trào lưu phim
TRÀO LƯU PHIM ẤN TƯỢNG PHÁP HẬU THẾ CHIẾN I (1919-1929)
Người viết: Nguyễn Phan Thái Vũ!
Chiến tranh thế giới thứ nhất đã làm vị trí thống trị của nền điện ảnh châu Âu suy yếu khi hầu hết các nước lớn ở lục địa già bị cuốn vào cuộc chiến. Vị trí dẫn đầu của điện ảnh Pháp bị đe dọa khi toàn bộ việc sản xuất phim bị đình trệ vì dụng cụ quay phim trở nên quá đắt đỏ trong điều kiện chiến tranh. Trước năm 1914, các công ty điện ảnh như Pathe và Gaumont đã nắm giữ các vị trí quan trọng trên khắp thế giới. Sau chiến tranh, hai gã khổng lồ này gần như ngừng sản xuất, và điện ảnh Pháp (nói chung) trở thành công việc của các công ty nhỏ, gần như thủ công, luôn phải vật lộn để tiếp cận thị trường bên ngoài biên giới của họ. Những người Mỹ đã nhanh chóng tận dụng thời cơ này để vươn lên, năm 1919 khi chiến tranh vừa kết thúc, cán cân điện ảnh đã bất ngờ đảo ngược khi 80% thị trường phim toàn cầu có xuất xứ từ Hollywood với những tác phẩm có sự nổi trội cả về chất lượng nghệ thuật lẫn thương mại.
Để đối phó với sự bành trướng của nước Mỹ, thế hệ các nhà điện ảnh trẻ ở các quốc gia châu Âu bắt đầu phát triển những trào lưu nghệ thuật tiên phong (avant-garde) qua những sáng tạo mới lạ về kỹ thuật làm phim, tham vọng tập trung vào tính thẩm mỹ và những khám phá tâm lý xã hội. Khi ấy, bóng ma về những hồi ức đau thương thời chiến vẫn bao trùm xã hội Châu Âu. Hàng triệu người lính trẻ tuổi nằm lại trên chiến trường, số còn lại đã mất đi sự trong trắng thơ ngây của tuổi xuân, làm hao mòn đi những lý tưởng tươi sáng và niềm tin vào nhân loại. Ký ức tập thể ấy đã gây cảm hứng cho những nỗ lực sáng tạo vào các loại hình nghệ thuật như thơ ca, văn học, âm nhạc, và cả thứ ma thuật mới nổi mang tên điện ảnh. Những trải nghiệm đáng quên ấy đã khiến các nhà làm phim trẻ trở nên nhạy cảm hơn trong việc miêu tả tình hình xã hội đương thời. Nổi bật nhất trong số này là trường phái Biểu hiện ở Đức, với những tác phẩm phản ánh những nỗi sợ vô hình, ẩn tàng trong tâm lý của người dân thời hậu chiến.
Theo dòng chảy của xã hội châu Âu, các nhà làm phim trẻ ở Pháp đồng loạt ra mắt các tác phẩm mới lạ nhằm chiếm lại thị trường điện ảnh nội địa. Điểm chung của các tác phẩm nổi bật thời kỳ này đều nhấn mạnh vào việc phản ánh những góc nhìn trái ngược với thực tại khách quan, tức mang đến những góc nhìn nhuốm màu tâm trạng của nhân vật chính - sau này được gọi chung với cái tên Điện ảnh Ấn tượng Pháp - French Impressionism.
Cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi trong giới phê bình rằng liệu chủ nghĩa Ấn tượng Pháp có phải là một trào lưu điện ảnh thực sự hay không. Nhiều người đồng tình rằng đây là một trào lưu và cố gắng chỉ ra mốt số nguyên lý thống nhất xuyên suốt các tác phẩm. Số khác lại cho rằng những nguyên lý đó quá lỏng lẻo và thiếu tính thống nhất. Dẫu vậy, cái tên điện ảnh “Ấn tượng Pháp” vẫn luôn được sử dụng để gợi nhắc về những nỗ lực thay đổi nền điện ảnh nước nhà của các nhà làm phim trẻ Pháp thời bấy giờ.
Trước thời kỳ điện ảnh Ấn tượng Pháp, phần lớn các quy ước làm phim đều được lấy cảm hứng từ các vở kịch sân khấu. Thay vì tiếp tục xu hướng này, những nhà tiên phong theo trường phái Ấn tượng đã tạo ra những lý thuyết hoàn toàn mới về cách một bộ phim có thể diễn đạt nhiều loại cảm xúc, tình huống khác nhau. Dù trực tiếp hay gián tiếp, những quy ước mới này đã ảnh hưởng sâu sắc lên sự thay đổi của điện ảnh thế giới sau này.
Chủ nghĩa Ấn tượng Pháp đến nay được coi là trào lưu truyền cảm hứng cho sự ra đời của phê bình điện ảnh theo hướng hàn lâm, khi giới phê bình nhận ra những chủ ý làm phim tập trung vào việc khám phá các kỹ thuật mới lạ: Như phương pháp dựng phim phi tuyến tính, những cách tân trong việc sử dụng ánh sáng, những nỗ lực thể hiện phong cách kể chuyện mới lạ như khắc họa chuỗi giấc mơ và tưởng tượng để xây dựng câu chuyện theo góc nhìn chủ quan của nhân vật chính (thường là những nhân vật đau khổ, tâm lý bất ổn). Tất nhiên, những quy ước này đã được khán giả ngày nay biết đến rộng rãi, nhưng những kiến thức chung ấy là nhờ vào những khuôn khổ đổi mới được tạo nên bởi các phong trào phim, như ở đây là Ấn tượng Pháp. Đạo diễn Abel Gance (1889-1981) cũng là người đề xướng việc sử dụng màn ảnh rộng để nâng cao trải nghiệm điện ảnh cho siêu phẩm “Napoleon” (1927) của mình.
Nhằm giải cứu điện ảnh nước nhà, chính quyền Pháp cũng phải cho ra đời định mức 1:7, tức cứ 7 phim được phát hành ở Pháp thì phải có ít nhất một phim được sản xuất trong nước. Mặc dù chưa từng chính thức ngồi lại để cùng nhau đề xuất những chiến lược thay đổi hiện trạng, nhưng các đạo diễn như Louis Delluc, Abel Gance và Marcel L’Herbier,… đều quyết định thách thức những lối kể chuyện của người Mỹ vốn quá phổ biến. Giờ đây khi nhìn lại, phong trào này đã ưu tiên những hình ảnh đẹp về mặt thẩm mỹ, giống như một lời tri ân các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng như Renoir, Degas hay Monet.
“Đã là điện ảnh Pháp thì phải ra điện ảnh, đã là điện ảnh Pháp thì phải mang trong mình bản sắc dân tộc nước Pháp.” - Louis Delluc (1890-1924).
Dưới đây sẽ là giới thiệu một số nhà làm phim quan trọng nhất của trào lưu Ấn tượng Pháp, kèm link xem một số tác phẩm nổi bật.
Abel Gance (1889-1981)
Gance vốn là một thanh niên yêu văn chương, ông đã thử sức mình trong vai trò biên kịch và bán lại các tác phẩm của mình cho đạo diễn Leonce Perret, cũng như tham gia đóng phim trong một số phim của Perret từ năm 1909. Thời điểm ấy, Gance cho rằng điện ảnh chỉ là một thứ nghệ thuật ngu ngốc, trẻ con; và chỉ tiếp tục viết vì thấy công việc này có thể nuôi sống mình. Cùng với một vài người bạn, Abel Gance đã thành lập công ty điện ảnh Le Film Francais của riêng mình. Tên tuổi của Gance bắt đầu được công chúng biết đến từ năm 1917 với bộ phim “Mater Dolorosa” (Mẹ Dolorosa; 1918) hay “La Dixième Symphonie” (Bản giao hưởng số Mười; 1919). Abel Gance đến nay được công nhận như hiện thân hoàn hảo của thể loại phim Tác giả (Auteur director), một nhà cách mạng điện ảnh táo bạo, tinh tế. Ông rõ ràng sẽ ngồi chung mâm với những “bố già” như D. W. Griffith, George Méliès, Louis Feuillade, Sergei Eisenstein hay Vsevolod Pudovkin.
Tác phẩm năm 1919, “J’Accuse” (Tôi đầu hàng) của Gance được công chiếu và trở thành một trong những tác phẩm kinh điển của điện ảnh Pháp. Bộ phim lấy bối cảnh Thế chiến, một người đàn ông nghi ngờ vợ mình qua lại với tình cũ, một nhà thơ. Đến khi chiến tranh nổ ra, hai người đàn ông ấy lại sát cánh bên nhau trong một tiểu đoàn. Anh chồng cuối cùng trở về nhà và phát hiện ra vợ mình đã bị bọn lính Đức cưỡng h.iếp và giờ đang phải nuôi một đứa con ngoài giá thú. Gance cũng xin phép tham gia cục Điện ảnh Quân đội để có cơ hội quay phim tại các chiến trường năm xưa. “J’Accuse” là một trong những tác phẩm theo chủ nghĩa hòa bình nổi bật của thời kỳ hậu chiến, và là một thành công vang dội tại phòng vé cả trong nước lẫn quốc tế, đánh dấu bước ngoặt đưa Gance trở thành một trong những nhà làm phim nổi bật của điện ảnh Ấn tượng Pháp.
Link phim J’Accuse: https://www.youtube.com/watch?v=IZsMzM-ZyAk&t=1643s
Năm 1923, Abel hoàn thành tác phẩm “La Roue” (Bánh xe), một bộ phim về các công nhân đường sắt và quá trình cơ giới hóa cuộc sống hiện đại. Tiến độ thực hiện bộ phim bị ảnh hưởng sâu sắc bởi Gance dính cúm Tây Ban Nha và phải hồi phục ở Nice. Người tình của ông cũng ốm nặng vào thời gian này, sức khỏe của diễn viên chính Severin-Mars cũng không tốt (ông cũng qua đời ngay sau khi phim hoàn thành). Dẫu khó khăn là vậy, Gance vẫn mang đến những sáng tạo vô bờ để hiện thực hóa trí tưởng tượng phong phú của mình lên màn ảnh, trước tiên là trên bối cảnh tối tăm, bụi bặm của đầu máy xe lửa và sân đường sắt, sau đó là giữa khung cảnh phủ đầy tuyết trên dãy Alps. Ông đã sử dụng các kỹ thuật biên tập phức tạp và cách tân trong việc sử dụng ánh sáng, cũng như cách sử dụng kỹ thuật cắt cảnh nhanh, điều này đã khiến bộ phim có sức ảnh hưởng lớn đối với các đạo diễn đương thời khác. Hết lòng ca ngợi “La Roue”, Jean Cocteau (nhà thơ, họa sĩ, đạo diễn) từng nhận xét: “Giống như hội họa thay đổi từ thời Picasso, lịch sử điện ảnh cũng trải qua bước ngoặt khi La Roue ra đời.”
*Rất tiếc, mình không tìm được link phim này :(*
Đến năm 1927, kiệt tác “Napoleon” lẫy lừng được cho ra mắt. Tác phẩm chia ra làm 6 hồi, từ tuổi thơ của Napoleon tới những ngày cách mạng Pháp bùng nổ. Những tham vọng sáng tạo của của Gance khiến bộ phim cũng được tôn vinh vì những tiến bộ trong lý thuyết điện ảnh. Nổi bật nhất phải kể đến cảnh cuối của “Napoleon” khi Gance yêu cầu quay bằng ba máy ảnh đồng bộ, và được trình chiếu tại rạp bằng cách xếp ba cuộn phim 1.33:1 cạnh nhau để tạo thành khung hình 4.40:1, sáng tạo này được coi như tiền thân của định dạng IMAX bây giờ. Điều này cho phép phần bên phải và bên trái của màn hình đôi khi hiển thị các đoạn phim khác so với màn hình chính ở giữa. Vào những lúc khác, các hình ảnh từ ba máy chiếu lại hòa quyện lại thành một đoạn phim góc rộng để tạo nên những trải nghiệm phim mới lạ cho khán giả. Cũng do vậy, rất ít rạp sẵn sàng đầu tư số tiền lớn vào thiết bị cần thiết cho việc chiếu phim. Bản cut chính thức đầu tiên của Gance được cho là đã bị mất vĩnh viễn cho đến khi nhà sử học điện ảnh Kevin Brownlow, với sự hỗ trợ tài chính từ đạo diễn Francis Ford Coppola, đã tìm thấy đoạn phim vào năm 1980, sau đó tiến hành khôi phục bộ phim với phần nhạc mới do chính cha của Francis là nhà soạn nhạc Carmine Coppola thực hiện. Năm 2000, Brownlow cho ra mắt một bản khôi phục tiếp theo, bổ sung thêm 35 phút cảnh quay mới được phát hiện. Bộ phim mang tính đột phá và quan trọng tới nỗi đã ảnh hưởng sâu sắc tới sự ra đời của Làn sóng mới điện ảnh Pháp (French New Wave) hơn 30 năm sau.
Link phim: https://drive.google.com/…/1P9a5gF48J7xK_Dr9zFflyPn…
Jean Epstein (1897-1953)
Epstein dù có khởi đầu là một sinh viên y khoa, nhưng nhờ những vốn hiểu biết phong phú về nghệ thuật, ông đã đóng góp rất nhiều cho nền tri thức Pháp với các bài phê bình, bài luận, bài dịch từ nền văn học nghệ thuật nước ngoài. Epstein trở thành gương mặt tiêu biểu của giới nghệ thuật tiên phong ở Paris. Niềm đam mê lớn nhất của ông là dành cho bộ môn Nghệ thuật thứ Bảy (Một từ cũng lần đầu được xuất hiện tại Pháp thời gian này để chỉ điện ảnh). Epstein nằm trong danh sách những đạo diễn tiên phong nổi bật nhất tại Châu u thời kỳ hậu chiến. Các nhà làm phim và lý luận điện ảnh đó bắt đầu suy đoán về những khả năng mà nghệ thuật cùng phương tiện truyền thông đại chúng có thể biến đổi như thế nào trong tình hình chính trị, xã hội đương bất ổn mà họ đang phải đối đầu. Đối với họ, điện ảnh là nghệ thuật của hiện tại, con mắt của máy ảnh là một công cụ độc đáo để chiêm nghiệm lại về thế giới, và các kỹ thuật làm phim mới, đa dạng sẽ là một cách để định hình lại trải nghiệm và ý thức của đại chúng.
“Coeur Fidèle” (Trái tim Chung thủy) ra mắt năm 1923 là một trong những tác phẩm điển hình của Epstein, được chính ông khẳng định rằng mình đã thực hiện viết kịch bản chỉ trong một đêm. Phim kể về một chuyện tình tay ba khá đơn giản, nhưng thực ra lại là cái cớ để Epstein nhồi nhét vào đó các lý thuyết điện ảnh mà ông vốn rất tự hào. Trong một cảnh quay tại hội chợ, nhân vật Marie (do vợ Epstein đóng) bị nhân vật Paul lôi kéo lên chiếc đu quay khổng lồ. Epstein đã táo bạo đặt máy quay ở hàng ghế trước mặt diễn viên, và ghi lại cảnh hai nhân vật bay lòng vòng trên không trung. Đây được coi là cảnh quay thú vị nhất mà Epstein từng thực hiện, được các nhà làm phim tiên phong ở Pháp ca ngợi, cũng như thường được trích đoạn và trình chiếu tại các triển lãm nghệ thuật và các buổi họp mặt câu lạc bộ điện ảnh cả trong và ngoài nước.
Link phim Coeur Fidèle: https://archive.org/det…/CoeurFideleJeanEpsteinFILMCOMPLET
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Epstein là “La chute de la maison Usher” (Sự sụp đổ của gia tộc Usher; 1928) chuyển thể từ tiểu thuyết ngắn cùng tên của Edgar Allan Poe. Bộ phim này là màn hợp tác giữa Epstein và đạo diễn Tây Ban Nha Luis Bunuel. Cho đến nay, Usher được coi là bộ phim kinh dị Gothic đầu tiên trong lịch sử điện ảnh. Trong phim, Roderick Usher bị ám ảnh về việc vẽ chân dung người vợ sắp chết của mình, đến khi cô qua đời, Roderick đã đem chỗn xác vợ dưới hầm mộ của gia đình. Một trong những điểm nổi bật nhất trong phim đó là sáng tạo trong việc tái hiện lại thế giới quan điên rồ của nhân vật Roderick. Giống như trong truyện gốc của Poe, ngôi nhà và nhân vật chính có một mối liên hệ chặt chẽ với nhau, lâu đài cổ mục nát phản ánh thế giới nội tâm u sầu của ngài Roderick. Ngoại cảnh mờ ảo và hoang vắng, các cảnh quay được thực hiện không theo một trật tự logic nào, đều thuyết phục khán giả rằng những gì họ thấy trên màn ảnh không như bất kỳ một bộ phim nào trước đây, thứ họ đang thấy là giấc mơ, là huyễn tưởng của nhân vật. Một trong những đặc điểm của giấc mơ là các mốc thời gian và quy luật nhân quả được sắp xếp vô cùng lỏng lẻo, những đặc điểm ấy đều được tái hiện rất khéo léo trong phim của Epstein. Lâu đài của gia tộc Usher dường như nằm trong trạng thái lấp lửng giữa thực tại khách quan và huyễn tưởng chủ quan, nơi thời gian là một hiện tượng chủ quan, một thứ bị đè nén, kéo giãn và biến dạng theo ý muốn của chủ quan. Ở một thế giới như vậy, mọi thứ đều có thể xảy ra. Epstein đã làm quá tốt trong việc lôi kéo khán giả vào những cõi đen tối nhất trong trí tưởng tượng của kẻ điên.
Bài review chi tiết La Chute de la Maison Usher: http://www.frenchfilms.org/…/la-chute-de-la-maison…
Link phim La Chute de la Maison Usher: https://www.youtube.com/watch?v=7NoTf-DmOuY&t=385s
Một số bộ phim nổi bật khác của Epstein: Le Lion des Mogols (Quyền lực Mogul, 1924); Mauprat (1926); Six et demi onze (6 ½ x 11, 1927); La glace à trois faces (Gương ba chiều, 1927).
Marcel L’Herbier (1888-1979)
Marcel L’Herbier là một trong những tên tuổi quan trọng của điện ảnh Ấn tượng Pháp. Những nỗ lực không ngừng nghỉ của ông nhằm mang lại vị thế trang trọng vốn có của nước Pháp trong thời kỳ điện ảnh Mỹ “xâm lược”. Tuy vậy, những bộ phim và bài luận của L’Herbier còn góp phần nâng tầm vị thế của điện ảnh với tư cách một bộ môn nghệ thuật, là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ làm phim sau này trên khắp thế giới.
Ông bén duyên với con đường điện ảnh khi vào làm ở Cục điện ảnh Quân đội Pháp thời chiến. “Thực tại trước mắt tôi thật khủng khiếp”, L’Herbier kể lại. Ông và các đồng sự không phải ra chiến trường, nhưng mỗi ngày ở nơi làm việc, nỗi bất an vẫn bao trùm không khí xung quanh ông, khi họ phải cắt, ghép, xem từng video ghi lại hình ảnh tang thương ở tiền tuyến để tổng duyệt, lựa chọn ra các video cuối cùng được công chiếu, “Những cú sốc năm ấy đã khiến tôi quyết định mình phải trở thành một đạo diễn phim” L’Herbier hồi tưởng.
Chiến tranh qua đi, L’Herbier khi này đã thực một vài tác phẩm phim nhỏ được sản xuất bởi công ty Gaumont. Vốn là một con người sáng tạo, ưa thử nghiệm, L’Herbier tự thành lập công ty Cinégraphic để tìm kiếm thêm nhiều cơ hội tự do sáng tạo những ý tưởng mới mẻ. Từ đây, những tác phẩm để đời của L’Herbier lần lượt được cho ra mắt.
Tác phẩm L’Homme du Large (Người đàn ông của biển; 1920) lấy cảm hứng từ truyện ngắn cùng tên của Balzac là tác phẩm vang danh đầu tiên của L’Herbier. Ông Nolff mong muốn con trai mình là Michel nối nghiệp ông và trở thành một ngư dân, nhưng Michel lớn lên trở thành một nỗi thất vọng, cậu thường dành thời gian của mình với một tay lưu manh tên Gwenn la Taupe. L’Herbier coi bộ phim như cơ hội để thảo luận về cách hành vi của con người được hình thành thông qua các xung lực thiện và ác. Cấu trúc phim được L’Herbier tiếp cận một cách mới lạ, khi mở đầu phim ta được giới thiệu về một người đàn ông đã thề sẽ sống trong im lặng và ẩn dật bên bờ biển, hằng ngày chỉ có một nữ tu sĩ mang đồ ăn cho ông ta; sau đó, phim mới giải thích lại cho ta đầu đuôi câu chuyện dưới dạng hồi tưởng của nhân vật. L’Herbier khẳng định đây là lần đầu tiên phong cách kể chuyện này xuất hiện trên màn ảnh. L’Herbier cũng áp dụng một cách tiếp cận độc đáo trong việc sử dụng phụ đề (intertitles), trong các phân đoạn quan trọng, thay vì chèn thoại vào giữa những cảnh quay như các phim thường làm, L’Herbier lựa chọn tích hợp phụ đề ngay trong cảnh quay nhằm tránh làm gián đoạn mạch phim.
Link phim L’Homme du Large: https://archive.org/details/silent-lhomme-du-large
L’Inhumaine (Người đàn bà dị biệt; 1924) là bộ phim nổi tiếng và tham vọng nhất của L’Herbier. “Người đàn bà dị biệt” ở đây là danh ca Claire Lescot, người phụ nữ này giàu nứt đố đổ vách và là người tình trong mộng của rất nhiều người đàn ông quyền lực; trong số đó có một nhà khoa học trẻ, vì đau buồn trước lời khước từ tình cảm và chế nhạo từ phía Lescot, cậu quyết định tự s.át trên đường từ nhà bà ta về. Với L’Inhumaine, L’Herbier mong muốn tạo nên một tác phẩm có sự kết hợp của các loại hình nghệ thuật hiện đại tân tiến (cutting-edge Modern Arts) nhất ở Pháp đương thời: trường phái Lập thể trong mỹ thuật, nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật trang trí, kiến trúc, thời trang cao cấp, âm nhạc và điện ảnh. L’Inhumaine cái ngày mới ra mắt còn bị chê bai khá nhiều, phim rơi vào quên lãng trong nhiều năm, trước khi được đánh giá lại và trở thành tác phẩm điển hình và đáng xem nhất của điện ảnh tiền phong Pháp.
Bài review chi tiết L’Inhumaine: http://www.frenchfilms.org/review/l-inhumaine-1924.html
Link phim L’Inhumaine: https://www.youtube.com/watch?v=0LU_aXyoG2s
L’Argent (Tiền; 1929) được đánh giá như lời chia tay đẹp của thời đại phim câm (swan song of silent-era) dựa từ tiểu thuyết cùng tên của Emile Zola, phim kể lại câu chuyện về thị trường chứng khoán Paris những năm 1920s. L’Herbier thực hiện bộ phim để cạnh tranh với những bom tấn ra mắt ở Pháp, Hoa Kỳ và Đức thời điểm đó. L’Argent là một tác phẩm khổng lồ được tài trợ một phần bởi UFA, công ty cũng đã tạo ra nhiều bộ phim Biểu hiện của Đức trong suốt thập kỷ. Do đó, bộ phim là sự bùng nổ với kỹ thuật hiện đại, dàn diễn viên quốc tế tên tuổi, 1500 diễn viên phụ và phần hình ảnh được đảm nhận bởi cinematographer được trả thù lao cao nhất thời bấy giờ, Jules Kruger.
Bài review chi tiết L’Argent: http://www.frenchfilms.org/review/l-argent-1928.html
Link phim L’Argent: https://www.youtube.com/watch?v=WVh3U7tvYHE
Một số tác phẩm nổi bật khác của điện ảnh Ấn tượng Pháp (Mình sẽ đánh dấu các phim mình recommend):
La Dixième Symphonie (Bản giao hưởng số 10; 1918) đạo diễn Abel Gance.
Rose-Frace (Hoa hồng - nước Pháp; 1919) đạo diễn Marcel L’Herbier
*Eldorado (1921) đạo diễn bởi Marcel L’Herbier
https://archive.org/details/eldorado-marcel-l-herbier-1921
La Femme de Nulle Part (Người phụ nữ từ hư không, 1922) đạo diễn bởi Louis Delluc
La souriante Madame Beude (Bà Beude tươi cười; 1923) đạo diễn bởi Germaine Dulac
*Crainquebille (1922) đạo diễn bởi Jacques Feyder https://www.youtube.com/watch?v=LwQfyuMupOk
Gossette (1923) đạo diễn bởi Germain Dulac
Le Lion des Mogols (Quyền lực Moguls; 1924) đạo diễn bởi Jean Epstein
*La Galèrie des monstres (Gánh xiếc kì dị; 1924) đạo diễn bởi Jacque Catelain https://www.youtube.com/watch?v=hwsWLBNkCGM
Kean (1924) đạo diễn bởi Alexandre Volkoff
Catherine (1924) đạo diễn bởi Albert Dieudonné
L’Ironie du destin (Số phận trớ trêu; 1924) đạo diễn bởi Dimitri Kirsanoff
L’Inondation (Cơn lũ; 1924) đạo diễn bởi Louis Delluc
Le diable dans la ville (Quỷ dữ trong thành; 1925) đạo diễn bởi Germaine Dulac
*Visages d’enfants (Khuôn mặt của lũ trẻ; 1925) đạo diễn bởi Jacques Feyder https://www.youtube.com/watch?v=SWPMfvPwTLs
*Feu Mathias Pascal (Người chết vẫn sống!; 1925) đạo diễn bởi Marcel L’Herbier https://www.youtube.com/watch?v=sso3H4xjGfc
La Fille de l’eau (Con gái của Nước; 1925) đạo diễn bởi Jean Renoir
Mauprat (1926) đạo diễn bởi Jean Epstein
Gribiche (1926) đạo diễn bởi Jacques Feyder
*Menilmontant (1926) đạo diễn bởi Dimitri Kirsanoff - Một tác phẩm kinh điển! https://www.youtube.com/watch?v=7jXJ-gUlQQU&t=2s
Nana (1926) đạo diễn bởi Jean Renoir
Six et demi onze (6 ½ x 11; 1927) đạo diễn bởi Jean Epstein
*La glace à trois faces (Chiếc gương ba chiều; 1927) đạo diễn Jean Epstein
Le diable au coeur (Ác quỷ trong tim; 1928) đạo diễn bởi Marcel L’Herbier
___________
Nguồn tham khảo: https://www.movementsinfilm.com/…/french-impressionist…
________________________________
Các nguồn được All About Movies lược dịch và tham khảo:
- French Cinema and the Great War: Remembrance and Representation trên trang Journal of the History of Ideas
- FILM, How the first World War changed Movies forever trên New York Times
- French Impressionism (France, 1918-1929) và French Impressionism Films (1918-1929) trên trang Movements in Film
- Các bài viết về Abel Gance; Jean Epstein; Marcel L’Herbier trên trang French Films(.org).
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ