phỏng vấn
RIMINI QUÊ HƯƠNG TÔI – FEDERICO FELLINI
Người viết: Federico Fellini (chuyển ngữ bởi Tâm Nguyên Abu)
(Fellini sinh ra và lớn lên ở thị trấn ven biển Rimini. Quê hương Rimini đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm của ông, từ 8 ½, Amarcord cho đến I Clowns. Đoạn hồi tưởng sau đây được nhà làm phim đại tài viết vào năm 1967.)
Đêm qua tôi mơ thấy cảng Rimini thân yêu, mở ra giữa khung cảnh huyền diệu ấy là mặt biển thẳm xanh, thần bí tựa như cánh đồng rung rinh trong gió, cùng những gợn mây lướt đi bồng bềnh giữa muôn trùng nước non. Ôi hỡi Rimini: cái tên ấy là gì? Đó là một chiều ký ức trong tôi (giữa muôn nghìn ký ức khác, đó là một loại ký ức đặc biệt đã bị tôi gặm nhấm, bị tôi bóp méo, huyễn hoặc) mà tôi đã suy tư nhiều đến mức một cảm xúc bối rối dường như luôn trực chờ, trào dâng. Thế nhưng tôi vẫn phải tiếp tục nói về cái tên ấy. Đôi khi tôi còn tự hỏi: cuối cùng, khi tấm thân tôi đã già cỗi, bầm dập và mỏi mệt, khi tôi không còn sức lực chiến đấu giữa dòng đời này nữa, liệu tôi có muốn mua một căn nhà nhỏ xinh ở cảng biển thân thương ấy không? Tôi nhớ phần cũ của cảng. Khi còn nhỏ, tôi đã từng trông thấy nó, bên kia mặt nước thôi: tôi có thể nhìn thấy bộ xương của những chiếc thuyền họ đang đóng. Và cánh bên kia của cảng, từ phía này, khiến tôi mường tượng ra một cuộc sống xô bồ, vội vã chẳng liên quan gì đến những người Đức đến bờ biển trên những chiếc Daimler Benzes. Hãy nghĩ đến Rimini. Rimini, một từ được tạo nên từ những cây gậy, những người lính xếp thành một hàng. Rimini: một câu chuyện ngu ngơ, rối bời, kinh sợ mà dịu dàng, với hơi thở vĩ đại và vùng biển bao la thăm thẳm của riêng nó. Ở đó, những hoài niệm xa xôi bỗng trở nên trong trẻo hơn, đặc biệt là hình ảnh biển khơi mùa đông, là những chú ngựa trắng, những cơn gió lồng lộng vẫn hiện lên hệt như lần đầu tiên tôi trông thấy chúng thuở còn thơ. Khi tôi nghĩ về đô thị Gambettola quê hương, đến một nữ tu nhỏ bé, đến những người què quặt bên ánh lửa nằm sõng soài trên những tấm ván, tôi luôn liên tưởng đến danh hoạ Hieronymus Bosch. Những người gypsies cũng phiêu bạt qua đô thị Gambettola, và những người đốt than sẽ quay trở về vùng núi Abruzzo. Vào buổi tối, giữa âm thanh kinh hoàng, réo rắt của những con thú, một quầy hàng đầy khói được dựng lên. Ta sẽ trông thấy những ngọn lửa cháy sáng bập bùng. Đó là người thiến lợn. Anh ta đi đến phố lớn, với chiếc áo khoác đen to đùng cùng chiếc mũ kiểu cũ. Lũ lợn có thể cảm nhận được bước chân tử thần, chúng kêu la thảm thiết. Gã đàn ông này đã gạ tất cả các cô gái trong thị trấn lên giường; Có lần hắn đã khiến một cô gái đáng thương khờ khạo có bầu và thiên hạ đều buông lời gièm pha rằng đứa bé là con của quỷ dữ.
Tiếp đến là vùng Romagna. Một sự giao thoa kỳ lạ giữa những chuyến phiêu lưu biển khơi và Nhà thờ Công giáo. Một nơi bị bao vây bởi vùng núi đen tối của San Marino. Một tâm lý, phong vị kỳ dị, ngạo mạn, báng bổ, pha lẫn cuồng tín và thách thức Thiên Chúa. Những con người nơi đây không có khiếu hài hước, nhưng lại thích đùa cợt và mê những điều táo bạo. Một gã sẽ mạnh miệng tuyên bố: tôi sẽ ngoạm tám thước xúc xích, ba con gà và một cây nến. Đúng đấy, cả nến cũng không tha. Không khác gì một rạp xiếc. Sau đó ổng sẽ ăn hết thật luôn, và rồi ngay lập tức người ta phải thồ ổng trên một cái xe máy, mặt mày ổng tím tái, mắt nhắm nghiền; bàn dân thiên hạ thì cười rống lên trước cảnh tượng khủng khiếp này: chết vì tham ăn.
Tối đến, lũ nhóc chúng tôi chạy ùa ra biển rồi như tan biến trong màn sương đông huyền ảo của Rimini: cửa chớp sập, những ngôi nhà trọ cài then, chỉ còn sự im lặng rợn ngợp và tiếng sóng biển rì rào.
Khi hè về, để chọc phá những đôi uyên ương làm tình sau những con thuyền, chúng tôi thường cởi sạch quần áo rồi đứng trần như nhộng cất tiếng hỏi người đàn ông đang núp sau thuyền: “Xin lỗi, anh có thể cho tôi biết mấy giờ rồi không?”
Khi màn đêm bao phủ, khách sạn nơi đây bỗng trở thành những kinh đô Istanbul, Baghdad, hay Hollywood hoa lệ. Trên tầng thượng xa hoa là những hàng cây xanh dày đặc bao phủ, tưởng như bộ phim Ziegfeld Follies đã lấy bối cảnh nơi đây. Chúng tôi thoáng thấy những nàng thơ lưng trần kiều diễm trong vòng tay các quý ông vận áo dạ hội trắng tinh khôi; rồi một làn gió thơm ngát, thoang thoảng đem theo những đoạn nhạc đảo phách, du dương đến mức khiến chúng tôi đê mê, ngây ngất…
Chỉ khi đông đến, trong tiết trời ẩm ướt, bóng tối và sương mù dày đặc, lũ choai choai chúng tôi mới có thể trà trộn vào đứng giữa sân hiên rộng lớn đang sũng nước mưa của khách sạn. Nhưng nó chẳng khác nào đi đến một khu cắm trại khi mọi người đã tàn tiệc và mọi ánh lửa đã tắt.
Trong màn đêm huyền ảo, u tịch, chúng tôi có thể nghe thấy tiếng gầm của biển: gió cuốn theo những cơn mưa phùn băng giá từ sóng biển ướt đẫm da mặt chúng tôi. Khách sạn xa hoa kia đóng kín tựa như một kim tự tháp, trên đó những mái vòm cùng chóp nhọn như biến mất giữa làn sương hư không ảm đạm, nơi đây bỗng trở nên thật xa lạ, thần bí như không thể chạm đến với những chàng niên thiếu chúng tôi.
Tôi rời Rimini năm 1937 và quay trở về vào năm 1945. Bóng hình quê hương năm xưa hệt như một biển gạch vụn. Không còn lại gì. Tất cả những gì phát ra từ đống đổ nát hoang tàn ấy là phương ngữ, là nhịp sống quen thuộc, là tiếng gọi sớm chiều “Duilio! Severino!” - những cái tên rất đỗi kỳ lạ. Nhiều ngôi nhà xưa kia tôi từng cư ngụ đã không còn nữa. Người ta bàn tán xôn xao về mặt trận chiến đấu, về những hang động ở San Marino nơi họ trú ẩn, và lòng tôi bỗng trào dâng niềm hổ thẹn vì đã không ở lại khi thảm hoạ xảy ra. Tôi ấn tượng trước cách người ta luôn bận rộn, ngày ngày làm tổ trong những túp lều gỗ nhưng lại thao thao bất tuyệt về những ngôi nhà trọ xinh yêu nay mai sẽ xây dựng, và lải nhải về khách sạn khách sạn khách sạn: họ khát khao dựng xây lại những mái ấm từ đống đổ nát.
“Hiện nay đã có tới 1.500 khách sạn và nhà trọ, hơn 200 quán bar, 50 vũ trường và một bãi biển dài 15 km. Nửa triệu người đến đây mỗi năm, một nửa là người nước ngoài và một nửa là người Ý. Máy bay làm bầu trời tối đi mỗi ngày, từ Anh, Đức, Pháp và Thụy Điển…
“Một anh chàng nơi đây đã thành lập một chuỗi khách sạn – khách sạn mùa xuân trên đồi và mùa đông ở giữa núi – để giữ chân khách hàng.”
Rimini mà tôi trông thấy giờ đây thật bát ngát, vô biên. Trước kia, xung quanh thị trấn là muôn dặm tối tăm cùng những con đường ven biển không được sử dụng. Thứ duy nhất để trông ra là những toà nhà phát xít ma quỷ, những khu cắm trại mùa hạ. Vào mùa đông, khi đạp xe đến Rivabella, chúng tôi nghe thấy tiếng gió gầm rít qua then cửa những toà nhà ma quỷ ấy, bởi người ta đã dỡ cửa chớp ra để lấy củi.
Giờ đây, màn đêm u tịch đã bị xua tan. Thay vào đó là những hộp đêm trải dài mười lăm cây số và những biển hiệu được chiếu đèn sáng rực, là đoàn xe ô tô hào nhoáng lấp lánh bất tận, tưởng như ta đang chiêm ngưỡng một Dải Ngân hà được làm bằng đèn pha. Ánh sáng trải rộng khắp muôn nơi: màn đêm huyền diệu cổ xưa đã tan biến, nó đã trốn vào trong bầu trời và biển cả. Ánh sáng xa hoa kia còn lan rộng sang cả vùng nông thôn, tại Covignano, họ đã mở một hộp đêm cực kỳ lộng lẫy, sang trọng, một loại hộp đêm không thể tìm thấy ngay cả ở Los Angeles hay Hollywood hùng tráng; phải, chính là Covignano, nơi từng là những trang trại của nông dân, nơi mà xưa kia ta chẳng nghe được âm thanh gì ngoài tiếng chó sủa đinh tai nhức óc. Ngày nay những chốn quê mùa ấy đã hoá mình trở thành những khu vườn phương Đông xinh đẹp, với âm nhạc rộn ràng, những máy hát tự động và con người vui chơi tấp nập, với vòng xoay của những hình ảnh nhấp nháy, một miền đất ăn chơi giống như Las Vegas.
Tôi trông thấy những khách sạn hoa lệ làm bằng kính và đồng, trông thấy người ta đang khiêu vũ bên cửa sổ, đang ngồi thư thái trên sân thượng. Những cửa hiệu với gian hàng khổng lồ. Các cửa hàng được thắp sáng lung linh vào ban ngày và mở cửa suốt đêm, bày bán tất cả quần áo và thời trang hàng hiệu được vận chuyển từ Phố Carnaby cùng các món đồ nghệ thuật đại chúng đầy tinh xảo; tiếp đó là khu chợ được mở vào ban đêm với những món ăn đóng hộp vô cùng thơm ngon, cơm risotto ở trong gói sẵn, với nghệ tây; chao ôi, một bầu không khí siêu thực, vui nhộn; và không thể không nhắc đến tiết mục “khốc liệt” hoành tráng: những nhà trọ, nơi chỉ với hơn một nghìn lire, ta đã có thể được một bữa sáng, bữa trưa, bữa tối, một phòng nghỉ và một túp lều bên bãi biển - tất cả chỉ với một số ít tiền.
Người ta đi đến các cửa hàng vào lúc nửa đêm; những người mua sắm ấy đến từ khắp nơi trên thế giới, khuôn mặt họ ánh lên sắc vàng, đỏ và xanh dưới đèn chiếu của biển hiệu. Họ mua kem, cá nhập khẩu Tây Ban Nha và cả những chiếc pizza dở tệ. Họ là những người không bao giờ ngủ bởi ngay dưới gầm giường họ là một cái máy hát tự động kêu ầm ĩ: suốt cả mùa hạ ngập tràn những tiếng gầm rú, các bài hát ồn ào và tiếng guitar điện rền rĩ. Ngày hoà vào đêm và đêm tan trong ngày. Một ngày du ngoạn tưởng như kéo dài bốn tháng, giống như ở Bắc Cực vậy.
Lòng tôi bất giác trào dâng một cảm giác ghen tị đầy khôi hài, tôi bỗng muốn cất tiếng hỏi tất cả những du khách này, những người Thụy Điển và Đức: “Các bạn nhìn thấy cái quái gì trong chốn này vậy? Các bạn đến đây để làm cái quái gì vậy?” Lúc này, có hai cậu bé ra hiệu cần đi nhờ xe. Tôi bèn mở cửa xe đón họ. Các cu cậu rất lịch sự, nhã nhặn và khéo léo. Một cậu trong số đó để tóc thành những lọn xoăn lớn óng vàng, cậu còn lại để tóc mái dài chạm mũi, vận áo sơ mi ren cổ điển và quần nhung màu cam.
Các cậu ấy im như hến nên tôi không thể đoán được họ đến từ đâu? Stockholm? Hay là Amsterdam? Hay họ là người Anh? Cuối cùng tôi phải cất tiếng hỏi: “Mấy cậu đến từ đâu vậy?” “Rimini,” các cậu đáp. Và điều đáng chú ý là họ đều giống nhau, đều là đồng hương.
“Bọn tôi xuống xe chỗ này nhé?” các cậu hỏi khi chúng tôi đi được một đoạn đường. Khi mở cửa xe, tiếng nhạc chúng tôi nghe vang vọng từ xa bỗng trở nên ồn ào, sống động. Nhạc phát ra từ cánh đồng, nơi có một tấm biển chiếu sáng với dòng chữ: “Thế giới bên kia”. Hai cậu bé cảm ơn tôi và đi vào sau tấm biển. Sau một hồi do dự, chần chừ, tôi bước khỏi xe và tự mình đi vào trong. Một bên, nơi này mở ra đường phố; mặt khác, nó chạy qua một khoảng sân đất rộng lớn vùng nông thôn, âm nhạc hoà lẫn trong mùi cỏ khô. Dưới lều xiếc là một hộp đêm nơi hàng nghìn con người trẻ tuổi đang khiêu vũ.
Dường như do tiếng huyên náo - có thể đã báo trước ngày tận thế hoặc sự khởi đầu của thế gian; hay tâm hồn héo mòn, hoặc vì sự xa lạ, choáng ngợp của tôi khi diện kiến một Rimini mà tôi chưa từng thấy trước đây; hay trước khung cảnh hàng ngàn thanh niên lao ra từ đồng ruộng, đường sá và biển cả: dù thế nào đi nữa, vào khoảnh khắc đó tôi cảm nhận trong hư không bao la một ý nghĩa mới của cuộc sống, như thể vạn vật lại được hồi sinh.
Thưở xưa vào mùa hạ, ở Chez-Vous, lũ chúng tôi thường ngó qua hàng rào vào khuôn viên hộp đêm. Trông thấy một người phụ nữ đáng yêu vận đầm dạ hội cũng đủ khiến chúng tôi run rẩy. Còn giờ đây tôi được chiêm ngưỡng tất cả mọi người khiêu vũ theo một nhịp điệu thân mật, tình tứ, một kiểu xuất thần, các chàng trai tách khỏi “bạn nhảy”.
Tôi bị choáng ngợp bởi cảm xúc gần như bối rối. Tôi ấn tượng mạnh mẽ trước cái chất “sân khấu” lung linh của khung cảnh trước mặt, âm thanh của các ban nhạc như vang dội khắp bầu trời, tất cả tựa hồ một bộ lạc huyền bí. Trong khi bầu trời rực sáng dần về phía ánh bình minh và từng chiếc máy bay vụt qua ban mai trong trẻo, con người vẫn đang cuốn theo những điệu nhảy của ân sủng lạ kỳ.
Tất cả hiện lên tựa như cái kết đẹp đẽ, kiêu hùng cho một bộ phim. Đáng ra tôi nên yêu mến kiểu kết phim như vậy, để còn đem đến cho mọi người niềm hy vọng về một nhân loại tốt đẹp hơn. Nhưng tôi lại sai lầm một lần nữa: làm hỏng tất cả bằng cách phóng chiếu nó vào viễn cảnh tương lai. Trong khi đó, những con người trẻ tuổi đó phải được nhìn nhận đúng bản chất của họ, vào đúng thời đại của họ. Rồi tôi cảm thấy mình như thấu hiểu họ hơn. Nhưng lòng tôi trào dâng niềm hổ thẹn. Mình đang làm gì vậy - tôi tự nhủ - và nghĩ đến việc đưa trải nghiệm này lên một bộ phim, giống như một ma cà rồng? Và tại sao tôi lại rung động đến vậy? Có lẽ bởi vì tôi cảm nhận được sự hiện diện của một điều gì đó mà tôi chưa từng có được trong thời thơ ấu và tuổi trẻ của mình, khi thế hệ chúng tôi bị kiểm soát nặng nề bởi Giáo hội và chủ nghĩa phát xít, cũng như bởi cha mẹ chúng tôi - những người mà chúng tôi hằng tôn kính như thể là tượng đài.
Tôi ước ao giờ đây mình trẻ lại. Người trẻ nhìn nhận mọi thứ mà không phán xét chúng, không cố gắng liên hệ chúng với những thứ khác. Nhiều người trong số họ đã theo học Thiền tông Phật giáo, tu tập để trở nên tỉnh thức trong giây phút hiện tại, để sống một cách toàn diện, trọn vẹn hơn.
Xu hướng thống trị đã ăn sâu vào tâm trí thế hệ già cỗi chúng ta đến nỗi nó khiến chúng ta sinh tâm căm ghét mỗi khi trông thấy biểu tượng tự do của những thanh niên này, thấy bộ quần áo sáng màu theo phong cách Phục hưng của họ. Những con người trẻ tuổi ấy phải bình tĩnh và dũng cảm biết bao khi mỗi ngày phải đối mặt với con mắt hành hình của những người cổ hủ muốn thấy đầu họ bị trảm như đầu quân SS!
“Cuộc đời này vô nghĩa, thế nhưng ta phải tặng trao cho nó một ý nghĩa riêng,” - Chaplin từng nói trong Limelight.
Nhưng nếu ý nghĩa mà ta gán lên cuộc đời bấy lâu nay đã đưa ta đến trạng thái buồn nản hiện tại, thì rõ ràng ta phải tự tạo nên một ý nghĩa mới. Và để cái mới được sinh ra, ta phải phá hủy cái cũ.
Tôi tin rằng những con người trẻ tuổi ngoài kia đã tìm thấy sức mạnh của mình khi hiên ngang tiến bước trên con đường kia, con đường chỉ của riêng họ, và dù cho mái tóc thướt tha của họ có rụng xuống, thì con đường họ đi cũng không thể so sánh được với sự bộc phát ngắn ngủi của chủ nghĩa bohemia trong giới sinh viên chúng ta. Những người trẻ ấy thực sự đã khơi mào một kỷ nguyên mới và đoạn tuyệt sâu sắc với quá khứ một thời. Chàng trai trẻ của 1938 xưa kia đối diện với giới trẻ ngày nay chẳng khác nào một kế toán viên đối mặt với một con bươm bướm.
Nhưng tất cả những điều này có liên quan gì đến Rimini? Chà, tôi lặng mình suy ngẫm. Bầu không khí nơi đây không chỉ ngập tràn những giọng ca vang dội, buồn thương của các ban nhạc trẻ. Ngoài ra còn văng vẳng chất giọng mặn mòi địa phương của những người bồi bàn. Đó vẫn là quê hương yêu dấu của tôi.
Sáng hôm đó tôi đã có được những phút giây trọn vẹn, đủ đầy. Sau đó, khi bình minh tỏ rạng, khi tôi nhẩm lại về cách quê hương mình đã đổi thay, thì dường như chốn Rimini vô danh này, chốn kỳ lạ mà tôi hằng mường tượng là Las Vegas, đang cố nói với tôi, giống như những người trẻ tuổi đó đang cố giải thích, rằng mọi thứ đã khác xưa rồi, và đến lúc tôi phải thay đổi thôi…
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ