phân tích

HAROLD AND MAUDE (1971): VÌ CUỘC ĐỜI LÀ NHỮNG CON ĐƯỜNG THÊNH THANG

Người viết: Tâm Nguyên Abu

img of HAROLD AND MAUDE (1971): VÌ CUỘC ĐỜI LÀ NHỮNG CON ĐƯỜNG THÊNH THANG

“Cõi đất này là thể xác tôi, còn tâm trí tôi đang phiêu dạt trên những vì tinh tú.” – Maude

Tôi nhớ về Harold and Maude như một phép màu bình dị, như một cái ôm hiếm hoi mà nồng nhiệt, sưởi ấm nơi con tim khô cằn, buốt giá. Phải, tác phẩm bi hài của Hal Ashby đã đến với tôi theo cách diệu kỳ như thế. Kể về thứ tình yêu phi lý, kì quặc giữa một chàng trai 19 tuổi và một bà lão 79 tuổi, thế nhưng Harold and Maude lại chẳng hề ghê sợ với sắc màu nhục dục, trái lại, nó khiến ta phải nao lòng thổn thức trước cái đẹp rất đỗi nên thơ, bình dị hiển hiện trong từng thước phim. Harold and Maude chính là sự hoà quyện độc đáo giữa bi và hài, giữa li kỳ và trầm mặc, giữa hy vọng và tuyệt vọng, giữa sự sống và cái chết, giữa cái nặng nề, tối tăm, u buồn của hiện thực và sự tươi sáng, dịu êm, hiền hoà của những giấc mơ. Phải, Hal Ashby đã làm nên câu chuyện của những giấc mơ, của thứ tình yêu trong ngần giữa hai tâm hồn đồng điệu, vượt lên những rào cản, định kiến khắc nghiệt của thời thế. Và hơn cả tình yêu đẹp, Harold and Maude còn là những triết lý nhân sinh đi trước thời đại, và là lời tuyên ngôn về khát vọng sống.

Bộ phim được mở đầu với những lời ca trong sáng, dịu êm của Cat Stevens:

“Don’t be shy, just let your feelings roll on by

Don’t wear fear or nobody will know you’re there…”

“Đừng ngại ngùng nhé, hãy để những xúc cảm của em được biểu lộ

Đừng sợ hãi, hoặc sẽ chẳng một ai biết em đang tồn tại nơi đây…”

Và có lẽ, hình ảnh chàng Harold (Bud Cort) trong bộ suit đen ngòm cùng những bước chân nặng nề, mỏi mệt chính là phản đề độc đáo cho những ca từ mộng mơ ấy. Dường như cả cuộc đời của Harold đã được thu vén một cách tinh tế, trọn vẹn chỉ qua 5 phút đầu của bộ phim. Harold qua 5 phút diệu kỳ ấy, là một chàng trai 19 tuổi với nội tâm cô đơn, u uất, sầu muộn. Bản thân Harold hay chính ngôi biệt thự xa hoa, lộng lẫy nơi chàng nương tựa, cũng hiện lên với những gam màu tối tăm, ảm đạm nhất. Trong tích tắc, Harold châm lửa, thắp từng ngọn nến, như để làm bừng sáng khoảng không tù túng, ngột ngạt xung quanh, thế rồi cậu bước chân lên ghế, và đạp nó sang một bên, tiếng nhạc trong veo khi ấy cũng dần lịm đi mà biến mất… Harold đã treo cổ tự vẫn, chỉ trong 5 phút đầu của bộ phim! Harold đã thắp sáng khoảng không của cuộc đời chỉ để tự mình kết thúc nó, bởi lẽ giờ đây chỉ có cái chết mới là đích đến tận cùng của Harold. Chúng ta không chút hoài nghi, tin rằng Harold đã chán ghét, hận thù cái cuộc sống đầy rẫy khổ đau này để rồi mang nỗi ám ảnh mãnh liệt với cái chết. Những gì diễn ra sau đó thật kì quái mà cũng đắng cay: người mẹ của Harold bước vào căn phòng, thản nhiên lờ đi cảnh tượng kinh hoàng xảy ra trước mắt. Và cũng đến khoảnh khắc này, chúng ta mới thực sự được chiêm ngưỡng gương mặt của Harold – trắng toát, vô hồn và nhợt nhạt. Harold hiện lên như một thây ma, hay chí ít, như một cậu trai đáng thương bị rút cạn đi linh hồn và sự sống. Không xúc cảm, không thương yêu, không hy vọng, chúng ta hiểu rằng cuộc đời Harold đã triền miên vô cảm như thế. Trái tim non nớt bị bóp nghẹt bởi thế gian khổ đau, vô thường, còn người chủ nhân tồn tại vật vờ cho qua ngày đoạn tháng. Harold tìm đến cái chết như thể để kiếm tìm một khoái cảm, một rung động tươi mới cho cuộc đời sầu muộn. Có thể người mẹ tầm thường, vô cảm kia sẽ nhận thức được sự tồn tại của cậu chăng? Có thể bà sẽ thương yêu và quan tâm đến cậu hơn? Hay cũng có thể cậu sẽ cảm nhận được một nỗi đau thấu trời trên thân xác? Hay có thể sau khi biến mất khỏi cõi dương gian này, thì một thiên đường không còn bóng hình của khổ đau, sầu muộn sẽ giang tay ôm lấy Harold vào lòng? Liệu “cái chết” thực chất là gì? Đằng sau “cái chết” là lai thế, hay đơn thuần chỉ là trạng thái hư vô mà sự sống không còn tồn tại? Phải chi mà Harold được chết, để rồi tái sinh trong một cuộc đời mới mẻ, vẹn nguyên! Và tôi tin rằng chính tự sát, chính cái chết mới là biểu hiện mãnh liệt nhất cho khát vọng được sống của Harold…

Maude: “Nhiều người rất muốn được chết đi. Nhưng họ chưa chết hoàn toàn. Họ chỉ tạm thời rút khỏi cuộc sống này thôi.”

Nỗi ám ảnh của Harold với cái chết không chỉ hiển hiện trên gương mặt trắng toát vô hồn, mà còn in dấu qua cách cậu lái chiếc xe tang đi lại khắp nơi trong thị trấn, qua cách cậu đến dự các đám ma như thể một thú vui thường nhật. Những chuỗi ngày u uất, sầu muộn cứ thế kéo dài tưởng như không có hồi kết, thế nhưng cuộc đời Harold đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi cậu gặp Maude (Ruth Gordon). Maude dường như là tất cả những gì đối lập với Harold. Một bà lão tuổi gần bát thập, nhưng lại mang vẻ ngoài nhí nhảnh, hồn nhiên tựa như người thiếu nữ. Maude sống hết mình trong từng phút giây. Harold hận thù cuộc sống, còn Maude yêu cuộc sống hơn bất cứ điều gì, và mỗi khi ngắm nhìn nụ cười ngọt ngào, ngây dại của người phụ nữ ấy, tôi lại mơ màng liên tưởng tới nàng Rosemary trong lời ca mê đắm của Edison Lighthouse:

“She ain’t got no money

Her clothes are kinda funny

Her hair is kinda wild and free

Oh, but Love grows where my Rosemary goes…”

“Nàng chẳng có tiền tài

Quần áo trông cứ nực cười

Mái tóc nàng thật hoang dại và tự do

Thế nhưng tình yêu cứ nảy nở bất cứ nơi đâu nàng Rosemary của tôi đi qua…”

Phải, đã có một nàng Maude lập dị mà duyên dáng, ngọt ngào đến vậy! Tâm hồn tự do của Maude đã làm bừng sáng lên cả thước phim u tối, ảm đạm, bừng sáng lên cả cuộc đời buồn thương của Harold. Gặp nhau lần đầu tại một đám tang, cả hai dần kết thân và bước vào những chuyến phiêu lưu mới mẻ. Họ đi dạo trên những ngọn đồi, ngắm những cánh đồng hoa dại bát ngát, đi chơi trong công viên, khiêu vũ, chơi đàn, “ăn trộm” cây, rượt đuổi với cảnh sát… Ở bên Maude, gương mặt Harold dần bừng lên sức sống. Không còn nước da trắng nhởn, nhợt nhạt, Harold đã dần trở về với dáng hình một chàng trai tuổi thanh xuân. Những giác quan được sống dậy: đôi mắt chàng mở ra với những tác phẩm nghệ thuật đầy màu sắc của Maude; chiếc máy thở kích thích khứu giác hoạt động; bàn tay của xúc giác được sờ nắm vào bức điêu khắc gỗ; còn vị giác được sống dậy nhờ chiếc bánh gừng ấm áp, ngọt ngào. Và rồi, cảm xúc cũng được bung toả. Cậu được cười, được khóc, được tìm về với tâm hồn tưởng như đã chết đi của mình. Harold đang dần được hồi sinh bởi sức sống mãnh liệt từ Maude.

Maude: “Cậu muốn trở thành bông hoa nào?”

Harold: “Tôi chẳng biết nữa. Một trong những bông hoa dại này, có lẽ vậy.”

Maude: “Sao cậu lại nói như thế?”

Harold: “Vì những bông hoa ấy đều giống nhau cả.”

Maude: “Ồ, nhưng chúng không hoàn toàn giống nhau đâu. Nhìn đi, có bông nhỏ hơn, có bông lớn hơn, có bông mọc về bên trái, có bông lại mọc về bên phải, có bông thì đã bị mất vài cánh hoa đi rồi. Đủ kiểu khác nhau đấy. Cậu thấy đấy Harold, tôi cảm giác đa phần muộn phiền trên thế gian đều xuất phát từ việc nhiều con người thật độc đáo riêng biệt, giống như đoá hoa cúc này, lại đồng ý để bị đối xử theo cách giống hệt như muôn ngàn đoá hoa khác ở kia.”

Hình ảnh đoá hoa cúc trên cánh đồng là một ẩn dụ đặc sắc, xuất thần từ Hal Ashby, một nét chấm phá nghệ thuật duyên dáng khiến bản thân tôi phải cảm phục và nhung nhớ đến mãi sau này. Có lẽ Harold chính là một bông cúc, “độc đáo riêng biệt”, “bị mất đi vài cánh hoa”, bị úa tàn đi qua năm tháng, còn Maude lại là biểu trưng cho ánh nắng rực rỡ chan hoà đã hồi sinh đoá hoa thuở nào. Harold chẳng thể tìm thấy sự hoà hợp với thế giới xung quanh, đến mức cậu ước ao có thể quay về với những giá trị tầm thường nhất, nhưng cũng hoà đồng nhất: trở thành một bông hoa cúc giống hệt như muôn ngàn đoá hoa ở ngoài kia. Thế nhưng chính Maude đã chỉ ra cho Harold, rằng mỗi con người là một cá thể, một tâm hồn, một vẻ đẹp, một nỗi đau, một niềm hạnh phúc riêng biệt, tất cả họ đều tạo nên “thế giới” muôn hình vạn trạng. Và ngự trị trong tâm hồn sứt sẹo đầy thương tổn của Harold, cũng là một vẻ đẹp, bình dị, khiêm nhường mà thuần tuý, một vẻ đẹp chỉ của riêng Harold mà thôi.

Bí ẩn làm sao, khi từng lời nói, hành động của Maude đều đem đến cho ta một cảm quan siêu thực, như thể người phụ nữ ấy chẳng thuộc về cõi thế gian này. Sự tự do, chân thành, bộc trực đã khơi dậy những khát vọng xa vời mà huyền ảo. Và quả thực, “cõi đất này là thể xác của Maude, còn tâm trí Maude thì phiêu dạt trên những vì tinh tú…”. Maude đã vượt lên mọi rào cản vô hình của cái xã hội vốn đã đầy rẫy sự đau khổ, bất công, và diện kiến trước tình bạn, trước tình yêu của Harold và Maude, ta có cảm tưởng như ranh giới tuổi tác giữa hai con người ấy đã bị xoá nhoà. Phải, chiêm ngưỡng Harold and Maude chỉ đơn thuần là chiêm ngưỡng hai tâm hồn tự do, quả cảm, là chiêm ngưỡng hai con tim có cùng chung nhịp đập. Dám yêu, dám sống hết mình, đó là Harold và Maude:

“I like you, Maude.”

“I like you, Harold.”

Maude: “Harold yêu Maude, và Maude yêu Harold. Đây là món quà tuyệt vời nhất tôi được nhận sau suốt nhiều năm trời…”

Xã hội nhìn Harold và Maude dưới con mắt của thành kiến khắc nghiệt. Họ mỉa mai, khinh rẻ một thứ tình yêu đi ngược với luân thường đạo lý. Họ cho rằng Harold bị mất trí, điên rồ khi phải lòng “một đống thịt nhão nhoét với bộ ngực chảy xệ”, thế nhưng đâu ai biết rằng với Harold, ở bên Maude mới là hạnh phúc, là bình yên thực sự. Và sẽ chẳng một ai biết rung động trước cái cảnh Harold và Maude cùng tựa đầu vào vai nhau dưới ánh mặt trời, thì thầm những lời yêu chân thành.

Ra mắt vào đầu thập niên 70, thế nhưng Harold and Maude lại là thước phim lấy cảm hứng từ nét tinh tuý của những năm 60 xưa cũ – một thời của tuổi trẻ, sự nổi loạn, khát vọng tình yêu, tự do và hoà bình. Hal Ashby đã xây dựng nên một bộ phim từ những tro tàn, di sản của Summer of Love. Và quả nhiên, Harold and Maude tựa như một tâm hồn tự do thoả mình yêu thương, bung toả. Bằng phong cách độc đáo, bằng sự nổi loạn rất đỗi kì dị mà khiêm nhường, bộ phim của Hal Ashby đã làm chao đảo những định kiến khắc nghiệt đương thời. Sự hoà quyện toàn vẹn giữa phong vị cổ điển cùng những tư tưởng đi trước thời đại đã biến Harold and Maude thành một trải nghiệm đầy nhớ thương với bao khán giả. Những cảnh quay mang nét bình dị pha lẫn siêu thực, với phong vị từ như cổ tích thần thoại xa xưa khiến ta như đắm chìm trong một giấc mơ tuyệt đẹp. Trong Harold and Maude, âm nhạc chính là biểu trưng cho sự sống, và sự biến mất của âm nhạc cũng đồng nghĩa với sự xuất hiện của chết chóc. Có thể nói, những ca khúc thơ thẩn của Cat Stevens đã góp phần quan trọng làm nên tinh thần tự do, độc đáo cho Harold and Maude. Âm nhạc chính là tình yêu, là sợi dây gắn kết con người với cái đẹp của cuộc sống, và cũng bởi vậy nên Maude luôn trân quý âm nhạc:

Maude: “Ai cũng nên có khả năng làm ra âm nhạc.”

Sức sống, nét độc đáo nghệ thuật từ Harold and Maude đã trở thành tiền đề và nguồn cảm hứng bất tận cho muôn vàn tác phẩm về sau như Rushmore của Wes Anderson, Fight Club của David Fincher và American Beauty của Sam Mendes.

Tôi luôn tự nhủ với bản thân, rằng thưởng thức một bộ phim chính là chiêm ngưỡng, là sống với cả một cuộc đời. Và với Harold and Maude, tôi như đã tuyệt vọng chết đi để rồi được tái sinh trong một cuộc đời mới. Bằng cách nào đó, Harold and Maude trong tôi tựa như một vòng xoay của cuộc đời, khi Harold là đại diện cho Cái Chết, còn Maude lại là biểu trưng cho Sự Sống. Sống – Chết luôn bất biến và song hành. Trải qua 90 phút diệu kỳ, Harold and Maude đưa tôi đến với biết bao chuyến phiêu lưu, biết bao cung bậc cảm xúc, những hoài niệm về quá khứ, những chiêm nghiệm về tương lai và cả những khát vọng hiện sinh giữa dòng đời. Tôi được thấy bản thân mình trong một Harold mang nỗi ám ảnh với cái chết, một Harold cô đơn, lạc lõng giữa cõi thế gian đầy rẫy muộn phiền, và tôi càng xúc động hơn khi nhận ra mình đã, và đang khát khao về một nàng Maude xuất hiện giữa cuộc đời đến nhường nào. Chẳng có gì là vĩnh cửu, Maude có thể là hiện thân của sự sống, nhưng sẽ không là sự sống. Vào sinh nhật tuổi 80, Maude đã rời bỏ thân xác mình – thứ vốn thuộc về “cõi đất”, cõi thế gian.

Harold: “Anh yêu em!”

Maude: “Thật tuyệt vời quá. Hãy đi ra thế giới và yêu thương nhiều hơn nhé Harold…”

Bộ phim kết thúc trong dư vị ngọt ngào xen lẫn đắng cay, người khát khao được chết thì ở lại, còn kẻ thèm khát cuộc sống lại vĩnh viễn ra đi. Harold ở lại với nỗi buồn vô hạn, thế nhưng con tim non nớt thuở xưa đã trưởng thành, mạnh mẽ và can đảm hơn bao giờ. Sự mất mát khiến Harold biết yêu thương, trân trọng những điều bình dị của cuộc sống. Chiêm ngưỡng Harold lái xe xuống vách núi, để rồi chơi một bản đàn tưởng nhớ người thương cuộc đời, tôi bỗng thấy rung động và cay cay khoé mắt… Một cảm xúc thật lạ kỳ, vui có, mà buồn cũng nhiều! Trong phút giây lặng thinh nơi tâm trí, những lời ca trong ngần của Cat Stevens lại vang lên lần nữa… Tôi nghĩ mãi về lời trăng trối của Maude, nghĩ về ý nghĩa của cuộc đời, nghĩ về một thứ tình yêu thương bao la, chân thành, cứu rỗi nhân gian khỏi muôn vàn đau khổ. Cuộc đời thực sự là muôn vàn con đường thênh thang, là cả ngàn lối đi, ngã rẽ, và Harold hay Maude đều đã chọn con đường của tình yêu thương, đã đi theo những khát vọng tự do trong sâu thẳm tâm hồn. Vào giây phút nhiệm màu ấy, họ đã trở nên bất tử, đã hoá thân vào “những vì tinh tú” trên bầu trời cao…

“Well, if you want to sing out, sing out

And if you want to be free, be free

‘Cause there’s a million things to be

You know that there are…”

“Em à, nếu em muốn hát lên, hãy hát lên

Và nếu em muốn tự do, hãy cứ bung toả

Vì thế gian này có cả triệu điều em có thể trở thành

Em biết điều đấy mà…”

Harold and Maude đã đưa tôi đến với những chân trời mới, với những xúc cảm lắng sâu, chân thành. Một cái ôm ấm áp. Một nụ hôn nồng nhiệt. Và nếu có thể, tôi sẽ luôn muốn được quay ngược thời gian, để được gặp lại Harold và Maude, để được sống lại trong khoảnh khắc diệu kỳ ấy…


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo