tâm lý nhân vật
TÂM LÝ NHÂN VẬT ANDREI RUBLEV trong ANDREI RUBLEV (ANDREI TARKOVSKY, 1966)
Người viết: Tâm Nguyên Abu
Vào năm 1966 – tức 4 năm sau khi tác phẩm đầu tay Ivan’s Childhood ra mắt, Andrei Tarkovsky đã một lần nữa làm rung động cả trời đông Moscow buốt giá bằng bộ phim thứ hai với tựa đề Andrei Rublev. Trải qua hơn 5 thập kỷ, dư âm từ kiệt tác năm ấy vẫn vang vọng trong trái tim những người yêu điện ảnh. Theo chân cuộc đời danh hoạ kiệt xuất Andrei Rublev, Tarkovsky đã làm hiện lên cả một bức tranh kiêu hùng, khốc liệt của nước Nga thời Trung cổ, đồng thời gửi gắm những dòng chiêm nghiệm, suy tư về nghệ thuật, đức tin cùng lòng vị tha, can đảm.
Andrei Rublev là một trong những họa sĩ Nga thời Trung cổ vĩ đại nhất đã vẽ nên các linh ảnh và bích họa Chính thống giáo Đông phương. Với cốt truyện xoay quanh cuộc đời vị danh hoạ xuất chúng bôn ba giữa vòng xoáy lịch sử, thời đại, đạo diễn Tarkovsky đã dẫn người xem đến kho tàng nội tâm cùng những suy tư, sầu muộn, khủng hoảng của người nghệ sĩ. Thông qua hình tượng Andrei Rublev, ta có thể hình dung về một người nghệ sĩ chân chính, một hiền trí minh triết đi tìm cái thiêng liêng, cao thượng, tận hiến vì nghệ thuật, vì nhân loại, nhưng đồng thời phải phụng sự một giáo hội mục ruỗng, bọn quý tộc tham lam và những con dân vô minh, lầm than, bất hạnh. Rublev đấu tranh để bảo vệ cho đức tin, bảo vệ cho nghệ thuật, cho cái đẹp, theo ý nghĩa thanh khiết, vẹn toàn nhất của chúng.
Khoảng một năm trước khi Andrei Rublev ra mắt, Andrei Tarkovsky đã có những thổ lộ về đứa con tinh thần: “Tôi đơn thuần muốn tìm hiểu, đào sâu bản chất của cái đẹp, và khiến người xem nhận ra rằng cái đẹp được nảy sinh từ những bi kịch, khổ đau, tựa như từ một hạt mầm. Bộ phim của tôi chắc chắn sẽ không phải là câu chuyện về một nước Nga tuyệt mỹ có phần giáo trưởng, mặt khác, tôi mong muốn cho con người thấy được làm thế nào mà thứ nghệ thuật cao cả, chói lọi, kiệt xuất lại bung toả như thể một sự “tiếp nối” giữa muôn vàn cơn ác mộng của sự nô dịch, thất học, vô minh. Tôi muốn tìm cho ra lẽ sự liên kết giữa chúng, để rồi làm sáng tỏ về cách nghệ thuật được ươm mầm, khai sinh, và chỉ như vậy, tôi mới yên lòng công nhận bộ phim sắp tới của mình là một thành công. Giờ đây tôi muốn nói về những bức hoạ của Omar Khayyam, bạn có nhớ không – hình ảnh một bụi hoa hồng bị sâu bọ gặm nhấm từ tận gốc? Nhưng phải chăng chính bởi cái chết mà sự bất tử mới được nảy sinh, và khi ta hiểu được sự bất tử, ta sẽ hiểu được cả về cái chết? Tính tuần hoàn của vạn vật, cùng với lối tư duy cuộc khách quan, biện chứng về sự sống, cộng với phong cách nghệ thuật chúng tôi vận dụng sẽ là yếu tố cốt lõi của tác phẩm này.” – Và Tarkovsky đã thực sự thành công khi miêu tả những xung đột nội tâm của một con người cao cả với lời thệ nguyện che chở, thương yêu cả nhân loại, lại bị chính cõi tha nhân vùi dập, giày xéo. Mọi chuẩn mực đạo đức, thiện lương của Rublev đã bị ngoại cảnh chà đạp. Cuộc khủng hoảng tinh thần lên đến đỉnh điểm khi người danh hoạ gục ngã trước sự tàn ác trắng trợn của con người và đưa ra lời phát nguyện sẽ sống trọn phần đời còn lại trong sự im lặng. Nhưng có lẽ, cũng như Tarkovsky đã nói, “chính bởi cái chết mà sự bất tử mới được nảy sinh”, chính từ bóng đêm u minh mới làm hiện lên một ánh sáng chói lòa màu nhiệm.
Hình tượng Andrei Rublev chứa chan những trăn trở của người nghệ sĩ, người thi sĩ về nghệ thuật và cuộc sống. Liệu nghệ thuật, liệu cái đẹp có thể đứng vững giữa những khổ đau, giữa bùn nhơ và tội ác? Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh? Đâu là điều nâng đỡ nhân gian giữa đêm trường thăm thẳm của sự tồn tại? Andrei Rublev là cái đẹp giữa một thể chế thối nát, tàn bạo, hay một cõi tha nhân chìm trong biển lửa thiêu đốt của đau khổ và vô minh. Ta nghĩ về cái đẹp tựa như bông sen linh thánh vươn lên giữa bùn lầy, nhưng không có bùn thì làm sao có được đoá sen, hay cũng như theo Tarkovsky, không có những “bi kịch, khổ đau” thì cái cao đẹp, cái siêu việt sao có thể nảy mầm. Sự liên hệ, tuần hoàn giữa nghệ thuật của Rublev và cuộc sống được Tarkovsky lí giải với phong vị hơi hướng Nietzsche: “Tôi muốn nhấn mạnh việc bộ phim kết thúc với khung cảnh những chú ngựa dưới làn mưa. Đó là một hình ảnh mang đầy tính biểu tượng, bởi lẽ đối với tôi, ngựa chính là biểu trưng cho sự sống. Khi trông thấy một chú ngựa, tôi có cảm giác mình đang thâm nhập với bản chất của cuộc đời. Có lẽ bởi ngựa là loài động vật rất đẹp, thân thiện, hiền hoà với con người và hơn nữa còn là đặc trưng của cảnh quan nước Nga. Trong Andrei Rublev có rất nhiều cảnh quay có ngựa. Ví dụ, cảnh người đàn ông ngã chết khi cố bay lên trời. Chú ngựa buồn bã là chính nhân chứng thầm lặng cho cảnh tượng bi thảm đó. Sự hiện diện của ngựa trong cảnh phim cuối cùng đã khẳng định rằng chính cuộc sống là nguồn gốc, là chất liệu cho toàn bộ tác phẩm nghệ thuật của Rublev.”
Tới đây, tôi lại không thể không nhớ đến Tội ác và Trừng phạt của Dostoevsky, nhớ đến cơn ác mộng của Raskolnikov trước khi thủ ác. Trong cơn mê, chàng chứng kiến một chú ngựa bị đánh đập tàn bạo, chỉ biết gào khóc bất lực. Tôi nhớ về Nietzsche cái ngày ông trông thấy chú ngựa thành Turin bị hành hạ, để rồi 10 năm cuối cùng của cuộc đời, Nietzsche ôm trái tim đã khô hết máu độc của loài người – ôi, người, quá người – im lặng chờ giây phút hoá thân. Chứng kiến một sinh vật hiền hoà, nhu mì bị hành xác, và như Tarkovsky nói, “ngựa chính là biểu trưng cho sự sống”, con người liệu có đang kết liễu đi cuộc sống, hay nhân tánh của chính mình? Giống như Nietzsche bị nhiễm ô trước cái tàn bạo, Rublev với trái tim cao cả bị loài người phản bội, đã quyết sống những tháng năm cuối đời trong cô độc, lặng im. Lời thề im lặng của Rublev liệu có phải một sự phủ định tuyệt đối, và Rublev chính là nạn nhân bi tráng của chính sự phủ định ấy sao?
Một chân trời vô niệm, thiền quán mới thấu cảm được lời thề ấy.
Ghê tởm loài người, có lẽ cũng vì quá yêu thương loài người. Andrei Rublev đã say sưa thương xót loài người, thương xót cái lý tưởng cao đẹp, thuần khiết và đầy thiện lương, khi bị chính loài người chà đạp, lòng thương ấy đã chuyển hoá thành một thứ xót xa đầy phẫn nộ. Loài người giữa đêm trường vô minh, vẫn tầm thường, ti tiện, nhỏ nhoi và sa đoạ như thế, càng yêu mến xót thương lại càng đau đớn, bàng hoàng. Andrei Rublev ở trong một ngục tù của chấp niệm lý tưởng, và vị danh hoạ chỉ có thể thoát khỏi gông cùm xiềng xích bằng sức mạnh tinh thần, đó là trí tuệ, vị tha và can đảm.
Những nét đẹp thần diệu, tinh tuý nhất của bộ phim được hiển hiện vào khoảnh khắc Andrei Rublev tìm thấy niềm tin vào sự thiện lương trong ngần, thanh khiết nhân loại một lần nữa. Chứng kiến khung cảnh vị danh hoạ một thời ôm lấy cậu bé đúc chuông Boriska bấy giờ đang oà khóc nức nở, như chiêm ngưỡng một vị thánh nhân đang rủ lòng thương xuống những kiếp đời cơ cực, yếu đuối, bất hạnh và bé nhỏ nhất, để rồi trái tim cô độc cùng tâm hồn cằn cỗi trong tôi như được an ủi, được xoa dịu bởi một nguồn sức mạnh nhiệm màu. Tôi mường tượng về phút giây ấy như sự cứu rỗi của cái đẹp và tình yêu thương. “Thật là phúc lành cho mọi người. Con đã đem đến niềm hạnh phúc cho bao người, tại sao con lại khóc?” – lời nói ôn tồn của Andrei Rublev tới Boriska đã khẳng định rõ nét về lòng vị tha cao cả - nguồn sức mạnh thiêng liêng đã đưa Rublev vượt lên những đau đớn triền miên của cõi tha nhân. Khuôn mặt Rublev hiền từ, vòng tay dang rộng che chở một linh hồn nhỏ bé, và quả thực, “chỉ kẻ nào đã từng chết hụt trong lửa trời và lửa ma, đã uống đến những giọt đắng cuối cùng của kiếp làm thú, làm người, mới có được nụ cười lồng lộng bao la như thế.”. Bất giác tôi nhớ về câu nói khi xưa của Tarkovsky: “Phải tồn tại một loại áp lực nào đó; người nghệ sĩ tồn tại bởi lẽ thế gian này không hoàn hảo. Nghệ thuật sẽ trở nên vô nghĩa nếu thế gian này là hoàn mỹ, bởi lẽ con người sẽ chẳng màng kiếm tìm sự hài hòa mà chỉ đơn thuần sống tiếp trong cõi tha nhân ấy. Nghệ thuật được sinh ra từ một thế giới không vẹn toàn.”. Kiệt tác của Tarkovsky đã lột trần một thế giới của tội ác, một đêm trường thăm thẳm, khốc liệt và bạo tàn, thế nhưng giữa những tro tàn của cuộc sống, một vẻ đẹp cao thượng, ngời sáng vẫn còn hiển linh. Và phải chăng chính đức tin, chính lòng vị tha, can đảm là ngọn đèn dẫn lối Rublev, hay dẫn lối toàn nhân loại đến với cái cao thượng, bất tử. Nhìn thấy cái đẹp, cái thiện lương giữa đổ nát tro tàn, đó là một biểu hiện của lòng can đảm.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ