phân tích
NHỮNG NGƯỜI HÙNG TÂM LINH CỦA ANDREI TARKOVSKY VÀ SỰ PHẢN ÁNH LÝ TƯỞNG VỊ THA
Người viết: Tâm Nguyên Abu
(Trích và lược dịch từ bài luận Tarkovsky’s Philosophy of Love: Agape in Stalker and Sacrifice (2018) của tác giả Bilge Agzin, Journal of History Culture and Art Research 7)
Trong khi nghĩa cử hiến dâng, hy sinh cứu thế gian khỏi thảm hoạ hạt nhân của Alexander ở tác phẩm The Sacrifice được thể hiện khá hiển nhiên, rõ ràng, thì Tarkovsky lại khẳng định rằng trong Stalker, bản chất nhiệm màu của thứ tình người bao la ấy, đôi khi lại vô cùng lặng lẽ, âm thầm. Quả thực, khi ta ngưng đọng tâm trí vào hình tượng nhân vật chính trong tác phẩm, thì không khó để hiểu vì sao Tarkovsky lại nói như vậy. Trong một cuộc phỏng vấn về bộ phim Stalker, Tarkovsky đã nhấn mạnh rằng trong số ba gã đàn ông dấn thân vào cuộc hành trình đến Zone, thì Stalker là “nhân vật mà tôi tâm đắc nhất”, và có lẽ chàng đã phản chiếu “phần cao thượng, đẹp đẽ nhất bên trong tôi”.
Nhân vật Stalker
Quả thực, dưới con mắt thấm đẫm hồn thơ của Tarkovsky, sự tận hiến vị tha, vô ngã của Stalker thể hiện ở cách chàng miệt mài soi đường chỉ lối cho tha nhân đến với Zone, và điều này đã biến chàng thành một người hùng tâm linh. Đối với Stalker, chính đức tin vào Zone, đức tin vào niềm hy vọng le lói Zone có thể đem đến cho cõi nhân gian suy tàn mới là điều tối thượng. Dù cho những phép màu được đồn thổi về Zone có thực hay không, cũng chẳng phải điều quan trọng nhất. Tựa như cách Tarkovsky từng tản mạn về người anh hùng tâm linh, “Thứ quan trọng đối với Stalker là thắp lên một ngọn lửa, một niềm tin bừng cháy trong trái tim con người.”
Không chỉ vậy, Tarkovsky còn ngợi ca tình yêu vị tha và sự tận hiến có phần phi lý mà người vợ của Stalker dành cho chồng mình; nàng dường như đã bất chấp mọi khổ đau gây ra bởi sứ mệnh vị nhân sinh của cuộc đời người thương. Tarkovsky tán dương nàng bằng ngôn từ thi vị, rằng chính “tình yêu thương và sự tận tâm của nàng” là phép màu hy hữu cuối cùng có thể chống lại sự hoài nghi, yếm thế, sự suy đồi đạo đức đang đầu độc, ăn mòn xã hội hiện đại, mà trong đó cả Writer lẫn Scientist đều là nạn nhân. Thật vậy, cả Stalker và vợ mình đều son sắt thuỷ chung với một mục tiêu, một lý tưởng cao cả hơn tất thảy, để rồi điều này đòi hỏi chàng và nàng phải có sự hy sinh lớn lao, vượt bậc, giống như Alexander trong The Sacrifice. Do đó, ta nhận thấy rằng cả ba nhân vật này (Stalker, vợ chàng và Alexander) đều phản ánh những lý tưởng về lòng vị tha, “về một thứ tình thương vô ngã, bất diệt, gắn liền với niềm hạnh phúc của tha nhân”.
Nói như văn phong thần thoại so sánh của Joseph Campbell cùng cảm hứng từ Carl Jung về “cuộc hành trình của người anh hùng”, Stalker dường như đang thay mặt cho cả nhân gian để bước đi kiếm tìm niềm hy vọng, tình yêu thương và hạnh phúc đích thực. Và giống như mọi hành trình của bao người hùng phiêu bạt trong thần thoại cổ tích, Stalker trên thước phim Tarkovsky cũng phải đối mặt với sứ mệnh đầy thử thách, gian nguy. Thế nhưng, chính nhờ những chông gai ấy mà người anh hùng cũng đã giác ngộ và vươn lên đến phần siêu phàm, cao thượng hơn thảy của chính mình. Do đó, mặc dù cả hai nhân vật chính trong Stalker và The Sacrifice đều được coi là phản anh hùng nếu ta xét trên tiêu chí anh hùng bi kịch của Aristotle, thì họ vẫn là những người hùng với hành trình riêng biệt và thử thách gian truân theo như monomyth của Joseph Campbell.
Ở trường hợp của Stalker, người anh hùng phải trải qua một cuộc khủng hoảng tinh thần trong khi chiến đấu chống lại nỗi hoài nghi triền miên cùng tâm thế cam chịu số phận, chống lại “sự suy tàn đạo đức đang đầu độc, ăn mòn xã hội hiện đại, trong đó cả Writer và Scientist đều là nạn nhân”. Một thử thách gian truân hay một cuộc khủng hoảng nội tâm đều là cần thiết cho chuyến hành trình của bất kỳ người anh hùng nào. Tarkovsky nhận định về cuộc khủng hoảng tinh thần của Stalker như sau: “Tôi luôn có niềm tin rằng qua một biến cố tinh thần thì rồi hạt giống chữa lành sẽ được ươm mầm, nảy nở. Khủng hoảng tinh thần chính là nỗ lực cùng cực, là sự vùng vẫy tìm kiếm bản nguyên chính mình, để rồi ta sẽ đi đến những niềm tin mới mẻ, tươi sáng hơn.” Theo Tarkovsky, người anh hùng Stalker sẽ phải trải qua thử thách đầy gian truân, đó là “những khoảnh khắc tối tăm, là đêm trường tuyệt vọng khi niềm tin của chàng bị lay động, thế nhưng sau mỗi khoảnh khắc ấy là một lần chàng vùng lên, là một lần chàng bừng tỉnh với lòng vị tha bao la bất diệt, để rồi ngày ngày tận hiến cho những mảnh đời không còn chút hy vọng, thương yêu.” Có một điều chắc chắn rằng hành trình tôi luyện chí khí anh hùng của Stalker chính là tấm gương phản chiếu con đường đời đạo diễn Andrei Tarkovsky. Giống như người anh hùng Stalker với sứ mệnh “thắp lên một ngọn lửa, một niềm tin bừng cháy trong trái tim con người”, Tarkovsky với tư cách một nhà làm phim, đã tuyên bố nhiệm vụ cao cả cuộc đời mình là “khiến cho bất cứ ai xem phim đều giác ngộ được tầm quan trọng của yêu thương và trao đi yêu thương, khiến con người nhận ra rằng vẻ đẹp cuộc sống vẫn đang hằng vẫy gọi.” Những thông điệp của Stalker và The Sacrifice dường như đã tôn lên điều Thánh Phaolô đã viết trong Cô-rinh-tô 13:13: “Và giờ đây ba điều này vẫn tồn tại: đức tin, hy vọng và tình yêu thương. Nhưng vĩ đại hơn tất thảy chính là tình yêu thương.”
Đối với Alexander của The Sacrifice, thử thách đặt ra cho người anh hùng thậm chí còn gian khó gấp muôn phần Stalker và vợ chàng. Tarkovsky từng mô tả Alexander là “một kẻ sầu bi bị nỗi trầm cảm triền miên đè nén” và là người “ngày ngày nuôi lớn lòng căm ghét với tính sáo rỗng trong lời nói của con người.” Trong một cõi thế gian nơi “ngôn từ đã mất đi mọi nét bí ẩn, huyền diệu và lời nói đã trở thành những tiếng suông vô nghĩa” giống như Alexander từng miêu tả với nỗi ngậm ngùi, thật không phải ngẫu nhiên mà The Sacrifice mở đầu bằng cảnh Alexander kể câu chuyện về Pamdev và đệ tử trẻ Ioann Kolov. Câu chuyện mà Alexander kể cho người con trai bé bỏng dường như tồn tại một ý nghĩa sâu xa hơn:
Con muốn nói gì thì nói, thế nhưng mỗi phương pháp, mỗi hệ thống đều có ưu điểm riêng. Con biết đấy, đôi khi ta tự nhủ, nếu mỗi ngày, vào cùng một nhịp kim đồng hồ, một con người lặp lại một việc làm… thế giới sẽ là một nơi rất khác chăng? Phải, có điều gì đó sẽ đổi thay! Nó sẽ phải như vậy!
Ảnh trong phim The Sacrifice (1986)
Và rồi người đệ tử trẻ Ioann Kolov đã kiên trì leo lên đồi mỗi sáng để tưới nước cho cây khô trong ba năm ròng rã. Hành trình tận tâm cùng lòng tin tuyệt đối của Ioann Kolov hiện lên thật cao cả làm sao khi đặt giữa bối cảnh một cõi thế gian nơi “lời nói trở thành những tiếng suông vô nghĩa”. Đây cũng là lý do tại sao Alexander phải giữ lời trọn hứa với Chúa để rồi thiêu rụi ngôi nhà của mình. Giữ lời thề với Chúa, Alexander không chỉ cứu độ cõi thế gian nơi bao lời nói đã trở thành vô nghĩa khỏi thảm họa hạt nhân mà còn chiến thắng được nỗi hoài nghi miên viễn.
Đối với Tarkovsky, Alexander không phải là một người anh hùng của văn chương cổ điển mà là “một nhà tư tưởng, một con người lương thiện có khả năng hiến dâng vì lý tưởng hiện sinh cao cả.”. Đối với Chúa, Alexander thiêu rụi ngôi nhà để giữ trọn lời thề, còn đối với kẻ ngoài cuộc, Alexander không hơn không kém chỉ là một kẻ tâm thần mà thôi. Giống như Tarkovsky từng nhận xét: “Mặc dù vậy nhưng Alexander đã thực hiện một bước tiến quan trọng, một nước cờ điên rồ phạm thượng các quy tắc ứng xử thông thường, để rồi ông ta trở thành kẻ ngu muội trong mắt người đời. Rất có thể thông qua hành động phi lý của cá nhân Alexander – hành động mà không ai để tâm hay thấu hiểu, mà hoà bình thế gian được lập lại.” Quả thực, cũng nhờ đây mà Alexander được công nhận là một người hùng tâm linh của Tarkovsky. Hình tượng nhân vật Alexander đã phản ánh những lý tưởng của Cơ đốc giáo về Agape - một thứ tình thương của lòng vị tha, và được trao đi bởi nghĩa cử hy sinh, dâng hiến.
Và rồi, cảnh quay cuối cùng của The Sacrifice được mở ra. Ống kính hướng về chú bé đang xách xô nước tưới cho cái cây khô mà cha mình đã trồng. Khi ấy, xe cứu thương chở Alexander đi khỏi ngôi nhà bị thiêu rụi. Tưới nước xong, cậu bé bèn nằm xuống bên gốc cây khô cằn. Tâm trí ngập tràn hoài nghi, băn khoăn về bao bí ẩn của thế gian cùng sự sáng thế, để rồi cậu bé bỗng thốt lên: “Khởi nguồn là Ngôi Lời. Tại sao lại vậy hả cha?” Dù Alexander đã ra đi và không thể đưa cho cậu bé bất kỳ lời giải đáp, thì thế giới bên dưới tán cây kia vẫn ngập tràn bí ẩn, phép màu. Thế rồi tất cả chỉ còn lại sự lặng im kéo theo khúc “Erbarme Dich, mein Gott” của Bach.
Thế rồi, ống kính di chuyển chậm rãi dần lên cao. Chuyển động ấy ngưng đọng khi chạm đến đỉnh của cái cây cằn cỗi, nơi ánh nắng khẽ len qua từng cành khẳng khiu, khô gầy. Thời gian dường như ngừng lại và rồi ta tưởng chừng được chiêm ngưỡng từng chuyển động tinh tế, khẽ khàng nhất của một phép màu sống động. Chính vào khoảnh khắc ấy, câu chuyện ngụ ngôn về cây sự sống đã đạt đến đỉnh cao của tâm linh màu nhiệm. Phải chăng hình ảnh một cái cây đã không còn sự sống lại bỗng trở nên lung linh với những đoá hoa nở rộ, như trong câu chuyện của Pamdev, chính là biểu trưng mạnh mẽ cho triết lý của Andrei Tarkovsky về sự chuyển hoá màu nhiệm nhờ lòng vị tha bao la bất diệt? Triết lý của Tarkovsky sẽ chỉ là thực tại nhiệm màu khi ta diệt trừ tâm tham lợi ích kỷ và dưỡng nuôi lòng vị tha bền bỉ cùng đức cao thượng hy sinh. Thế nhưng, có lẽ không phải cái cây mà chúng ta thấy ngoài thế giới khách quan kia mới trở nên khô cằn và không còn sự sống. Có lẽ chính cây sự sống trong tâm hồn ta đã chết đi lâu rồi mà ta nào hay biết chăng? Trong những năm tháng cuối đời, Tarkovsky mắc ung thư giai đoạn cuối và phải sống lưu vong, nhưng vị đạo diễn đại tài đã hoàn thiện và dành tặng tác phẩm cuối cùng cho người con trai yêu dấu Andriosha, bấy giờ đang sống ở Liên Xô, bằng “niềm hy vọng và lòng kiêu hãnh bất diệt”.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ