phân tích

ONCE UPON A TIME IN AMERICA (1984): TRƯỜNG CA BI TRÁNG VỀ CUỘC ĐỜI GANGSTER

Người viết: Tâm Nguyên Abu

img of ONCE UPON A TIME IN AMERICA (1984): TRƯỜNG CA BI TRÁNG VỀ CUỘC ĐỜI GANGSTER

“Tôi yêu cái mùi hôi thối trên khắp ngóc phố, nẻo đường. Nó khiến tôi khoan khoái làm sao. Tôi yêu nó, cái mùi hôi tanh khiến lá phổi tôi như được mở rộng…”

Đi qua hơn ba thập kỷ, Once Upon A Time in America của Sergio Leone vẫn được coi là kiệt tác của dòng phim gangster, là bức hoạ trần trụi về một đất Mỹ non trẻ, nhiễu nhương, là thiên anh hùng ca về cuộc đời bi ai, hào hùng. Dưới bàn tay của Sergio Leone, câu chuyện nước Mỹ một thời hiện lên như một sự giao thoa toàn bích giữa hai tác phẩm GoodFellas và The GodFather, giữa cái ngông cuồng và nét trầm mặc, giữa cái bạo tàn và sự nên thơ. Một câu chuyện cổ tích nhuốm màu máu đỏ, lòng tham và tội ác.

Đạo diễn Sergio Leone đã lấy cảm hứng từ cuốn tự truyện The Hoods của tay giang hồ Harry Gray để chắp bút nên kịch bản Once Upon A Time in America. Bộ phim là sự hồi tưởng của David “Noodles” Aaronson (Robert De Niro) – một gangster gốc Do Thái về thời quá khứ trên đất Mỹ phù hoa, về thời thiếu niên xa xôi, về những thăng trầm, đắng cay của kiếp giang hồ. Sự hoài niệm, nỗi day dứt khôn nguôi có lẽ chính là xúc cảm chủ đạo cho thiên sử thi về nước Mỹ một thời. Bộ phim được mở đầu với một phi vụ tìm – diệt đẫm máu, với cuộc đào tẩu nghẹt thở của Noodles khỏi sự truy sát của kẻ thù, cùng những hồi ức chắp vá, mơ hồ trong tâm tưởng Noodles. Dạt trôi theo dòng ký ức của Noodles, theo giai điệu “Yesterday” u hoài, người xem được trở về với một nước Mỹ non trẻ đầu thế kỷ XX, với những con phố tấp nập dòng người nhập cư. Hình ảnh khu ổ chuột của những người di cư từ Do Thái hiện lên thật trần trụi, ám ảnh, nhưng vẫn ẩn giấu trong đó sự vấn vương, thơ thẩn, hoài niệm. Giữa bức phông nền đầy nhớ nhung của quá khứ, ta được thấy một Noodles của tuổi thiếu niên, cùng hội “anh em kết nghĩa” gồm Max, Patsy, Cockeye và Dominic. Những đứa trẻ được lớn lên trong sự đói nghèo, kham khổ, trong những thói đời xấu xa ranh mãnh trên khắp các nẻo đường, ngõ xóm, đã sa ngã vào con đường của tội ác. Và chính sự đói nghèo, đã khiến con người phải ham muốn, phải thèm khát, phải quy hàng đồng tiền bằng bất cứ giá nào; băng nhóm giang hồ thiếu niên của Noodles đã lang bạt khắp các con phố New York để kiếm tìm “đồng tiền” ấy, chúng quậy phá, móc túi, đánh nhau, cướp giật,… Giá trị của con người giữa thời thế suy tàn cũng bị hạ thấp một cách thảm hại, đáng thương, đến mức cô nhóc Peggy cùng xóm nhà Noodles đã sẵn sàng quan hệ với bất cứ ai để đổi lấy…một chiếc bánh kem rẻ tiền. Nước Mỹ dưới bản trường ca của Sergio Leone, là một miền đất được nuôi dưỡng bởi lòng tham, bạc tiền và tội ác. Noodles, Maxie, hay những người Do Thái túng quẫn, đói nghèo, đã đi theo tiếng gọi của tham vọng và Giấc mơ Mỹ, để dựng xây một cuộc sống sung túc, hoa lệ, và nước Mỹ cũng từ đó mà lớn lên ngày ngày…

Giữa bức phông nền bạo tàn, đẫm máu của thế giới giang hồ, nếu như tình dục là thứ có giá chỉ bằng một chiếc bánh kem, thì tình yêu lại là điều gì đó quá đỗi xa xỉ, cay đắng. Nửa đầu khúc trường ca của Sergio Leone hiện lên tựa như một câu chuyện cổ tích huyền hoặc về tuổi mới lớn, về khát vọng tình yêu trong trẻo, chân thành. Thời niên thiếu, Noodles đã đem lòng thầm thương Deborah, ngày ngày nhìn trộm nàng tập múa trong kho của tiệm nhà Joe. Mối tình trong trẻo, bồng bột thời thiếu niên, lại trở thành nỗi hoài niệm dai dẳng, nghiệt ngã với Noodles cho tới mãi về sau. Hình ảnh Deborah uyển chuyển, thanh thoát trong chiếc váy trắng trên nền nhạc du dương chính là hiện thân cho một vẻ đẹp thuần khiết, ngây dại, một vẻ đẹp làm rung động, gột rửa tâm hồn. Cái Đẹp ấy đối nghịch với tội ác ranh mãnh, với sự lầm than và những tệ nạn miên viễn của cuộc đời Noodles. Chính vòng xoáy tội ác là thứ rào cản khiến Noodles không thể có được tình yêu lớn nhất cuộc đời:

Deborah: “Người yêu dấu của tôi trắng trong

Da đẹp như vàng khối

Hai má hương vị đậm đà

Dù không tắm rửa gì từ tháng 12 năm ngoái

Mắt như chim câu, thân thể là ngà

Hai chân là hai trụ đá hoa cương…trong chiếc quần rất bẩn

Tự khẳng định mình, nhưng lúc nào cũng cư xử như một tên đê tiện

Cho nên sẽ không bao giờ là người yêu dấu của tôi.”

Noodles sống giữa sự giằng xé giữa những khát vọng tình yêu và sự trân trọng tình huynh đệ giang hồ. Trong phim, đã tới hai lần, Noodles rời xa Deborah để đi theo tiếng gọi của Maxie, đi theo sự thúc ép từ vòng xoáy tội ác. Tình tri kỷ giữa Noodles và Maxie cũng thật lạ lùng, Maxie là người có ảnh hưởng sâu sắc đến Noodles, là người có cái uy quyền mạnh mẽ, kinh sợ, đến mức Deborah phải mỉa mai: “Đi đi Noodles! “Mẹ anh” đang gọi kìa!”, còn Noodles thì một mực trân quý Maxie. Tình huống éo le đặt cho ta một thắc mắc, rằng liệu ai mới là kẻ làm chủ, ai mới là thủ lĩnh thực sự của băng nhóm giang hồ?

Maxie: “Mày sẽ làm gì nếu không có tao chứ!”

Với Once Upon A Time in America, Sergio Leone đã khắc hoạ nên một thế giới ngầm đầy ma lực, tiền tài và tội ác. Cuối những năm 20, khi nước Mỹ bước vào thời kỳ Đại suy thoái, chính phủ ban hành lệnh cấm buôn bán rượu trên toàn quốc. Cùng với dòng chảy của thời thế, các tổ chức buôn rượu lậu thi nhau tung hoành, và băng nhóm của Noodles cũng không dễ gì bỏ qua thời cơ ngàn năm ấy. Những tệ nạn xã hội, từ buôn lậu, mại dâm, cướp bóc, cho tới các phi vụ chém giết, những cuộc thanh trừng đẫm máu, bạo tàn, đều được phơi bày trần trụi trên “thiên sử thi” kéo dài 4 giờ đồng hồ của Sergio Leone. Nếu như những góc phố, nẻo đường tanh tưởi tại New York là nơi nuôi dưỡng tham vọng, hoài bão cho những kẻ như Maxie, thì với Noodles, đây lại là miền đất của ký ức, của những hoài niệm dai dẳng. Noodles thâm trầm, đa cảm, luôn chìm trong suy tư về quá khứ, còn Maxie lại liều lĩnh, sắc sảo, tàn độc và hướng đến tương lai phía trước. Hư vinh, quyền thế, bạc tiền – đó là cái đích của cuộc đời Maxie, một cái đích mà tưởng như khi hắn đã đạt được, thì lòng tham trong hắn lại giày vò, hối thúc: “Phải có nhiều hơn nữa! Đừng dừng lại!”. Dục vọng, có lẽ là thứ không bao giờ có điểm kết thúc!

Max: “Nó là một cái ngai vàng. Nó là quà tặng cho một Giáo hoàng. Nó tiêu tốn của tôi những 800 đô đấy.”

Carol: “Nó là món hàng từ thế kỷ 17.”

Noodles: “Thế giờ anh định làm gì nó?”

Max: “Tôi ngồi lên nó!”

Từ thời thiếu niên, Maxie đã bộc lộ khát khao lật đổ những kẻ cầm quyền. Maxie căm ghét Bugsy, căm ghét cái cảnh bị bóc lột, thao túng và đàn áp, nhưng trớ trêu thay, khi không phải Maxie, mà chính Noodles mới là kẻ ra tay kết liễu tên trùm. Suốt cả cuộc đời, Noodles thu mình trong một vỏ bọc siêu hình, có chăng thì nấp dưới cái bóng của Maxie, nhưng khi chứng kiến Dominic bé nhỏ bị Bugsy tàn sát, khi nghe lời trăng trối của cùng của cậu bé yểu mệnh, thì bản ngã trong Noodles đã trỗi dậy - mãnh liệt, uy lực và bạo tàn. Cầm dao đâm túi bụi Bugsy, kết liễu một tên trùm khét tiếng, chàng thiếu niên Noodles bị kết án tù, thế nhưng cũng chính hành động điên rồ, liều lĩnh của cậu trai ngày hôm đấy đã mở đường cho một băng đảng hùng mạnh về sau. Đến khi được tự do trở về, ta được thấy một Noodles trưởng thành, vẫn trầm lặng, khép kín, vẫn si tình với nàng Deborah năm ấy. Cái chết của Dominic, sự tồn tại của Deborah – đó là lẽ sống duy nhất của Noodles.

Noodles: “Sẽ chẳng ai có thể yêu em nhiều như anh. Đã có những lúc anh nghĩ rằng mình không thể chịu đựng được khổ đau này nữa. Anh đã nghĩ về em, anh tự nhủ rằng: “Deborah vẫn sống. Nàng đang ở ngoài kia. Nàng vẫn đang tồn tại.” Và điều đó khiến anh vượt lên tất cả.”

Lại nói về chuyện tình bi ai của nước Mỹ một thời, có lẽ Deborah chính là hiện thân cho những gì mà Noodles luôn khát khao trong cuộc đời – một cái đẹp thanh thoát, cứu rỗi, cao quý và toàn vẹn. Sự đối nghịch giữa Noodles và Deborah là yếu tố khiến họ sẽ chẳng thể có được kết thúc trọn vẹn, và đó cũng là nguyên nhân khiến Noodles nảy sinh những dục vọng thấp hèn, đê tiện cùng ham muốn chiếm hữu người tình. Trong buổi hẹn hò cuối cùng, Noodles đã cưỡng hiếp Deborah, mặc cho người con gái không ngừng van nài thảm thiết. Phân cảnh cưỡng bức tàn bạo ấy đã trở thành một trong những trải nghiệm điện ảnh day dứt nhất trong tâm trí tôi. Tôi phẫn nộ, ghê tởm và thất vọng đến cùng cực trước sự tha hoá, sự biến dị nhân cách của Noodles. Đó cũng là khoảnh khắc mà sự trân quý của Deborah dành cho gã trai năm xưa bị huỷ diệt hoàn toàn. Deborah đã vĩnh viễn đi xa khỏi cuộc đời Noodles, rời xa thứ dục vọng thấp hèn, dơ bẩn của gã. Nàng đã, và sẽ không còn “ở ngoài kia nữa”…

Có thể coi, cuộc đời của Noodles, từ những tháng ngày mưu sinh trong khu ổ chuột, đến lúc đạt đến đỉnh cao của dục vọng, hư vinh cho đến khi đánh mất mọi thứ mình trân quý, chính là hành trình đối diện với tâm hồn sứt sẹo, là cuộc chiến đấu dai dẳng với sự suy đồi, với lòng tham và tội ác. Noodles của tuổi trung niên hiện lên như một kẻ vô minh, chạy trốn những ám ảnh triền miên, những oan hồn vất vưởng từ quá khứ xa vời. Nỗi quan hoài về ký ức, về thời gian trôi chảy được in dấu trên thước phim bi tráng của Sergio Leone. Thời gian – đó là thứ phơi bày nên hiện thực đắng cay, trần trụi. Năm tháng đã làm tha hoá chàng thanh niên Noodles, khiến Noodles rơi vào vòng xoáy tội ác, nhưng cũng chính tháng năm, lại giúp Noodles nếm trải mọi bi ai, cay đắng, tủi hổ của kiếp giang hồ. Bước qua bao thăng trầm, hỷ nộ ái ố của cuộc đời gangster, Noodles đã muốn buông bỏ, muốn giải thoát linh hồn khỏi tội ác. Lùi một bước, Noodles đã phải đưa ra quyết định trong thời khắc sinh tử, đó là phản bội lại những người huynh đệ của mình. Trong đêm mưa tầm tã nặng hạt, Noodles đã tận mắt chứng kiến thây xác của Maxie, Patsy và Cockeye. Suốt hàng chục năm, Noodles phải chạy trốn, phải sống trong nỗi dằn vặt khôn nguôi, trong những hồi ức nghiệt ngã, dai dẳng – đó có lẽ cũng là cái giá phải trả cho những tội ác tày trời của Noodles. Cái nghiệt ngã của thời gian không chỉ hằn in trên mái tóc bạc, trên vết chân chim nơi đuôi mắt Noodles, mà nó còn giết chết đi tuổi xuân mơn mởn của nàng Deborah. Trải qua hơn 3 thập kỷ, Noodles và người trong mộng thuở xưa đã trùng phùng, và có lẽ, sự hận thù, căm phẫn của Deborah dường như đã bị xoá nhoà qua năm tháng. Deborah đã từ bỏ con phố New York tanh tưởi, lầm than để đến với một Hollywood phồn hoa, thế nhưng cho đến cuối cùng, nàng vẫn là kẻ cô độc. Hình ảnh Deborah ở độ xế chiều, trong lớp phấn trắng dày cộp trên gương mặt chính là biểu trưng cho nỗi ám ảnh dai dẳng về thời gian, về tuổi già và sự cô độc.

Deborah: “Thời gian đã khiến em úa tàn, Noodles ạ. Chúng ta đều già rồi. Những gì còn lại giữa chúng ta chỉ là kỷ niệm.”

Trong hồi cuối của bộ phim, mọi bí ẩn về chiếc vali tiền cùng lá thư gửi đến Noodles đã được bóc trần. Maxie thực sự đã không chết vào buổi đêm sinh tử năm xưa, hắn đã bỏ trốn cùng tài sản kếch xù, cướp đi Deborah và sống dưới một danh phận khác – Thượng nghị sĩ Bailey. Dành cả cuộc đời để tìm kiếm tham vọng, quyền lực, tiền tài, theo đuổi một Giấc mơ Mỹ hư trá, phù hoa, giờ đây khi sa cơ lỡ thế, Ngài Bailey đã mời Noodles đến bữa tiệc của mình, và xin Noodles hãy ra tay kết liễu hắn. Hành động của Bailey là sự bảo vệ cuối cùng cho lòng tự tôn của hắn, là cái cớ để hắn có thể gặp lại người xưa kia hắn từng là tri kỷ, và cũng là cách để hắn chuộc lại những lỗi lầm đã gây ra… Noodles khi ấy chỉ mường tượng, bồi hồi về hình ảnh một Maxie thời thanh xuân, về những kỷ niệm xa vời mà lạnh lùng: “Ông thấy đấy, Ngài Thượng nghị sĩ…Tôi cũng có một câu chuyện, đơn giản hơn của ông. Nhiều năm trước, tôi từng có một người bạn tri kỷ. Tôi giao nộp hắn cho cảnh sát để cứu lấy cuộc đời hắn, nhưng hắn lại bị giết. Hắn lại muốn như vậy. Đó là một tình bạn đẹp. Nhưng nó khiến hắn sa ngã, và cả tôi cũng vậy. Chúc ngủ ngon, Ngài Bailey!”. Hành động của Noodles ẩn chứa sự thương hại đến khôn cùng với người huynh đệ năm xưa, nhưng cũng bộc lộ thái độ dứt khoát, kiên cường trước điều bất thiện. Một cảnh phim chứa đầy nỗi hoài niệm, sự tủi hổ, cay đắng, thế nhưng nó cũng khiến tôi thanh thản, nhẹ lòng, khi thấy Noodles đã vượt lên Cái Ác, đã tự giải thoát bản thân khỏi cái bóng của Maxie, khỏi vòng xoáy của tội ác, bạc tiền. Chấp nhận và buông bỏ - đó là cách mà Noodles tìm đến ánh sáng thiện lương nơi cuối con đường…

Tại thời điểm ra mắt, thiên sử thi của Sergio Leone đã bị giới phê bình vùi dập tơi tả, bởi sự kỳ thị phụ nữ trong phim, và cũng chẳng ai hiểu nổi bộ phim muốn nói lên điều gì! Khi trình chiếu tại Mỹ, bộ phim đã bị xử lí một cách thô bạo xuống chỉ còn 2 giờ 24 phút. Những cảnh hồi tưởng về thời niên thiếu – những chi tiết được coi là đắt giá và đậm chất thơ nhất trong kiệt tác của Sergio Leone, lại bị cắt xén không thương tiếc. Khi ấy, nhà phê bình Roger Elbert đã nhận xét phiên bản đầy đủ của bộ phim là “một thi phẩm thiên anh hùng ca về bạo lực và lòng tham vô đáy”, còn phiên bản chiếu rạp của Mỹ là “một sự bôi bác bẩn thỉu”! Mãi đến sau này, khi được thưởng thức phiên bản dài 4 giờ đồng hồ của Once Upon A Time in America, thì tất cả khán giả mới bị lay động bởi một kiệt tác thực thụ. Đặc sắc nhất ở Once Upon A Time in America là sự sắp xếp các tình tiết theo cách phi tuyến tính, không hề tuân theo trình tự logic thông thường (non-linear). Sự xuất hiện đan xen giữa hiện tại và quá khứ, giữa thực và hư, giữa mộng tưởng và ký ức đã khiến bộ phim như nhuốm màu một câu chuyện cổ tích huyền hoặc, bi tráng. Như đã nói, sự hoài niệm, nỗi day dứt khôn nguôi về quá khứ xa xôi chính là cảm hứng chủ đạo cho thiên sử thi hào hùng của Sergio Leone, và góp phần làm nên nét đẹp trầm mặc, thơ thẩn cùng nỗi sầu ai oán cho tác phẩm, không gì khác, chính là thứ âm nhạc da diết của bậc thầy Ennio Morricone. Những giai điệu mượt mà, mà mãnh liệt, u hoài và day dứt đã phơi bày những trăn trở của tâm trí, những giằng xé của tâm can, và cả sự nghiệt ngã, vô thường của nhân sinh, thế sự. Trên tất cả, thứ âm giai ấy đã làm nên một trường khúc, một thiên anh hùng ca đẫm máu, toàn bích và bất hủ!

Once Upon A Time in America kết thúc trong bối cảnh Rạp hát Trung Hoa, với hình ảnh Noodles nở một nụ cười man dại giữa làn khói thuốc lào. Cái kết mơ hồ của thiên sử thi đã đem đến cho người xem muôn vàn trăn trở, quan hoài. Trong cơn mê man khi ấy, dường như Noodles đã mường tượng về quá khứ, về tương lai và cuộc đời bi kịch, đã nuối tiếc về tình yêu, tình bạn, đã tủi hổ, tuyệt vọng về sự tha hoá nhân cách của chính bản thân mình. Nụ cười man dại ấy đã khiến tôi rơi vào trạng thái câm lặng, và tâm trí tôi như được dạt trôi về những ký ức xa xưa, những hỷ nộ ái ố của cuộc đời. Tôi yêu cái cảm giác được đắm mình về quá khứ, được nhớ nhung về những điều đã qua, và Once Upon A Time in America, với tôi, là khúc ballad về chặng đường đời của tất cả mọi con người, là truyện cổ về miền quá khứ xa xôi. Cái kết của bộ phim tựa như một câu đố còn bỏ ngỏ, một bí ẩn huyền hoặc không ai có thể đưa ra lời giải, ngay cả Sergio Leone. Thế nhưng, liệu rằng đó có phải điều tối thượng hay không? Niềm hạnh phúc khi thưởng thức một tác phẩm điện ảnh, không chỉ đến từ sự nhận thức tường tận mọi thứ đang diễn ra, mà nó còn đến từ cách ta cảm nhận, ta thả hồn mình trong những bí ẩn, trong cái hư vô, và để cho nghệ thuật điểm tô, xâm chiếm cõi lòng. Sự mơ hồ, xao xuyến, day dứt của Once Upon A Time in America cũng ngự trị trong phạm trù ấy, và với tôi, đây sẽ là một trải nghiệm mãi không phai mờ. Giai điệu da diết, thơ thẩn của Ennio Morricone được cất lên, khung cảnh sống động xứ cờ hoa của thế kỷ trước được thu phóng vào con mắt hiếu kỳ, trong khoảnh khắc ấy, ta được bước vào miền cổ tích huyền diệu, mê man…


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo