phân tích
CUỘC CÁCH MẠNG METHOD ACTING CỦA “BỐ GIÀ”
Người viết: Tâm Nguyên Abu
Ai đã từng nói: ”Điện ảnh chia làm hai cột mốc, đó là trước và sau khi Marlon Brando xuất hiện.” Marlon Brando, không gì khác, chính là viên ngọc quý báu, là tài năng kiệt xuất, là ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Hollywood. Trên đời này có một, và chỉ một Marlon Brando. Hôm nay là 97 năm ngày sinh của Marlon Brando (3/4/1924) và cũng là dịp thích hợp để “quay ngược thời gian”, điểm lại một trong những tác phẩm vĩ đại nhất xuyên suốt sự nghiệp tài tử này. Đó là bộ phim A Streetcar Named Desire (tựa Việt: Chuyến tàu mang tên Dục Vọng).
A Streetcar Named Desire được chuyển thể từ vở kịch cùng tên của Tennessee Williams, do Elia Kazan đạo diễn. Câu chuyện bắt đầu khi Blanche Dubois (Vivien Leigh), sau cơn biến cố không chốn dung thân, phải đến “ăn nhờ ở đậu” nhà người em gái Stella Kowalski (Kim Hunter) và chồng Stella là Stanley Kowalski (Marlon Brando) tại New Orleans. Stanley không những không chào đón Blanche mà còn thù ghét cô sâu sắc, lo ngại sự hiện diện của cô sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến món tiền thừa kế và quyền lực của hắn. Về lâu dài, xung đột giữa Blanche và Stanley ngày một căng thẳng, gay gắt. Stanley dần khám phá ra quá khứ đen tối, tội lỗi của Blanche và tìm mọi cách đày đoạ, hành hạ Blanche cả về thể xác lẫn tinh thần…
Bộ phim mở ra với khung cảnh u ám, nặng nề với độc hai màu đen trắng, tại một khu lao động nghèo với khó bụi mù mịt cùng tiếng còi tàu inh ỏi hoà quyện trong âm thanh kèn saxophone da diết, khắc khoải và não nề. Sự hỗn tạp âm thanh, mặt khác, còn gợi ta nhớ đến thời đại Jazz huy hoàng của những năm 1920, và giữa khung cảnh ảm đạm ấy, quý bà Blanche Dubois hiện lên đầy yểu điệu, kiêu kì và lạc quẻ hoàn toàn với cái tồi tàn, nghèo đói xung quanh. Sự tương phản sâu sắc giữa người và cảnh vật chính là dụng ý của nhà làm phim, và cũng là điềm báo trước cho những mâu thuẫn, sóng gió và bi kịch Blanche sẽ phải hứng chịu. Về sau này, những xung đột của 3 nhân vật chính chủ yếu xảy ra trong căn hộ tởm lợm, chật chội, tồi tàn và nực nóng của hai vợ chồng Kowalski.
Bộ phim đã xây dựng sự tương phản sâu sắc giữa hai nhân vật là Blanche Dubois và Stanley Kowalski. Blanche Dubois – cái tên yểu điệu của nàng dường như đã nói lên tất cả. Blanche vốn xuất thân từ tầng lớp quý tộc, quen với cảnh ăn sung mặc sướng, để rồi đến khi biến cố ập đến, Blanche đã để mất căn biệt thự Bell Reve vào tay người khác. Từ một tiểu thư giàu có thành kẻ vô gia cư, từ tầng lớp thượng lưu quý tộc bỗng rơi xuống đáy xã hội, Blanche không cam tâm trước sự thật phũ phàng ấy mà luôn nuôi dưỡng trong tâm những ảo mộng hão huyền. Cả cuộc đời Blanche là những chuỗi ngày theo đuổi dục vọng. Blanche đã từng mồi chài rất nhiều gã đàn ông, thậm chí đã từng dan díu với học sinh của mình, tất cả chỉ để thoả mãn dục vọng và ham muốn. Blanche đã từng thú nhận với em gái Stella rằng cô bị ám ảnh bởi sự cô đơn và chính những dục vọng là cái phao cứu sinh, là thú vui để Blanche trốn tránh thực tại. Dù túng quẫn, nghèo khổ, nhưng Blanche vẫn khoác lên mình những bộ váy diêm dúa, vẫn giả bộ như mình còn rất trẻ trung, trong sáng, vẫn đeo chiếc mặt nạ quý tộc rởm đời. Dễ thấy, Blanche “tiểu thư” hoàn toàn đối lập với “con thú hoang vai u thịt bắp” Stanley Kowalski. Trái ngược với Blanche, Stanley được xây dựng với bản tính hạ lưu, bạo lực, cục súc và thô lỗ. Mọi hành động của Stanley, từ việc quát nạt, đánh đập vợ, hất đổ bàn ăn, ném radio ra cửa sổ,… đều thể hiện bản tính thú vật, sự độc đoán, gia trưởng và ham muốn vật chất, quyền lực tối cao của hắn trong căn nhà. Stella hoàn toàn bị u mê trước Stanley, trước sự hoang dại, nổi loạn của hắn, điều này thể hiện rõ trong một phân cảnh khi Stanley vừa đi làm trở về trong “tình trạng đẹp trai”, mặc áo ba lỗ, mồ hôi nhễ nhại, Stella đã không kìm được lòng mà lao đến ôm chầm lấy hắn (ừ thì công nhận đoạn này Brando đẹp trai phett). Tình yêu giữa Stella và Stanley chính là sự ham muốn về thể xác, là tình yêu giữa một kẻ đầy ham muốn, khao khát được yêu và một con thú vật. Cũng chính bởi điều này mà Blanche luôn cố kéo Stella ra khỏi sự u mê với Stanley và miệt thị hắn là một con “vượn người”. Stanley, mặt khác, lại ghét cay ghét đắng Blanche và cố thắt chặt mối quan hệ với vợ để tống khứ Blanche ra khỏi nhà. Stanley coi việc hành hạ, chà đạp lên Blanche là một thú vui tao nhã và tìm mọi cách để dập tắt mọi niềm vui, hi vọng của Blanche.
Blanche Dubois là vai diễn được đo ni đóng giày cho Vivien Leigh. Ở tuổi 38, Vivien dẫu không còn lộng lẫy như thuở hoá thân thành nàng Scarlett năm xưa, nhưng thôi chị vẫn đẹp lắm. Với lối diễn xuất truyền thống, đậm tính “kịch” với biểu cảm đa dạng, Vivien đã lột tả một Blanche tiểu thư đầy tinh tế, yểu điệu, mong manh, mang nặng nỗi ám ảnh về dục vọng và quá khứ tội lỗi. Vivien quả thực rất xuất sắc, nhưng công bằng mà nói, Marlon Brando mới là ngôi sao thực sự của bộ phim. Trái ngược với “tiền bối” Vivien Leigh, Brando đã không “diễn” mà thực sự “xuất hồn” vào nhân vật. Ai đã từng xem A Streetcar Named Desire hẳn sẽ chẳng thể nào quên tiếng gào thét man dại như xé toạc cả đất trời của Stanley: “Hey Stellaaaaaa!!!” Xem phim mà ta có cảm giác như được chiêm ngưỡng một Stanley Kowalski bằng xương bằng thịt với mọi lời nói, hành động dứt khoát, chân thực mang đậm cái “thú tính” đặc trưng của hắn. Người ta không tin là anh đang diễn, có khi còn mụ mị tin rằng Brando chính là Stanley. Đáng nói, Marlon Brando là người có lợi thế về ngoại hình. Brando tuổi 25 toát lên sự trẻ trung, nam tính, toát lên cái bản tính hoang dại đầy nguyên thuỷ rực cháy, sự nổi loạn, ngang tàng ẩn sâu trong gương mặt điển trai và cơ thể cuồn cuộn vạm vỡ. Vẻ đẹp của Brando lúc bấy giờ hoàn toàn đi ngược nét chuẩn mực, lịch lãm của các quý ông, của “Rhett Butler” Clark Gable, của chàng trai “Casablanca” Humphrey Bogart hay của “anh phóng viên” Gregory Peck. Brando đã thổi cho nền điện ảnh một làn gió mới, và dựng xây một biểu tượng về vẻ đẹp nam tính cho chính bản thân mình: hoang dã, quyến rũ, nổi loạn và nguyên thuỷ. Stanley Kowalski quả là dấu mốc đáng nhớ trong sự nghiệp của Marlon Brando, và dù có trượt tượng vàng Oscar vào tay tài tử Humphrey Bogart thì vai diễn Stanley cũng đã tạo nên một cuộc cách mạng diễn xuất tại Hollywood mang tên METHOD ACTING. Kinh ngạc hơn cả là đây là một trong những bộ phim thời kỳ đầu sự nghiệp của Brando. Tài tử Humphrey Bogart về sau đã nhận xét về tài năng của Brando: ”Anh chàng này (Brando) sẽ làm Hamlet trong khi tất cả chúng ta đi bán khoai tây.” Một “hậu bối” của Marlon Brando – huyền thoại điện ảnh Jack Nicholson đã từng nói vui: “Chỉ khi nào Marlon Brando chết đi thì những kẻ khác mới có cơ hội ngóc đầu dậy.”
Cuộc cách mạng Method Acting của Marlon Brando đã tạo nên một làn sóng mới cho nền điện ảnh Hollywood. Những “truyền nhân” vĩ đại nhất của Brando – những người đã kế thừa và phát huy Method Acting cho đến tận ngày nay có thể kể đến là Robert De Niro, Al Pacino và Jack Nicholson. Không biết vì lí do gì mà những vai diễn của Brando có nét tương đồng với con người của ông ngoài đời thực. Brando là một gã trai hoang dại, là một kẻ nổi loạn, phá cách đằng sau vai diễn Stanley Kowalski, là tên ngổ ngáo nhưng dễ tổn thương, nỗ lực tìm kiếm bản ngã như Terry Malloy, và đặc biệt là Bố Già, là kẻ dành cả một đời trong súng đạn, trong hiểm nguy và tranh đấu để chở che bảo vệ gia đình, nhưng rồi rút cục gia đình lại là thứ đầu tiên để vuột mất. Cuộc đời của Marlon Brando là những chuỗi ngày bi kịch và buồn khổ. Thiếu vắng đi tình yêu thực sự của cả mẹ lẫn cha, những cuộc tình chớp nhoáng, hôn nhân đổ vỡ, người con trai Christian Brando đi tù vì tội giết người và đau đớn hơn cả là người con gái Cheyenne mà Brando hết mực thương yêu bị trầm cảm và tự sát,… cuộc đời Brando đầy thăng trầm, đỉnh cao chói lọi cũng có mà vực sâu tận cùng thì cũng đầy bi thảm. Tính cách ngổ ngáo, bốc đồng, nóng nảy đã kéo ông vào nhiều rắc rối (nghe đâu từng nện vỡ hàm một tay phóng viên). Phốt của Brando trong suốt sự nghiệp thì dài như sớ. Có lần tớ đã thất vọng và tổn thương sâu sắc khi đọc những lời chia sẻ của nữ diễn viên Maria Schneider về Brando. Những năm tháng cuối đời ông sống ẩn dật trong nghèo túng và bệnh tật. Ngày 1/7/2004, huyền thoại điện ảnh Marlon Brando vĩnh viễn ra đi ở tuổi 80 do mắc một loạt vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng như béo phì, tiểu đường, viêm phổi, suy tim và ung thư gan.
Điện ảnh có được như ngày hôm nay có lẽ một phần là nhờ cuộc cách mạng method acting của Bố Già. Method acting của Bố Già đã góp phần rũ bỏ dần tính “kịch” trong diễn xuất và mang đến một nền điện ảnh đề cao tính chân thực như ngày nay. Dẫu thời gian có trôi qua thì Marlon Brando đã khắc tên mình vào lịch sử và hoá vào cõi bất biến vĩnh hằng. Brando mãi là gã trai hoang dại, là kẻ nổi loạn của Hollywood, là Stanley Kowalski ngổ ngáo, là Terry Malloy khát khao kiếm tìm bản ngã, là Bố Già Corleone trải đời và thương yêu, trân trọng gia đình. Trên tất cả, Brando chính là Brando, là bậc thầy của Method Acting, là người đã cống hiến cho điện ảnh những tinh hoa tinh tuý, những kiệt tác bất hủ. Khoảnh khắc tiếng thét “Heyyyyy Stellaaaaa” được cất lên như xé toạc cả đất trời, ấy chính là lúc điện ảnh bước sang một trang mới, một thời kì lịch sử huy hoàng.
Chúc mừng 97 năm ngày sinh của một huyền thoại.
(3/4/1924 - 3/4/2021)
Ủng hộ All About Movies
Đóng góp cho các tay viết của AMO
hàng tháng
chỉ từ 10K VNĐ