phân tích

CHO ĐẾN CUỐI CÙNG, VẪN LÀ PHỤ NỮ - PHỤ NỮ TRONG ĐIỆN ẢNH CỦA HỨA AN HOA

Người viết: Chie'

img of CHO ĐẾN CUỐI CÙNG, VẪN LÀ PHỤ NỮ - PHỤ NỮ TRONG ĐIỆN ẢNH CỦA HỨA AN HOA

Bởi Vì Thấu Hiểu, Cho Nên Từ Bi

Hầu hết các đạo diễn nam cùng thời kỳ phát triển với Hứa An Hoa đều chọn những chủ đề lớn, kể lại những vấn đề có tính phản ánh thời đại và tình trạng tồn tại của con người. Hình ảnh người phụ nữ trong phim của họ nếu như không phải là một người phụ nữ quyền lực, thì cũng là một dạng khắc khổ, được tạo nên để làm tấm bình phong cho các nhân vật nam. Ngược lại, Hứa An Hoa lại chọn xây dựng hình ảnh những người phụ nữ giản dị, mộc mạc, miêu tả hoàn cảnh sống, cũng như là phản ánh lại nội tâm và các nhân tố hình thành nên lối sống độc lập này của họ. Cách bà miêu tả sự nữ tính cũng rất tinh tế và đúng chỗ, trong hầu hết các trường hợp, tính cách của những nhân vật này đều thể hiện đủ hai mặt tương phản khác nhau, tồn đọng đầy đủ sự mạnh mẽ và nhu nhược. Không hào nhoáng, không xa hoa, nhưng chắc chắn có đủ chiều sâu.

Shakespeare đã từng nói trong vở kịch Hamlet của ông rằng: “Này Yếu Đuối! Tên của ngươi chính là ‘phụ nữ’”. Sự yếu đuối của phụ nữ trong phim của Hứa An Hoa cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Trong một xã hội đeo đuổi chế độ phụ hệ hằng nghìn năm, những tư tưởng trọng nam khinh nữ từ lâu đã chôn sâu vào trong gốc rễ. Phụ nữ những năm đó chỉ biết cúc cung tận tụy hầu chồng, nếu có lòng muốn đứng lên thay đổi hiện thực nghiệt ngã, thì cũng như lấy trứng chọi đá, lấy châu chấu chọi xe. Trong bộ phim “Câu Chuyện Của A Kim” (阿金的故事, Stunt Woman, 1996), nhân vật A Kim tuy võ nghệ cao cường, nhưng sự yếu đuối trong tình yêu của cô vẫn được thể hiện rất rõ nét thông qua việc lựa chọn sai người, tình cảm cũng không thể bấu víu, chỉ còn biết bắt đầu lại một cuộc sống mới mà thôi. Cố Mạn Trinh trong “Bán Sinh Duyên” (半生缘, Eighteen Springs, 1997) cũng gặp phải trường hợp tương tự, tuy là phụ nữ tri thức nhưng cũng không thoát khỏi được sự yếu mềm trong tình yêu. Do được giáo dục tốt, cô lại càng có khao khát tìm được lãng mạn và cả sự độc lập, tự do trong tư tưởng. Nhưng khi va chạm phải hiện thực, cô vẫn giật mình, cúi đầu, rồi đau khổ.

Nhưng nếu chỉ thể hiện sự yếu đuối và nhu nhược, thì hình tượng nữ giới của Hứa An Hoa có khác gì so với những đạo diễn khác? Cái tài của Hứa An Hoa, đó chính là thấu hiểu. Bởi vì bà thấu hiểu, nên trong cái nhìn nhận về sự yếu đuối của nữ giới, bà mới có sự từ bi. Từ sâu thẳm trong cái yếu đuối, Hứa An Hoa đã khai thác được nét mạnh mẽ của các nhân vật nữ, khiến cho họ càng thêm toả sáng, người ta thường gọi đó là: trong nhu có cương. A Kim sau khi trải qua sự đổi thay của số phận, nhân tâm của cô vẫn vững chãi kiên định, dù có đi qua muôn vàn khó khăn thì A Kim vẫn giữ vững được chính bản ngã của mình. Còn Cố Mạn Trinh tuy đã chịu cúi đầu trước số phận, nhưng cô chưa bao giờ có ý định từ bỏ đứa con của mình, cô vẫn cố gắng gắng gượng để trở thành một người mẹ kiên cường. Tuy người trong lòng ở trước mặt, nhưng vẫn chọn ở lại chốn cũ chứ không nắm tay người mà đi. Cả A Kim và Cố Mạn Trinh, tuy họ có sự yếu đuối nhu nhược của riêng mình, thế nhưng trong họ vẫn tồn tại sự mạnh mẽ kiên định để vượt qua khó khăn, hướng về phía trước.

Sự thấu hiểu này có một mối liên hệ chặt chẽ đến lòng yêu mến của Hứa An Hoa dành cho nhà văn Trương Ái Linh. Bà từng chia sẻ:

“Đó là vào những năm 1983-1984, lần đầu tiên tôi nghĩ đến việc quay ‘Bán Sinh Duyên’. Khi đó tôi cũng đọc qua rất nhiều tiểu thuyết của Trương Ái Linh, cảm thấy rất hay, xem đến ‘Bán Sinh Duyên’ thì mới biết được cốt truyện trong này đã hấp dẫn mình….Mãi cho đến năm 1992, tôi vẫn tâm tâm niệm niệm phải quay cho bằng được ‘Bán Sinh Duyên’. Lúc đó, tuy có thể đến Đại Lục để lấy được bối cảnh chân thật, nhưng cũng không kiềm được mà phải dùng chút máy móc phụ tùng. So với 10 năm trước lại còn khó quay hơn nhiều. Những năm tháng ấy, có những lúc tôi cũng không thể tìm được cách để tiếp tục làm bộ phim này”. Thế mà sau này, Hứa An Hoa vẫn tiếp tục quay, quay cho bằng được mới thôi. Thông qua một đoạn tâm sự nho nhỏ, chúng ta cũng có thể thấy được sự yêu quý của Hứa An Hoa dành cho Trương Ái Linh. Đồng thời, cũng là sự thấu hiểu của chính Hứa An Hoa đối với bà, cũng như là những nhân vật mà Trương Ái Linh đã tạo nên.

Những người phụ nữ trong phim của Hứa An Hoa và trong sách của Trương Ái Linh, họ nghiêm túc suy nghĩ về tình yêu, nhưng một lòng cũng nghi ngờ tình yêu. Họ đều là những người phụ nữ có tư tưởng khá tương đồng, thế nên trong lòng họ có tự tin. Bởi vì có tự tin, nên thay vì nghĩ rằng, “tại sao tình yêu không thuộc về mình mà lại thuộc về người khác?” thì họ sẽ nghĩ, “vốn dĩ trên đời này có tình yêu không?”. Bởi vì đặt bản thân mình cao hơn, nên nếu không nắm được, thì sẽ nghi ngờ vào sự tồn tại của ái tình, chứ không ghen ghét, đố kỵ đến mất đi lương tâm. Họ vẫn cho rằng, họ là những người xứng đáng được yêu, chỉ là thứ tình yêu mà họ mong cầu không tồn tại mà thôi. Vì vậy, họ mới ngừng yêu. Có thể cả Trương Ái Linh và Hứa An Hoa cũng đều là những người như vậy, đều có những điểm tương đồng trong cách nghĩ, nhưng cũng có những điểm khác biệt trong cách nhận. Từ đó họ mới sinh ra thấu hiểu, có kết nối. Từ đó, những số phận phụ nữ trong phim của Hứa An Hoa, vừa có yếu đuối e ấp, nhưng cũng có sự mạnh mẽ vươn lên. So với một nhân vật chỉ biết khóc, hoặc chỉ biết cường. Thì những nhân vật đa chiều, hội tụ nhiều xúc cảm và cá tính như vậy, vẫn được xem là có chiều sâu hơn rất nhiều.

Đau Mà Không Thương, Buồn Mà Không Bi

Điện ảnh của Hứa An Hoa chính là dùng góc nhìn của nữ giới để phản ánh lên chủ đề của phụ nữ. Cách được dùng để miêu tả tình cảm cũng trở nên phong phú và tinh tế hơn rất nhiều so với góc nhìn của nam. Phụ nữ đối với tình yêu của đàn ông, đối với tình yêu của trẻ nhỏ, đối với tình yêu của người già, đối với tình yêu của bè bạn. Đến cả những vấn đề nhức nhối mà xã hội đã đè nặng lên đôi vai của người phụ nữ. Tất cả đều được Hứa An Hoa đưa hết lên phim. Mặc dù nói rằng, nỗi buồn là giai điệu xúc cảm trong các bộ phim của nữ đạo diễn, thế nhưng các tác phẩm của bà chưa bao giờ có ý oán than giận hờn một ai, nhất là với phụ nữ, mà chung quy, đó vẫn chỉ là cách để bà thể hiện nỗi buồn mà thôi.

Ví dụ như trong phim “Dì Đào” (桃姐, A Simple Life, 2011). Hứa An Hoa đã thêu dệt lên một câu chuyện sinh lão bệnh tử, tình sâu nghĩa nặng bằng những nét vẽ đậm chất sử thi. Mặc dù cho khắc họa những nhân vật có sự tương phản rõ rệt trong giai cấp, nhưng Hứa An Hoa vẫn không hề chỉ tập trung vào khai thác sự khốn khó của nhân vật chính dì Đào. Mà còn thể hiện tình thân và tình thương của La Kiệt. Nỗi buồn cũng từ đó mà hiện hữu, hiện hữu một cách tự nhiên, đẹp đẽ, không gượng ép, không cưỡng cầu. Cuộc sống chỉ đơn giản là như vậy mà thôi.

“Nỗi buồn” thì tập trung vào bản thân, một sự vật hoặc một sự kiện. Trong khi “bi thương” thì có thể ăn sâu vào một hiện tượng, giai cấp, thậm chí là cả một thời đại. Hầu hết những người phụ nữ được Hứa An Hoa chọn miêu tả đều là một nhân vật nhỏ trong một dòng đời cụ thể. Hứa An Hoa cũng không có ý định sử dụng câu chuyện của họ để chỉ ra nhược điểm của nhân gian, mà bà chỉ đơn giản là muốn chú ý đến những mảnh đời nhỏ bé, những lần đấu tranh vật lộn của họ giữa chốn dòng đời ngược xuôi. Nữ đạo diễn đã chọn cách sắp xếp kết thúc của các nhân vật theo một hướng khác nhau, không phải là để làm nổi bật lên nỗi buồn của thời đại lịch sử, mà là để làm nổi bật lên nỗi buồn số phận của mỗi một con người. Mối quan tâm của Hứa An Hoa đến phụ nữ không phức tạp, không hô hào, không khua chiêng múa trống. Mà chỉ đơn giản là qua lăng kính, qua góc nhìn của bà, kể lên vai trò của người phụ nữ và những gì họ phải gánh vác trên vai.

Cũng vì thế, trong các bộ phim của Hứa An Hoa, không có tố cáo, không có chỉ trích, cũng không dùng thái độ của một người khai sáng để làm thức tỉnh ý thức về sự nữ tính của chủ thể. Chỉ có những nghiệt ngã, để khán giả tự xem, tự cảm nhận, tự thấm thía nỗi đau. Lỗ Tấn cũng đã từng nói: “Bi kịch chính là phá huỷ những thứ có giá trị để cho người khác xem”. Phim của Hứa An Hoa từng mảnh từng mảnh xé nát đi những bức mành đẹp đẽ của cảm xúc và nhân vật, nhưng nó chỉ dừng ở đó thôi, không tăng lên theo nỗi buồn của thời đại. Đó chính là cách đạo diễn Hứa An Hoa kiểm soát quy mô thảm kịch trong điện ảnh của bà. Đau mà không thương, buồn mà không bi.

Kết,

Thông qua thẩm mỹ và góc nhìn độc đáo của Hứa An Hoa, chúng ta có thể thấy được những người phụ nữ trong nhu có cương, tuy họ yếu đuối nhưng vẫn mạnh mẽ vô cùng. Vì lòng đau mà rơi lệ, nhưng vẫn có thể hiên ngang. Cho đến cuối cùng, những người gắng gượng, giản dị, kiên cường trong phim của Hứa An Hoa, đẹp nhất vẫn là phụ nữ.

—————————————————————————

Tham khảo + Lược dịch + Trích

吕燕. (2015). 从《 桃姐》 看许鞍华的电影追求与宿命. 温州大学学报: 社会科学版, (1), 111-116.

孙璐, & 刘晓希. (2014). 终究是女人——许鞍华女性心理意识的发展轨迹及形成探因. 当代文坛, (2), 125-129.

鲁淼. 从张爱玲到许鞍华——谈文学作品《 半生缘》 的电影改编.

马灵君. (2012). 许鞍华电影中的女性形象 (Doctoral dissertation, 陕西师范大学)


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo