phân tích
CITY LIGHTS (1931): ÁNH SÁNG NƠI PHỒN HOA
Người viết: Tâm Nguyên Abu
“Ngày mai, chim muông sẽ lại ca hát. Hãy có lòng can đảm để đối diện với cuộc đời.” – Charlie Chaplin
Nếu được hỏi đâu là bộ phim của Vua Hề Charlie Chaplin mà bạn tâm đắc nhất, tôi sẽ chẳng ngần ngại trả lời: “Đó là City Lights”. Đó là khúc ca yêu đời, là thứ ánh sáng vĩnh cửu của tình yêu, của lòng vị tha, của lòng nhân ái. Đó là tác phẩm vô giá mà dẫu ra đời cách đây đã gần 90 năm nhưng vẫn đủ sức làm lay động, làm thổn thức biết bao con tim qua những giá trị nhân đạo mà nó mang lại. Hôm nay là 131 năm ngày sinh của huyền thoại điện ảnh Charlie Chaplin (16/04/1889), và cũng là dịp thích hợp để ta quay ngược thời gian, trở về với City Lights, với ánh sáng phồn hoa đô thị.
City Lights là bộ phim câm thuộc thể loại hài lãng mạn do Charlie Chaplin viết kịch bản, đạo diễn, chịu trách nhiệm sản xuất và đóng vai chính. Bộ phim xoay quanh kẻ lang thang The Tramp – một hình tượng nhân vật quá đỗi kinh điển trong nền văn hoá đại chúng, với khuôn mặt trắng, bộ ria mép “nhỏ xinh”, chiếc mũ quả dưa, đôi giày siêu to khổng lồ và chiếc quần rộng thùng thình. Giống như tựa đề “City Lights”, bộ phim lấy bối cảnh chốn đô thị phồn hoa, và cũng tại nơi này, kẻ lang thang đã vô tình gặp một cô gái mù và đem lòng thương yêu nàng say đắm.
Có thể nói, City Lights là một câu chuyện tình vĩ đại với những giá trị cao cả không phai mờ theo năm tháng. Cái đẹp của bộ phim nằm chính ở lòng vị tha và sự hy sinh cao cả. Gã hề vô gia cư sau khi trúng tiếng sét ái tình với cô gái bán hoa, đã không quản ngại thời gian, công sức, sẵn sàng đi làm để kiếm tiền cho nàng chữa đôi mắt mù, để nàng được nhìn thấy ánh sáng ngày mai. Có lẽ, giữa kẻ lang thang và nàng mù đã hình thành nên một thứ tình cảm thiêng liêng, một thứ tình cảm cao đẹp, trong sáng và thuần khiết. Đó là tình yêu thương, là thứ ánh sáng vĩnh cửu sưởi ấm những trái tim cô đơn lạc lối giữa bão táp cuộc đời, là nguồn động lực mạnh mẽ giúp con người thêm lạc quan, thêm tin yêu vào cuộc sống.
Bên cạnh yếu tố lãng mạn, City Lights còn là một tác phẩm hài hước mang tính châm biếm sâu cay tới xã hội đương thời. Bộ phim đã khắc hoạ nên sự đối lập sâu sắc giữa giàu và nghèo, giữa vật chất và tinh thần, giữa hiện thực và hư trá. Một xã hội tư bản phô trương, giả tạo, phân hoá ẩn mình sau đô thị giàu sang ngập tràn ánh sáng, và theo chân kẻ lang thang, theo chuyến phiêu lưu dở khóc dở cười của chàng, chúng ta dần vén màn những góc khuất đằng sau cái xã hội ấy. Hình ảnh gã triệu phú giàu sang trong chiếc xe lộng lẫy, hình ảnh căn biệt thự bành trướng, xa hoa, hay những buổi tiệc tùng của giới thượng lưu với những quý ông, quý bà ăn vận chải chuốt, hoàn toàn đối lập với kẻ lang thang Charlot không chốn dung thân phải ngủ bên một bức tượng, với ngôi nhà lụp xụp của bà cháu cô gái mù, với những kẻ nghèo hèn phải dùng nắm đấm để mưu sinh. City Lights là một câu chuyện tình đẹp, nhưng buồn, bởi lẽ kẻ lang thang lẫn nàng mù đều đại diện cho đáy tầng xã hội, cho những con người nghèo khó bị chà đạp giữa một đô thị phù hoa, giữa một xã hội phô trương nơi đồng tiền chi phối tất cả.
Kẻ lang thang lọt thỏm giữa nơi phồn hoa, không tài sản, không nhà cửa, không bạc tiền. Thế nhưng, chàng vẫn giàu có hơn tất thảy những triệu phú ngoài kia, bởi chàng có một trái tim rộng mở, một tâm hồn thanh khiết giàu đức hy sinh và lòng vị tha. Dẫu bị cuộc đời chà đạp, vùi dập thê thảm đến nhường nào, kẻ lang thang ấy vẫn giữ vẹn nguyên tấm lòng nhân ái, vẫn ngẩng cao đầu mà bước đi trong niềm lạc quan và tin yêu vào tương lai phía trước. Có lẽ, chính chàng mới là thứ ánh sáng bất diệt nơi đô thị phồn hoa.
Chúng ta cười và khóc theo câu chuyện tình cảm động, để rồi khi bộ phim khép lại, những dư âm vẫn đủ sức làm lay động trái tim ta, vẫn đủ sức để khơi dậy trong ta những xúc cảm sâu lắng, cao đẹp. Bộ phim đã tiếp thêm cho ta nghị lực sống, tiếp thêm tinh thần lạc quan tươi sáng, tiếp thêm niềm tin yêu vào cuộc sống, vào tình người. Đó cũng chính là thứ ánh sáng toả rạng trong các tác phẩm của Vua Hề Charlie Chaplin. Chẳng cần những chiêu trò câu khách, chẳng cần những thứ kĩ xảo hoành tráng, công phu, phim của Chaplin dẫu cũ kĩ, thô sơ nhưng vẫn chạm đến lòng người theo cách rất riêng, rất mộc mạc, giản dị và gần gũi. Trong tâm trí chúng ta, kẻ lang thang vẫn cứ mãi vô tư, vẫn sống hết mình, vẫn thong dong tiến bước trong khúc ca yêu đời. Gã đã dạy cho chúng ta bài học sâu sắc rằng cuộc đời chẳng phải là một cuộc đua tàn khốc, một bể khổ đầy những buồn thương mà đơn thuần là một hành trình, một chuyến đi, một trải nghiệm mà đắng cay cũng có, ngọt bùi cũng nhiều. Ta hãy cười lên, hãy vô tư, hãy sống hết mình, bởi lẽ ngày mai, chim muông sẽ lại ca hát, ngày mai, cuộc đời sẽ lại thay đổi, ngày mai, ánh sáng vẫn sẽ chẳng lụi tàn.
.
Hôm nay, 16/04/2020, cũng là 131 năm ngày sinh huyền thoại Charlie Chaplin.
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ