻ đẹp trữ tình, mang một phong cách thơ ca khám phá những chủ đề triết học nhằm tìm hiểu bản chất cơ bản về sự tồn tại của con người, dù thường được khắc họa theo phong cách trừu tượng.

NỔI DANH TRÊN TOÀN CẦU

Kiarostami bắt đầu ra mắt với thế giới vào tháng 2/1995 thông qua hãng phân phối phim Miramax của Mỹ, với bộ phim Through the Olive Trees. Bộ phim đã đưa tên tuổi của Kiarostami lên bản đồ điện ảnh thế giới và được chọn để đại diện Iran tranh giải Oscar năm 1995. Ông được ca ngợi là “một thiên tài về điện ảnh nhân văn cổ điển” khi bộ phim được phát hành.

Năm 1997, Kiarostami giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes cho kiệt tác Taste of Cherry, một câu chuyện ngụ ngôn đầy chất thơ và suy ngẫm, kể về một người đàn ông trung niên Badii đang tìm người chôn cất mình sau khi ông ta tự tử. Badii gặp ba người khác nhau trong cuộc hành trình của mình: một người lính trẻ nghèo khó, một người tị nạn Afghanistan và một chủng sinh Hồi giáo, những người đã có những cuộc đối thoại dài với Badii. Cuối cùng, Badii gặp một người làm nghề nhồi thú bông lớn tuổi, người nói với ông ta về nỗ lực tự tử bất thành của mình.

Tờ New York Times đánh giá rằng, Kiarastomi không giống như bất kỳ nhà làm phim nào khác, cho rằng ông có một tầm nhìn “vừa hoành tráng và cũng vừa nhỏ bé một cách chuẩn xác”. Các tác phẩm điện ảnh xuất sắc khác của ông: Where Is the Friend’s House? (1987), Close Up (1990), Life, and nothing More… (1992) và The Wind Will Carry Us (1999).

Khi Kiarostami qua đời vào năm 2016, tờ The Guardian mô tả ông là một bậc thầy mang tính đột phá nhưng cũng đầy tĩnh lặng của thể loại điện ảnh ngụ ngôn hiện thực và là một trong những đạo diễn vĩ đại của thời đại chúng ta. “Abbas Kiarostami là một nhà ngụ ngôn bí ẩn và tinh tế, người luôn tìm về bản chất và các mối quan hệ của con người. Ông là một nhà làm phim có những câu chuyện mà bằng cách nào đó, như thoát khỏi thực tại vậy.” Bài báo cũng nhấn mạnh rằng: “Phim của ông không biểu lộ ý nghĩa của chúng một cách dễ dàng; chúng được biểu hiện qua sự tĩnh lặng, nỗi buồn, suy tư, nhưng cũng có chứa sự mâu thuẫn quan điểm, những cuộc đối đầu theo kiểu ‘đá xéo’ và điều hướng cảm xúc - cũng như phong cách hài hước vui tươi ẩn dụ của riêng ông ấy.”

Trong khi Kiarostami phổ biến điện ảnh Iran trên toàn cầu, thì chính nhà thơ kiêm nhà làm phim Forough Farrokhzad, trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, đã cách mạng hóa bối cảnh văn hóa của đất nước vào thời của bà và tạo ra những tác phẩm kết hợp giữa trữ tình và xã hội. Trong bộ phim tài liệu dài 22 phút The House Is Black (1962), Forough đã chọn nơi cách ly những người bệnh phong làm chủ đề cho bộ phim duy nhất của mình, thể hiện khả năng kết hợp giữa chủ nghĩa trữ tình với chủ nghĩa hiện thực trần trụi. Sự kết hợp mà sau này trở thành đặc điểm của một số tác phẩm trong điện ảnh Iran từ cuối những năm 1950 đến giữa những năm 1970.

NHỮNG TÁC PHẨM ĐỘT PHÁ KHÁC

Theo nhà phê bình phim người Mỹ Jonathan Rosenbaum, The House Is Black có lẽ là bộ phim tài liệu đầu tiên của Iran do một phụ nữ làm. Ông nói rằng phim của Farrokhzad chỉ ra những điểm kỳ lạ và quan trọng, như việc người Iran vẫn nằm trong số những người bị phỉ báng nhất trên Trái đất, thì điện ảnh Iran lại gần như được công nhận rộng rãi là mang tính đạo đức và nhân văn nhất. “Theo tôi, The House Is Black là một trong số rất ít sự kết hợp thành công giữa thơ văn với ‘thơ phim’ - một sự pha trộn thường đưa ra những hình thức tồi tệ nhất về sự tự ý thức và sự kiêu căng - và có thể cho rằng mối liên hệ giữa điện ảnh với văn học là một đặc điểm cơ bản nằm trong phần lớn các tác phẩm của Làn sóng mới của Iran,” Rosenbaum nói.

Ảnh hưởng của Farrokhzad không chỉ tương đồng trong các tác phẩm của Kiarostami mà còn ở những người cùng thời với ông, bao gồm Mohsen Makhmalbaf, người đã đạo diễn hơn 20 bộ phim, trong đó có vài phim vẫn bị cấm ở Iran vì những bình luận của ông về nhà nước và con người Iran. Phim của Makhmalbaf có nét triết học sâu sắc hơn trong khi vẫn giữ được tinh thần của chủ nghĩa hiện thực, và ông thường bị so sánh với Kiarostami. Với Makhmalbaf, phim của ông phải càng ít “cốt truyện” càng tốt và mô tả những diễn biến bình thường trong đời sống hàng ngày.

A Moment of Innocence (1996) là một ví dụ xuất sắc về thuật ngữ mà Makhmalbaf tự định nghĩa nó: “chủ nghĩa hiện thực thơ mộng”. Nhưng nhà làm phim được biết đến nhiều nhất với Gabbeh (1996), bộ phim là một câu chuyện ngụ ngôn tinh tế về bổn phận, cũng như khát vọng của một người phụ nữ trong một bộ lạc du mục. Bộ phim Kandahar (2001) của ông đã được tạp chí Time đưa vào danh sách 100 bộ phim hay nhất từng được thực hiện. Các tác phẩm khác của ông: Boycott (1985), The Cyclist (1987) và The Peddler (1989).

Phim của Makhmalbaf có liên quan sâu sắc đến lịch sử và văn hóa của Iran, và những tác phẩm đầu tiên của ông cho thấy sự phân tách rõ ràng giữa con người thành tốt và xấu: những người tốt là những người cách mạng; còn trong thời kỳ thứ hai, người tốt là những người nghèo. Các tác phẩm sau này của ông phản ánh những sắc thái hơn của ông về con người, văn hóa và chính trị, trong khi vẫn duy trì phong cách nhân văn và thơ ca riêng biệt của những người cùng thời ở Iran như Jafar Panahi và Majid Majidi.

Trước Farhadi, có lẽ Majid Majidi có thể đã mang về cho Iran giải Oscar đầu tiên khi bộ phim Children of Heaven (1997) của ông được đề cử Oscar. Dù thất bại trước bộ phim Ý Life Is Beautiful của Roberto Benigni, nhưng tác phẩm của Majidi được so sánh với bộ phim kinh điển của Ý Bicycle Thieves (1948) của Vittorio De Sica.

Majidi cũng được xem là một trong những đạo diễn đương đại nổi tiếng nhất của Iran. Phim của ông sử dụng tôn giáo để tìm kiếm ý nghĩa trong một xã hội bị biến đổi bởi xung đột, hiện đại, bất bình đẳng kinh tế và chủ nghĩa dân tộc. Các nhân vật của ông, ban đầu thường là những đứa trẻ bị thiệt thòi, không vượt qua được hoặc chấp nhận số phận bất hạnh. Sau đó, chúng phấn đấu, phát triển và do đó phản ánh được những nỗi khổ dai dẳng của con người trong xã hội Iran. Những tác phẩm nổi tiếng khác của ông: The Color of Paradise (1997), Baran (2001) và The Song of Sparrows (2008).

Dịch từ bài viết của trang New Frame

Ảnh: Close-Up (1990), đạo diễn Abbas Kiarostami.


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo