trào lưu phim
CHẤT GIỌNG XUYÊN ĐẠI TÂY DƯƠNG: TRỖI DẬY VÀ LỤI TÀN
Người viết: Giorgio, Meve
Bạn đã bao giờ xem một bộ phim cũ và cảm thấy kỳ lạ bởi giọng nói nửa Anh nửa Mỹ của các diễn viên vào những năm 30, 40 thế kỷ trước chưa? Dù đều là những tác phẩm điện ảnh nổi tiếng của Mỹ như An Affair to Remember (1957), Gone With the Wind (1939) và Breakfast at Tiffany’s (1961),… nhưng vì sao những Cary Grant, Vivien Leigh và Audrey Hepburn đều nghe như đang nói giọng Anh-Anh (British English)?
Chất giọng Xuyên Đại Tây Dương (hay còn gọi là Mid-Atlantic Accent) là một phong cách nói được dạy trong các trường học thuộc tầng lớp trung lưu ở phía bờ Đông nước Mỹ, hay trong các hãng phim Hollywood vào cuối những năm 1910 tới giữa những năm 1940. Mặc dù Julia Child, vợ chồng tổng thống Roosevelt, Jackie Kennedy, Bette Davis, hay Norman Mailer đều được khen ngợi bởi có giọng Đông Bắc Hoa Kỳ, nhưng đây vẫn chưa thực sự là chất giọng đặc trưng của vùng này.
Nếu có cơ hội được đi bộ trên các con phố ở Boston hay New York vào năm 1925, chúng ta sẽ tìm thấy sự pha trộn ngôn ngữ tương tự mà ngày nay đã trở thành niềm tự hào của người dân New York. Có rất nhiều âm “h” câm, ví dụ như từ “human” hay “huge” thì được đọc là “you-man” hay “yuge”; và có rất nhiều cách phát âm nghe vừa quyến rũ, vừa cổ điển đậm chất vùng Brooklyn, điển hình như cụm từ “ovah theah deah.” Trên thực tế, chúng ta chỉ gặp được giọng Xuyên Đại Tây Dương ở Upper West Side hoặc các khu thượng lưu khác. Ở đó, có rất nhiều người từng học trong trường tư thục, nơi họ được dạy phát âm bỏ chữ “r” và chuyển wh’s sang hw’s (‘white’ và ‘which’ trở thành ‘hwite’ và ‘hwich’). Nhưng rất ít trong số họ có thể phát âm một cách thực sự tự nhiên.
Vậy chất giọng đó từ đâu mà ra, tại sao họ lại phải cố tình giả giọng nói đó? Vào đầu thế kỷ XX, các diễn viên kịch thời đó có thói quen bắt chước giọng của tầng lớp thượng lưu Anh trên sân khấu. Nhiều người trong số họ đã làm theo lời chỉ dạy của nhà ngữ âm học người Úc William Tilly, người đã đưa ra một tiêu chuẩn về phần ngữ âm của tiếng Anh - gọi là World English - thứ mà sẽ “định hình âm thanh trong diễn xuất của ngành kịch cổ điển Mỹ trong gần một thế kỷ”. Điều thú vị là bản thân Tilly không mấy quan tâm đến diễn xuất. Là một nhà ngôn ngữ học, ông đã mạnh dạn gọi World English là “chất giọng dựa trên đẳng cấp”. Nói cách khác, nó được dùng như để nhân biết một người “có học thức”, “được trau dồi” hoặc “có văn hóa”.
World English ban đầu thu hút số lượng lớn giáo viên và người theo học tại các trường công lập ở New York, nhưng phải đợi đến khi điện ảnh có tiếng ra đời thì chất giọng này mới trở thành xu hướng chính của tầng lớp thượng lưu trong xã hội.
Năm 1927, Warner Bros và hãng Vitaphone Corporation ra mắt bộ phim dài có tiếng đầu tiên trong lịch sử - The Jazz Singer. Sự ra đời của tác phẩm báo hiệu cho sự kết thúc của kỷ nguyên phim câm, và đánh dấu sự ra đời của thời đại phim nói. Lần đầu tiên, giọng nói thật của các minh tinh màn bạc bắt đầu được vang lên trên màn ảnh rộng, khiến nhiều diễn viên phim câm cảm thấy bối rối khi bắt đầu phải nói trước ống kính máy quay. Nữ minh tinh màn bạc nổi tiếng những năm 1920, Clara Bow rất ghét những bộ phim có tiếng, bà cho rằng: “Phim có tiếng rất ngượng ngạo, máy móc và tiết chế. Nó khiến bạn mất đi sự đáng yêu của bản thân, vì bạn không có cơ hội để được biểu hiện cử chỉ, và những hành động cử chỉ là điều quan trọng nhất đối với tôi khi đóng phim”. Và rồi vào năm 1933, Clara đột ngột giã từ sự nghiệp diễn xuất ở tuổi 25 khi không tìm lại được ánh hào quang như xưa. Với Katharine Hepburn, ban đầu bà cũng phải vật lộn với sự thay đổi này. Do lo lắng về việc nhân vật của mình sẽ phải nói liên tục, Katharine đã bị loại khỏi dự án cho bộ phim đáng lẽ là đầu tiên của mình vào năm 1928.
Ngay sau đó, nhiều diễn viên, bao gồm cả Katharine Hepburn đã tham gia các lớp học kỹ thuật luyện giọng để đóng phim. Vào năm 1942, Edith Skinner - cố vấn của nhà hát kịch Broadway và cũng là học trò của William Tilly, đã xuất bản cuốn sách có tên Speak with Distinction (tạm dịch: Nói bằng sự khác biệt), đây là cuốn sách đầu tiên biên soạn lại những phương pháp của Tilly và nhanh chóng trở thành cẩm nang cho những người muốn phát âm tiếng Anh chuẩn của Hollywood.
Các đạo diễn thích chất giọng này vì sự trung lập và độ tinh tế của nó, điều này sẽ giúp các diễn viên dễ dàng sử dụng nó trong những bộ phim không có bối cảnh cụ thể. Chẳng bao lâu, việc thông thạo giọng nói ấy đã trở thành điều kiện tiên quyết để các diễn viên có thể tiến sâu ở Hollywood.
Tuy nhiên, đến giữa những năm 1940, người Mỹ chẳng còn mặn mà với chất giọng ấy nữa. Chất giọng Xuyên Đại Tây Dương chẳng bộc lộ gốc gác của người nói, mà nếu có thì ta cũng chỉ lờ mờ hiểu rằng người đó đến từ khu thượng lưu hoặc được đào tạo trong trường tư thục đắt tiền.
Nhờ vào thành công của một số diễn viên không sử dụng chất giọng ấy, chẳng hạn như James Stewart và Humphrey Bogart, người dân Mỹ cuối cùng đã bắt đầu dần tìm được sự kết nối với các nhân vật trên màn ảnh rộng hơn. Chẳng bao lâu, chất giọng “dựa trên đẳng cấp” ấy dần bị lãng quên, và gần như biến mất vào cuối những năm 1950.
Mặc dù đã mất đi sức hấp dẫn từ lâu, nhưng điện ảnh và truyền hình hiện nay thỉnh thoảng vẫn sử dụng chất giọng này để miêu tả giai đoạn ấy trong lịch sử, hoặc đơn giản chỉ để châm biếm, như hai anh em nhà Crane trong show truyền hình “Frasier” (1993-2004); hoặc như nhân vật Effie Trinket trong “The Hunger Games” sử dụng chất giọng đó để biểu hiện tính cách kiêu kỳ của người đến từ tầng lớp thượng lưu. Trong “Star Wars”, giọng nam trầm của Darth Vader cũng được sử dụng để làm nổi bật sự quyền lực của nhân vật, còn Công chúa Leia và Nữ hoàng Amidala chỉ sử dụng nó khi họ tham gia vào các cuộc thảo luận chính trị. Trong tập “Hotel” của loạt phim “American Horror Story”, kẻ giết người hàng loạt James Patrick March và đồng phạm của hắn là Miss Evers cũng sử dụng giọng Xuyên Đại Tây Dương để giúp người xem biết họ là những người thuộc tầng lớp thượng lưu vào những năm 1920.
________________
Lược dịch từ: The Trans-Atlantic Accent: The Rise And Fall Of A Hollywood Trend trên trang ALTA
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ