phân tích

CÁCH MARTIN SCORSESE SỬ DỤNG NHẠC ROCK VÀ PUNK TRONG NHỮNG BỘ PHIM CỦA MÌNH

Người viết: Alex Godfrey (chuyển ngữ bởi Giorgio và Meve)

img of CÁCH MARTIN SCORSESE SỬ DỤNG NHẠC ROCK VÀ PUNK TRONG NHỮNG BỘ PHIM CỦA MÌNH

“Tạ ơn Chúa, cảm ơn Chúa đã mở mang tầm mắt cho con. Lời sám hối của chúng con đã được Chúa gửi qua cánh cửa này.”

Charlie (Harvey Keitel đóng) biết điều gì đó sẽ xảy ra. Tại quán bar này, tràn ngập trong ánh đèn đỏ, chúng ta được nghe kể về Johnny Boy (Robert De Niro đóng): một thằng ngổ ngáo, hay lảng vảng xung quanh. Rồi cậu ta cũng đi qua cánh cửa quán bar đó. Thế giới dường như chậm lại dưới tiếng đàn guitar của Keith Richards, máy quay được đưa gần về phía Charlie đang ngồi tựa ở quầy bar, chống tay chờ đợi thứ gì đó. Sau đó, máy quay lia đến Johnny Boy; cùng lúc tiếng hát của Jagger vang lên; miệng thì đang nhai singum, hai tay quàng hai em mỗi bên. Đó đúng là hình ảnh của tên xấc xược, đúng như trong lời bài hát “Jumpin’ Jack Flash” của The Rolling Stones: “I was born, in a crossfire hurricane. I’m Jumpin’ Jack Flash, it’s a gas gas gas!”

Đoạn kể trên trong phim “Mean Streets” (1973) giới thiệu cho khán giả về thế giới không chỉ có Robert De Niro, Harvey Keitel và Martin Scorsese, mà còn về cách sử dụng đồng bộ giữa âm nhạc và hình ảnh vô cùng ấn tượng của Scorsese. Ông đã định hình phong cách của mình từ năm 1967, trong đoạn mở đầu của bộ phim đầu tay “Who’s That Knocking at My Door”, ở cảnh Harvey Keitel và một vài kẻ lưu manh ăn hiếp một tên ngốc tội nghiệp tơi tả ngay giữa ban ngày, và giai điệu của bản “Jenny Take a Ride” của Mitch Ryder và the Detroit Wheels cất lên. Trải qua nhiều bộ phim, Scorsese vẫn thường xuyên tạo nên những khoảnh khắc vô cùng ấn tượng nhờ vào âm nhạc do ông chọn. Trong phim Goodfellas (1990), cảnh De Niro và Joe Pesci đập cho Frank Vincent một trận được thể hiện một cách xuất thần dưới bản “Atlantis” của Donovan. Còn trong The Departed (2006), Di Caprio cũng “xử đẹp” 2 tên lưu manh ở một cửa hàng tiện lợi dưới nền nhạc bài “Nobody but Me” của The Human Beinz.

Tuy nhiên, Scorsese không chỉ sử dụng âm nhạc như một thiết bị. Ông không hề nảy ra ý tưởng bất chợt (thứ chỉ đơn thuần là làm thao túng khán giả, để làm cho cảm xúc cao trào hơn), mà âm nhạc của Scorsese chọn từ trước đã tạo nên sự kết cấu trong các bộ phim của ông, biến nó thành một phần không thể tách rời trong quá trình làm phim. m nhạc đã định hình nên Scorsese, và những tác phẩm điện ảnh của ông cũng sẽ không thể tồn tại nếu không có chúng. Scorsese từng chia sẻ rằng: “Khi tôi còn trẻ, âm nhạc đại chúng đã gắn liền với cuộc đời tôi.” Dòng nhạc rock and roll nở rộ từ những máy hát tự động và radio tại các quán bar ở Lower East Side, New York, đúng nơi Scorsese lớn lên khiến ông ngày càng say mê dòng nhạc ấy. Khi Scorsese chứng kiến bạo lực xảy ra trên đường phố, luôn có âm nhạc phát ra từ đâu đó, giống như có một thế lực đứng phía sau dàn dựng nên vậy. Vào cuối những năm 50, chàng thiếu niên Scorsese đã khám phá ra nhạc blues, và rồi ông hâm mộ ca sĩ Lead Belly. Scorsese còn có dịp gặp Bo Diddley tại nhà hát Brooklyn Paramount. Scorsese đã nói về nhạc blues trong loạt phim tài liệu năm 2003 của ông về thể loại nhạc này: “Nhạc blues đi sâu vào lòng người nghe, góp phần vào việc hiểu và định hình nên con người chúng ta”.

Vì thế, ngay từ những ngày đầu bắt đầu làm phim, Scorsese đã bắt đầu kết hợp âm nhạc vào, dựa trên những ca sĩ và ban nhạc đã truyền cảm hứng cho ông. Vào những năm 1960, Scorsese nghe rất nhiều bài hát của các nhóm nhạc nữ, từ đó ông đưa chúng vào kịch bản phim của mình. Ông nói rằng: “Bạn không thể đi dạo xuống những con phố ở Little Italy vào năm 1963 mà không bắt gặp bài ‘Be My Baby’ của The Ronettes vang lên từ những quán bar gần đó lúc 3 giờ sáng.” Đó là lý do khi Harvey Keitel thức dậy sau một cơn ác mộng ở đầu phim “Mean Streets”, và rồi những tiếng trống từ bài “Be My Baby” vang lên khi đầu của Keitel đập vào gối một lần nữa.

Bằng cách này, Scorsese liên hệ không chỉ đến nhạc phim, mà ông còn đề cập đến việc bản chất âm nhạc ảnh hưởng đến các bộ phim của ông như thế nào. Ông thường hay nghe nhạc trong lúc viết kịch bản phim, từ đó lên được ý tưởng và hình ảnh dựa trên âm nhạc mà Scorsese đang nghe. Mối quan hệ của ông với nhóm The Rolling Stones - cả với tư cách là người hâm mộ và cộng tác viên - giúp ích cho ông rất nhiều. Scorsese tự bắt buộc mình phải nghe nhạc của họ trong suốt những năm 1960 và 1970. Âm nhạc của The Rolling Stones không chỉ mang âm hưởng “thúc đẩy” cho những bộ phim “Mean Streets”, “Raging Bull” (1980), “Goodfellas” (1990) và “Casino” (1995), mà còn truyền cảm hứng cho Scorsese đưa trải nghiệm của mình vào phim.

Đặc biệt hơn, Scorsese vừa bật nhạc vừa thực hiện chỉ đạo cho các bộ phim. Ở cảnh tìm thấy x.á.c người trong xe hơi, xe chở rác và tủ thịt đông lạnh, chúng ta được nghe tiếng đàn piano từ “Layla” của nhóm Derek and the Dominoes cất lên. Scorsese đã bật bài hát đó ngay trên phim trường, giúp cho việc biên đạo các cảnh quay lúc đó trở nên sống động hơn. Mỗi cảnh quay trong phim Bringing Out the Dead (1999), kể về một nhân viên y tế điên loạn, cũng được Scorsese lồng âm nhạc vào. Bản nhạc blues “TB Sheets” của Van Morrison đã truyền cảm hứng cho toàn bộ phim, đặc biệt là ở những cảnh quay vào ban đêm.

Một trong những sự lựa chọn khéo léo nhất của Scorsese với nhạc rock chính là những thước phim thể hiện chủ nghĩa khoái lạc trong Goodfellas. Thật khó để mà xem những đoạn phim ấy mà lại không cảm thấy sự dồn dập đến nghẹt thở: máy quay di chuyển dồn dập, những cú cắt cảnh nhanh và nhạc phim thay đổi liên tục tạo nên sự phấn khích cho người xem. Bản “Jump into the Fire” của Harry Nilsson nổi lên khi Henry Hill đang chơi cocaine, rồi chuyển sang bản “Memo from Turner” của Mick Jagger khi nhịp phim đẩy nhanh tốc độ ở cảnh Henry bắt đầu phê pha. “Magic Bus” của nhóm The Who, “Monkey Man” của The Rolling Stones, “What Is Life” của George Harrison và “Mannish Boy” của Muddy Waters đều xuất hiện dồn dập như một chiếc máy hát tự động đang bị “tăng động” vậy. Một chuỗi cảnh phim đầy điên loạn và nghẹt thở.

Trong một số trường hợp, Scorsese sử dụng lời bài hát như một lời bình luận cho hành động của nhân vật. Chẳng hạn trong phim “Goodfellas”, câu hát “I’m a flea-bit peanut monkey, all my friends are junkies” của Mick Jagger mô tả việc Henry Hill lẻn đem ma t.u.ý ra ngoài. Còn ở cuối phim, đoạn Sid Vicious hát “My Way” - như mô tả con đường mà chính Henry Hill đã chọn. “Tôi thích phiên bản của Sid Vicious vì anh ta ‘xoắn’ bài hát lại, tựa như toàn bộ đời sống cũng như cái chết của Sid như là một sự phản kháng với xã hội hiện tại, theo một cách nào đó,” Scorsese nói. Phiên bản đầy phá cách của Sid Vicious được xem như là 1 ví dụ điển hình về thái độ phản xã hội của giới gangster Mỹ, ngoài ra tiếng đàn guitar cũng lồng vào cảnh bắn súng của Tommy DeVito, không chỉ gợi lại những cảnh quay trong bộ phim câm “The Great Train Robbery” (1903), mà còn gợi nhắc một đoạn trong MV “My Way” từ phim “The Great Rock ‘n’ Roll Swindle” (1980) nói về ban nhạc punk Sex Pistols, khi Sid Vicious kết thúc bài hát bằng cách rút khẩu súng lục và thảm s.á.t khán giả.

Scorsese khá am hiểu về dòng nhạc punk. Có tin đồn rằng ông đang lên kế hoạch thực hiện bộ phim tiểu sử về ban nhạc Ramones và ban nhạc The Clash. Theo tay guitar bass Paul Simonon, Scorsese và De Niro từng cùng nhau tham dự các buổi biểu diễn của ban nhạc và vị đạo diễn đã mời họ tham gia vào bộ phim “The King of Comedy” (1983). Scorsese đã mất đến nhiều năm để thực hiện bộ phim “Gangs of New York” (2002), và trong lúc dự án phim vẫn còn ở giai đoạn phát triển, ông muốn The Clash viết nhạc cho bộ phim, lúc trưởng ban nhạc Joe Strummer còn sống. Ông đã nghe album “Sandinista” của họ khi hoàn thành bộ phim và sử dụng bài “Janie Jones”, bài hát mà ông gọi là “bài rock and roll hay nhất nước Anh từ trước đến nay”, để tạo nên nhiều hiệu ứng nhằm mô tả cảm giác mê mẩn của Frank Pierce (Nicolas Cage đóng) trong phim “Bringing Out the Dead”. Khi phải quay phim vào ban đêm, ông dùng “âm nhạc của họ” để “giúp diễn viên tỉnh táo hơn”.

Scorsese nói rằng ông không nghe nhiều nhạc rock hiện đại vì ông thấy nó mang nhiều âm hưởng từ những dòng nhạc ông đã nghe trong những năm 70 và đầu những năm 80. “Điều cuối cùng tôi thực sự hứng thú là dòng nhạc punk rock, bởi vì nó vẫn chứa đựng được sự hận thù trong đó”, Scorsese chia sẻ.

Dịch từ bài của Alex Godfrey trên trang Vice


Ủng hộ All About Movies

Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng chỉ từ 10K VNĐ

amo